Đăng Ký Học
Ngày 01/12/2020 10:17:07, lượt xem: 4388
Đoạn trích “ Cảnh ngày xuân” là một trong những đoạn tả cảnh xuất sắc nhất trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Ông đã thể hiện nghệ thuật điêu luyện của mình khi sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Để hiểu rõ hơn, cùng Học văn chị Hiên đi phân tích tác phẩm này nhé.
Ralph Waldo Emerson, nhà viết tiểu luận, nhà thơ, triết gia người Mỹ, đã viết: “Trái đất giống như đứa trẻ biết làm thơ. Trái đất mỉm cười trong những nụ hoa. Và nếu bạn nhìn đủ sâu, bạn sẽ thấy âm nhạc... Điều gì khiến cho Trái Đất được ca tụng như bài thơ, như nụ cười, như âm nhạc - xinh đẹp và đáng yêu đến như vậy. Chính là ở vẻ đẹp của thiên nhiên”.
Đến với Truyện Kiều của Nguyễn Du: Giá trị của Truyện Kiều không chỉ là chiều sâu của nội dung mà còn là đỉnh cao về mặt nghệ thuật. Trong đó, là nghệ thuật tả cảnh. Trong đoạn trích Cảnh ngày xuân, chúng ta bắt gặp một bức tranh thiên nhiên tươi sáng xinh đẹp trong một ngày hội xuân:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Ngày xuân, tiết trời đã sang tháng ba nhưng bầu trời vẫn trong trẻo với ánh thiền quang ấm áp và chim én rộn ràng bay lượn trên bầu trời bao la. Câu thơ
phảng phất phong vị thành ngữ - ca dao (Thời gian thấm thoát thoi đưa). Hai chữ thoi đưa diễn tả cánh én như con thoi, hai chữ đưa thoi vút qua vút lại, chao liệng trên bầu trời xuân, vừa giàu sức gợi hình gợi tả vừa gợi cảm giác luyến tiếc, mùa xuân đang trôi nhanh. Tuy vậy, cảnh vật vẫn tràn đầy sức sống:
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Nguyễn Du đã vận dụng sáng tạo cách chấm phá của cổ thi Trung Hoa (Phương thảo liên thiên bích, lê chi sổ điểm hoa) để vẽ nên vẻ đẹp thanh xuân trong trắng của thiên nhiên hoa cỏ. Những cánh đồng cỏ non bao la khoáng đạt xanh rợn chân trời, đâu đó những cành lê điểm xuyết một vài bông hoa trắng nõn nhẹ nhàng thanh khiết như sức sống trào dâng. Đoạn thơ tái hiện trước mắt chúng ta không khí rạo rực niềm vui và tràn đầy sắc xuân và khát vọng mùa xuân.
Vẻ đẹp của mùa xuân trong sáng, mới mẻ và tinh khôi đó đã được nhà thơ khắc họa qua những hình ảnh chấm phá độc đáo “cỏ non xanh” , “ cành lê trắng”. Những hình ảnh ấy gợi tả nên một sắc xuân tràn đầy sức sống, một sắc xuân tươi trẻ, mới mẻ và sống động. Lấy cảm hứng từ hai câu thơ cổ Trung Quốc: “Phương thảo liên thiên bích – Lê chi sổ điểm hoa”, Nguyễn Du chỉ thêm một
chữ “trắng” cho cành lê mà bức tranh mùa xuân đã khác. Không gian như trở nên khoáng đạt, trong trẻo và nhẹ nhàng hơn, nhưng cảnh vật không vì thế mà tĩnh lặng trong khoảng không bao la, rộng lớn và khoáng đạt ấy, cảnh vật trong “Cảnh ngày xuân” - trong thơ Nguyễn Du bao giờ cũng có hồn và có sức sống riêng của nó. Với thủ pháp nghệ thuật đảo ngữ “trắng điểm”, nhà thơ đã thể hiện “cái hồn” riêng của cảnh vật, cảnh vật được thể hiện qua câu chữ im lìm trên trang giấy nhưng lại tiềm ẩn sức sống riêng. Chính vì thế, vẻ đẹp của mùa xuân ở đây không hư ảo, trừu tượng mà thật chân thực và gần gũi.
Nếu bốn câu thơ đầu là một bức tranh của mùa xuân thì tám câu tiếp là bức tranh của lễ hội trong tiết thanh minh :
“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm
Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”.
Từ xa xưa dân tộc ta đã có phong tục là đi tảo mộ người thân đầu năm để thăm viếng sửa sang lau chùi cho sạch sẽ và du xuân ở chốn đồng quê trong khí tiết thanh minh. Các danh từ, động từ, tính từ “yến anh, chị em, tài tử, giai nhân, ngựa xe, áo quần, sắm sửa, dập dìu, gần xa, nô nức” là chỉ một không gian có rất nhiều người đặc biệt là các chàng trai và cô gái đi du xuân đầu năm tạo không khí đông vui, nhộn nhịp và náo nhiệt của buổi hội gắn với một tâm trạng của mỗi người đi hội. Ai cũng háo hức sắm sửa trang phục, trang sức để chuẩn bị tham gia lễ hội. Đó không những là buổi hội mà còn là nơi se duyên cho các cặp nam thanh nữ tú chưa tìm được định mệnh của mình.
Qua tám câu thơ, tác giả đã khắc họa thành công truyền thống văn hóa lễ hội mùa xuân của dân tộc. Đồng thời, đây cũng là một dụng ý nghệ thuật sâu sắc của tác giả: mượn ngày hội lớn làm bối cảnh, tiền đề để miêu tả cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Thúy Kiều và Kim Trọng.
Đến sáu câu thơ cuối, bằng nghệ thuật "tả cảnh ngụ tình", Nguyễn Du đã miêu tả thời điểm kết thúc của ngày hội xuân thấm đượm hồn người một chút buồn xao xuyến. Đó là khung cảnh chị em Kiều du xuân trở về:
Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Vẫn cái thanh tao, mát dịu của mùa xuân nhưng thời gian thay đổi. Cuộc vui nào cũng tàn, không khí vui tươi, rộn ràng của hội xuân rồi cũng khép lại. Các từ láy “tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao nho nhỏ”… rất nhẹ nhàng, gợi cảm. Mặt trời từ từ ngả về tây, nắng nhạt nhòa hơn. Mọi chuyển động đều nhẹ nhàng. Bước chân người thơ thẩn như lưu luyến gì. Nhịp cầu nhỏ bắc ngang con suối nhỏ, dòng nước như không buồn trôi, cứ nào nào uốn quanh chân cầu. Cảnh chiều tà đầy dự cảm đã khép lại cuộc du xuân nhưng lại là mở đầu cho cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Thúy Kiều và Đạm Tiên, cô gái hồng nhan bạc phận và cuộc hội của mối tình đầu Thúy Kiều - Kim Trọng.
Và đúng như vậy, Thúy Kiều đã gặp nấm mồ bất hạnh “Đạm Tiên” – một ca nhi tài sắc mà mệnh yểu và cả sự ngẫu nhiên gặp chàng nho sinh” phong tư tài mạo tót vời” - Kim Trọng, để rồi “tình trong như đã mặt ngoài còn e” như một định mệnh tiền duyên, rõ ràng cảnh đã nhuốm màu tâm trạng của nhân vật.
Như vậy sáu câu thơ cuối của đoạn trích với việc sử dụng từ láy đặc biệt là bút pháp tả cảnh ngụ tình - cảnh gắn với tình – cảnh tình tương hợp đã làm cho lòng người hòa vào cảnh vật như đang lắng lại cùng cảnh vật. Từ đó, ta thấy được tâm trạng nhạy cảm cùng niềm vui cuộc sống của tác giả.
Bằng tài năng quan sát tinh tế, sự nhạy cảm của một tâm hồn thơ, cách sử dụng từ ngữ hình ảnh sinh động, Nguyễn Du đã hết lòng tâm huyết vẽ nên bức tranh về mùa xuân thật đẹp, có hồn và độc đáo. Một bức tranh xuân hiện lên trước mắt người đọc với thiên nhiên thanh khiết, khoáng đạt, cánh én chao liệng đưa thoi, cùng cái non xanh của cỏ, sắc trắng tinh khôi của cánh hoa lê,…tất cả hòa quyện vào nhau làm nền cho vẻ đẹp náo nức, vui tươi của chị em Thúy Kiều hiện lên. Chính tình yêu thiên nhiên đất nước con người đã tạo nên nguồn cảm hứng để ông say sưa với đời, lưu giữ trong kho tàng thi ca Việt Nam một bức tranh mùa xuân thật đặc biệt.
Hy vọng sau khi cùng Học văn chị Hiên tìm hiểu về bút pháp tả cảnh ngụ tình trong đoạn trích “ Cảnh ngày xuân” các em sẽ có thêm kiến thức để viết nên bài văn mang dấu ấn của riêng mình thật xuất sắc nhé! Để theo dõi thêm nhiều bài học hay và thú vị hãy theo dõi ngay: Học văn chị Hiên.
Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt
học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn
Tin liên quan