3 CÔNG THỨC MỞ BÀI DÙNG ĐƯỢC CHO MỌI KHỐI LỚP HAY NHẤT

Ngày 19/09/2023 16:04:36, lượt xem: 3942

 

1. Mở bài đi từ một nhận định

Tác giả Nam Cao đã từng có một khẳng định chắc nịch: “Nhà văn phải đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy mọi vang động của cuộc đời”. Hai từ “né tránh” sẽ không có trong từ điển của một cây bút chân chính vì hiện thực chính là sự khởi nguồn bất tận của nghệ thuật. Anh phải biết mở rộng tấm lòng, biết đón nhận lấy tất cả cung bậc hỉ, nộ, ái, ố để mài giũa, nhào nặn những biến động ấy thành một viên ngọc tinh tế nhưng vẫn phải đỗi chân thật. Chính bởi lẽ đó, “Nhà văn A” cũng đã có cho mình một viên ngọc như thế, một viên ngọc được trau chuốt từ đời sống trần trụi nhưng thông qua ngòi bút đậm tính nhân đạo ta lại thấy rõ được vẻ đẹp tiềm ẩn của những kiếp người trong bể đời đầy sóng gió thông qua những trang văn của “Tác phẩm B”.

 

ĐỌC THÊM: 3 CÔNG THỨC KẾT BÀI ÁP DỤNG CHO MỌI BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

 

2. Mở bài đi từ hình ảnh

Giữa bầu trời mênh mang lộng gió, cánh diều đang bay bổng trên nền trời xanh kia có thể vụt mất khỏi tầm tay người thả nếu anh ta cứ nương theo gió mà không có sự điều khiển. Văn chương cũng vậy, nếu người nghệ sĩ không gắn nghệ thuật với thực tại, để nó bay bổng theo những thứ phù phiếm thì đó chỉ là thứ nghệ thuật giả dối, là thứ nghệ thuật “không đáng thờ”. Không muốn đứa con tinh thần của mình giống như cánh diều đứt dây rồi biến mất giữa bầu trời văn chương, “Tác giả A” đã sử dụng tài năng của người nghệ sĩ bậc thầy, chú trọng điều khiển sợi dây tác phẩm của mình một cách cẩn thận tỉ mỉ, bám chắc hiện thực để cánh diều có bay cao thế nào, nó vẫn gắn với đời sống thực tại, vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi của một tác phẩm văn chương và “Tác phẩm B” chính là một minh chứng xác đáng cho điều đó.

 

3. Mở bài đi từ sự so sánh

Nếu như khép lại trang văn tác phẩm “Chí Phèo” của  Nam Cao, bạn đọc sẽ tự thốt lên đây chính là “vàng đãi từ dòng sông hiện thực”. Gập lại cuốn “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố cùng hình ảnh chị Dậu với cái tiền đồ tối đen như mực, độc giả sẽ khẳng định “Bức tranh xã hội chân thực tố cáo tội ác của chế độ thực dân nửa phong kiến” là đây. Còn khi đọc theo từng trang văn “Tác phẩm B” của “Tác giả A”, ta sẽ không khỏi dấy lên những trăn trở, suy nghĩ về hiện thực cuộc sống cũng như những triết lí nhân sinh sâu sắc của một nghệ sĩ chân chính dành cho bạn đọc thông qua ngòi bút của chính mình.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan