Đăng Ký Học
Ngày 07/04/2020 22:51:02, lượt xem: 4580
KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG “VỢ CHỒNG A PHỦ”
“Vợ chồng A Phủ” là một khúc bi ca về số phận con người trong xã hội cũ. Hình tượng nhân vật đau khổ nhất nhưng cũng đẹp nhất là những con người đi từ bóng tối đến ánh sáng tìm hạnh phúc cho mình. Trong “Vợ chồng A Phủ”, tác giả không chỉ miêu tả thành công những diễn biến tâm lí nhân vật, bên cạnh đó, ý đồ tạo dựng không gian nghệ thuật mang tính biểu tượng đóng góp không nhỏ trong việc thể hiện tình cảm, thái độ và quan niệm của Tô Hoài về cuộc sống.
GS. Trần Đình Sử khẳng định “Không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào không có một nền cảnh nào đó”, bởi thế, Tô Hoài xây dựng một ngoại cảnh đầy dụng ý nghệ thuật để đặt các nhân vật vào trong đó đã giúp tác phẩm của ông có thêm những ý nghĩa phong phú và sâu sắc:
1. Những không gian đối nghịch
Trong “Vợ chồng A Phủ”, những không gian đối nghịch được tạo dựng xuyên suốt tác phẩm, khi trực tiếp, khi gián tiếp. Nó không đơn thuần là sự xác định nơi chốn, bối cảnh bao chứa nhân vật mà từ những khung cảnh hiện thực ấy, trở thành những kí hiệu đặc biệt bộc lộ tâm trạng, số phận và cả những lựa chọn đầy đau đớn của hai nhân vật chính Mị và A Phủ.
Ở hướng thứ nhất khi xây dựng những không gian đối nghịch, Tô Hoài chủ yếu hướng vào hai nhân vật chính của truyện, bởi thế, không gian ở đây mang tính cá nhân nhưng cũng không vì thế mà giảm đi ý nghĩa khái quát của tác phẩm. Số phận của Mị và A Phủ khi còn ở Hồng Ngài là số phận đau khổ của những con người chịu cảnh nô lệ, áp bức. Những phác họa đầu tiên về Mị là sự miêu tả thân phân, vẻ mặt buồn rười rượi lúc nào cũng cúi. Từ đó lí giải ngày một tường minh hơn, ngày một xót xa và đỉnh điểm của những nỗi đau ấy chính là việc tác giả xây dựng một biểu tượng lỗ vuông trong không gian sống của Mị. Thế giới trong này là tù ngục và thế giới ngoài kia là tự do.
Cũng tương tự như mô hình “Nhà tù hình tròn” (The Panoption) Foucault (dẫn lại ý tưởng của Jeremy Bentham), cho rằng không gian được kiến tạo như một kí hiệu của quyền lực, nó phân định, sắp đặt và áp chế lên chính con người. Ở trong không gian đó, Mị ngồi trông ra chỉ thấy mờ mờ, trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Con người đã ở vào thế cô độc đến rệu rã tinh thần. Mị không biết khổ vì bị cái đau khổ làm mất hết cảm nhận khi kéo dài quá lâu sự chịu đựng. Từ một người con gái hiếu thảo không dám tự tử vì sợ gánh nặng nợ dần dồn lên vai người cha, Mị trở thành một con người vô cảm trước nỗi bất hạnh của đời người. Sức tố cáo của tác phẩm vì thế mạnh mẽ hơn bao giờ hết bởi từ nỗi đau đến cùng cực mà con người bị tiêu diệt luôn cả khát vọng sống dù chính đáng.
Cũng là sự đối nghịch không gian, một lỗ vuông nhỏ giúp người đọc thấy hết được sự tù ngục về cả tinh thần lẫn thể xác của Mị thì hình ảnh xó nhà là ấn tượng mạnh đầu tiên khi khắc họa nhân vật A Phủ.
Cuộc xử kiện lạ lùng mà nhân vật chính quỳ ở xó nhà chứng kiến mấy chục tên chức việc tham gia bữa tiệc thuốc phiện thâu đêm suốt sáng tại nhà thống lí Pá Tra. Nếu như Mị không có ý dịnh phản kháng bởi đã chai sạn trong tâm hồn, ý thức thì A Phủ cũng không có được cái quyền tự bào chữa cho mình. Anh im như tượng đá khi chứng kiến tất thảy, kể cả sau này khi tự tay đóng cọc trói mình vì lỡ để hổ ăn thịt con bò nhà Thống lí.
2. Những không gian tương hỗ
Khi xây dựng tâm lí, số phận nhân vật, Tô Hoài đặt họ vào những không gian nhỏ hẹp, lỗ vuông, xó nhà…từ đó làm nổi bật lên sự đối nghịch của cuộc sống tù đày nô lệ với những khát khao thầm kín về tự do. Ở hướng thứ hai, tác giả tạo dựng những không gian tương hỗ nhau về cả hình thức biểu đạt lẫn ý nghĩa truyền tải.
Xuất hiện từ đầu tới cuối tác phẩm là những không gian rộng lớn gắn với lao động con người: Mị lên núi hái thuốc phiện, đi nương bẻ bắp; A Phủ dẫn bò ngựa đi nương ăn, ngủ lại ở trong rừng; những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, Mị thường ra thổi lửa hơ tay…
Tất cả những không gian ấy đều gắn với sự khó nhọc, vất vả như trâu ngựa của số phận con người. Con người nhỏ bé và đơn độc trong cái tập hợp rộng lớn xung quanh. Sự khoáng đạt của không gian không làm cho con người hòa mình vào đó mà lại càng chia tách, nhấn mạnh sự lầm lũi, khổ đau. Đến cuối tác phẩm, sau hành trình Mị và A Phủ vừa chạy vừa lăn tới dốc núi, hai người đã vượt đến Phiềng Sa sau ròn rã hơn một tháng. ở không gian xa đó, một cuộc sống mới được tạo lập. Iu.Lốtman cho rằng, “muốn trở thành cao cả thì không gian không chỉ cần bao la (hoặc vô bờ bến) mà phải có phương hướng và con người ở trong đó cũng phải vận động về cùng một mục đích. Không gian ấy phải trở thành con đường”. Đối lập với cuộc sống tù túng giam hãm chật chội kia là một không gian bao la, không gian của cuộc sống tự do được tranh đấu.
Ở đây, những sự đối nghịch gắn với số phận cá nhân không còn nữa mà là một không gian tương hỗ với nhau để nói lên số phận chung của cả dân tộc: hành trình đi từ nô lệ đến tự do, đi từ bóng tối đến ánh sáng cũng chính là con đường mà dân tộc ta đã chọn lựa và đấu tranh có được trong suốt bao nhiêu năm. Từ đó, hạnh phúc được mở ra, dù chỉ đnag là một con đường đầy hứng khởi và hi vọng.
Nếu tác phẩm văn chương là sự cảm nhận thế giới và con người, thì thời gian, không gian chính là hình thức để con người cảm nhận chúng. Mỗi tác phẩm đều có không gian của nó nhưng để tạo nên hiệu quả nghệ thuật thì không phải nhà văn nào cũng thành công. Tô Hoài với “Vợ chồng A Phủ” không chỉ gây ấn tượng mạnh trong cách xây dựng tâm lí nhân vật mà còn ở cách tạo dựng những không gian. Con người đi từ không gian của áp bức đến không gian của tự do. Tác giả đã thể hiện tinh thần nhan văn sâu sắc và thái độ quyết liệt trong hành trình đưa nhân vật của mình nhận đường, rồi tìm lại khát vọng sống, khát vọng yêu và khát vọng tự do.
- TS. Đỗ Thị Thu Huyền -
#thichvanhoc trích dẫn
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn 🍀
Tin liên quan