MỘT SỐ MỞ BÀI CHO BÀI VĂN PHÂN TÍCH "TÂY TIẾN" - QUANG DŨNG

Ngày 15/09/2021 04:37:47, lượt xem: 12066

Dưới đây là tổng hợp một số mở bài hay nhất, sử dụng tham khảo khi viết bài văn nghị luận văn học về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Học cùng chị các em nhé!

 

 

MỘT SỐ MỞ BÀI CHO BÀI VĂN PHÂN TÍCH "TÂY TIẾN" - QUANG DŨNG

 

1. Nhà giáo Đỗ Kim Hồi từng viết “Tây Tiến là hoa thơ vào loại đẹp nhất của thơ ca trong những năm đầu khá chiến chống thực dân Pháp.” Quả vậy, “Tây Tiến” không chỉ là bài thơ tái hiện một vẻ đẹp hùng vĩ thơ mộng của núi rừng Tây Bắc, mà còn là hành khúc viết nên hình tượng bi tráng nhưng cũng không kém phần lãng mạn của đoàn quân Tây Tiến. Đó là một bức tranh toàn bích của cả cảnh và người, là một hồn thơ rạo rực những âm vang không dứt của một thời kháng chiến.
2. “Thơ là thơ, đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng.” Tôi nghĩ câu nói này của Sóng Hồng có lẽ là phù hợp nhất khi nhắc về “Tây Tiến”. “Tây Tiến” vẽ nên cho tôi những nốt thăng, nốt trầm của những ngày chiến chinh gian khổ, Tây Tiến vẽ nên cho tôi đôi mắt “gửi mộng qua biên giới” đầy thơ mộng, Tây Tiến vẽ nên cho tôi hình ảnh những chiến sĩ “quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh” với hi vọng đem về hòa bình cho đất nước, cho khúc khải hoàn ngân lên đến không gian tận cùng, cho những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên bầu trời Tổ quốc, cho những mẹ già, em thơ nụ cười không lo lắng ngày mai.
3. Chiến tranh là biến cố bất thường nhất xảy ra trong cuộc đời con người. Chiến tranh cuốn đi những mái nhà nho nhỏ, chiến tranh làm xao xác những niềm vui và hạnh phúc, chiến tranh che lấp đi ánh sáng của con người, và khói lửa bỗng dưng trở thành bầu trời thứ hai phủ lên đất nước. Việt Nam ta đã trải qua vô vàn những cuộc chiến tranh, nhưng có lẽ hai cuộc chiến tranh thương vong nhiều nhất phải kể tới cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Ở thời kì bom rơi đạn lạc của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, một hành khúc đã ra đời, hành khúc ấy đã vang vọng khắp núi rừng Tây Bắc, như kêu gọi, như gửi gắm, như một lá thư gửi đến non sông, như một tình yêu ấm nồng, như một lời hiệu triệu bi tráng nhưng không kém phần lãng mạn, gửi đến quân và dân cả nước. Đó là “Tây Tiến”, là vẻ đẹp của phong cảnh Tây Bắc, là vẻ đẹp của man điệu dân tộc, hơn hết, đó là vẻ đẹp của những người chiến sĩ “gục lên súng mũ bỏ quên đời !”.
4. Người ta tìm đến thơ, là tìm đến một cái gì đó để giãi bày tâm sự. Khi cái cảm xúc lên đến tột trào, tưởng chừng như những gì chôn giấu trong lòng mãnh liệt ập tới, đó chính là lúc người ta hối hả muốn viết, hối hả muốn làm thơ. Tôi nghĩ rằng, trước cái cảnh rừng núi Tây Bắc gió lộng, trước cái man điệu hoang dại của người dân Tây Bắc, Quang Dũng đã không thể giấu được những gì cuộn dâng trong tâm hồn của một người nghệ sĩ. Tây Bắc chỉ là một chốn hành quân mà Quang Dũng đi qua, nhưng nó đã đóng đinh trong tâm tưởng của cả ông và những người đồng đội. Đó không chỉ là tình cảm thiết tha đối với những gì thuộc về quê hương xứ sở, mà còn là những hình ảnh rất đỗi thân thương, rất đỗi bi hùng của đoàn quân Tây Tiến. Tây Tiến ơi ! Nghìn năm nhớ thương một “đoàn binh không mọc tóc.”

 

ĐỌC THÊM VẺ ĐẸP CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH Ở KHỔ THƠ THỨ 3 THI PHẨM "TÂY TIẾN"


5. Nếu Tố Hữu là cây đại thụ cách mạng, được mệnh danh là “mắt thần chủ nghĩa” với cái náo nức, rạo rực của tuổi trẻ bắt gặp ánh sáng, niềm hân hoan trước lí tưởng cách mạng. Nếu Chính Hữu là người chiến sĩ thân quen với tình đồng đội nồng nàn, cùng nhau vượt qua cái rét lạnh, “thương nhau tay nắm lấy bàn tay” trong bài thơ “Đồng chí”. Thì Quang Dũng lại có một điệu hồn vừa bi vừa tráng cùng cái lãng mạn trong “Tây Tiến” chẳng giống ai, đó là vẻ đẹp vừa thân quen, lại vừa hào hùng. Những câu chuyện miền Tây Bắc được Quang Dũng kéo về trong tâm tưởng người đọc, không phải những bằng hình ảnh trần trụi của chiến tranh, nhưng người nghệ sĩ đa tài này vẫn phô được cái dáng vẻ tàn ác của chiến trường, của những đêm hành quân không ngừng nghỉ. Vẻ đẹp của rừng núi cùng với vẻ đẹp của người chiến sĩ hòa quyện vào nhau, làm nên một “Tây Tiến” có nhạc điệu, có màu sắc, có chất thơ nồng nàn, một điệp khúc ngân vang trong văn học thời kì kháng chiến chống Pháp.
6. Văn chương đòi hỏi sự phản ánh hiện thực một cách chân thực, vẻ đẹp ngôn ngữ thơ ca cũng được hình thành từ sự trong sáng và chính xác. Đó chính là khả năng biểu hiện đúng điều thi nhân muốn nói, miêu tả đúng cái mà tác giả cần tái hiện. Đọc “Tây Tiến”, ta không chỉ thấy một bức tranh thời đại đầy tính hiện thực, mà còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật ngôn từ điêu luyện của Quang Dũng. Quang Dũng không chỉ hoàn thành bức phác thảo mà Tây Bắc trao tặng mà còn tiếp tục có những phát kiến mới, dùng hình ảnh con người Tây Bắc và hình ảnh người chiến sĩ cách mạng làm trung tâm, tâm điểm của bức tranh. Tây Bắc hiện lên với vẻ hùng vĩ, nhưng trong đó nổi bật lên là hình tượng người lính vừa dũng cảm, can trường nhưng không kém phần hào sảng, lãng mạn, đó vừa là cái uy, vừa là cái tình của một đời làm lính. Theo tôi, hồn thơ của Quang Dũng là tụ hội của những gì “chiến sĩ” nhất và “nghệ sĩ” nhất, bởi chỉ mỗi “Tây Tiến” thôi là quá đủ cho cả một đời người.
7. Tôi cho rằng một trong những điều khó khăn nhất khi làm thơ là bản thân người làm thơ vừa là một người nghệ sĩ, nhưng lại vừa là một người chiến sĩ. Không chỉ bởi họ vừa là những người trực tiếp đấu tranh trên chiến trường, vừa là người có tâm hồn lãng mạn. Mà còn bởi hiếm ai dung hòa được cái chất chiến sĩ và nghệ sĩ luôn cuồn cuộn trong mình. Thế nhưng Quang Dũng đã làm được điều đó. Quang Dũng viết “Tây Tiến” với đường nét rắn rỏi, chắc nịch của một người làm lính, nhưng cũng đầy sự tinh tế, nhẹ nhàng của một kẻ làm thơ. Tây Bắc từ từ hiện lên với sự gập ghềnh, uốn khúc, nhưng giữa cái khung cảnh ấy lại xuất hiện những hình ảnh nhẹ nhàng như hoa, như “nàng e ấp”. Người chiến sĩ cũng bừng lên trong thi phẩm với sự can trường, một lòng vì nước quên thân, nhưng lại chẳng kém đi cái vẻ đằm thắm, cái mơ mộng của một thời tuổi trẻ. Tây Tiến theo tôi đã trở thành một trong những kiệt tác của văn đàn thời bấy giờ, và tôi tin rằng bài thơ sẽ tiếp tục trở thành nét chấm phá trong tiến trình văn học Việt Nam từ khi ra đời cho đến thuở mai hậu.

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4

Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5

Link đăng kí khoá VIP lớp 10: http://bit.ly/khoahocvan10

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan