NHẬN ĐỊNH VỀ TÁC PHẨM VÀ CÁCH SỬ DỤNG NHẬN ĐỊNH TRONG BÀI VIẾT

Ngày 02/07/2021 09:27:47, lượt xem: 22928

Việc sử dụng nhận định để liên hệ, mở rộng khi phân tích sẽ làm lập luận của các em sắc bén hơn, câu văn cũng sẽ có chiều sâu hơn. Nhưng không phải ai cũng biết vận dụng nhận định một cách đúng và hay. Hãy cùng chị điểm qua một số nhận định và cách sử dụng những nhận định ấy hiệu quả nhé!

 

 

1.“Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của con người lao động bình thường mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ và hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ. Từ hình ảnh những con người ấy gợi lên cho ta những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, của lao động tự giác, về con người và về nghệ thuật.”
Ví dụ:
Gấp lại những trang sách ấy, thiên truyện “Lặng lẽ Sapa vẫn còn để lại những vấn vương trong lòng người đọc. Chỉ bằng vài nét vẽ, Nguyễn Thành Long đã mang đến cho người đọc những con người nhỏ bé nhưng sức mạnh phi thường, hy sinh tuổi xuân của mình để cống hiến cho mùa xuân lớn của đất nước, của dân tộc. Từ đó, “Lặng lẽ Sapa” trong lòng người đọc giống như “ Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của con người lao động bình thường mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ và hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ. Từ hình ảnh những con người ấy gợi lên cho ta những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, của lao động tự giác, về con người và về nghệ thuật.”

2. “Trong cái im lặng của Sapa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sapa, Sapa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến việc nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.”
Ví dụ:
Người thanh niên ấy luôn có tinh thần thái độ làm việc nghiêm túc, chính xác, khoa học. Anh vẫn luôn hoàn thành công việc được giao một cách tốt nhất dù không có ai nhắc nhở, kiểm tra. Những công việc anh đều làm đều đặn, thường xuyên, đúng giờ. Anh như một vận động viên leo núi cố gắng vượt qua mọi chông gai để lên đỉnh núi cao nhất. Người vận động viên kiên cường ấy đã làm việc trong tự nguyện, tự giác vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, gặt hái những thành quả tốt đẹp. Ở con người này còn là cả một sự khao khát được vươn xa, bay xa đến những ước mơ cao đẹp. Đúng như lời của tác giả Nguyễn Thành Long đã từng nói: “Trong cái im lặng của Sapa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sapa, Sapa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến việc nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.”

 

XEM THÊM NHỮNG CÂU HÁT "VÀNG" CHO BÀI NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

 

3. “Mỗi truyện ngắn của Nguyễn Thành Long tương tự như một trang đời, một mảng, một nét của cuộc sống chắt ra. Ta thường gặp ở Nguyễn Thành Long những nhận xét nho nhỏ, như nhắc khẽ người đọc.” (Tô Hoài)

Ví dụ:
 Nguyễn Thành Long là một cây bút chuyên viết truyện ngắn. Tính cách ông đằm thắm, nhẹ nhàng như những gì ông viết. Ông đưa cả cuộc sống vào những trang văn. Nhận xét về truyện ngắn của Nguyễn Thành Long, Tô Hoài có ý kiến như sau “Mỗi truyện ngắn của Nguyễn Thành Long tương tự  như một trang đời, một mảng, một nét của cuộc sống chắt ra. Ta thường gặp ở Nguyễn Thành Long những nhận xét nho nhỏ, như nhắc khẽ người đọc”. Ý kiến ấy thật đúng với truyện ngắn “Lặng lẽ Sa pa” – một tác phẩm nhẹ nhàng, giàu chất thơ, khắc họa chân thực cuộc sống của con người ở chốn Sa Pa lặng lẽ, được Nguyễn Thành Long viết sau chuyến đi thực lên Lào Cai.

4. “Những tình cảm đẹp sẽ là động lực mạnh mẽ trong tâm hồn mỗi người.”
Ví dụ:
Tôi đã từng nghe câu nói: “Những tình cảm đẹp sẽ là động lực mạnh mẽ trong tâm hồn mỗi người.”. Vì quá yêu cha mà một cô bé mới tám tuổi nhất quyết không nhận người khác làm bố, cho dù bị đánh. Vì lòng thương con nên một người chiến sĩ tuy ở ngoài nơi xa vẫn cặm cụi làm một chiếc lược ngà cho đứa con gái bé bỏng của mình. Có người nhận xét rằng “tình phụ tử không thể ấm áp và đẹp đẽ như tình mẫu tử.” Song nếu đọc truyện ngắn ‘Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng, có thể bạn sẽ phải có cái nhìn khác mới mẻ và chân thực hơn.

 

XEM THÊM NHẬN ĐỊNH LIÊN HỆ, MỞ RỘNG THƠ LỚP 9 (P1)


 
5. “Tác phẩm nghệ thuật đạt tới cái đẹp theo nghĩa mang được sự thật sâu xa của đời sống bên ngoài, đồng thời mang được sự thật tâm tình của con người.” (Lê Đình Kỵ)
Ví dụ:
Gíao sư Lê Đình Kỵ cho rằng: “Tác phẩm nghệ thuật đạt tới cái đẹp theo nghĩa mang được sự thật sâu xa của đời sống bên ngoài, đồng thời mang được sự thật tâm tình của con người.” Thật vậy, khi đọc truyện ngắn “Làng” của Kim Lân, người đọc sẽ phần nào hiểu được ý nghĩa của câu nói đó. Qua “Làng”, ta thấy được tác giả “mang được sự thật sau xa của đời sống bên ngoài” khi Kim Lân phản ánh hiện thực cuộc sống của con người trong buổi đầu kháng chiến đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của những người nông dân trong thời kỳ đó: yêu nước, yêu quê hương của mình. Nhưng cũng chính trong tác phẩm ấy, nhân vật ông Hai đã “mang được sự thật tâm tình của con người.” Ông Hai là nhân vật chính- người có những xung đột nội tâm hết sức dữ dội. Khi ở xa quê, ông nhớ nơi chôn rau cắt rốn của mình, nhớ về những ngày tháng cùng anh em lao động nhưng khi biết tin làng mình theo giặc, ông đã sẵn sang từ bỏ tất cả vì tình yêu đất nước. Cuộc đối thoại nội tâm tự dằn vặt của ông Hai đã cho thấy tình yêu làng, yêu nước cháy bỏng trong con người ông rồi cứ thế, tình yêu làng phát triển tự nhiên thành tình yêu nước trong người nông dân đó một cách mạnh mẽ chẳng biết tự bao giờ!
 
6. “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.” (M. Gorki)
Ví dụ:
Chi tiết chiếc bóng trong “Chuyện người con gái Nam Xương” đã làm nên thành công vang dội cho Nguyễn Dữ. Nếu như chiếc bóng không xuất hiện ba lần, nếu ta thử cắt bỏ đi sự xuất hiện của chi tiết này thì một điều chắc chắn là cốt truyện không thể phát triển hoặc nếu phát triển thì sẽ theo hướng khác. Như vậy, chi tiết “chiếc bóng” là một chi tiết quan trọng, là một nét nghệ thuật đặc sắc làm nên thành công cho câu chuyện đồng thời nó còn thể hiện tài năng nghệ thuật và tấm lòng nhân đạo vô bờ của Nguyễn Dữ. Vì thế, quả không sai khi người ta nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.”
 
7. “Tình huống là một lát cắt của sự sống, là một sự kiện diễn ra có phần bất ngờ nhưng cái quan trọng là sẽ chi phối nhiều điều trong cuộc sống con người”. (Nguyễn Minh Châu)
Ví dụ:
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nói: “Tình huống là một lát cắt của sự sống, là một sự kiện diễn ra có phần bất ngờ nhưng cái quan trọng là sẽ chi phối nhiều điều trong cuộc sống con người”. Có lẽ, với một người đổ bệnh từng đi khắp chân trời góc bể như nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn “Bến quê” thì tình huống anh ngã bệnh và nằm liệt giường bên gian cửa sổ thu hẹp cũng đủ để anh kịp nhận ra cái thế giới rộng lớn ngoài kia, nơi bãi bồi bên kia sông Hồng quen thuộc lại gần gũi đến nhường nào. Những nghịch lý tưởng như khó hiểu ấy  đã chi phối nhiều điều trong chính cuộc sống của Nhĩ.

 

XEM THÊM NHẬN ĐỊNH LIÊN HỆ, MỞ RỘNG THƠ LỚP 9 (P2)


8. “Văn học xét đến cùng là câu chuyện của trái tim.”
Ví dụ:
“Văn học xét đến cùng là câu chuyện của trái tim.” Đặc biệt ở truyện ngắn, những câu chuyện ấy thường được xây dựng bằng trái tim giàu trắc ẩn, vị tha và tràn đầy yêu thương của tác giả luôn có sức lay động to lớn đến người đọc. Phải chăng khi đọc “Chiếc lược ngà”, hình ảnh bé Thu ban đầu không nhận cha vì vết thẹo trên mặt ông Sáu sẽ gây ấn tượng mãi trong lòng người đọc. Nhưng để rồi cuối cùng, qua cuộc hội ngộ của hai cha con, Nguyễn Quang Sáng đã thực sự mang đến cho chúng ta cả một bức thông điệp đẹp đẽ và sâu sắc về tình phụ tử- tình cảm thiêng liêng cao quý nhất trong cuộc đời mỗi người. Và chắc hẳn, câu chuyện ấy sẽ trở đi trở lại mãi trong trái tim của độc giả, giúp mọi người rút ra bài học: hãy xây dựng tình cảm và báo hiếu với bố mẹ khi còn có thể.
 
9. “Sự sống nảy sinh từ cái chết. Hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh, gian khổ.” (Nguyễn Khải)
Ví dụ:
 Chiến tranh bao giờ cũng khốc liệt tiếng bom. Nhưng chiến tranh trong văn Lê Minh Khuê còn có cả tiếng hát, tiếng hát của Phương Định. Chị thích hát, nghêu ngao suốt cả ngày với những bản nhạc không đầu không cuối. Chính tâm hồn yêu đời đã mang đến cái bình thản cho cô gái trẻ giữa chiến trường đầy ác liệt. Tác giả đã đặt cái lãng mạn, cái hồn nhiên bên trong cái tàn khốc, chết chóc. Tiếng hát át tiếng bom. “Sự sống nảy sinh từ cái chết. Hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh, gian khổ” (Nguyễn Khải). Đó phải chăng là thông điệp ý nghĩa mà nhà văn mang đến cho độc giả?
 
10. “Một tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc chính là xây dựng thành công tình huống truyện và miêu tả nội tâm nhân vật.”
Ví dụ:
Tôi tin rằng có những câu chuyện nếu thực sự bạn yêu thích thì chỉ cần một lần nghe kể, các bạn cũng sẽ nhớ. Và văn học cũng vậy, có những tác phẩm viết ra nhưng lại là đứa con “chết yểu” của tác giả nhưng cũng có những tác phẩm đọc xong để lại cho ta những ấn tượng sâu sắc tựa như một dòng nước chảy qua để lại lớp phù sa màu mỡ. Tác phẩm “Làng” của nhà văn Kim Lân là một tác phẩm như vậy. Không chỉ vậy, thiên truyện còn là một minh chứng rõ nét cho nhận định; “Một tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc chính là xây dựng thành công tình huống truyện và miêu tả nội tâm nhân vật.”

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7  – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.

Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.

Tin liên quan