Đăng Ký Học
Ngày 20/02/2020 10:46:12, lượt xem: 4163
1. Nguyễn Tuân đã quan sát công phu và tìm hiểu kĩ càng khi viết về Sông Đà và người lái đò Sông Đà
Tùy bút Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân được tác giả thể hiện trên các phương diện:
+ Sự hung bạo, mãnh liệt của con sông
+ Sự hiền hòa, thơ mộng của sông Đà
+ Hình tượng ông lái đò với nhiều năm kinh nghiệm, như là một người nghệ sĩ trong công việc lái đò của mình: vừa khỏe khoắn, vừa mưu trí
Để có thể miêu tả được như vậy, nhà văn Nguyễn Tuân đã sử dụng:
+ Sự quan sát tinh tế, tài tình của ông
+ Vốn hiểu biết sâu rộng về con sông vùng Tây Bắc
+ Tài năng viết văn tài hoa, uyên bác và giàu tính nghệ thuật.
2. Hình ảnh con Sông Đà hung bạo được khắc họa một cách ấn tượng
Khi viết về dòng sông hung bạo, Nguyễn Tuân sử dụng lối hành văn mạnh mẽ, mãnh liệt với những câu văn dài, phức tạp, hùng tráng tương xứng với sự kì vĩ của dòng sông; Quan sát, miêu tả dòng sông ở khoảng cách gần, cụ thể, tỉ mỉ.
- Hướng chảy: chảy về hướng Bắc, trong khi các dòng sông đều chảy về hướng Đông cho thấy sự bất thường, độc đáo
- Thác sông Đà dày đặc, đa phần là thác dữ, âm thanh thác nước ghê gớm: "như là oán trách, van xin, khiêu khích"
- Những cái hút nước xoáy tít lôi tuột mọi vật xuống đáy sâu
- Bờ sông Đà (thượng nguồn) là cảnh tượng rất hiểm trở: “đá dựng vách thành”, chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu…
- Ngay cả cát sông Đà cũng là cát dữ: nó đục thủng gan bàn chân lỗ rỗ như những vết hà đục thủng đáy thuyền gỗ…
3. Cách viết của tác giả đã thay đổi khi biểu hiện Sông Đà như một dòng chảy trữ tình
Khi viết về dòng sông trữ tình, tác giả sử dụng cách viết co duỗi nhịp nhàng, âm điệu uyển chuyển, hình ảnh thơ mộng, liên tưởng độc đáo phóng khoáng. Nhà văn quan sát và miêu tả con sông trữ tình từ nhiều góc độ, khi thì ngắm dòng sông từ tầm cao khi bay tạt ngang qua sông Đà khi thì ngắm dòng sông khi ở gần như quan sát màu nước, cảnh đôi bờ.
- So sánh dòng sông như mái tóc nhằm gợi lên vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại, một vẻ đẹp của thiếu nữ kiều diễm. Vẻ đẹp ấy biến hóa huyền ảo ẩn hiện giữa mây trời Tây Bắc bung hoa quyện khói. Tác giả tạo cái nền đầy hoa rừng, mây trời Tây Bắc lung linh cho con sông hiện mình: "một mái tóc mun…áng tóc trữ tình".
- Khung cảnh bờ bãi ven sông với điểm nhìn đậu hẳn xuống mặt sông "Thuyền tôi trôi trên Sông Đà…dòng trên" . Đoạn văn giàu nhạc điệu, êm nhẹ, bâng khuâng, man mác, giàu chất thơ. Khung cảnh bên sông lặng lờ, yên tĩnh không còn dữ dội như ở thượng nguồn.
4. Hình tượng người lái đò trong cuộc chiến với con sông hung dữ
Cuộc chiến đấu: chia thành 3 chặng:
Trùng vi thạch trận thứ nhất:
Đá sông dàn thạch trận, mở ra năm cửa: bốn cửa tử và một cửa sinh. Những hòn đá bệ vệ, oai phong lẫm liệt. Sóng nước thì hò la vang dậy, ùa vào bẻ gãy cán chèo. Thác nước sông Đà mưu mô xảo quyệt tới mức như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái, thúc gối vào bụng, vào hông thuyền.
Ông lái đò lúc bấy giờ đã bị thương vẫn nhất định giữ lấy mái chèo, hay chân kẹp chặt cuống lái, mặt méo bệch đi nhưng tiếng chỉ huy vẫn ngắn gọn, tỉnh táo. Ông đò thực thụ là một người chiến sĩ, người chỉ huy vô cùng bản lĩnh, dũng cảm.
Trùng vi thạch trận thứ hai:
Đá sông tăng thêm nhiều cửa tử, cửa sinh bố trí lệch sang bờ hữu ngạn. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá, bám lấy thuyền rồi lỗi vào tập đoàn cửa tử.
Với ông đò “cưỡi lên thác sông Đà phải cưỡi đến cùng như cưỡi hổ”. Ông “nắm chặt lấy bờm sóng, đúng guồng rồi ông đò ghì cương lái mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá”. Chinh chiến đã lâu, ông đò thuộc lòng binh pháp của thần sông, thần đá nơi đây, cho nên ông lão đã vận dụng sáng tạo những chiến thuật của mình để giành lấy chiến thắng cuối cùng. “Đứa thì ông tránh và rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn chặt đôi ra để mở đường tiến.” Ông lão ấy đã giao chiến với tướng đá, quân đá thạch trận sông Đà như một dũng sĩ anh hùng giữa đời thường.
Trùng vi thạch trận thứ ba:
Bên phải, bên trái đều là luồng chết, luồng sống ở giữ bọn đá hậu vệ
Ông lái đò hiện lên với sự nhịp nhàng, điêu luyện khi chèo lái con thuyền: “Vút, vút, cửa ngoài, của trong lại cửa trong cùng thuyền như một mũi tên tre xuyên qua nhanh hơn nước, vừa xuyên vừa tự đông lái được, lượn được.” Nguyễn Tuân đã đưa ra một phép so sánh độc đáo và chính xác, gây được nhiều ấn tượng trong lòng đọc giả đó là hình ảnh người lái đò và người lái xe đang lao xuống dốc đèo. Người lái xe khi nguy nan vẫn còn chỗ để bám víu, đó là phanh tay, có tiến lên, lùi lại còn đối với người lái đò bây giờ thì không còn đường lùi “Cái thuyền mà lao xuống thác thì chả có cái phanh nào cả, chỉ có lao đi chứ không lùi lại, không lao trúng tim luồng nước thì thuyền quay ngang mà úp xuống chứ không có lùi gì cả”.
=> Trong trận thủy chiến, ông lái đò như một chiến tướng “tả xung hữu đột”, phát huy trọn vẹn, đủ đầy tài trí sự linh hoạt ứng biến của mình. Vượt qua ba trùng vi thạch trận với rất ít cửa sinh, ông lái đò đã thành công trong việc phá vỡ trùng vi thạch trận này để giành thắng lợi về cho mình. Ông làm chủ thiên nhiên và tin vào sức mạnh của chính bản thân mình. Đối với người lái đò, con thuyền là chiến mã, mái chèo là thanh gươm, ông lái hiện lên vững chãi, lồng lộng giữa sóng nước dữ tợn. Đối lập với thiên nhiên sông nước bao la mênh mông, thế nhưng sức vóc của ông không hề nhỏ bé, đơn độc, ông hiện lên vững chãi, lồng lộng giữa sóng nước Đà giang.
5. Một số câu văn ấn tượng
- Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân: câu văn giàu hình ảnh với lối so sánh độc đáo và khả năng gợi hình, gợi cảm mềm mại, hấp dẫn => đặc tả vẻ đẹp trữ tình, mềm mại, duyên dáng, tràn đầy sức sống của dáng vẻ sông Đà giữa mùa xuân.
- Lại như quãng mặt ghềnh Hát Lóong, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió ghùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy: câu văn dài, tách thành nhiều vế cùng lối điệp liên hoàn và nghệ thuật so sánh, nhân hóa tài tình làm diện mạo hung bạo, hiếu chiến của sông Đà hiện lên thật rõ nét.
----------------------------------
Tài liệu ôn thi ngữ văn THPT Quốc Gia - Học văn chị Hiên
Tin liên quan