Đăng Ký Học
Ngày 13/12/2021 18:42:26, lượt xem: 1834
“Con thích gì nào?”. Thỉnh thoảng trong tư duy chiều chuộng các con, bố mẹ tôi thường buông ra một câu hỏi kiểu như vậy. Khi ấy tôi sẽ làm bộ suy nghĩ. Có lúc tôi sẽ bảo thích cái xe ô tô, thích con búp bê có bộ đồ trang điểm hoặc là đi công viên, hoặc là đi sở thú… Nhưng rồi bỗng một ngày, vẫn câu hỏi cũ kỹ ấy, tôi hồn nhiên đáp lại: “Con thích được về quê chơi hè như các bạn con”.
Hà Nội đang mưa rầu rĩ sau những ngày thu se lạnh trong xao xác heo may. Một ngày cuối thu, trong mùa covid và giãn cách xã hội, đất trời mưa lạnh cũng như buồn hơn, ảm đạm hơn. Hôm nay tôi nhớ bà. Tuổi thơ của tôi luôn gắn liền với bà nội! Khi tôi sinh ra thì ông nội đã mất từ lâu, ông bà ngoại cũng mất. Tôi chỉ được biết và sống cùng bà nội thôi! Chợt nhớ da diết những ký ức xa xưa về bà nội của tôi, những ký ức của một thời tuổi thơ trong sáng và đẹp đẽ.
Tôi yêu quê nội, yêu bến sông quê nơi con sông đào quanh năm nước trong xanh mát rượi, ở nơi đó hầu như trưa hè oi ả nào chúng tôi chẳng ra đó tắm. Tôi biết bơi và bơi thạo cũng từ bến sông ấy khi những đứa trẻ trong xóm thấy tôi không biết bơi đã dạy cách cho chuồn chuồn cắn rốn, trước khi lội xuống nước. Tôi cũng không thể lý giải nổi cái trò bắt con chuồn chuồn cắn rốn mà sao lại có thể biết bơi, nhưng quả thật là sau cái buổi cho con chuồn chuồn ớt cắn rốn đau điếng là tôi biết bơi, dẫu chưa bơi ra xa được.
Rồi thì, mỗi khi chuẩn bị đến ngày được trở về với nội là bao giờ tôi cũng nôn nao mong ngóng với niềm vui khôn tả. Mà cũng đúng thôi, được về quê, được thỏa thích chơi, có nhiều bạn bè thì chẳng khác nào con chim được xổ khỏi chiếc lồng gò bó, khi mà ở thành phố, dẫu gì cha mẹ cũng quản lý rất chặt, rất nghiêm khắc, trong khi sống cạnh ngoại luôn được ngoại cưng chiều hết mức. Những cánh đồng bất tận, cứ mỗi buổi chiều nội tôi thường đi cắt cỏ, tôi lẽo đẽo theo sau, hốt cỏ vào túi cho nội, vui biết bao khi thấy những bờ cỏ xanh tươi, lũ bò khoái khẩu khi thấy nội tôi mang những túi cỏ đầy ắp, tươi ngon về. Dường như chúng cũng cảm nhận được tình yêu thương mà nội dành cho tụi nó. Tuổi thơ của tôi trôi qua như vậy đó, bình yên vả đẹp biết bao. Nhớ những lúc cùng bọn trẻ trong làng ngồi đốt rơm, nướng khoai ngoài đồng. Làm tóc tôi khét cháy hoe vàng, vậy mà bà nội cứ hít hà cháu của bà thơm quá. Những tiếng gọi nhau í ới, câu hát đồng dao quen thuộc, chùm trái cây dại tòn ten, đã dắt tôi qua những tháng ngày cơ cực đầy ắp niềm thương mến, để khi lớn hơn chút, ta vẫn tiếc hoài năm tháng tuổi thơ. Có lẽ chẳng bao giờ tôi có thể quên được những buổi theo nội đi chợ phiên bên làng, hay cảm giác ngồi ngóng đợi nội đi chợ về để được ăn bao nhiêu là thứ quà quê bình dị nhưng ngon vô cùng. Còn nữa, trong vườn nhà nội luôn có rất nhiều loại trái cây với mùa nào thức nấy và khi có trái chín mà thích ăn thì chỉ cần leo tót lên cây hái, hoặc cầm cây sào chọc rơi xuống là có thể ăn ngon lành...
ĐỌC THÊM Khi nhà thơ tỏ tình
Đến đây tôi lại nhớ đến một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của Bằng Việt mà chúng ta đang được học ở lớp 9: “Bếp lửa”
Trong cuộc đời, ai cũng có riêng cho mình những kỉ niệm của một thời ấu thơ hồn nhiên, trong sáng. Những kỉ niệm ấy là những điều thiêng liêng nhất, nó có sức mạnh phi thường nâng đỡ con người suốt hành trình dài và rộng của cuộc đời. Bằng Việt cũng có riêng một kỉ niệm, đó chính là kỉ niệm về những tháng năm sống bên bà trong kháng chiến trường kì của dân tộc, cùng bà nhóm lên cái bếp lửa thân thương:
"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa."
Bếp lửa được thắp lên, nó hắt ánh sáng lên mọi vật, mang lại sự lan tỏa ấm áp trong tâm hồn đứa cháu thơ ngây. Bếp lửa được thắp lên cũng là bếp lửa của cuộc đời bà, một cuộc đời đã trải qua đã trải qua “biết mấy nắng mưa”. Dù đã cách xa nửa vòng trái đất nhưng dường như Bằng Việt vẫn cảm nhận được sự vỗ về, yêu thương, chăm chút từ đôi tay kiên nhẫn và khéo léo của bà. Trong cái khoảnh khắc ấy, trong lòng nhà thơ lại trào dâng một tình yêu thương bà vô hạn. Tình cảm bà cháu thiêng liêng ấy cứ như con thuyền nhỏ chở đầy ắp những kỉ niệm trên dòng sông tuổi thơ êm đềm mà suốt cuộc đời này người cháu không bao giờ quên được. Nếu như đối với mỗi chúng ta, cha sẽ là cánh chim để nâng ước mơ của con vào một khung trời mới, mẹ sẽ là cành hoa tươi thắm nhất để con cài lên ngực áo thì đối với Bằng Việt, người bà vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là cánh chim, là một cành hoa của riêng nhà thơ. Cho nên, tình bà cháu là vô cùng thiêng liêng và quý giá đối với ông. Trong những tháng năm sống bên cạnh bà, bà không chỉ chăm lo cho cháu từng miếng ăn, giấc ngủ mà còn là người thầy đầu tiên của cháu. Bà dạy cho cháu những chữ cái, những phép tính đầu tiên. Không chỉ thế, bà còn dạy cháu những bài học quý giá về cách sống, đạo làm người. Những bài học đó sẽ là hành trang mang theo suốt quãng đời còn lại của cháu. Bà và bếp lửa là chỗ dựa tinh thần, là sự chăm chút, đùm bọc dành cho cháu. Hơi ấm của bếp lửa ấy lại gợi thêm những kỉ niệm về một thời đầy vất vả, đau thương. Hình ảnh bà già nua, nhỏ bé nơi làng quê hoang tàn trong khói lửa chiến tranh vẫn không một lời kêu ca, phàn nàn khiến biết bao con tim chúng ta cảm phục. Đặc biệt, lời dặn cháu đã làm ngời sáng vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ giàu lòng vị tha, giàu đức hi sinh, cả đời vì con vì cháu. Cho nên mỗi khi nghĩ về bà, nhà thơ càng thương bà hơn vì cháu đã đi rồi, bà sẽ ở với ai, ai sẽ cùng bà nhóm lửa, ai sẽ cùng bà chia sẻ những câu chuyện những ngày ở Huế…
Xa vòng tay chăm chút của bà để đến với chân trời mới, đến với ước mơ tìm kiếm nguồn tri thức vô biên để xây dựng đất nước. Chính tình cảm giữa hai bà cháu đã sưởi ấm lòng tác giả trong cái mùa đông lạnh giá, đơn côi của nước Nga. Đứa cháu nhỏ của bà ngày xưa giờ đã trưởng thành nhưng trong lòng vẫn nhớ về góc bếp, nơi nắng mưa hai bà cháu có nhau. Đứa cháu sẽ không bao giờ quên và chẳng thể nào quên được vì đó chính là nguồn cội, là nơi mà tuổi thơ của đứa cháu đã được nuôi dưỡng để lớn lên từ đó.
Tuy tôi không sinh ra trong thời lửa đạn, cuộc sống cũng không đến mức phải vất vả như hai bà cháu trong câu chuyện trên nhưng tận sâu trong trái tim tôi, tôi cảm nhận được một sự đồng điệu nào đó, nó giống như sợi dây kết nối giữa những người cháu với nhau khi nhớ về bà của mình.
Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được những người thân tuyệt vời nhất trên thế gian này. Tôi đã nghe một câu nói: “thời gian có thể chữa lành những vết thương, chỉ có kỷ niệm, hồi ức chẳng thể xóa nhòa”. Những kỷ niệm tươi đẹp cùng nội tôi sẽ là động lực cho tôi vươn lên, là tuổi thơ tươi đẹp nhất mà tôi không bao giờ quên. Và tôi muốn nói rằng: “cháu yêu bà nhiều lắm”.
Mấy hôm nay trời không mưa, có nắng nhưng vẫn hơi lạnh. Mùa đông sắp đến. Mùa Tết nữa, lại một mùa Tết nội một mình ngồi têm trầu. Bụi trầu một góc sân nay có nắng, bao nhiêu năm rồi vẫn xanh mướt và thơm lừng hương nội.
Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7 – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.
Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên
Tin liên quan