Đăng Ký Học
Ngày 23/03/2022 09:48:23, lượt xem: 7417
“Nếu là con chim, chiếc lá,
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả,
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.”
(Tố Hữu)
Tố Hữu - nhà thơ cùng quê hương xứ Huế với Thanh Hải - đã viết trong bài “Một khúc ca xuân” những lời tâm niệm thật chân thành, giản dị và tha thiết. Đó là “lặng lẽ dâng cho đời”. Còn Thanh Hải, với “Mùa xuân nho nhỏ”, đây là bài thơ chứa đựng lí tưởng cống hiến, khát vọng đóng góp và trở thành người có ích của tác giả Thanh Hải, dù nằm trên giường bệnh nhưng ông luôn lạc quan, khát khao sống và cống hiến cho cuộc đời và đất nước, thể hiện qua hai khổ thơ tựa như một lời cam kết về lẽ sống cao đẹp của nhà thơ.
Thanh Hải, một trong những nhà thơ thân yêu nhất của xứ Huế và cũng là nhà thơ để nhiều kỷ niệm ấn tượng về thơ trong bạn đọc. Đó là một nhà thơ lấy lý tưởng và tình yêu đi vào cuộc dấn thân cho cách mạng. Nhân dân Huế làm sao quên được hình ảnh Thanh Hải một nhà thơ luôn có mặt trong lửa đạn với kẻ thù vào những năm Huế giành từng thước đất trước mũi súng, trước xe tăng giặc. Vào những năm 1979-1980, tại Việt Nam xuất hiện làn sóng di tản ồ ạt đi tìm miền đất hứa, những người ra đi bỏ quê hương xứ sở đánh đổi cả số phận mình trên những chiếc thuyền mà trước biển cả chỉ nhỏ nhoi như những vỏ trấu. Đấy cũng là thời điểm “Mùa xuân nho nhỏ” ra đời. Thanh Hải viết bài thơ này trên giường bệnh. Giữa giây phút giao thoa của đất trời đón mùa xuân, và trong thời khắc giữa cái sống và cái chết cận kề, tiếng thơ vang lên như lời tự bạch chân thành với những tâm niệm đầy tính nhân văn về lẽ sống và đời thơ và thông điệp: hãy hiến dâng cho Tổ quốc. Thanh Hải đã vĩnh viễn ra đi ngay sau đó nhưng ông đã kịp dâng đời “Một mùa xuân nho nhỏ”.
Mở đầu bài thơ, tác giả Thanh Hải đã khắc họa hình ảnh mùa xuân của thiên nhiên, đất trời. Ngồi bên cửa sổ phòng bệnh, màu biếc của hoa đang nhú bên ngoài và vài tiếng chim bất chợt cứ gợn trong mắt, bên tai nhà thơ. Rồi cùng một lúc như ảo ảnh sóng xanh, hoa tím, tiếng chim… thành giọt long lanh trong bàn tay xám ngắt của nhà thơ, cùng những câu thơ được tượng hình: “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi! Con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng…”. Bức tranh xuân được gợi ra bằng những nét vẽ chấm phá mà giàu sức gợi cảm bằng một lối tả tinh tế, độc đáo. Bằng nghệ thuật đảo từ “mọc” lên đầu câu, nhà thơ đã gợi ra cái động trong cái tĩnh – đó là cái động của sức sống đang trỗi dậy, đang vươn lên của sự sống trong mùa xuân. Từng hình ảnh trong bức tranh xuân đều thật giản dị, quen thuộc, là “bông hoa”, “dòng sông”, “chim chiền chiện”. Để làm nổi bật khí sắc của mùa xuân, ngòi bút Thanh Hải cũng đã khéo léo và tinh tế trong nghệ thuật phối màu bằng thơ, tạo sự hài hòa và tươi tắn: “dòng sông xanh”, “bông hoa tím biếc”. Tuy sắc xanh, sắc tím đều thuộc gam màu lạnh để gợi cái thanh nhẹ, dịu dàng, sâu lắng rất riêng, song chữ “biếc” trong từ “tím biếc” đã khiến bức tranh xuân tươi sáng hơn lên. Ta có thể hình dung trên nền xanh mênh mông và tĩnh lặng của dòng sông xuân, sắc tím biếc của bông hoa ánh lên một vẻ đẹp đầy quyến rũ để làm xao động cảm xúc trong những tâm hồn mơ mộng. Sắc xanh là màu sắc của mùa xuân. Sắc tím lại rất đặc trưng cho cảnh và hồn riêng của xứ Huế. Dường như, ngay từ phát hiện đầu tiên Thanh Hải đã bộc lộ một đôi mắt và một tâm hồn Huế dịu dàng, sâu lắng. Để đến khi tiếng chim vang lên thì tâm hồn ấy đã bộc lộ thêm cả độ thiết tha:
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời?
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Tiếng gọi “Ơi con chim chiền chiện” cùng câu hỏi tu từ “hót chi mà vang trời” đã nhân hóa hình tượng chim chiền chiện để nhà thơ có thể cất tiếng gọi trìu mến, yêu thương, gắn bó sâu nặng. Lời thơ giản dị, tự nhiên như lời nói thường ngày mà thật đậm giàu cả nhạc cảm và thi cảm. Có lẽ đó chính là lí do vì sao khi vừa đọc bài thơ, nhạc sĩ Trần Hoàn đã có thể lập tức hình thành giai điệu để bài hát “Mùa xuân nho nhỏ” ra đời. Hình ảnh “giọt long lanh” rất độc đáo, có thể hiểu là giọt sương, giọt mưa xuân, nhưng đặt trong mối quan hệ với câu trước, ta có thể hiểu đây là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện. m thanh tiếng chim đang vang xa bỗng như gần lại, rõ ràng, tròn trịa như kết lại thành giọt sương óng ánh sắc màu rơi rơi không dứt để nhà thơ có thể đưa tay hứng lấy từng giọt âm thanh. Như vậy, tác giả sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, tiếng chim vốn là âm thanh vô hình, chỉ có thể cảm nhận bằng thính giác nay lại được tiếp xúc như những “giọt long lanh” hữu hình, có hình khối, kích thước, cảm nhận bằng thị giác. Và thi nhân, trước những âm thanh trong trẻo ấy đã có những cảm nhận bằng xúc giác - vội đưa tay hứng lấy một cách trân trọng, trìu mến. Song hơn cả sự tài hoa về nghệ thuật là niềm say sưa, ngây ngất, xốn xang, rạo rực của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời lúc vào xuân. Đặt trong hoàn cảnh hiện tại của nhà thơ, nó là biểu hiện của niềm lạc quan yêu đời, tâm hồn trong sáng giàu bản lĩnh. Một cách tự nhiên, rung động trước đất trời xuân đã trở thành điểm khởi đầu cho tình yêu với quê hương, đất nước, với cuộc đời này.
ĐỌC THÊM Phân tích bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" - Thanh Hải
Người đang hứng những tiếng chim hót cứ như là hứng những giọt mưa rơi. Từ tưởng tượng tác giả chuyển sang cảm giác thật tinh tế và tài hoa. Làm sao có thể hứng những âm thanh không hình dáng, kích thước ấy nhưng thật ra âm thạnh đó đã rót vào trái tim mẫn cảm với cuộc sống tinh tế với mọi âm thanh, sắc màu. Một tâm hồn ngập tràn tình xuân, ý xuân. Gần 1.000 năm trước, Mãn Giác thiền sư trước lúc mất đã trối lại với học trò:
"Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai"
Phải chăng cành mai nở muộn, màu nắng của đời ấy lại có một sự đồng điệu với bông hoa tím của Thanh Hải. Cả hai nhà thơ trước đông tàn của cuộc đời đều quên mình vì tình yêu cuộc sống, gắn bó sâu nặng với xứ sở, đều cảm thấy chết không đáng sợ là không còn sống trong lòng người nữa. Cho nên hai sắc hoa lung linh, đẹp đẽ ấy vẫn mãi tươi mới và rực rỡ trên những dòng thơ.
Từ mùa xuân của thiên nhiên đất trời, cảm hứng thơ chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước một cách tự nhiên. Hình ảnh lộc non là biểu tượng cho sức sống mới vươn lên. Lộc của lính là cành lá ngụy trang. Những cành lá ngụy trang biến thành lộc đầu mùa được mang đến theo từng bước chân người lính. Lộc mà người chiến sĩ mang đến cho chúng ta là xương máu mà các anh đổ xuống, là công sức bảo vệ mùa xuân thanh bình của dân tộc, gieo niềm hạnh phúc đến mọi nhà. Người lính biểu trưng cho những con người bảo vệ Tổ quốc và người nông dân là những con người tiêu biểu trong công cuộc xây dựng đất nước. Bằng hình thức sóng đôi hài hòa, âm hưởng câu thơ trở nên nhịp nhàng, cân đối. Từ bàn tay người nông dân “lộc trải dài nương mạ”. Bàn tay của “người ra đồng” tô điểm cho mùa xuân đất nước. Đôi bàn tay kì diệu của những người họa sĩ ấy đã vẽ nên những mảng xanh của niềm tin, hi vọng lên đất nước. Cũng như người cầm súng, lộc của người ra đồng mang đến cũng đáng trân trọng biết bao. Lộc mà người nông dân tặng là mồ hôi, là bát cơm gạo, là cơm no áo ấm. Người cầm súng, người ra đồng là hình ảnh rất tiêu biểu cho những con người đóng góp, cống hiến cả thân mình để làm nên mùa xuân Tổ quốc.
Từ cảm xúc về mùa xuân của thiên nhiên, đất nước, mạch thơ chuyển một cách tự nhiên sang bày tỏ những suy ngẫm và tâm niệm của nhà thơ trước mùa xuân đất nước.
"Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao"
Mùa xuân đất nước gắn với những con người đầy tin yêu: Người cầm súng, người ra đồng – những con người sẽ gánh vác trên vai mình hai trọng trách: Chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và lao động để xây dựng đất nước. Cặp từ láy “hối hả”, “xôn xao” với điệp ngữ “Mùa xuân”, “Lộc”, “Tất cả như...” làm cho câu thơ vang lên với nhịp điệu vui tươi mạnh mẽ khác thường, cảm xúc như trào dâng. Đó là hành khúc vào xuân của thời đại mới. Từ trong hiện tại, nhà thơ nhìn sâu vào quá khứ bốn ngàn năm của đất nước. Đất nước ta, đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại nhưng từ trong hình đất nước phôi thai cho đến tận bây giờ đất nước ta trải qua biết bao cuộc đấu tranh với nhiều mất mát hi sinh để giữ từng thước đất.
“Đất nước như vì sao” là hình ảnh so sánh đẹp, đầy ý nghĩa để biểu lộ niềm tự hào đối với đất nước, khẳng định lòng tin vào sự phát triển không gì ngăn cản nổi “cứ đi lên phía trước”. Ba tiếng “cứ đi lên” thể hiện chí khí, quyết tâm và niềm tin sắt đá của dân tộc để xây dựng một Việt nam giàu mạnh. Ý thơ này của Thanh Hải có sự gặp gỡ với ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt đường khát vọng”:
“Ôi đất nước bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”.
Đúng là “những cuộc đời đã hóa núi sông ta” bởi vất vả và gian lao là cuộc sống của con người, trong cảm nhận của nhà thơ đã trở thành cuộc sống của đất nước trải qua suốt hàng ngàn năm. Cầm súng và ra đồng hôm nay, công cuộc chiến đấu và dựng xây này vậy là đã được bắt đầu và tiếp nối từ bốn nghìn năm trước, nó tất yếu sẽ là cuộc hành trình đi tới tương lai.
Sau những suy tư về đất nước là tâm niệm của nhà thơ. Tác giả nguyện cầu được hóa thân. Nếu khổ thơ đầu nhà thơ xưng “tôi” thì ở đây nhà thơ chuyển sang xưng “ta” không phải là sự ngẫu nhiên. Với “ta” vừa là số ít vừa là số nhiều, tác giả có thể nói được cái riêng biệt cụ thể, đồng thời lại nói được cái khái quát, cái chung. Ta vừa là tôi vừa là tất cả chúng ta. Lẽ sống cao đẹp thuộc về tất cả mọi người. Đây là quan niệm, phương châm sống và cống hiến của tác giả mà cũng là của chúng ta. Khát vọng của nhà thơ được làm một “con chim” để dâng cho đời tiếng hót lanh lảnh chào ngày mới, “làm một cành hoa” tỏa hương khoe sắc và làm “một nốt trầm” phẳng lặng, một tiếng nhạc dịu êm neo đậu lòng người, xao xuyến vạn trái tim để nâng đỡ những nốt cao. Lời lẽ bình dị, nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng có sức khái quát cao về một lẽ sống chân chính, một quan điểm nhân văn về thơ ca và người nghệ sĩ. Phải chăng “một nốt trầm” cũng có thể làm “xao xuyến” muôn lòng, khi người nghệ sĩ “từ chân trời của một người” đi đến và hoà nhập với “chân trời của nhiều người”, lặng lẽ hiến dâng những gì đẹp nhất, dù “nho nhỏ” của mình vào cuộc đời chung. Và nhà thơ đã kiên định một thái độ sống như vậy từ tuổi thanh xuân đến khi tóc bạc.
ĐỌC THÊM SUY NGHĨ VỀ LẼ SỐNG CỦA THANH NIÊN TRONG THỜI ĐẠI MỚI TỪ BÀI THƠ "MÙA XUÂN NHO NHỎ"
Trở về với đất mẹ quê hương là quy luật tình cảm. Bởi sau những buồn vui, thành bại, quê hương vẫn là nơi đón nhận, neo giữ những gì còn lại của đời người. Nhà thơ Thanh Hải đã từng viết nhiều về đất Huế quê hương, và khúc ca cuối cùng của ông cũng là khúc ca dành cho Huế:
“Mùa xuân ta xin hát
Khúc Nam ai Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”
Nam ai, Nam bình là những làn điệu tiêu biểu của ca Huế, chất chứa âm điệu buồn ai oán, những cảnh đời buồn đau thất vọng, hoặc âm điệu trong trẻo yên bình của cuộc sống an lành. Phách tiền là một loại nhạc cụ dân gian được chế tác đơn giản bằng những thanh gỗ có gắn những đồng tiền, thường tấu lên nhạc điệu nhịp nhàng, rộn rã cho những bài ca Huế tươi vui.
Có phải khi con người ta đến gần cái chết là lúc họ khao khát muốn sống hơn bao giờ hết? Nhưng chúng ta còn khâm phục hơn ở Thanh Hải đó là một tấm lòng rộng mở, thanh thản, cao đẹp, sống có ý nghĩa đến những phút chót cuộc đời. Đúng như mong ước nhà thơ, “Mùa xuân nho nhỏ” được phổ nhạc, bài thơ lại một lần nữa được chắp thêm cánh bay xa vào bản hòa ca trong dàn hợp xướng “một nốt trầm làm xao xuyến” trong lòng mọi người.
Mỗi người chúng ta từ đó mà nhận thức được trách nhiệm sống là cống hiến, sống là hiến dâng của mình. Đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển, vì vậy mà sự cống hiến của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng. Cống hiến là sự hy sinh của bản thân, không màng đến lợi ích cá nhân mà làm việc hết mình vì người khác, vì một tập thể, một cộng đồng. Ta có thể bắt gặp sự cống hiến của thế hệ trẻ ở mọi nơi. Đặc biệt là trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19 hiện nay. Biết bao người đã xung phong đi làm tình nguyện, phát đồ cho người dân miễn phí. Biết bao người đã đóng góp cho quê hương, đất nước. Tất cả những sự cống hiến ấy thật cao đẹp và có ý nghĩa thật sâu sắc. Việc làm ấy không chỉ giúp thế hệ trẻ có những hiểu biết sâu rộng, làm nền tảng để bước vào tương lai, thể hiện một lối sống cao đẹp mà còn giúp đất nước ngày càng phát triển, sánh vai với thế giới, khẳng định mình trước toàn thế giới. Song, bên cạnh đó vẫn còn một số bạn trẻ chỉ biết sống mưu cầu lợi ích riêng, sống không có chí hướng đúng đắn, cần phải nghiêm túc lên án và chấn chỉnh. Việc cống hiến của thế hệ trẻ đối với đất nước là vô cùng quan trọng và là một hành động cao đẹp. Muốn thực hiện được điều đó, trước tiên cần trang bị cho mình sự vững chãi về kiến thức, kĩ năng đáp ứng những yêu cầu cơ bản của xã hội trong công cuộc hiện đại hóa nước nhà. Thế hệ trẻ cần ý thức được nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước luôn đi liền với nhau, điều này đòi hỏi lớp người trẻ phải có tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, và ước mơ hoài bão cống hiến. Tất cả sự hưng thịnh, tồn vong của đất nước trông chờ vào chúng ta, vì vậy thế thế hệ trẻ phải nỗ lực, cố gắng hết mình ngay từ bây giờ, phấn đấu bền bỉ và vững tin vào tương lai Tổ quốc.
Bài thơ đã sử dụng thể thơ năm chữ, mang âm hưởng dân ca nhẹ nhàng tha thiết, giàu hình ảnh nhạc điệu, cấu trúc thơ chặt chẽ, giọng điệu đã thể hiện đúng tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Nhà thơ ước nguyện làm một “mùa xuân” nghĩa là sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình nhưng rất khiêm nhường; là “một mùa xuân nho nhỏ” góp vào “mùa xuân lớn” của đất nước của cuộc đời chung. Mặc dù nhà thơ đã cách xa chúng ta hơn 30 năm nhưng những vần thơ và khát vọng được cống hiến cho đời của tác giả trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” vẫn còn sống mãi với thời gian năm tháng. Khép lại trang thơ, người đọc mới thấm thía hết được trách nhiệm của bản thân, của thế hệ trẻ đối với sự phát triển giàu đẹp của quê hương, đất nước thật quan trọng biết nhường nào.
Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA HỌC CHẠY VĂN LỚP 9 – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên
Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên
Tin liên quan