MỞ BÀI - Đề bài: Cảm nhận về hai hình tượng Sông Đà và Sông Hương trong tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" và "Người lái đò sông Đà"

Ngày 09/11/2018 19:02:10, lượt xem: 24891

Đề bài: Cảm nhận về hai hình tượng Sông Đà và Sông Hương trong tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" và "Người lái đò sông Đà"

MB1: Người làm nghệ thuật dường như dễ nhạy cảm lắm. Lỡ nghe một tiếng đàn bên sông thôi mà mặt nước tâm hồn đang yên lặng cũng dậy sóng như Quang Huy; lỡ nhìn những kiếp người quẩn quanh tù túng mà viết lên “Hai đứa trẻ” đầy ám ánh như Thạch Lam; lại có những người lỡ để lòng mình vào sông mà say sưa, gắng sức đưa nó lên trang văn cho nó ở lại mãi với đời như Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Tuân. Thậy vậy, dòng sông để thương để nhớ cho họ để rồi có những trang kiệt tác ra đời. Họ gửi gắm tất thảy suy tư của bản thân vào hình tượng sông. Còn ở nơi nào con sông Đà và sông Hương có thể hiện lên đẹp hơn thế ngoài những tứ văn này?

MB2:  Nếu sông Đà gào thét mãnh liệt nơi đại ngàn rừng núi thì sông Hương lại êm đềm chảy trôi quanh Huế mộng Huế mơ. Nếu con người hiện lên bên vẻ đẹp sông Đà rắn rỏi khỏe khoắn bao nhiêu thì bên dòng sông Hương lại bình dị, êm đềm như dòng sông của chính họ bấy nhiêu. Và sẽ chẳng ai cân đo đong đếm được con sông nào đẹp hơn, hùng vĩ hơn, thơ mộng hơn bởi ngay trong chính sông Đà hùng vĩ cũng có lúc thơ mộng, trong chính sông Hương trữ tình cũng đôi khi thật dữ dội. Cũng như sẽ chẳng ai so sánh được ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông” hay Nguyễn Tuân trong “Người lái đò sông Đà” đặc sắc, điêu luyện, tinh tế hơn.

MB3:

“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống dòng sông lấp loáng”.

Con sông của Tế Hanh thật êm đềm và dịu dàng quá. Bao nhiêu lần hình ảnh dòng sông trở đi trở lại trong văn học là bấy nhiêu lần để nhớ để yêu trong lòng độc giả, bấy nhiêu lần khiến độc giả thêm tự hào về cảnh sắc đất nước. Cũng có những dòng sông khác mà nước sông mang cả tâm hồn người nghệ sĩ đổ ra biển lớn của đời như trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông”của Hoàng Phủ Ngọc Tường hay “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân. Lẽ đời, suy tư, chiêm nghiệm, tình yêu, tất cả đều được gửi gắm vào hình tượng hai con sông Đà và sông Hương. Chúng hiện lên đẹp lắm, đẹp không chỉ bởi vẻ ngoài vốn có đã được tạo hóa ban tặng mà còn đẹp bởi chúng bao bọc tâm hồn những người nghệ sĩ tài hoa.

Tin liên quan