Đăng Ký Học
Ngày 21/01/2022 11:22:33, lượt xem: 40444
Đề bài: "Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp." Hãy khám phá "xứ sở của cái đẹp" qua bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá".
"Xứ sở của cái đẹp" trong bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" (Huy Cận)
“Bắt gặp mùa tươi lên run rẩy
Trong cành hoa trẻ, cổ chim non
- Có ai gửi ý trong xuân cũ,
Đất nở mùa xuân vẫn chẳng mòn."
Người yêu thơ mệnh danh thi sĩ ấy là một thành viên xuất sắc của phong trào thơ mới, là một người yêu thơ và làm thơ. Đó là ai nếu không phải là nhà thơ Huy Cận, người đã đi qua cuộc đời này mà còn để lại cho nền văn chương Việt Nam những tác phẩm xuất sắc viết về đề tài quê hương, đất nước. Trong số đó, ta không thể không nhắc tới bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Bàn về tác phẩm, có ý kiến cho rằng, “Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường đến với xứ sở của cái đẹp”.
Nếu như trước cách mạng tháng 8, Huy Cận được biết đến là một nhà thơ với “nỗi sầu vạn kỉ” thì sau cách mạng, ta lại bắt gặp một hồn thơ Huy Cận của cảnh sắc quê hương và nỗi niềm nồng nàn yêu nước. Nằm trong mạch cảm xúc ấy, bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được ra đời năm 1958 nhân chuyến đi thực tế của tác giả ở Hồng Gai và được in trong tập: “Trời mỗi ngày lại sáng”. Tác phẩm đã đánh dấu sự thay đổi quan điểm nghệ thuật cùng những cảm xúc trong suốt quá trình ông đi theo cách mạng.
ĐỌC THÊM NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | VẺ ĐẸP BỨC TRANH THIÊN NHIÊN VÀ CON NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG "ĐOÀN THUYỂN ĐÁNH CÁ"
Chúng ta đều biết rằng, một nhà văn chân chính là nhà văn luôn đặt mục đích sáng tác vào con người và cuộc sống, đem ngòi bút của mình phục vụ đời sống và có ích cho con người. Bởi nói như nhà văn Nam Cao trong tác phẩm “Trăng sáng”. “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ kiếp lầm than”. Ta bắt gặp trong sáng tác của Huy Cận những nét vẽ hiện thực đẹp mà sâu sắc của cả con người và cảnh sắc thiên nhiên. Bởi thế, xứ sở của cái đẹp trong tác phẩm đã được thể hiện ở hai phương diện nội dung và hình thức. Vẻ đẹp nội dung là vẻ đẹp của tự nhiên và con người trong lao động, chiến đấu,... mà nhà văn mang tới cho người đọc. Còn vẻ đẹp hình thức là khả năng xây dựng được các hình tượng nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn, là khả năng kết cấu chặt chẽ, tình huống hợp lí và khả năng sử dụng ngôn từ điêu luyện… Nội dung hình thức đẹp không chỉ đem lại cho người đọc những rung cảm thẩm mĩ mà còn làm cho con người thêm yêu cuộc sống, khao khát hướng tới những gì đẹp đẽ, tốt lành cho cuộc đời. Để người đọc có thể cảm nhận được xứ sở cái đẹp thì nhà văn chân chính phải là người dẫn đường và khám phá cho người đọc cảm nhân. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, vừa là niềm vui, niềm hạnh phúc của chính Huy Cận đã hoàn thành xuất sắc trong tác phẩm của mình.
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa,
Sóng đã cài then đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”
Nhà thơ Huy Cận không chọn thời điểm ra khơi là khi trời mọc còn sáng hay lúc mặt trời lặn xuống mà ở đâu tác giả chọn cảnh ra khơi và buổi đêm - một cảnh tượng rất thơ mộng huyền ảo. Nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh so sánh gợi lên tưởng thú vị. Vũ trụ như một ngôi nhà lớn và màn đêm xuống là tấm ảnh khổng lồ, then cài là những con sóng. Chỉ với bốn câu thơ thôi nhà thơ Huy Cận đã phác họa ra trước mắt người đọc bức tranh thiên nhiên của biển cả vào đêm lúc đoàn thuyền bắt đầu ra khơi. Một chân trời đỏ rực như hòn lửa. Màu đỏ ấy cứ lan tỏa lung linh sắc màu êm đềm mà kiêu hãnh, gần gũi mà mờ ảo.
Đồng thời, cứ mỗi khi cánh cửa màn đêm của vũ trụ khép lại sau một chu trình hoạt động thì những người dân lại giong buồm ra khơi đánh ca. Từ “lại” vừa diễn tả sự đối lập giữa con người với thiên nhiên, vừa diễn tả sự tuần hoàn, chu trình lặp đi lặp lại của đoàn thuyền đánh cá. Họ làm việc trong tư thế hăm hở, hào hứng “câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Đồng thời, hình ảnh “câu hát căng buồm” cũng là một hình ảnh ẩn dụ ấn tượng và giàu sức sáng tạo biểu trưng cho tâm hồn lạc quan, vui vẻ trong lao động của những người dân làng chài. Chính tiếng hát của họ đã thổi phồng cánh buồm đưa con thuyền tiến vào đại dương. Hình ảnh ấy chợt khiến tôi nhớ tới một vài câu thơ trong bài “Miền Biển Mặn” của nhà thơ Bách Tùng Vũ:
“Hò khoan chúng ta lên đường
Đây miền biển mặn đêm trường ra khơi
Ta lên thuyền … Anh em ơi…
Dù bao vất vả mà đời vẫn tươi.
Ai ai cũng nở nụ cười
Quê tôi miền biển, con người…”
ĐỌC THÊM SƠ ĐỒ TƯ DUY CHI TIẾT TÁC PHẨM “ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ” - HUY CẬN
Vì thế, qua ngòi bút Huy Cận, hình ảnh cánh buồm cũng trở nên có hồn hơn, biểu trưng cho niềm tin, khát khao và sức mạnh của người dân chài. Không chỉ tập trung khắc họa vẻ đẹp của con người, cảnh thiên nhiên lúc đoàn thuyền đánh cá trên biển cũng được tác giả miêu tả một cách rõ nét:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng.
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.”
Trong không gian bao la của biển cả đoàn thuyền lái gió với buồm trăng, với mây, với sao. Cảnh biển trở nên rực rỡ, huy hoàng khi có sự xuất hiện của ánh trăng. Nó tạo nên một luồng sáng cổ động khí thế làm việc của con thuyền. Bằng tưởng tượng phong phú, ngòi bút của Huy Cận đã thực sự thăng hoa trong cảnh vật của thiên nhiên. Hình ảnh con thuyền được miêu tả thật đẹp đẽ và độc đáo mang tầm vóc vũ trụ: cánh buồm trăng, con thuyền như bay giữa mây cao”. Cảnh vật như mở ra ba chiều: chiều rộng của mặt biển, chiều cao của mây trời và chiều sâu của bụng biển. Không gian ba chiều của cảnh vật như tôn thêm tầm vóc của con người và con thuyền. Các động từ như: “lái - lướt - đậu - dò - dàn đan - giăng” đã diễn tả hành động khẩn trương, dứt khoát và thể hiện sức mạnh của người dân chài. Cụm từ “dàn đan thế trận” là một hình ảnh ẩn dụ cho hành động đánh cá của ngư dân, khiến cho người đọc như tưởng tượng ra đoàn thuyền đánh cá đang bài binh bố trận để chuẩn bị thu một mẻ cá lớn. Con thuyền hiện ra như con tuấn mã, băng băng giữa đại dương rộng lớn.
Vẻ đẹp thiên nhiên trên biển không chỉ có sao trời, trăng sáng, sóng vỗ rầm rì mà nó còn đẹp rực rỡ hơn bởi sắc màu của các loài cá:
“Cá nhụ cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng.
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở sao lùa nước Hạ Long.”
Trên biển có rất nhiều các loài cá: nào là cá chim, cá nhụ, cá đé, cá song… mỗi loài cá có một sắc màu rất riêng tạo nên một bức tranh rực rỡ màu của biển cả bao la. Với tài hoa của tâm hồn thi sĩ, chỉ bằng vài câu chữ, một bức tranh thiên nhiên của biển đã được Huy Cận vẽ lên thật đẹp và sống động. Một bức tranh về biển về đêm đẹp lung linh sắc màu.
Trước vẻ đẹp lớn lao, hùng vĩ của thiên nhiên vũ trụ, con người được nhà thơ khắc họa với tư thế hào hùng, khỏe mạnh. Đoàn thuyền ra đi với khí thế hào hứng, vui tươi:
“Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.”
“Sao mờ là một hình ảnh đẹp, là khoảng thời gian trời lúc sắp bắt đầu sáng. Ngay chính lúc này, công việc của những người dân ngày càng khẩn trương hơn bao giờ hết. Cảnh vật hiện lên thật sống động mà trung tâm là nét đẹp lao động của con người. Cụm từ “kéo xoăn tay” không chỉ gợi cho người đọc những mẻ tươi ngon, nặng trĩu mà còn thể hiện sự khỏe khoắn trong những bắp tay rắn chắc của người dân chài khi họ kéo mẻ cá vào khoang thuyền. Trong bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh cũng có sự cảm nhận như thế:
“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.”
Hình ảnh nắng hồng của bình minh kết hợp với hình ảnh mẻ cá tạo nên hình ảnh thật sống động và ấn tượng, gợi cho người đọc nhớ tới câu ca “rừng vàng biển bạc mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Đồng thời, ý thơ cũng thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng của người lao động vào thành quả mà họ gặt hái được.
Bài ca lao động khép lại trong khổ thơ cuối với hình ảnh đoàn thuyền trở về trong thắng lợi lúc bình minh lên. Lúc này, con người lao động trở nên hài hòa cùng với vũ trụ thiên nhiên: phấn khởi, hồ hởi trong niềm vui chiến thắng sau một đêm kéo lưới vất vả:
“Câu hát căng buồm cùng gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”
Mở đầu là hình ảnh mặt trời xuống biển, kết thúc bài thơ là hình ảnh mặt trời đội biển giữa muôn trùng sóng nước. Điều đó gợi lên sự vận động của thời gian và công việc lao động của con người đã hoàn tất. Tuy nhiên, sắc thái ý nghĩa qua mỗi lần hình ảnh “mặt trời” xuất hiện lại khác nhau. Nếu như hình ảnh mặt trời ở khổ đầu báo hiệu thời khắc của ngày tàn, đêm xuống và công việc của người ngư dân bắt đầu mở ra thì “mặt trời” ở khổ cuối lại báo hiệu thời khắc của một ngày mới bình minh, biểu tượng cho ánh sáng mới, cuộc sống mới chan chứa niềm vui, hạnh phúc của con người sau chuyến hành trình lao động nhọc nhằn, gian khó, hiểm nguy. Trong bức tranh ấy, con người xuất hiện trong tư thế sánh ngang với mặt trời, với thiên nhiên vũ trụ: “Đoàn thuyền đánh cá chạy đua cùng mặt trời. Từ “với”, “cùng” đã diễn tả sự hài hòa cân đối giữa thiên nhiên và con người lao động. Ánh mặt trời đã điểm tô cho thành quả lao động thêm rực rỡ. Mặt trời chiếu rọi vào những mắt cá khiến muôn mắt cá như muôn mặt trời tỏa ánh huy hoàng. Như vậy, xứ sở của “Đoàn thuyền đánh cá” là sự kết hợp hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Nơi mà ở đó con người đứng lên làm chủ chinh phục thiên nhiên, làm cho thiên nhiên thêm giàu đẹp.
ĐỌC THÊM [TUYỂN TẬP KẾT BÀI HAY] ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ (HUY CẬN)
Xứ sở của cái đẹp trong bài thơ không chỉ đẹp về nội dung mà còn đẹp về nghệ thuật, được thể hiện ở cảm hứng vũ trụ và cảm hứng lãng mạn cách mạng để tạo cho bài thơ có nhiều hình ảnh độc đáo, vừa thực, vừa ảo, vừa rộng lớn, tráng lệ, lung linh như những bức tranh sơn mài. Bài thơ cũng là một khúc ca về lao động, về thiên nhiên đất nước giàu đẹp. Khúc ca ấy phơi phới, khỏe khoắn, mạnh mẽ, được tạo nên bởi âm hưởng, giọng điệu của bài thơ. Các yếu tố lời thơ, nhịp điệu, vần… góp phần làm nên âm hưởng ấy. Bên cạnh đó, cách gieo vần được biến hóa linh hoạt, bút pháp phóng đại khoa trương đạt hiệu quả thẩm mỹ và tạo ấn tượng riêng cho bài thơ. Tác giả còn sử dụng hàng loạt các biện pháp tu từ nhằm liệt kê gợi sự giàu có của biển khơi, các hình ảnh ẩn dụ… nghệ thuật nhân hóa gợi một không gian sống động, lung linh, kì ảo mà gần gũi, ấm áp. Tất cả hiện lên như một bức tranh đẹp và tráng lệ.
Ngợi ca vẻ đẹp hùng tráng và thơ mộng của biển khơi, ngợi ca cuộc sống tưng bừng niềm vui xây dựng, bài thơ thực sự là “xứ sở của cái đẹp”, là tiếng hát cất lên từ hồn thơ Huy Cận để dâng tặng cuộc đời. Mang trong mình cả phong vị cổ điển nhưng lại rất hiện đại ở những liên tưởng bất ngờ, cả cảm hứng vũ trụ hòa cùng luồng cảm hứng lãng mạn, bài thơ đã mở ra một viễn cảnh thật huy hoàng. Trong đời sống tự nhiên ấy được khúc xạ qua ánh sáng, cảm quan, quá trình lao động cực nhọc, sáng tạo mê say của nhà văn để có được sức hấp dẫn, những giá trị đẹp của con người, làm cho con người sống tốt hơn. Văn học là cuộc đời, cuộc đời là khởi nguồn cũng là những điểm đi tới của văn học. Yêu cái đẹp của văn chương là chúng ta yêu tấm lòng của nhà văn. Họ là những kĩ sư tâm hồn đốt cháy mình để có được ánh sáng, niềm vui dẫn ta đến bến bờ xứ sở của cái đẹp trong cuộc sống.
Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA HỌC CẤP TỐC 2K7 – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên
Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên
Tin liên quan