BÀI VIẾT MẪU LỚP 11 (CHƯƠNG TRÌNH MỚI) HAY NHẤT - VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Ngày 20/12/2023 15:35:12, lượt xem: 2006

Đây là bài viết mẫu cho chuyên đề "Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội". Đề bài: Viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống.

 


Bài làm
“Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ”. Đó là tên tựa đề của một quyển sách mà tôi rất tâm đắc. Tuổi trẻ chúng ta được ưu ái ban tặng hai món quà đó là thời gian và sức khỏe. Có người dùng cả tuổi trẻ của mình chỉ để rong chơi, theo đuổi những cái gọi là “vô bổ”, có người lại tận dụng tối đa hai món quà đó để tôi luyện bản thân theo từng ngày. Sự khác nhau nằm ở lựa chọn của mỗi người, sự lựa chọn đó cũng là bước đệm để quyết định tương lai của mỗi chúng ta sau này. Những năm tháng rực rỡ của cuộc đời hãy sống một cách rực rỡ nhất, và theo tôi để có được một tuổi trẻ nhiệt huyết thì “trải nghiệm” là một từ khóa bạn phải ưu tiên hàng đầu.
Cuộc đời là những chuyến phiêu lưu trong đó con người là những người du hành không biết mệt mỏi. Vậy để trở thành những người du hành thông thái có vốn tri thức và hiểu biết phong phú. Điều đầu tiên chúng ta cần phải làm là không ngừng nỗ lực, vươn lên, thành quả của mọi nỗ lực là những trải nghiệm đáng quý nhất. “Cuộc sống là một chuỗi bài học mà bạn cần phải sống mới hiểu được”. Không phải ngẫu nhiên mà Helen Keller lại thốt lên như vậy. Hiểu một cách đơn giản nhất, trải nghiệm chính là những gì ta thu nhận được trên hành trình sống. Nó bắt nguồn từ sự quan sát, từ những va vấp và những khám phá không ngừng. Hơn hết thảy, nó chính là chất xúc tác giúp ta chín chắn hơn, trưởng thành hơn trên đường đời.
“Tuổi trẻ này mình cùng nhau
Khoác vai đi từ sáng tới đêm”
(Bài ca tuổi trẻ)
Tuổi trẻ là những lần được sống hết mình với đam mê. Trên hành trình tìm kiếm đam mê đó là những lần trải nghiệm đến với những vùng đất mới, là những bước chân nghẹn ngào, khoác balo rời xa vòng tay yêu thương của gia đình. Bước ra khỏi vùng an toàn của tuổi 18 để đến với cánh của Đại học ở nơi: “Đất khách quê người”. Trải nghiệm để nhận lấy kinh nghiệm là những gì mà tuổi đôi mươi cần có để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Đôi lúc trên con đường đến với những trải nghiệm, rất nhiều lần sau khi bạn nỗ lực phấn đấu hết mình nhưng không thể đạt được kết quả như mong muốn, tuyệt đối không phải do bạn không xứng đáng mà là cơ hội vẫn chưa tới. Điều bạn cần làm chính là tiếp tục kiên trì nỗ lực.
Theo Karl Marx: “Cuộc sống là dòng chảy luôn vận động’’. Con người không thể cứ ngồi yên mặc cho nhịp sống cứ thế tuôn đi. Thật vậy, và điều chúng ta cần đó là sự trải nghiệm. Không ai có thể phủ nhận tác động tích cực nhờ trải nghiệm mang lại. Ta biết đến Huyền Chip - Nguyễn Thị Khánh Huyền cô học sinh lớp chuyên Toán – trường Năng khiếu Đại học Quốc gia Hà Nội sau khi tốt nghiệp THPT đã “Xách ba lô lên và đi” - tên Quyển sách tự truyện của Huyền Chip. Huyền đã thực hiện hành trình vòng quanh thế giới chỉ với chiếc ba lô trên vai, mấy đô la trong túi với khát vọng của tuổi đôi mươi là đi để sống, để có cách nhìn đúng đắn về thế giới và bản thân từ sự dấn thân và trải nghiệm. Chỉ có những trải nghiệm thực sự từ bản thân mới rút ra cho bạn được những bài học, biết được bản thân thật sự muốn gì và cần gì. Người ta vẫn thường lấy thời gian để làm thang đo của sự sống, thế nhưng điều thực chất làm nên cuộc đời của bạn đó chính là những trải nghiệm bạn có được trên cuộc hành trình của mình như triết học gia Jeans – Jacques Rousseau đã từng nói: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất”. Trần Hùng John đã từng nói: “'Học ít đi - trải nghiệm nhiều hơn” . Đó là lời khuyên của chàng trai dám liều mình đi bộ xuyên Việt với chiếc ví rỗng gửi tới các bạn trẻ. Tất cả những cảm nhận sâu sắc về Việt Nam cùng những kinh nghiệm quý báu suốt cuộc hành trình dài 80 ngày, là chất liệu phong phú để anh viết John đi tìm Hùng. Bạn đã đọc bài: “Thế giới khác rất tuyệt thời sinh viên” rồi chứ. Trong đó tác giả có nói rõ rằng mình không phải một sinh viên giỏi, càng không thích môi trường đại học chút nào, nhưng để đánh đổi bất cứ gì để lấy khoảng thời gian làm sinh viên, người viết vẫn sẽ không đổi. Đơn giản vì đó là một khoảng thời gian tuyệt vời, được trải nghiệm rất nhiều điều mới lạ, chính vì thế khoảng thời gian sinh viên trở thành khoảng thời gian tươi đẹp, ý nghĩa và đáng giá.

 

ĐỌC THÊM NGỮ VĂN 11 - HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH CẤU TỨ VÀ HÌNH ẢNH THƠ


Cái gì trên đời cũng có giá cả, chỉ cần bạn trả đúng giá, bạn có thể mua được mọi thứ. Và tiền là cái giá rẻ nhất nếu muốn có gì đó. Còn trải nghiệm ư? Nếu bạn muốn có nó, tất nhiên không ngoại lệ, bạn cũng phải trả giá. Cái giá của trải nghiệm là ban đầu bạn sẽ cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bất an, hoài nghi và rất nhiều cảm xúc tiêu cực khác nữa. Nhưng tin vui đó chỉ là những cảm xúc ban đầu thoáng qua mà thôi. Khi đã quen với nó thì mọi cảm xúc đó đều tan biến hẳn, thay vào đó sẽ là sự hào hứng, thích thú, tò mò, vui sướng lẫn hài lòng. Như câu: “Đừng e ngại sự thay đổi, bạn có thể mất đi một số thứ, nhưng bạn sẽ lại nhận lại những thứ khác tuyệt vời hơn”. Bill Gates dám bỏ học để theo đuổi lập trình công nghệ, lĩnh vực mà lúc ấy không ai dám chắc chắn sẽ thành công. Steve Job đột phá với ý tưởng cho ra đời một sản phẩm điện thoại Iphone, cái mà lúc ấy chưa một ai dám nghĩ tới. Hồ Chí Minh đã dũng cảm lên tàu bôn ba khắp thế giới, quan sát, tìm hiểu đời sống của các dân tộc để tìm kiếm con đường cứu nước. Nếu không xem trọng sự trải nghiệm chân thực trong cuộc sống, có lẽ đã không có những kì tích được tạo nên.
Bên cạnh đó ta còn bắt gặp một số các bạn trẻ “sợ” bước ra khỏi vùng “an toàn” của bản thân. Cứ lặp đi lặp lại con đường từ nhà đến giảng đường, trường học. Họ “ngại” thay đổi và luôn thu mình trong vỏ ốc của bản thân. Người không có trải nghiệm cũng tựa như trong túi không có một xu dính túi. Xác định được những thứ muốn mua nhưng khả năng lại chẳng cho phép. Thiếu trải nghiệm chính là như thế. Ngược lại, khi đã có trong tay nhiều lĩnh hội, mọi việc vì thế cũng dễ dàng thực hiện hơn. Đừng sống như một người vô hình không có đam mê, không có ước mơ, không chịu trải nghiệm sẽ không thể tìm kiếm được niềm vui trong cuộc sống. “Và tôi sống như đóa hoa này tỏa ngát hương thơm cho đời”, hãy cứ khát khao, hãy vươn lên và học hỏi những kinh nghiệm mà trải nghiệm mang đến cho bạn. Tuổi trẻ là độ tuổi đẹp nhất của đời người, trân trọng và nỗ lực bạn nhé!
"Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận những năm tháng đã sống hoài sống phí." - Nikolai Alexeevich Ostrovsky- Đến một thời điểm nào đó khi quay đầu và nhìn lại, bạn sẽ hạnh phúc mà thốt lên: “Tôi đã từng có những trải nghiệm quý giá đó”. Đó là một trong những thành công của cuộc đời bạn. Và tôi cho rằng mọi thứ đều có thể thay đổi, đều có thể mất đi, riêng những trải nghiệm của bản thân mình sẽ mãi còn đó, làm nền móng cho những mục tiêu sau này. Vì thế còn trẻ hãy trải nghiệm và sống một thời thanh xuân rực rỡ, tỏa sáng theo cách của riêng bạn.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên

- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

- Khóa học Toàn diện lớp 11 - 2k7

Tin liên quan