NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | HAI PHÁT HIỆN CỦA NGHỆ SĨ PHÙNG

Ngày 29/05/2021 17:15:58, lượt xem: 20094

Đề bài: Trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, nhà văn đã tô đậm hai phát hiện nghệ thuật của nghệ sĩ Phùng. Hãy phân tích hai phát hiện trên, từ đó nhận xét về quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu.

 

 

Bài làm

Người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Minh Châu đã từng tâm niệm thế này: “Không có một thứ nghề nào mà kết quả công việc lại có thể cắt nghĩa rõ rệt chân giá trị của người làm ra nó như nghề viết văn”. Quả thực, sứ mệnh của người cầm bút không phải chỉ là viết mà hơn cả qua mỗi trang viết người nghệ sĩ còn cần ôm vào lòng mình cuộc sống, con người của hiện thực. Và có lẽ, với “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã tô đậm lên cái “chân giá trị” ấy, những sự thực, chân xác của cuộc sống hiện lên thật rõ nét. Qua hai phát hiện của nhân vật Phùng, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện rõ quan niệm nghệ thuật của mình, mối quan hệ giữa cuộc đời với nghệ thuật, giữa người nghệ sĩ và nhân dân.

Nguyễn Minh Châu - một trong số “những nhà văn mở đường tài hoa và tinh anh nhất”, người nghệ sĩ ấy luôn trăn trở về sứ mệnh của một nhà văn, mang trong mình một khát khao tìm kiếm “những hạt ngọc ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn con người”, để nâng đỡ và yêu thương con người nhiều hơn. Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” được sáng tác năm 1983, khi đất nước ta bắt đầu bước vào thời kì độc lập. Thế nhưng, cuộc sống thời bình với biết bao nhiêu vấn đề cần đặt ra. Đằng sau cái vẻ đẹp lộng lẫy của một đất nước bước vào hòa bình ấy là cuộc sống con người còn nhiều khó khăn, gian khổ. Chính vì vậy, tác phẩm vừa là hồi chuông cảnh báo đồng thời mở đường cho cảm hứng đời tư thế sự, một xu hướng chung cho văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Khi gấp lại những trang văn của “Chiếc thuyền ngoài xa” người đọc không thể nào quên được hai hình ảnh đối lập của cảnh đẹp nơi bờ biển sương sớm và bức tranh hiện thực của người dân làng chài nghèo khổ. Đến với vùng đất biển ấy, nhiếp ảnh gia Phùng đã từng rất say mê với cảnh đẹp sớm mai. Thế nhưng, có lẽ bài học nghệ thuật đẹp nhất mà người nghệ sĩ ấy nhận được chính là cách nhìn nhận cuộc sống, nhìn nhận những góc khuất mà con người vẫn thường hay bỏ lỡ. Nguyễn Minh Châu đã rất khéo léo khi lồng ghép hai phát hiện của nhân vật Phùng ấy để từ đó thể hiện được những quan điểm nghệ thuật của mình.

Bước chân vào câu chuyện của Nguyễn Minh Châu, hiện lên ngay trước mắt người đọc chính là bức tranh tuyệt đẹp bên bờ biển sớm mai. Không bằng quá nhiều câu từ, ngôn ngữ cũng đủ để nhà văn đưa người đọc hòa vào cảm xúc của nhân vật Phùng. Theo yêu cầu của trưởng phòng, để có tấm lịch nghệ thuật về thuyền và biển, Phùng đã quay trở lại vùng biển nơi từng là chiến trường cũ của anh. Tại đây, người nghệ sĩ như gặp được chân lý của nghệ thuật, một vẻ đẹp toàn bích của thiên nhiên. Trước cái đẹp, có người nghệ sĩ nào mà không rung động, mà không say mê. Trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng của buổi sương sớm mai, hiện lên trước mắt người nghệ sĩ ngay lúc này chính là một bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ với cảnh chiếc thuyền ngoài xa thấp thoáng, ẩn hiện trong biển sớm mờ sương “thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Và bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ.” Người nghệ sĩ Phùng đã trực chờ ở bờ biển suốt mấy hôm chỉ để chờ đợi cảnh đẹp này, ngay lúc này, còn gì hạnh phúc hơn khi chính anh đã tìm ra được cảnh đẹp ấy. Phùng cảm thấy trước mặt mình là “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”, tạo nên “một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”. Đứng trước khung cảnh đấy, anh xúc động “bối rối” và trái tim của anh “như có cái gì bóp thắt vào”. Quả thực, đứng trước cái đẹp người nghệ sĩ nào cũng nhạy cảm và bồi hồi như vậy đấy. Ngay lúc đó, anh “tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Đứng trước cảnh đẹp mà tưởng chừng như chẳng bao giờ anh có thể chạm tới ấy, Phùng hạnh phúc vô cùng, anh bấm “liên thanh một hồi hết một phần tư cuộn phim”. Trong khoảnh khắc ấy anh mới thấm thía “bản thân trong cái đẹp chính là đạo đức”.

Nguyễn Minh Châu tài thật, không bằng quá nhiều câu từ, ngôn ngữ nhưng cũng đủ để người đọc hòa vào từng cảm xúc của nhân vật, hòa vào cảnh đẹp của biển trong buổi sớm sương mai. Phải chăng ngay lúc này, người đọc cũng đang mang trong mình những suy nghĩ của Phùng, cho rằng vẻ đẹp ngay trước mắt là vẻ đẹp toàn bích nhất. Quả thực, cảnh đẹp đó chính là nghệ thuật đấy, từng ánh sáng, từng con thuyền, từng hạt cát bên bờ biển ấy chính là nghệ thuật đấy, nhưng nó không phải là nghệ thuật trọn vẹn. Cảnh đẹp ấy chính là minh chứng cho một cuộc sống hòa bình, cho một đất nước hòa bình, nhưng nơi mà nghệ thuật hướng đến chính là con người, vậy mà con người hiện lên trong bức tranh đó không hề rõ nét. Không những vậy, vẻ đẹp toàn bích trong mắt Phùng ấy cũng chỉ đang thu gọn vào trong một bức hình thôi sao. Phùng quên mất rằng, nơi anh đang đứng chẳng phải là Lầu Hoàng Lạc hay chốn Bồng Lai, nơi anh đứng chính là chiến trường cũ, nơi đây còn đầy những tàn tích với bao xác xe tăng, xe rà phá mìn. Ngay cả việc anh ngồi bấm máy cũng là phải “rúc vào bên bánh xích của một chiếc xe tăng để tránh mưa”. Ngay lúc này, trong quan niệm nghệ thuật của người nghệ sĩ chính là quan niệm về nghệ thuật vị nghệ thuật mà thôi.

Nguyễn Văn Siêu đã từng nói: “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người.”, đúng là như vậy, chỉ khi hướng đến con người, Nguyễn Minh Châu mới thực sự hoàn thành được sứ mệnh của bút của chính mình. Khép lại bức tranh thiên nhiên cảnh biển trong buổi sương sớm, cũng là lúc con người hiện ra. Và chính trong phát hiện thứ hai này mới thực sự là phát hiện của nghệ thuật trọn vẹn. Ngay lúc này, trong vẻ đẹp toàn mĩ ấy, hiện thực cuộc sống con người hiện lên thật tàn khốc, trước mắt người nghệ sĩ là cảnh bạo lực trong gia đình hàng chài - một sự thật tàn nhẫn trong góc khuất cuộc sống của những con người nghèo khổ. Cái bóng lưng ngồi im phăng phắc mà Phùng nhìn thấy trước đó bước ra, mang theo biết bao nhiêu gánh nặng, khổ cực. Một người đàn bà cao lớn, xấu xí, thô kệch với tấm lưng áo bạc phếch, rách rưới xuất hiện. Ôi, cớ sao giữa bức tranh thiên nhiên tuyệt bích ấy, con người lại hiện lên đầy đáng thương như vậy. Và rồi ngay sau đó, một người đàn ông cao lớn, với tấm lưng rộng, đi chân chữ bát, hai con mắt đầy vẻ giận dữ. Có lẽ, ngay khi đọc đến đây, ai trong chúng ta cũng sẽ tự đặt câu hỏi: “Rốt cuộc họ đã phải trải qua một cuộc sống như thế nào chứ? Chẳng phải đất nước đã hòa bình rồi sao?”. Ngay sau đó, người chồng hùng hổ rút chiếc thắt lưng, “chẳng nói chẳng rằng quật tới tấp vào lưng người đàn bà”, thế nhưng điều làm chúng ta ngạc nhiên hơn cả chính là hành động của người vợ, bà ta không hề có chút phản ứng nào, không kêu lên một tiếng cũng chẳng chống trả hay tìm cách chạy trốn. Lão nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn:“Mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết đi cho ông nhờ!”. Mày và chúng mày mà lão nói đến là vợ con của lão.

Chẳng phải ngay vừa phút giây trước thôi, khung cảnh yên bình tuyệt mĩ mà Phùng cho là toàn bích ấy sao, nhưng không, chỉ khi con người xuất hiện, đó mới thực sự là cuộc sống. Chứng kiến cảnh đó Phùng vô cùng kinh ngạc, “đứng há mồm ra mà nhìn”. Khi anh định vứt chiếc máy ảnh xuống mà chạy đến cũng là lúc thằng Phác xuất hiện, nó “như một viên đạn lao tới đích đã nhắm” lao thẳng vào người đàn ông. Nó giằng chiếc thắt lưng quật vào giữa ngực trần vạm vỡ cháy nắng có những đám lông đen loăn xoăn của người đàn ông. Ngay sau đó, hắn dang thẳng cánh tay tát thằng bé hai phát khiến nó ngã dúi xuống cát. “Phác, con ơi!”, ngay sao đó là tiếng gọi xé lòng của người mẹ, bà ta ôm chầm lấy thằng bé, rồi buông ra chắp tay vái lấy vái để thật sự để lại quá nhiều ám ảnh trong lòng người đọc. Và rồi thằng bé “lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ” để lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt. Có lẽ, chính ngay lúc này đây, người nghệ sĩ Phùng mới thực sự nhận ra, đây mới chính là cuộc sống đằng sau bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ ấy.

Tất cả những sự việc ấy cứ nối tiếp diễn ra trước mắt mà Phùng không thể làm gì khác được. Nhưng cũng chính hiện thức ấy mới giúp Phùng vỡ lẽ ra được hiện thực cuộc sống không phải chỉ luôn toàn màu hồng, cảnh sắc thiên nhiên đẹp thật đấy nhưng nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống hạnh phúc để tận hưởng trọn vẹn khung cảnh ấy. Cuộc sống của gia đình hàng chài hiện lên đầy bất hạnh, khó khăn trái ngược hoàn toàn với vẻ đẹp toàn bích, bình yên trong bức ảnh của người nghệ sĩ Phùng. Nguyễn Minh Châu đã từng nói: “Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.” Đất nước đã bước vào hòa bình, nhưng sự thật là con người chưa được ấm no. Ở đây, Nguyễn Minh Châu đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, cất tiếng “bênh vực cho những người không có ai để bênh vực”. Nghệ thuật vốn bắt đầu từ cuộc đời nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng đẹp như nghệ thuật. Cuộc sống có rất nhiều những ngang trái, nghịch lí, người nghệ sĩ muốn thực sự khám phá cái vẻ đẹp toàn bích ấy thì cần có cái nhìn đa chiều, đừng chỉ nhìn cuộc sống dưới góc nhìn của một khung hình chữ nhật, hãy biết sống thực với nó, hãy hiểu chứ đừng chỉ biết. Câu chuyện của người nghệ sĩ Phùng cũng là câu chuyện của biết bao người nghệ sĩ khác. Đọc xong câu chuyện, tự nhìn lại bản thân tự hỏi, liệu mình có thật sự hiểu được thế nào là cái đẹp tuyệt bích của cuộc đời hay chưa?

Nguyễn Minh Châu đã xây dựng lên sự đối lập giữa vẻ đẹp của thiên nhiên cảnh biển sương sớm với tấn bi kịch cuộc sống của người dân làng chài nghèo khổ. Chính ở đó, Nguyễn Minh Châu đã tô đậm quan điểm nghệ thuật của mình. “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu) Quả thực, bức tranh cảnh biển sương sớm đẹp thật đấy, nhưng nó không thật sự trọn vẹn, con người hiện lên trong đó quá mờ nhạt. Nghệ thuật chỉ là nghệ thuật khi nó hướng đến con người, phải thể hiện được bản chất sâu xa, sự thật ẩn sâu trong cuộc sống. Nguyễn Minh Châu đã từng khẳng định: “Nhà văn không có quyền nhìn sự thật một cách đơn giản, nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử.” Nó đã trở thành thiên chức, thành sứ mệnh của người nghệ sĩ. Nghệ thuật chỉ thực sự là nghệ thuật khi nó khai thác ở cuộc sống với cái nhìn đa chiều, nhìn nhận cuộc đời ở bình diện đạo đức, thế sự để thực sự hiểu bản chất bên trong của hiện thực. Nghệ thuật ở đây không chỉ là nghệ thuật vị nghệ thuật mà đó phải là nghệ thuật vị nhân sinh. Không chỉ vậy, nhà văn cần viết về “những vùng tối của hiện thực đời sống để góp phần hoàn thiện nhân cách làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”. Hiện thực cuộc sống thực sự rất nhiều trái ngang, nhưng không phải người nghệ sĩ nào cũng dám cầm bút về vẽ nó lên trong những trang văn của mình. Chính vì vậy, người nghệ sĩ cần có lòng dũng cảm, chân thực, một trái tim nhân hậu để “nâng niu những cái đẹp ở đời”, để “bênh vực cho những người không có ai để bênh vực”. Nhà văn phải tự ý thức cho chính mình hoàn thiện hơn, cho văn chương sâu sắc hơn để phục vụ con người, hướng đến con người. Có lẽ, trong thời kì ấy, chúng ta chưa từng bắt gặp bất cứ người nghệ sĩ nào mang màu sắc quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu. Chính những điều mới mẻ ấy, những đóng góp ấy trong công cuộc đổi mới văn học mà trước hết là về quan niệm nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu được đánh giá là “người mở đường tinh anh và tài năng” của nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Có thể thấy ngay từ trong cách đặt tên nhan đề Nguyễn Minh Châu đễ phần nào bộc lộ ra quan điểm nghệ thuật của mình. Tại sao lại là “ngoài xa”? Khi ở xa, người nghệ sĩ không thể nào thấy được hết những mảng tối, những góc khuất trong cuộc sống của con người. Đó chỉ là những bóng lưng ngồi im phăng phắc. Nghệ thuật chỉ thật sự là nghệ thuật khi nó ôm trọn vào lòng con người, hiện thức cuộc sống, nâng niu những giá trị tốt đẹp của con người. Chỉ khi người nghệ sĩ thực sự sống cuộc sống, thực sự hiểu con người thì nghệ thuật mà họ tạo ra mới có giá trị đích thực, góp phần cải tạo cuộc sống, nâng cao giá trị của con người.

Sứ mệnh của nhà văn được Nguyễn Minh Châu hoàn thiện một cách thật trọn vẹn. Một hiện thực cuộc sống đen tối sau thời bình của nhân dân ta hiện lên rõ hơn bao giờ hết, một góc nhìn mới mẻ, một bài học mới về nghệ thuật cho những người nghệ sĩ, tất cả bắt đầu từ cuộc đời, từ con người, phục vụ con người, hướng đến con người và vì con người. Chính những điều đó đã kết tinh lại thành một nguồn sức mạnh kì diệu, một sức sống mãnh liệt cho tác phẩm trong dòng chảy khắc nghiệt của thời gian, đúng như lời nhận định: “Văn học nằm ngoài mọi sự băng hoại, mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết.”

 

Để làm chủ bài văn, các em có thể đăng ký khóa học 10 NGÀY "CHẠY" VĂN của Học Văn chị Hiên nhé!

ĐĂNG KÍ KHOÁ HỌC TẠI ĐÂY!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan