Đăng Ký Học
Ngày 07/05/2021 15:55:03, lượt xem: 2870
Đề bài: So sánh tiếng chim hót trong Chí Phèo và tiếng sáo thổi trong Vợ chồng A Phủ.
Bài làm:
Trong tác phẩm văn học, chi tiết nghệ thuật cực kỳ quan trọng, nếu không có nó, tác phẩm dường như chưa thực sự mang tầm. Chi tiết nghệ thuật giống như một hạt cát nhưng đủ để mang đến một sa mạc mênh mông, chi tiết nghệ thuật giống như một giọt nước nhưng có thể làm đồng hiện cả đại dương bao la. Trong tác phẩm Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ hai tác giả Nam Cao và Tô Hoài đã làm nên hai "hạt cát", "hai giọt nước ấy". Đó là "tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng của mấy bà đi chợ về" (Chí Phèo) và "Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha bổi hổi..." (Vợ chồng A Phủ).
Chi tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng mang lại sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. sức chinh phục của hình tượng nghệ thuật là ở sự truyền cảm xúc và thì góp phần quyết định tạo ra sức truyền cảm hấp dẫn, lôi cuốn người đọc là nhờ ở chi tiết. Chi tiết bao giờ cũng có khả năng thuyết minh, biểu hiện cái toàn thê. Nam Cao xây dựng chi tiết Chí Phèo thức dậy sau cơn say dài và nghe được âm thanh của cuộc sống đời thường rất đỗi bình dị. Tô Hoài thì thâm nhập vào mê cung tâm trạng của Mị để thổn thức với tiếng sáo gọi bạn tình rập rờn, thiết tha, bổi hổi. Như vậy, điểm chung nhất của Nam Cao và Tô Hoài đó chính là họ đã thổi vào tác phẩm của mình một âm thanh. Đó là những âm thanh hết sức diệu kỳ, nó len lỏi vào tận sau trong tâm hồn vốn tưởng như đã chết của nhân vật để khơi dậy trong họ niềm ham sống và khao khát sống mãnh liệt, giả dụ như không có âm thanh ấy, Chí Phèo đã triền miên trong cơn say dài để chẳng bao giờ biết mình có mặt trên cõi đời này. giả dụ không có tiếng sáo ấy, Mị vẫn chỉ là cô gái ngồi quay sợi gay bên tảng đá, mãi vô cảm, vô hồn như "cái vỏ không có ý nghĩa gì hết", thế nhưng âm thanh tiếng sáo gọi bạn tình đã đánh thức cô Mị ngày xưa, đã đưa cô đến với những phút giây hồi sinh mãnh liệt. Để rồi có sự phản kháng quyết liệt với hoàn cảnh thực tại mang đến bao nhiêu cảm xúc cho người đọc, và cũng chính nhờ thứ âm thanh bình dị, thân thuộc của cuộc sống thôn quê mà Chí Phèo nghe được đã thức dậy cái tính Người vốn dĩ đã vùi dập trong Chí. Để rồi sau đó ta thấy một Chí Phèo hiền lành, lương thiện biết bao trong cái hình hài vốn đã bị hư hao rất nhiều sau những tháng năm bán mình cho quỹ dữ.
Xây dựng những chi tiết nghệ thuật đặc sắc ấy, Nam Cao và Tô Hoài đã chung nhau một điểm đó là "mượn âm thanh" để gợi dậy những "âm thanh" vốn dĩ bị chìm khuất trong nhân vật. Đấy cũng là những chi tiết đặc sắc góp phần khẳng định giá trị nhân đạo sâu sắc mới mẻ trong hai tác phẩm Chí Phèo - Nam Cao và Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài. Cùng xây dựng chi tiết nghệ thuật ấy nhưng do quan niệm và cách viết khác nhau, đề tài khác nhau nên ở hai chi tiết nghệ thuật trong Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ lại mang những ý nghĩa riêng.
Ở tác phẩm "Chí Phèo" là những âm thanh quen thuộc của cuộc sống xung quanh "hôm nào chả có". Đó là tiếng chim hót ngoài vườn, tiếng mấy bà đi chợ về, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá... giả dụ như đó là tiếng quát mắng của Bá Kiến, hay cái giọng lè nhè say của Tự Lãng, hay tiếng khóc tỉ tê của một người vừa bị Chí làm cho đỗ vỡ thì chắc Nam Cao không bao giờ lay động được lòng người như những âm thanh bình dị này. Lần theo cái trạng thái tâm lý"miệng đắng, lòng mơ hồ buồn" của Chí ta thấm thía được một thân phận. Thân phận của một kẻ cùng đường. Thân phận làm người nhưng không được công nhận là con người.
Chí phèo được nhà văn Nam Cao xây dựng bằng một lòng nhân đạo sâu sắc. Nhà văn đã vui buồn, khổ đau cùng với số phận nhân vật ngay từ đầu cho đến cuối tác phẩm. Vui mừng khi Chí Phèo sống với ước mơ thời tuổi trẻ "chồng cuốc mướn cày thuê, vợ ở nhà dệt vải". buồn khi Chí Phèo trở thành con qũy dữ của làng Vũ đại, buồn khi Chí trượt dài trong tội lỗi" ăn trong lúc say, thức trong lúc say, thức dậy hãy còn say, say nữa, say vô tận, những cơn say của hắn tràn từ cơn say này sang cơn say khác thành những cơn dài mênh mang, chưa bao giờ hắn tỉnh táo để thấy mình có mặt trên cõi đời này". Nhưng Nam Cao không từ bỏ chí, nhà văn đã mang tấm lòng yêu thương của mình đến với chí. Nam Cao đã phái một "thiên sứ" tình yêu đến với Chí Phèo. Đó là Thị Nở - thiên sứ ấy không có đôi cánh thiên thần nhưng có trái tim nhân ái, và sau cuộc tình ấy trong đêm trăng rắc bụi vàng trên sông, Chí Phèo đã thoát ra khỏi cơn mê của cuộc đời hắn.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ với Thị Nở và trận ốm đã làm cho con quỷ dữ có sự thay đổi hẳn cả về tâm sinh lý. Từ khi đi tù về, đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm Chí hết say, hoàn toàn tỉnh táo và có được một khoảng ngưng lặng để nghe được những âm thanh quen thuộc của cuộc sống, tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá. tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Tiếng mấy bà đi chợ về" những âm thanh thường nhật ấy ngày nào mà chả có nhưng hôm nay chí mới nghe được bởi vì đến bao giờ hắn mới được tỉnh sau những cơn say dài mênh mang. từ tiếng chim hót, tiếng mái chèo, tiếng người nói... như những âm thanh nhỏ giọt vào tâm hồn chí, như dòng nước mát lành, như cơn mưa mùa hạ đang đổ xuống thớ đất tâm hồn khô cằn sỏi đá của chí, vùng đất khô hạn tình thương ấy, vùng đất chỉ biết đến thứ nước luôn tưới lên nó là rượu và nuớc mắt của người lương thiện. nay đọc được những thứ "nhựa sống" của cuộc đời tưới vào thắm sâu tâm hồn của Chí, từ đó tâm hồn của anh bùng lên đầy xúc cảm, anh như con chim trong lồng chiếc lồng giam cầm, xa cuộc sống đồng loại, bỗng một ngày được nghe tiếng hót ca của bạn bầu bỗng như tìm lại được mình lại vui ca hót.
Âm thanh đó đã đánh thức trong chí những cảm xúc của con người. Chí nhận ra ngoài cái lều ẩm ướt thấp chỉ có hơi mờ lờ của mình rằng: "mặt trời chắc đã lên cao, và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ". Cũng như những ngày người say tỉnh dậy, Chí Phèo thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn, nhưng với anh, đây là cảm giác, cảm xúc vừa bị đánh thức. phải rồi, nếu hắn đang là con quỷ thì làm sao hắn có được cái cảm giác "mơ hồ buồn" đó được và là thứ quỷ khát máu như chí sao có thể biết buồn chứ?
Khi Chí Phèo nghe những âm thanh của cuộc sống chính là anh đã dần ý thức về cuộc sống. Âm thanh cuộc sống ý như như âm thanh tích tắc của chiếc kim đồng hồ quay ngược thời gian đã đánh thức trong chí về giấc mơ thời trai trẻ. Âm thanh của cuộc sống bình dị đã đưa anh nhớ về quá khứ, rằng có một thời, đã "ước mơ có một cuộc sống gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm". Cả kí ức ấy sống lại trong chí thật đẹp, thật dung dị đời thường xiết bao cái quá ấy đẹp đến thì chí lại cô đơn trong hiện tại bấy nhiêu. Thông thường, người ta nhớ lại thời gian qua để hiểu hiện tại. Chí cũng vả, đến lúc hắn chợt nhận ra rằng "Hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc, buồn thay cho đời! Có lí nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? ngoài bốn mươi tuổi đâu... Hắn đã tới cái kia của đời". Hình dung cuộc đời mình, Chí thấy mình chẳng có gì ngoài hai chữ "cô độc".
Cũng chính âm thanh bình dị mà chí nghe được lại làm cho anh phải nghĩ suy nhiều hơn, sâu xa hơn. Chí hình dung được tương lai đầy bất ổn ở phía trước. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao biết bao là chất độc, đày đọa cực nhọc, mà chưa bao giờ ốm "một trận ốm có thể là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là cơn mưa cuối thu cho biết trời gió rét, này mùa đông đã đến". Chí Phèo không có Thị Nở vào, cứ để hắn vẫn vơ, thì đến khóc được mất. Đến đây, không ai nghĩ Chí Phèo là con quỷ dữ của làng Vũ đại nữa, một người không những giàu cảm giác, cảm xúc, mà còn ý thức có phần sâu sắc về cuộc đời, về bản thân phải là con người bình thường.
Với bàn tay ân ái của Thị Nở, Chí như được lột bỏ vỏ của con quỷ trở lại hình hài của con người, bát cháo hành có thể là liều thuốc giải cực mạnh đã góp phần tẩy ố men rượu, tẩy ố những nhơ nhuốc của cuộc đời bất hạnh, trả lại cho anh những điều đã mất. lòng yêu của Thị Nở là lòng yêu của "một ngươi ̀ làm ơn và các cả lòng yêu của người chịu ơn". Còn Chí Phèo, anh cảm nhận được một điều thật chua chát xưa nay nếu tôi muốn ăn thì phải giật, nạt, dọa, cướp. cuộc đời hắn chưa bh được bàn tay đàn bà nào cho và Thị Nở là lần đầu. Lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho, được sống trong tình cảm yêu thương thực sự, bát cháo hành đã ngấm càng làm hắn suy nghĩ nhiều.
Từ cảm nhận về tình yêu của Thị Nở, cảm xúc, cảm giác càng được đánh thức sâu sắc hơn ở Chí Phèo: "Hắn thấy mắt hình như ươn ướt... hắn nhìn bát cháo hành bốc khói mà bâng khuâng... hắn thấy vừa vui vừa buồn... hắn thấy lòng thành trẻ con, hắn muốn làm nũng Thị như với mẹ, ôi sao mà hắn hiền.", không những thế, ở Chí còn giống một cái gì nữa như ăn năn.. hối hận về tội ác khi không đủ sức mà ác nữa.
Và có lẽ sự bùng nổ trong tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở là khát vọng lương thiện. đấy cũng là đỉnh điểm của sự thức tỉnh của Chí Phèo: "hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ thấy rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng , thân thiện của những người lương thiện.... Đoạn văn ngắn nhưng chứa đựng trong đó là câu sự khao khát cháy bỏng của Chí Phèo. Tình người của Thị Nở đánh thức tính người ở Chí. Tình người vẫy gọi Chí trở về với đồng loại, bởi con người chỉ thực sự là con người khi đồng loại chấp nhận. Khát vọng ấy ở con người như Chí thật cảm động biết bao.
Cũng chính nhờ âm thanh ấy mà Chí Phèo đã tự ý thức và trở về với một Chí Phèo hiền lành, lương thiện. Cũng chính nhờ âm thanh ấy cùng với những ngày hp trong tình yêu, tình người với Thị Nở mà Chí Phèo đã trở nên chính mình. cuối tác phẩm, Chí Phèo xách dao đi đòi lương thiện, giết chết con cáo già Bá Kiến, trừ haị cho dân và cũng chính Chí cũng tự kết liễu cuộc đời mình. phải chăng cũng là do âm thanh ấy trong cuộc sống ấy đã thức tỉnh chí để đi đến một hành động đầy đau đớn nhưng cũng rất tất yếu và hợp lý?
Đánh giá về giá trị nghệ thuật của chi tiết ấy, ta thấy âm thanh "tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng mấy bà đi chợ về" là chi tiết quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc nét tính cách tâm lý và bi kịch của nhân vật. chi tiết ấy nhỏ, chỉ thoáng qua vài câu văn ngắn nhưng lại là yếu tố nội liên văn bản làm cho mạch truyện từ đây bất ngờ rẽ sang hướng khác. nhờ nó mà ta có thể nhìn thấy hai nữa cuộc đời của chí. qua việc tập trung vào chi tiết đắt giá ấy, Nam Cao đã tập trung thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc mang đến cho người đọc những trang viết đẹp, xúc động.
Nếu như "tiếng chim... quá" đã thức dậy cả một linh hồn tưởng như đã chết thì chi tiết "Mị... bổi hổi..." mà nhân vật Mị nghe được trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ -Tô Hoài) cũng mang đến cho nhân vật và bạn đọc nhiều xúc cảm mãnh liệt Mị là cô gái trẻ đẹp nhưng vì món nợ của bố mẹ mà Mị đã bị bắt vào nhà thống lý Pá Tra sống kiếp trâu ngựa. Mị bị tước đoạt tình yêu, tuổi xuân, hp , bị bóc lột sức lao động thậm tệ. Mị trở thành "súc nô" - một tù nhân với bản án tù chung thân suốt đời trong chốn địa ngục trần gian nhà thống lý. Từ đó, cô gái người Mèo ấy sống trong vô cảm "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". cô cứ tưởng mình là "con trâu mình cũng là con ngựa" "Mị dần mất đi tiếng nói"càng ngày càng không nói". Từ đó Mị trở thành người đàn bà lặng câm, vô cảm.
Nhưng mùa xuân trên miền núi Tây Bắc đã đến, mùa xuân ấy được miêu tả rất đẹp, sắc màu của "cỏ gianh vàng ửng", "những chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ, tiếng cười nói của đám trẻ chơi quay đợi tết, đặc biệt là tiếng sáo da diết xoáy sâu vào trái tim tưởng như băng giá của Mị. Tiếng sáo khi ở xa thì "lấp ló" nơi đầu núi, khi lại gần thì "lửng lơ bay ngoài đường" rồi cuối cùng nhập vào hồn Mị: "Mị ngồi nhẩm thầm lời người đang thổi sáo". Tiếng sáo chính là hiện thân của tuổi trẻ, của tình yêu, của quá khứ, của tài năng mà Mị có. Bởi vậy, khi nghe tiếng sáo thổi, Mị thấy "tha thiết bổi hổi" tâm hồn Mị được hồi sinh mãnh liệt.
Tiếng sáo hối thúc Mị, tiếng sáo như cơn gió thổi bung đi lớp tro tàn nguội lạnh đang phủ lấy tâm hồn Mị. Tiếng sáo nhập vào hồn Mị làm đồng hiện quá khứ tươi đẹp của một cô gái giàu tài năng. bước nhảy tâm lý đầu tiên của Mị đó là việc Mị ngồi nhẩm thầm lời của người đang thổi sáo:
Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu
Bài hát ấy lâu rồi Mị không hát, điệu sáo ấy lâu rồi Mị không thổi. Nhưng đêm nay Mị lại nhớ, lại nhẩm thầm, Mị vẫn thuộc. nghĩa là Mị không vô cảm. nói đúng hơn, sự vô cảm chỉ là lớp vỏ bề ngoài, còn bên trong Mị vẫn có một trái tim khát sống, rực lửa yêu thương. Nó là ngọn lửa âm ỉ cháy trong lớp tàn tro, sẽ bùng lên khi gặp gió. Tiếng sáo ấy là ngọn gió lành thổi về bao mộng đẹp.
Chính tiếng sáo dẫn Mị đến hành động "nổi loạn về nhân cách", "Mị lén lấy hủ rượu, cứ uống ừng ực từng bát. rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước". Mị uống như nuốt cay, nuốt đắng, nuốt hận vào trong lòng. Uống cho quên nhưng lại nhớ. một khi uống rượu không còn đủ sức làm người ta quên thì nó lại quay lại thức tỉnh cả con tim và lý trí, Mị lại nghe tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Rượu chính là chất men đánh thức phần đời đã mất của Mị. Rượu làm Mị sống lại một quá khứ đầy ắp niềm vui sướng: "ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo mộ". Tiếng sáo ấy cùng những hoài niệm và men rượu hòa quyện.
Sau đó, Mị lại bước vào buồng, lại "ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng", trong nhà thống lý là tù ngục, ngoài ô cửa kia là thiên đường tuổi trẻ. Chi tiết này cho thấy, Mị nhìn về phía ánh sáng, có nghĩa là tâm hồn Mị đang khao khát "vượt ngục", "Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước". đó là niềm của kẻ đã tìm lại được mình. Và Mị ý thức được rằng "Mị trẻ lắm. Mị còn trẻ. Mị muốn đi chơi". nhận thấy mình còn trẻ và muốn đi chơi có nghĩa là trong Mị rất khát khao tự do. đúng là bi kịch. khi một người đàn bà chợt nhận ra mình còn trẻ trong hoàn cảnh trớ trêu này thì đúng là bi kịch, quá khứ làm Mị trẻ lại, hiện tại làm Mị đau đớn, ê chề.
Đỉnh điểm của cảm xúc bi kịch là nỗi tủi thân: Mị đã có cuộc sống không hạnh phúc với A Sử: "A sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau", đau đớn quá, Mị khao khát: "nếu có nắm lá ngón trong tay này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa". muốn chết, nghĩa là Mị sẽ không còn như trước nữa, Mị muốn phản kháng lại hoàn cảnh ấy. Mị đã không còn chấp nhận cái thực trạng ê chề này. đó chính là sức sống đã được đánh thức.
Âm thanh đó đã làm thức dậy trong Mị ý thức về tình yêu, hạnh phúc và lòng khát khao cuộc sống tự do. Từ đó, Mị đi đến quyết định táo bạo: bỏ nhà đi theo những đám chơi. Đó là ý định giải thoát lặng lẽ như vô cùng mãnh liệt. "Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng". ngọn đèn được thắp lên, ánh sáng của nó xua tan cái bóng đêm ảm đạm đang vây quanh Mị, đang thắp lên ngọn lửa trong tâm hồn Mị. một loạt các hành động gấp gáp được Tô Hoài diễn tả: "Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi... Mị quấn tóc lại, Mị với lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách...". Đó là nhu cầu làm đẹp bản thân trước lúc đi chơi. Mị làm tất cả, thật bình thản và không hề để ý đến thái độ của A Sử chứng tỏ, sức sống mãnh liệt trong Mị đang lớn hơn tất cả, bóng ma thần quyền cũng không thể lớn hơn sức sống của Mị.
Ý định giải thoát của Mị không thành khi a sử trở về. Hắn thẳng tay vùi dập tàn nhẫn sự trỗi dậy đó: "nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà, tóc Mị xoã xuống, A Sử buộc luôn tóc lên cột , làm cho Mị không cúi , không nghiêng được đầu nữa...". miêu tả sự tàn nhẫn của a sử chính là sức mạnh của ngòi bút Tô Hoài đã tố cáo và lên án mặt bất nhân của bọn chủ nô phong kiến miền núi.
Nhưng A Sử chỉ trói được thể xác Mị, chứ không trói được tầm hồǹ của Mị, bởi tâm hồn Mị đang tự do dạo chơi trong thế giới của khát vọng sống:" trong bóng tối, Mị đứng im lặng như không biết mình bị trói, hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi...". Mị không biết mình bi trói nghĩa là cô không sống bằng thể xác nữa mà thực sự đang sống bằng tâm hồn. có lúc tiếng sáo gọi bạn tình nhập vào hồn Mị, mi vui sướng quá đến nỗi: "Mị vùng bước đi". và thực sự cô tỉnh khi" tay chân đau không cựa được". tỉnh rồi lại nghe tiếng chân ngựa đập vào vách, âm thanh tiếng chân ngựa đập vào vách đã đưa Mị từ nỗi nhớ trở về với hiện tại. giấc mơ tan biến. Tiếng sáo cũng không còn. chỉ còn Mị với nỗi đau thân phận, tỉnh rồi mới thấy lòng cay đắng" Mị thôn̉ thức nghĩ mình không bằng con ngựa". Cũng như âm thanh tiếng sáo đánh thức mà ngọn lửa tình yêu và khát vọng tự do trong Mị lại một lần nữa bùng cháy và chắc chắn sẽ trở thành ngọn lửa rực rỡ mà bằng chứng là hành động cởi trói dây cho a phủ và cùng anh trốn khỏi Hồng Ngài sau này.
Xét về giá trị nghệ thuật: ta thấy đây là chi tiết góp phần làm thay đổi trạng thái tâm lý của nhân vật. tâm lý nhân vật từ khi nghe tiếng sáo đã có sự chuyển biến phức tạp nhưng sâu sắc. Tiếng sáo tạo ra bước ngoặt tâm lý và cũng là chi tiết mà ở đó, Tô Hoài đây ý đồ nghệ thuật của mình đến mức tài năng. Chính âm thanh ấy làm thay đổi tất cả con người của Mị, từng việc "ngồi nhẩm thầm tiếng sáo "đã đứng dậy thành hành động. điều đó chứng tỏ tài nghệ miêu tả tâm lý sống động cũng như tấm lòng nhân đạo (phát hiện ra sức sống tiềm tàng...) của nhà văn.
Có thể nói, "chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn", chi tiết là những hiện thực đời sống được nhà văn tái hiện trong tác phẩm là đơn vị cấu tạo nên tác phẩm, mang sức chứa lớn về nội dung và nghệ thuật. tuỳ theo sự thể hiện cụ thể mà chi tiết có khả năng giải thích, tái hiện, biểu hiện... khiến hình tượng nghê thuật trở nên cụ thể, gợi cảm và sống động, khiến ý đồ tư tưởng của nhà văn hiện hình rõ rệt, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ tư tưởng của tác giả trong tác phẩm. những chi tiết thường được chọn lọc, gửi gắm mọi tư tưởng, tình cảm của nhà văn, là sự dồn nén những điều mà nhà văn muốn nói.
Tóm lại, qua hai chi tiết nghệ thuật trong hai tác phẩm Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ mà ta vừa phân tích ở trên. hai nhà văn Nam Cao và Tô Hoài đã mang đến cho chúng ta hai thiên truyện ngắn đặc sắc nhất của văn chương Việt Nam. Qua hai chi tiết nghệ thuật ấy ta càng hiểu sâu sắc hơn tấm lòng nhân đạo của hai nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của dân tộc.
Để làm chủ bài văn, các em có thể đăng ký khóa học 10 NGÀY "CHẠY" VĂN của Học Văn chị Hiên nhé!
ĐĂNG KÍ KHOÁ HỌC TẠI ĐÂY!
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan