Những đứa con xa cha, khi đọc chiếc lược ngà

Ngày 02/12/2021 17:55:00, lượt xem: 2713

Khoảng cách luôn là một điều gì đó làm cho con người ta cảm thấy buồn nhất. Khi bạn đang phải đối mặt với những khó khăn về vật chất lẫn tinh thần, những bon chen, xô bồ trong xã hội, bạn cần lắm được trở về nhà, nép vào lòng mẹ, tựa vào vai cha để thấy rằng, bạn không cô đơn giữa cuộc đời này. Nhưng đâu phải ai cũng có được may mắn, trở về là được ôm chầm lấy ba mẹ, ăn bữa cơm sum vầy trong sự hạnh phúc…. Đó… là tất cả niềm mong ước của tôi. Bởi vì… tôi đã xa cha quá lâu rồi!

 

 

Hồi nhỏ tôi đã thèm biết bao khi thấy đứa trẻ hàng xóm mỗi chiều chạy ào ra cổng đón cha, rồi được cha nhấc bổng lên ngồi chễm chệ trên vai. Tôi thèm được cha cõng đi chơi, thèm có người để vòi vĩnh mua bóng bay, mua kẹo. Cảm giác đó, đã rất lâu rồi tôi chưa được “sống” lại.

Và rồi khi đi học ở trên lớp, trái tim tôi dường như quặn thắt lại khi học xong đoạn trích “Chiếc lược ngà”. Giá mà…. cha mãi ở cạnh tôi!

Nếu “Thời xa vắng” là một bi kịch với sự áp đặt và ép buộc của cha mẹ qua giọng văn Lê Lựu hay Ma Văn Kháng tái họa bức tranh cuộc sống thiếu thốn khó nhọc nhưng đầy ắp tình bà cháu trong Côi cút cảnh đời thì “Chiếc lược ngà” lại luyến tiếc về một thời quá vãng, không thể quay lại để bù đắp và chữa lành.

Câu chuyện về anh Sáu, người chiến sĩ vì chiến tranh mà đã xa nhà tám năm bây giờ mới có dịp về quê thăm con mình là bé Thu. Lúc anh lên đường thì đứa bé mới một tuổi, mỗi lần vợ đến quân doanh không thể dẫn theo con vì sợ nguy hiểm nên anh Sáu chỉ có thể nhìn Thu qua tấm ảnh cũ.

Đỉnh điểm của sự khổ tâm trong anh Sáu là con bé không nhận anh. Vì sao? Vì vết thẹo. Vết thẹo đó do chiến tranh gây ra. Bà ngoại bé Thu kể cho nó nghe tội ác của bọn giặc tây ở đầu làng. Để nó thấy rằng chính chiến tranh, chính tội ác của chiến tranh đã làm cho ba nó như vậy. Vậy rõ ràng rằng chiến tranh có vai trò then chốt tạo nên sự éo le cho tình huống truyện . Câu nói của bà ngoại bé Thu cũng gợi cho ta những suy nghĩ về tội ác của chiến tranh. Đâu phải chỉ mình anh Sáu bị như vậy, đâu phải chỉ có mỗi tình phụ tử này bị chia cắt, mà đã có biết bao nhiêu tội ác như vậy do chiến tranh gây ra. Rõ ràng yếu tố chiến tranh ở đây là không hề thay thế.

 

ĐỌC THÊM NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | CẢM NHẬN NHÂN VẬT BÉ THU TRONG "CHIẾC LƯỢC NGÀ" (NGUYỄN QUANG SÁNG)

 

Và rồi tình phụ tử thiêng liêng trỗi dậy, cha con nhận ra nhau. Nhưng cũng một lần nữa chiến tranh lại chia cắt. Người đồng đội đi cùng có ý muốn anh ở lại vài ngày, nhưng do chiến tranh, phải nhận nhiệm vụ với tổ quốc mà anh phải dứt áo ra đi. Nghĩa vụ thiêng liêng ấy cũng bắt nguồn từ tình yêu gia đình quê hương (có cả yêu thương con). Thử hỏi có nhiệm vụ nào quan trọng hơn được điều lớn lao ấy. Rõ ràng một lần nữa chiến tranh lại là nguyên nhân chia cắt tình phụ tử thiêng liêng này.

Khi trở lại chiến trường mang theo nỗi nhớ con. Anh giữ lời hứa với con là sẽ làm cho con chiếc lược. Anh luôn mang theo nó bên mình, thường chải lên đầu cho vơi bớt nỗi nhớ con và mong chờ ngày đoàn tụ. Nhưng rồi chiến tranh lại cướp đi cái mong ước nhỏ nhoi ấy. Anh hy sinh, trong giờ phút cuối cùng, anh dùng chút sức lực còn lại nhờ anh Ba trao lại cho con cây lược. Chiến tranh có thể cướp đi mạng sống của anh chứ không thể cướp đi được tình yêu thương của anh dành cho con. Người đọc nghẹn ngào trước nỗi đau ấy và lên án sự tàn ác của chiến tranh. Chiến tranh gieo giắc trong anh Sáu nỗi nhớ con và giờ đây nó cướp đi cuộc sống của anh cùng tình yêu thương con tha thiết.

Điều đọng lại sâu sắc nhất trong lòng người sau khi đọc xong tác phẩm chính là sự cảm động về tình cha con thiêng liêng, bất diệt. Nhưng người đọc cũng không thể quên được những nỗi đau mà chiến tranh đã gây ra, từ đó trong họ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời và thái độ sống. Đó là ý nghĩa nhân văn mà mỗi tác phẩm mang lại.

Khi tôi viết những dòng chữ này, tôi nghĩ về quá khứ. Những năm tôi lớn lên, là những năm rất diệu kỳ của tôi và cha mình. Những kỷ niệm chợt ùa về trong tôi ... Tôi biết dẫu bận rộn vô cùng, nhưng cha luôn dành thời gian chăm sóc con khi tôi cần. Nhưng khoảng thời gian tôi ở cạnh cha lại quá ngắn ngủi. Đã gần tám năm rồi tôi không còn được gặp ông ấy. Suốt khoảng thời gian cha mẹ tôi xa nhau đến giờ, tôi chưa bao giờ nói “Con thương cha”. Có thể cha tôi cho đó là tự nhiên vì con gái chẳng bao giờ chú ý đến những gì cha làm cho con hay rất nhiều thứ cha đã hy sinh cho con. Nhưng không cha ạ! Có thể tôi luôn im lặng, luôn luôn tỏ ra không quan tâm mọi thứ, không hề nói một lời cảm ơn dành tặng cha nhưng giờ đây tôi đã lớn, và tôi hiểu được rằng tất cả những gì cha làm là muốn tốt cho tôi, muốn dành trọn những gì tốt lành nhất cho cô con gái bé bỏng của mình.

Tôi tin trong muôn ngàn vạn người, những dòng tâm sự này cha tôi sẽ đọc được và nhớ đến tôi vì giọt máu chảy trong tôi là của cha, vì cha là cha của tôi. Dù không thể trách, không thể giận, chỉ có thể buồn, không thể khóc, chỉ có thể quên nhưng con vẫn cảm ơn vì cha đã tạo ra con. Cảm ơn vì nhờ có cha con mới được có mặt trên cõi đời này:

“Lâu lắm rồi con chẳng viết về cha

Bởi mỗi lần viết ra con lại khóc

Nhưng chẳng thể đưa vần thơ…người đọc

Chỉ ước mong gánh khó nhọc thay cha…”

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7  – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.

Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan