Đăng Ký Học
Ngày 01/10/2021 11:51:48, lượt xem: 6531
Đề bài: Vì lẽ gì mà ước muốn làm người lương thiện đối với Chí Phèo lại thành ra xa vời và không tưởng?
ƯỚC MUỐN XA VỜI CỦA CHÍ PHÈO: TRỞ THÀNH NGƯỜI LƯƠNG THIỆN
“- Tao muốn làm người lương thiện”.
“- Không được! Ai cho tao lương thiện?...”
Mỗi lần nhớ về nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, tôi lại nghe văng vẳng bên tai mấy lời nói ấy và tôi hình dung rõ như in một gương mặt đàn ông vừa đáng thương, vừa đáng sợ, vằn vện những vết sẹo dữ dằn. Từ đôi mắt nửa tỉnh táo, nửa đờ đẫn của anh ta ánh lên cái nhìn thật thiết tha, khắc khoải. Dường như ánh mắt ấy được pha lẫn cả hăm dọa với cầu khẩn, pha lẫn hận thù, khổ đau, sám hối và khát vọng, ... Ánh mắt đó phải chăng đang nhìn tất cả mọi người. Còn mọi người thì sao? Ai nấy đều cố né ánh mắt đó cho thật xa. Tại sao lại như vậy?
Sinh ra rồi lớn lên ai chẳng làm người, chỉ có khi chết đi thì làm ma. Ấy vậy mà có một anh Chí chẳng phải người, chẳng phải ma mà là quỷ. Chí phải hóa quỷ để sống. Nhưng thế nào là quỷ, thế nào là người? Thế nào là dữ, là bất lương, thế nào là hiền, là lương thiện, ..? Câu trả lời thật không dễ. Trong truyện Nam Cao cũng không hề đưa ra một định nghĩa, một lời giải thích trực tiếp về những điều này. Nhưng khi đọc tác phẩm, chắc hẳn chúng ta đã có những câu trả lời tương đối thỏa đáng cho mình. Chúng ta có thể tìm được câu trả lời từ chính quan niệm và cách miêu tả của Nam Cao trong tác phẩm, nhất là đoạn tả và kể về phần “người” của Chí trước khi đi ở tù và sau khi đã tỉnh rượu trong sự đối chiếu với phần quỷ của Chí Phèo sau khi ở tù và trước khi tỉnh rượu. Hay câu trả lời cũng có thể kiếm tìm từ những đoạn văn triết lí trữ tình của Nam Cao về bản tính và giấc mơ lương thiện của Chí, chẳng hạn như:
“Hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không toàn là xác thịt”, “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị nở mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ thấy rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện”. Bằng cách ấy, Nam Cao đã ngầm đưa ra một lời giải thích, một định nghĩa về “con người” và “cuộc sống của con người”. Là người thì phải có khả năng sống bằng chính bàn tay và sức lao động của mình (như Chí từng làm canh điền cho lí Kiến). Là người thì phải biết sống tự trọng (như Chí từng tự trọng trước những hành động của bà Ba). Là người phải có bạn, có người thân, được quyền sống thân thiện với mọi người (như Chí sống chan hòa, hạnh phúc bên thị Nở. Và đã là người thì ít ra cũng phải biết khóc, cười, yêu ghét, buồn nhớ, giận hờn, căm uất, … Và quan trọng hơn cả là phải ý thức được quyền sống như một con người. Là người thì có quyền đòi hỏi cả xã hội công nhận mình như là một con người. Hiểu như vậy, ta lại càng thương xót cho đời anh Chí. Một người đàn ông vốn hiền lành, lương thiện mà giờ bị cả làng Vũ Đại xa lánh, không một ai thừa nhận anh là con người mặc cho ánh mắt dường như đang van nài, cầu xin của anh. Vì đâu Chí thành ra như vậy? Vì Chí Phèo? Vì bá Kiến? Vì làng Vũ Đại?
Bi kịch bị từ chối quyền làm người của Chí Phèo, suy cho cùng là xuất phát từ hiện thực xã hội đen tối của làng Vũ Đại, từ mưa ma chước quỷ của những kẻ sâu mọt, thâm hiểm như lí Kiến. Nhưng cũng do cả Chí nữa. Kẻ đưa Chí vào con đường hủy hoại ấy là lí Kiến, nhưng người thực hiện hành động hủy hoại ấy lại chính là Chí Phèo. Việc Chí Phèo không thể quay lại làm người lương thiện có thể giải thích bằng nhiều lí do song có hai lí do trọng yếu là xuất phát từ yếu tố khách quan và cả chủ quan của Chí Phèo. Lí do thứ nhất là do định kiến xã hội quá nghiệt ngã. Đó như một thứ rào cản không thể vượt qua. Và lí do thứ hai là do Chí Phèo đã trượt dốc quá xa, đến lúc tỉnh ra thì đã quá muộn và trong Chí xuất hiện thêm một rào cản nữa mang tên: rào cản tâm lí.
Lí do thứ nhất như đã nói thuộc về yếu tố khách quan của xã hội. Nam Cao đã đặt định kiến ấy vào lời bà cô của thị Nở: “Đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ”. Ở làng Vũ Đại này, từ lâu, Chí đã trở thành “con vật lạ”. Từ lâu hắn đã phải dọn ra ngoài rìa xã hội (một mình ở bên kia bờ đê). Chí Phèo chửi, người làng họ bỏ ngoài tai (chỉ có tiếng chó dữ đáp lại thằng say rượu). Trong mắt người làng và cả bà cô thị Nở, Chí Phèo chỉ có thể sống kiếp thú vật, không thể chung sống với người, hoặc sống thì cũng như đã chết, không ai đếm xỉa tới. Cái định kiến ấy nghiệt ngã đến mức, nếu thị Nở có làm trái lời bà cô và vẫn chung sống với hắn thì xã hội Vũ Đại, con người Vũ Đại vẫn không thể tha thứ và đón nhận một con “quỷ” như Chí.
ĐỌC THÊM NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | SO SÁNH TIẾNG CHIM HÓT TRONG "CHÍ PHÈO" VÀ TIẾNG SÁO TRONG "VỢ CHỒNG A PHỦ"
Lí do thứ hai thuộc về phía chủ quan của Chí. Đúng là Chí đã trượt dốc quá xa, Chí đã phạm quá nhiều tội lỗi dù là trong lúc say, đến mức không thể đếm chính xác: “Đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đập đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện”. Món nợ ấy biết trả đến khi nào mới xong để mà thanh thản trở lại làm người? Khi Nam Cao miêu tả ngoại hình hắn: “Cái mặt hắn vàng vàng mà lại muốn xạm màu gio; nó vằn dọc vằn ngang, không thứ tự, biết bao nhiêu là sẹo. Vết của những mảnh chai của bao nhiêu lần ăn vạ kêu làng, bao nhiêu lần, hắn nhớ làm sao nổi?”, những vết sẹo đó không những là biểu hiện của một khuôn mặt của kẻ đã mất đi nhân tính mà quan trọng hơn, Nam Cao muốn nói với chúng ta rằng, những vết sẹo không đếm được ấy như đang ghi lại tội lỗi trên gương mặt hắn, không bao giờ xóa sạch được. Nó trở thành một thứ mặc cảm tội lỗi, ám ảnh khôn nguôi trong phần đời tỉnh táo ít ỏi của hắn. Chính Chí Phèo trong cơn tuyệt vọng đã ý thức rõ hơn ai hết về điều này: “Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không!”. Đến lúc tỉnh ra thì đã quá muộn: có bao nhiêu vết sẹo ấy là có bấy nhiêu vết thương không lành lại trong tâm hồn. Bấy giờ ở Chí đã xuất hiện một thứ rào cản khác còn khó vượt qua hơn rào cản định kiến xã hội. Đó là rào cản tâm lí. Đến lúc đó, một cách tỉnh táo nhất trong đời, chính Chí Phèo đã cự tuyệt quyền làm người của mình bằng một án mạng và bằng những nhát dao oan nghiệt. Có lẽ một trong những nguyên nhân sâu xa nhất khiến Nam Cao để cho Chí và thị Nở gặp nhau, để cho Chí tỉnh táo ăn cháo hành, đón nhận tình yêu, tình người, … Chính là cho anh chuẩn bị cho anh ta ý thức được đầy đủ, thoạt tiên chỉ lờ mờ, nhưng càng lúc càng rõ tình cảnh bi đát, tuyệt vọng của mình. Và chính vào lúc Chí nhận ra bi kịch của mình cũng là lúc hắn ta khao khát được sống như một con người hơn bao giờ hết. Hắn thèm được làm người lương thiện. Hắn đòi làm người lương thiện. Qua khát vọng cháy bỏng ấy của hắn, Nam Cao cho ta thấy rằng, về bản chất, chưa bao giờ Chí Phèo là một gã lưu manh hay một tên quỷ dữ. Đơn giản là con người luôn phải chịu trách nhiệm về chính những điều mình đã làm nhưng con người cũng chỉ là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội mà thôi.
Vì những rào cản không thể vượt qua, Chí đã tìm đến cái chết. Chí ngắc ngoải trên vũng máu tươi, sau tiếng kêu tuyệt vọng và dòng đời bi thảm cuối cùng của Chí đã khép lại thì người ta không chỉ thấy giận (giận kẻ gieo tai họa cho Chí Phèo), thấy thương (thương cho kẻ có số phận bi đát), mà còn thấy tiếc, tiếc thay cho Chí Phèo. Giá mà cái khoảnh khắc sung sướng ngắn ngủi với thị Nở mãi còn, giá mà thị Nở không nghe lời bà cô mà sang ở hẳn với Chí và chúng sẽ thành một cặp xứng đôi. Cứ như thế, biết bao nhiêu là tiếc nuối cho cái cơ duyên “làm người lương thiện” của Chí Phèo được Nam Cao gieo vào lòng người đọc, khiến người ta phải cùng ông thao thức, trăn trở mãi không thôi.
Nếu có thể lựa chọn một kết thúc khác bạn sẽ để cho anh Chí làm người lương thiện chứ? Mà nếu có thể cho anh Chí được sống như một con người thì những vết sẹo trên khuôn mặt kia làm sao xóa? Những tội lỗi mà anh gây ra cho biết bao người lương thiện khác biết tính sao đây? Chính anh Chí cũng không thể tha thứ cho mình, Nam Cao cũng không và chúng ta cũng sẽ vậy. Hãy cứ để anh Chí chết đi đúng với quy luật tất yếu của số phận và hoàn cảnh. Và cái chết ấy chính là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ, phải chăng chỉ có chết đi Chí mới thực sự được hồi sinh như ban đầu. Tôi không mong một kết thúc khác, chỉ mong viết tiếp hi vọng cho câu chuyện. Mong rằng một thằng Chí con đang trong bụng thị Nở mai kia lớn lên có thể thay bố nó thực hiện ước mơ vẫn đang còn dang dở.
Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!
Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ
Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4
Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5
Link đăng kí khoá VIP lớp 10: http://bit.ly/khoahocvan10
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan