Vẻ đẹp của người dân tộc miền núi trong "Nói với con" (Y Phương)

Ngày 10/05/2022 15:37:22, lượt xem: 6373

Đề bài: Em hãy làm rõ vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của những con người miền núi qua đoạn thơ sau: 
" Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
...
Không lo cực nhọc".

 

 

BÀI LÀM MẪU VẺ ĐẸP NGƯỜI DÂN TỘC MIỀN NÚI TRONG "NÓI VỚI CON"

Bài làm

“Dòng nước mắt một đời không luống cạn

Giọt mồ hôi năm tháng chẳng hề vơi

Đó tình cha muôn thuở vốn không lời

Trong lặng lẽ, âm thầm như chiếc lá.”

Nếu ai đó thử đắm mình vào thế giới của cha, thì sẽ khám phá ra một kỳ quan tuyệt hảo nhất đó là trái tim thương yêu vô bờ bến, một tình thương dạt dào bát ngát như biển trời, chẳng khác nào tình thương của mẹ. Nhưng tình cha hiếm khi biểu lộ ra bên ngoài mà nó biểu lộ bằng sự âm thầm lặng lẽ lại mộc mạc đơn sơ. Hướng tầm mắt đến những trang văn viết về tình phụ tử, trong văn học Việt Nam, ta bắt gặp được những lời răn dạy của người cha dành cho đứa con bé nhỏ của mình qua bài thơ “Nói với con”. Nhà thơ Y Phương đã nói với con về sức sống bền bỉ, mãnh liệt, về truyền thống cao đẹp của quê hương và cha mong ước con hãy kế tục xứng đáng truyền thống đó qua những dòng thơ: “Người đồng mình thương lắm con ơi…. Không lo cực nhọc”

Nhà thơ Y Phương là người dân tộc Tày, ông là một trong những gương mặt tiêu biểu thuộc lớp các nhà thơ dân tộc miền núi. Thơ ông là tiếng hát ngợi ca con người và cuộc sống miền núi, là sự thức tỉnh ý thức dân tộc, khẳng định sức sống mạnh mẽ của dân tộc mình. “Thơ Y Phương như một bức tranh thổ cẩm đan dệt nhiều màu sắc khác nhau, phong phú và đa dạng nhưng trong đó có một màu sắc chủ đạo, âm điệu chính là bản sắc dân tộc rất đậm nét và độc đáo. Nét độc đáo nằm ở cả nội dung và hình thức. Với Y Phương, thơ của dân tộc Tày nói riêng và thơ Việt Nam nói chung có thêm một giọng điệu mới, một phong cách mới”. Bài thơ “Nói với con” được sáng tác 1980, in trong tập thơ Việt Nam 1945- 1985 trong hoàn cảnh đất nước ta còn gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Mượn lời nói với con, Y Phương đã bộc lộ niềm tự hào về truyền thống cần cù, sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình.

Có thể nói, tình cảm gia đình là một trong những đề tài quen thuộc của thơ văn. Đã có rất nhiều tác giả khai thác thành công mảng đề tài này. nữ sĩ tài hoa Xuân Quỳnh lý giả thật dung dị mà chân thành, sâu sắc:

"Muốn cho trẻ hiểu biết

Thế là bố sinh ra

Bố bảo cho biết ngoan

Bố dạy cho biết nghĩ"

(Chuyện cổ tích về loài người)

Bên cạnh tình cảm gia đình thắm thiết, cuộc sống lao động và quê hương cũng là yếu tố giúp con trưởng thành và bồi đắp cho con những phẩm chất tốt đẹp. Để thể hiện điều đó, ở khổ trên, Y Phương đã sử dụng những hình ảnh, cách nói của người dân miền núi để nói đến niềm tự hào về quê hương nơi con được sinh ra:

“Người đồng mình thương lắm con ơi!

Còn quê hương thì làm phong tục”

“Người đồng mình” là cha mẹ, những người thân thích, là đồng bào, là những người cùng quê hương. Ba tiếng “người đồng mình” chân chất, mộc mạc mà sâu sắc quá, một cách gọi rất thân thương, trìu mến, một cách gọi rất Y Phương! Động từ “thương” đi liền với từ chỉ mức độ “lắm” đã bày tỏ sự đồng cảm với những nỗi vất vả, khó khăn của con người quê hương. Không gian sống của người đồng mình là trên đá, trong thung, điều kiện sống của người đồng mình còn đói nghèo, cực nhọc. Chính vì vậy, họ cùng khẳng định bản lĩnh sống của mình, truyền trao từ thế hệ này đến thế hệ khác, đến thế hệ cha và cha mong muốn sẽ được tiếp tục nơi thế hệ con và tất cả thế hệ sau này. Hệ thống từ ngữ giàu sức gợi qua các tính từ “cao, xa” gợi liên tưởng đến những dãy núi cao, trùng điệp là nơi cư trú của đồng bào vùng cao. Những tính từ này được sắp xếp theo trình tự tăng tiến, gợi những khó khăn như chồng chất khó khăn để thử thách ý chí con người. Từ phẩm chất của người đồng mình, Y Phương tiếp tục nói với con về tấm lòng thủy chung và giàu tình nghĩa của người vùng cao:

“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói”

Câu thơ có chút ngậm ngùi, xót xa để diễn tả thực tại đời sống còn nhiều những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào vùng cao những đồng thời, cha cũng đầy tự hào trước ý chí, nghị lực vươn lên của họ. Điệp từ “không chê” vang lên đã nhấn mạnh tấm lòng thủy chung, gắn bó với quê hương của người đồng mình, như một lời cam kết đầy tự hào và cũng đầy kiêu hãnh của những người con sinh ra từ mạch nước của rừng và ý chí của đá. Câu thơ đã khắc sâu vào lòng bạn đọc một phẩm chất đáng quý của người đồng mình nhưng ta cũng thấy được phảng phất đâu đây nỗi trăn trở của tác giả về hiện thực cuộc sống còn nhiều khó khăn của bà con, làng bản. Bên cạnh đó, hình ảnh so sánh trong câu thơ “Sống như sông như suối” đã đưa bạn đọc trở về với nụ cười lạc quan của người đồng mình trong lối sống hồn nhiên, trong sáng, mạnh mẽ, phóng khoáng, vượt lên mọi khó khăn “Lên thác xuống ghềnh / Không lo cực nhọc”. Họ có thể đơn sơ, mộc mạc, “thô sơ da thịt” nhưng giàu ý chí, niềm tin, “chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”. Điều mà chẳng hề “nhỏ bé” ấy chính là phẩm phẩm chất và tâm hồn phong phú, mạnh mẽ, kiên cường của người đồng mình. Và cuối cùng, trong lời tâm sự của cha, người đồng mình luôn giữ truyền thống tự lực tự cường, tuy “thô sơ da thịt” nhưng có hoài bão lớn: “tự đục đá kê cao quê hương”, “còn quê hương thì làm phong tục. Câu thơ “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” có thể hiểu theo hai nghĩa. Bên cạnh nghĩa tả thực là miêu tả hành động đục đá thường thấy của người miền núi thì sâu xa hơn, hình ảnh xuất hiện trong câu thơ còn ẩn dụ cho tinh thần tự tôn và ý thức bảo tồn nguồn cội của người đồng mình. Tầm vóc của quê hương được xây dựng, nâng đỡ và phát triển cũng xuất phát từ chính tinh thần tự lực tự cường, chăm chỉ cần mẫn, vững chí bền lòng. Những câu thơ tràn đầy niềm tự hào về những phẩm chất đáng quý của người đồng minh. Từ đó Y Phương nhắn nhủ, răn dạy con phải biết kế thừa, phát huy những vẻ đẹp của con người quê hương.

Với thể thơ tự do, giọng điệu thiết tha, trìu mến. Sử dụng cách nói giàu hình ảnh của người miền núi cùng với một loạt những biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ… Đoạn thơ chứa chan ý nghĩa, mộc mạc, đằm thắm mà sâu sắc. Nó tựa như một khúc ca nhẹ nhàng mà âm vang. Mượn lời tâm sự với con nhà thơ ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người đồng mình nói riêng và con người Việt Nam nói chung trong lao động xây dựng quê hương.

Tình cha - một đề tài không mới nhưng chỉ cần nó xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào thì nó cũng sẽ đánh động hàng triệu trái tim hồi tưởng lại ý nghĩa của nó. Không một cái gì có thể đánh đổi được tình cảm của cha dành cho con và: "Bạn không cần phải đắn đo phân tích xem cha chúng ta là người như thế nào vì lúc nào cha cũng thật vĩ đại". Vì vậy, con người phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với tình cảm cao quý đó, để xứng với công lao trời bể mà cha đã dành ra yêu thương ta suốt một cuộc đời.

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA HỌC CHẠY VĂN LỚP 9 – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan