Đăng Ký Học
Ngày 05/06/2021 23:41:59, lượt xem: 6666
Đề bài: Phân tích khổ thơ 3,4,5,6:
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng chẳng biết nữa
Khi nào ta yêu nhau?
Con sóng dưới dòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương
Từ đó, nhận xét về nhận định sau: “Qua hình tượng sóng và em, Xuân Quỳnh đã nói lên thật chân thành, táo bạo, không hề giấu giếm khát vọng tình yêu sôi nổi, mãnh liệt của người phụ nữ.”
Bài làm:
Nhà thơ Xuân Diệu đã từng tự bạch:
“Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ, không thương một kẻ nào?”
Giữa cuộc đời này, tình yêu luôn mang một màu sắc thật đẹp, một hương vị thật quyến rũ lòng người. Trong vườn thơ ca tình yêu ấy, có ai mà chưa tình một lần xuyến xao trước những lời thơ yêu của Xuân Quỳnh - nữ thi sĩ sinh ra để yêu, để thương nhớ. Đến với “Sóng”, người đọc như được sống trong những giây phút của tình yêu, nhưng rung động, bồi hồi, những lo âu, trăn trở. Qua bốn khổ thơ 3,4,5,6 người đọc cảm nhận được một Xuân Quỳnh “... thật chân thành, táo bạo, không hề giấu giếm khát vọng tình yêu sôi nổi, mãnh liệt của người phụ nữ.”:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
...
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương”
Năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất, giữa chiến trường ấy nở rộ nên một bông hoa thật đẹp, thật dễ thương mang tên “Sóng”. Tác phẩm được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”, là kết quả của chuyến đi thực tế ở bãi biển Diêm Điền, đứng trước những con sóng, trái tim yêu mãnh liệt của Xuân Quỳnh đã rung lên những hồi, những suy tư, trăn trở. Chỉ qua bốn khổ thơ 3,4,5,6 Xuân Quỳnh như ôm trọn từng cơn sóng biển vào lòng, gửi gắm vào đó tình yêu thương, nỗi niềm trăn trở. Mượn “sóng” để đan cài vào đó là những cung bậc, trạng thái cảm xúc của người phụ nữ trong tình yêu, có lẽ vì thế mà Xuân Quỳnh được nhận xét: “Qua hình tượng sóng và em, Xuân Quỳnh đã nói lên thật chân thành, táo bạo, không hề giấu giếm khát vọng tình yêu sôi nổi, mãnh liệt của người phụ nữ.”
Xuân Diệu đã từng cố gắng lí giải, cắt nghĩa để đi tìm cội nguồn của tình yêu, thế nhưng, rồi lại cũng đành thất vọng.
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu...”
Và Xuân Quỳnh - người phụ nữ mang trái tim yêu mãnh liệt ấy, dù đang yêu và sống trong từng khoảnh khắc ấy nhưng vẫn luôn trăn trở suy tư về tình yêu. Đó là niềm khắc khoải vì những câu hỏi truy tìm nguyên nhân, ngọn nguồn của tình yêu, khám phá cái duyên cớ lạ lùng của đôi lứa:
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Giữa đại dương bao la rộng lớn, giữa khoảng trời bình yên ấy, em nghĩ về anh, nghĩ về em và về tình yêu của chúng mình. Không còn giấu mình trong sóng, em tự tách mình ra để tự mình hạ lời thì thầm hai tiếng “em-anh”. Dường như chỉ có không gian rộng lớn ấy mới đủ để trái tim yêu ấy thỏa mình nói ra những tiếng lòng sâu kín. Ngay lúc này đây, trong lòng em đang dâng trào lên những cảm xúc bồi hồi, những suy tư, trăn trở về tình yêu của chúng mình. Đứng trước biển khơi rộng lớn bao la, tâm hồn nhạy cảm tinh tế của một trái tim yêu bỗng dưng trào lên những xúc cảm mãnh liệt về người mình thương nhớ. Từ câu hỏi về cội nguồn của cơn sóng - biểu tượng của sự sống, sự vĩnh cửu, bất tận, nhà thơ cất lên nỗi băn khoăn về nguồn gốc của tình yêu. Đi từ thiên nhiên rộng lớn đầy những bí ẩn để gắn kết nó với nỗi niềm khắc khoải trong lòng người, quả nhiên, cách diễn đạt của Xuân Quỳnh đã làm mềm đi rất nhiều tính chất nghi vấn trong lời gõ cửa của trái tim. Câu thơ đã đặt cả người được nhớ và người đang nhớ vào trong một mạch chảy, khiến cho cảm xúc thơ càng rạo rực, càng cho thấy tấm lòng của nhân vật trữ tình trong tình yêu. Tự đặt ra câu hỏi cho lòng mình, truy tìm căn nguyên của sóng nhưng đó cũng là lúc em muốn truy căn nguyên của tình yêu:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng chẳng biết nữa
Khi nào ta yêu nhau?
Mượn cớ đi tìm căn nguyên của sóng để đi tìm căn nguyên của tình yêu, Xuân Quỳnh đã tự lý giải tình yêu cho bản thân mình một cách rất riêng. Cội nguồn của sóng hoàn toàn có thể lý giải được dưới góc độ vật lý, thế nhưng, người con gái ấy lại lắc đầu, thủ thỉ “Em cũng chẳng biết nữa”. Xuân Quỳnh đã thất bại trong cuộc truy tìm căn nguyên ấy, thế nhưng lại để lại ấn tượng trong lòng người đọc bởi nét nữ tính rất riêng của mình. Tất cả đều là những câu hỏi thật khó để trả lời hoặc có thể chẳng bao giờ trả lời được cả. Một cái lắc đầu thật dễ thương, người con gái ấy đã thất bại trong cuộc truy tìm căn nguyên của tình yêu ấy. Quả thật, tình yêu là thế đấy, nó không có bất cứ quy luật nào cả, bởi tình yêu thực sự là thứ tình cảm xuất phát từ sâu trái tim, đúng như lời Pascal đã nói “Tình yêu là câu chuyện của trái tim mà ở đó lý trí không lên tiếng”. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ cơ duyên, khó khăn nào em cũng sẽ luôn yêu anh một cách chân thành, yêu bằng tất cả cảm xúc đủ đầy nhất.
Trong tình yêu luôn có rất nhiều những câu hỏi, những câu chuyện rất đẹp, rất riêng. Em truy tìm căn nguyên để lý giải cho tình yêu ấy và cũng là để lý giải cho những cảm xúc của mình trong tình yêu. Có ai sống mà không yêu, có ai yêu mà không nhớ, ngay từ những câu ca dao xưa cũng đã từng cất lên rằng:
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”
Nỗi nhớ là tín hiệu đầu tiên báo hiệu tình yêu, yêu là thương, là nhớ vô cùng. Viết về nỗi nhớ, trái tim yêu của Xuân Quỳnh như đang rung lên từng hồi mãnh liệt:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Đến với nỗi nhớ, biên độ khổ thơ được mở rộng ra, như để diễn tả cho đủ, cho thỏa, cho ngút ngàn nỗi nhớ của em trong tình yêu. Gửi gắm vào từng câu thơ ấy là câu chuyện của “Sóng nhớ bờ” và “Em nhớ anh”. Câu chuyện tình yêu về nỗi nhớ luôn là câu chuyện thật đẹp, thật kì bí. Đến đây, nỗi nhớ như đang được trải dài ra, bao trùm lấy không gian, thời gian và tràn cả vào trong vô thức. Hai hình tượng “sóng” và “em” đan xen vào nhau, khi thì hòa nhập vào nhau, khi lại tách biệt ra để cất lên tiếng lòng của riêng mình. Nỗi nhớ bao trùm lấy không gian, đi vào “dưới lòng sâu”, đi vào “trên mặt nước”, nỗi nhớ thường trực, ôm trọn cả thời gian, để dù đêm hay ngày trái tim em luôn thường trực trong mình một nỗi nhớ mong vô cùng. Nỗi nhớ ấy thật mới rộng lớn, mới ngút ngàn làm sao! Để rồi vượt lên mọi định luật của thời gian, của không gian, nỗi nhớ ấy đi cả vào trong vô thức. Cái “thức trong mơ” là một hình hình ảnh nghệ nghệ thuật độc đáo, một cách nói lạ hóa mà Xuân Quỳnh dùng để vẽ lên câu chuyện về nỗi nhớ, để rồi vượt lên mọi định luật của thời gian, của không gian, nỗi nhớ ấy đi cả vào trong vô thức. Từ sâu trong lòng em, trong trái tim em ấy là nỗi nhớ, nỗi nhớ thường trực, nỗi nhớ ấy cứ dậy sóng mãi. Không chỉ riêng Xuân Quỳnh ta cũng đã từng bắt gặp rất nhiều tiếng thơ khác nhau cất lên vì nỗi nhớ:
“Anh tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm, em ơi” (Xuân Diệu)
Câu chuyện của tình yêu muôn thuở luôn khiến lòng ta bồi hồi, xao xuyến thế đấy. Xuân Quỳnh trải lòng mình ra với nỗi nhớ rồi lại ôm vào mình một niềm khát khao về một tình yêu thủy chung:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương”
Xuân Quỳnh đã mượn cặp phạm trù đối lập “xuôi Bắc”, “ngược Nam” như một cách riêng để nói về những khó khăn, những chông chênh, éo le trong cuộc đời. Người phụ nữ ấy đã từng trải qua những đổ vỡ trong tình yêu, nhưng nghe vang lên trong từng câu, từng chữ, từng vần thơ của bà vẫn luôn là niềm tin, khát vọng mãnh liệt trong tình yêu. Thi nhân mượn phương hướng của đất trời để khẳng định lòng thủy chung, son sắt của người con gái trong tình yêu. Cuộc đời này còn ẩn chứa nhiều ngang trái, éo le, cách trở là thế nhưng dẫu có ở nơi nào trái tim em vẫn luôn chỉ có một phương để hướng về, đó chính là phương anh. Dẫu đất trời có bốn phương tám hướng, cuộc đời này có nhiều vất vả, nhọc nhằn, chông gai thì trái tim em vẫn luôn hướng về anh, hướng về phương của hạnh phúc, của tình yêu, khát vọng, của đợi, chờ, tin, yêu:
“Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu” (Thuyền và biển)
Sóng là sự hóa thân của Xuân Quỳnh và cũng là sự hóa thân của người phụ nữ đang yêu. Xuyên suốt bài thơ, hai hình ảnh sóng - em song hành, khi thì hòa nhập, khi thì tách biệt rồi có khi lại hóa thân vào nhau để nói lên tiếng lòng mình, gửi gắm tình yêu của người phụ nữ. Tình yêu là câu chuyện muôn thuở, dù trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không thể ngăn cản nó. Lúc bấy giờ, tưởng chừng những tiếng thơ yêu ấy khó có thể bộc bạch, giãi bày, thế nhưng Xuân Quỳnh không hề giấu giếm, không còn là trong e, ngoài ấp, những tiếng thơ yêu của Xuân Quỳnh chân thành mà táo bạo vô cùng, một tình yêu sôi nổi, mãnh liệt của người phụ nữ. Chính sự hóa thân này đã giúp Xuân Quỳnh diễn tả được mọi cung bậc cảm xúc của người phụ nữ trong tình yêu, phong phú mà tinh tế vô cùng. Dù đó có là tình cảm thầm kín nhất, sóng cũng đều có thể diễn tả được. Với sự hoá thân này, không gian rộng lớn cũng đầy bí hiểm của sóng bể đã trở thành không gian của tình yêu, sự vĩnh của sóng trở thành sự tuyệt đích của tình yêu. Có lẽ chính vì thế mà những vần thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh được nhận xét: “Qua hình tượng sóng và em, Xuân Quỳnh đã nói lên thật chân thành, táo bạo, không hề giấu giếm khát vọng tình yêu sôi nổi, mãnh liệt của người phụ nữ.”
Từ đoạn thơ, qua hình tượng sóng và em, Xuân Quỳnh đã diễn tả hết sức độc đáo quan niệm về tình yêu. Đó là sự khao khát đi tìm nguồn gốc tình yêu, chân thành bộc lộ nỗi nhớ lạ lùng, đằm sâu, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách của cuộc đời để có một tình yêu thuỷ chung vô bờ. Nhịp thơ 5 chữ nối tiếp nhau trùng điệp như những lớp sóng gợi liên tưởng thú vị: những lớp sóng biển say sưa dồn về đại dương, những lớp sóng lòng say mê dồn về biển cả tình yêu. Tình yêu của Xuân Quỳnh mộc mạc, giản dị như chính những vần thơ của mình vậy. Những tiếng thơ yêu đại diện cho người phụ nữ, đọc những vần thơ ấy có ai nghĩ, người con gái ấy đã từng trải qua những đổ vỡ trong tình yêu. Những lời thơ ấy vẫn thật đẹp, vẫn là những câu chuyện tình yêu đẹp đẽ nhất, giản dị mà rất chân thành. Bởi lẽ, người phụ nữ ấy sinh ra là để yêu, để thương và để nhớ.
“Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào chẳng đập vì anh”
(Chỉ có sóng và em - Xuân Quỳnh)
Vậy mới thấy giữa vườn thơ yêu ngọt ngào ấy, bông hoa tình yêu của “Sóng” thật đẹp, thật quyến rũ lòng người. Sự suy tư về tình yêu, nỗi nhớ mãnh liệt của một tình yêu hết mình, khát vọng về một tình yêu thuỷ chung, tuyệt đích, tất cả hoà nhập vào hình tượng sóng để khắc hoạ tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Vậy mới thấy, Xuân Quỳnh đích thực là nhà thơ của tình yêu đôi lứa và ngay cả khi phải đi tới tận cùng của sự sống, nữ sĩ ấy vẫn mãi thiết tha:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.”
(Tự hát - Xuân Quỳnh)
Để làm chủ bài văn, các em có thể đăng ký khóa học 10 NGÀY "CHẠY" VĂN của Học Văn chị Hiên nhé!
ĐĂNG KÍ KHOÁ HỌC TẠI ĐÂY!
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan