Đăng Ký Học
Ngày 31/01/2024 21:32:22, lượt xem: 3407
Bài làm:
“Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự giãi bày và gửi gắm tâm tư” (Lê Ngọc Trà). Phải chăng tác phẩm nghệ thuật chính là cầu nối để tác giả bộc lộ cảm xúc và người đọc từ đó được đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia. Nhà thơ Thanh Hải cũng đã mượn trang thơ “Mùa xuân nho nhỏ” để bộc lộ những tình cảm thiết tha, chân thành, về mong muốn được hiến dâng một cách tự nguyện cho cuộc sống chung. Cùng với Thanh Hải, Y Phương cũng đã gửi gắm lòng mình trong những lời dặn dò dành cho cô con gái bé bỏng. Thông qua lời tâm sự chuyện trò của người cha, bài thơ “Nói với con” đem đến cho người con cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của con người miền núi, phong tục người miền núi. Đó là những con người giàu ý chí, giàu nghị lực, sẵn sàng vượt qua thử thách, gian nan.
Thanh Hải là một nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Là con người tài hoa, giàu sức sống nghệ thuật và lắng nghe được nhiều âm thanh của cuộc sống, Thanh Hải đã dâng cho đời nhiều áng thơ có giá trị. Ngòi bút của ông đã góp phần xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam từ những ngày đầu. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tâm sự của ông trong những ngày cuối của cuộc đời. Đó là tình yêu đất nước bao la, niềm yêu mến thiết tha đối với cuộc sống đang bước vào thời kì xây dựng….
Trước mùa xuân của đất nước, nhà thơ tâm niệm về mùa xuân riêng của mỗi cuộc đời và dạt dào một khát vọng hiến dâng:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.”
Nếu ở đầu bài thơ tác giả miêu tả những hình ảnh tô điểm thêm cho mùa xuân là âm thanh náo nức vang trời của tiếng chim chiền chiện và sắc màu tím biếc dịu dàng của cánh lục bình nhỏ trên sông thì ở đây tứ thơ được lặp lại, tạo ra sự đối xứng chặt chẽ. Tác giả mong muốn được làm bông hoa toả ngát hương, con chim mang tiếng hót và nốt trầm xao xuyến để hiến dâng nhưng không làm mất đi nét riêng của mỗi người. Ước nguyện của nhà thơ là được hòa nhập, được cống hiến, một cách thật giản dị mà rất đỗi thiêng liêng. Phép điệp cấu trúc: “Ta làm”, “Ta nhập” thể hiện khát vọng mãnh liệt, cháy bỏng, mong muốn được cống hiến. Lựa chọn hình ảnh tự nhiên, giản dị: “con chim hót”, “một cành hoa”, “một nốt trầm”, Thanh Hải mong muốn gợi lên ước nguyện cống hiến cháy bỏng nhưng khiêm nhường, thầm lặng. Qua đó, người đọc thấu hiểu hơn về một lẽ sống tích cực: mong muốn được sống có ích là một lẽ tự nhiên trong cuộc đời, cũng giống như con chim thì phải hót, bông hoa thì bung nở ngát hương, nốt nhạc trầm tạo âm điệu cho bản hòa ca. Bên cạnh đó, đại từ “ta” ở khổ thơ này như một sự mở rộng về tư tưởng, nhân rộng thêm khát khao cống hiến trong mọi người. Cái “ta” ấy vừa tạo được sắc thái trang trọng, thiêng liêng của một lời ước nguyện, vừa khẳng định tính cộng đồng, một cái “ta” chung cùng chọn cách sống có ích, sống cống hiến vì đất nước thân yêu:
“Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
Là người, tôi sẽ chết cho quê hương”
(Ca khúc “Tự nguyện” - Trương Quốc Khánh)
Đó thực sự là lời tâm niệm chân thành, tha thiết, khiêm nhường của các tác giả, của chúng ta. Một khát khao được cống hiến phần tinh tuý nhất của mình làm đẹp thêm mùa xuân của quê hương, xứ sở mà không bị giới hạn bởi thời gian, tuổi tác:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
“Mùa xuân nho nhỏ” là một sáng tạo bất ngờ, độc đáo mà tự nhiên, hợp lý của nhà thơ, bởi mùa xuân vốn là một khái niệm chỉ thời gian nhưng ở đây “mùa xuân” lại có khối, có hình, một hình hài nho nhỏ thật xinh xắn. “Mùa xuân” ẩn dụ cho những gì tươi đẹp nhất, tinh túy nhất của cuộc đời mỗi người. Nhưng chỉ “nho nhỏ” và “lặng lẽ” thôi, “mùa xuân” của muôn triệu người ấy đang dâng hiến và làm nên mùa xuân rực rỡ của đất nước. Sự cống hiến ấy sẽ còn duy trì mãi, trong mọi hoàn cảnh và điều kiện, không quản những cách trở, khó khăn. Điệp từ “dù là” đặt ở đầu hai câu thơ liên tiếp có ý nghĩa khẳng định cho khát vọng dâng hiến miệt mài, không mệt mỏi của tác giả. Ý thơ được nhấn mạnh làm cho người đọc xúc động không chỉ trước một giọng thơ ấm áp mà xúc động trước lời tâm sự chân thành của một con người đã đi qua hai cuộc kháng chiến, đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho đất nước và giờ đây, trước lúc đi xa, con người ấy vẫn tha thiết được sống đẹp, sống có ích với tất cả sức sống tươi trẻ của mình cho cuộc đời chung. Ước nguyện thiết tha, cháy bỏng của nhà thơ được viết trước khi ông trở về với cát bụi nhưng không chút băn khoăn, than thở về bệnh tật, không một chút suy nghĩ riêng tư cho bản thân mình mà chỉ “lặng lẽ, cháy bỏng một khát khao dâng hiến”. Bức thông điệp mà Thanh Hải gửi lại cho cuộc đời đã trở thành một tiếng lòng chung cho tất cả mọi người.
ĐỌC THÊM: PHÂN TÍCH BÀI THƠ "MÙA XUÂN NHO NHỎ" TỪ QUAN NIỆM CỦA CHẾ LAN VIÊN
Đến với “Nói với con” của nhà thơ Y Phương, chúng ta sẽ được lắng nghe những lời người cha muốn con yêu về những đức tính cao đẹp của người đồng mình. Họ mộc mạc, chân chất nhưng giàu ý chí, niềm tin, mong xây dựng quê hương tốt đẹp hơn.
Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày, sinh và lớn lên ở vùng đất non cao, với tư duy mộc mạc, giản dị những vần thơ của ông cũng chân thành như chính tâm tư, tình cảm của con người nơi đây. Nhắc đến Y Phương là nhắc đến bài thơ Nói với con nổi tiếng về tình cảm gia đình thiêng liêng sâu nặng. Nói với con được Y Phương sáng tác khi đứa con đầu lòng của ông ra đời. Bởi vậy bài thơ chứa đựng niềm hạnh phúc dạt dào của một người lần đầu được làm cha. Không chỉ vậy, bài thơ còn cho thấy ý thức của người cha muốn vun đắp, muốn cho con hiểu rõ cội nguồn của bản thân và luôn tự hào về nơi mình sinh ra.
Niềm mong mỏi của cha đặt để nơi con hay cũng chính là lời tự nhắc của tác giả, bức thông điệp muốn gửi gắm tới độc giả cứ thế cất lên và để rồi lắng đọng trong những dòng thơ cuối:
“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.”
Bốn dòng thơ với cách ngắt nhịp, ngắt dòng thật lạ, vừa nhẹ nhàng lại bừa bồi hồi, nghẹn ngào, xúc động. Trong lời tâm sự, dặn dò thân mật ấy, cha mong con hãy biết tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, con hãy lấy những tình cảm đó làm chỗ dựa để vững bước trên đường đời. Hình ảnh “thô sơ da thịt” một lần nữa được lặp lại như muốn con khắc cốt ghi xương bản tính cần cù, đôn hậu, dung dị của đồng bào. Người đồng mình tuy mộc mạc nhưng có lẽ sống cao đẹp. Trên đường đời con đi còn những chông gai nhưng con hãy tự tin ngẩng cao đầu, sống cao thượng, tự trọng, “không bao giờ nhỏ bé được” bởi sau lưng con có gia đình, quê hương, có truyền thống, phong tục ngàn đời làm điểm tựa, bởi trong trái tim con sẵn ẩn chứa những phẩm chất quý báu của người đồng mình. Hai tiếng “nghe con” khép lại bài thơ chứa đựng tấm lòng yêu thương, niềm tin sâu nặng cha đặt vào nơi con. Hai tiếng ấy nhẹ nhàng mà âm vang xao xuyến còn đọng lại mãi tới muôn thế hệ mai sau. Quả thực, nhà thơ Y Phương thấu hiểu tất cả và đã lột tả được cái hồn cốt trong bản sắc văn hóa dân tộc mình. “Nói với con” hay chính là lời trao gửi tới thế hệ kế tiếp. Nhà thơ muốn gửi gắm tới mai sau ý thức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, mỗi người hãy có ý thức trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tóm lại, âm điệu thơ tha thiết, ngôn ngữ thơ mộc mạc, hình ảnh thơ vừa cụ thể, vừa khái quát, đậm chất trữ tình. Đoạn thơ thể hiện niềm tin tưởng, hy vọng của người cha đối với bước đường tương lai của con. Đồng thời giúp ta cảm nhận được điều tốt đẹp, được tình cảm gắn bó thuỷ chung của dân tộc miền núi. Từ đó gợi trong mỗi chúng ta tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương xứ sở và ý chí vươn lên để tiến bộ, sống làm chủ cuộc đời, làm chủ bản thân.
Cả hai bài thơ đã nói lên được những tâm tư tình cảm của tác giả, thể hiệnđược những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. “Mùa xuân nho nhỏ” là một bức tranh mùa xuân thiên nhiên tuyệt đẹp, vừa là tiếng hát nhẹ nhàng tha thiết, sâu lắng về khát vọng cống hiến cho đất nước của nhà thơ Thanh Hải. Và đó cũng chính là một “mùa xuân nho nhỏ” mà Thanh Hải để lại cho đời trước lúc đi xa. Bài thơ “Nói với con” thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc. Giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống,thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc.
Trang sách đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng mãi như khơi gợi trong lòng chúng ta về một tình cảm cao đẹp của con người. Chính tình yêu thiên nhiên, khát vọng dâng hiến của Thanh Hải làm xao xuyến rung động biết bao trái tim người đọc. Chính những lời dặn dò mộc mạc chân chất của người cha khiến bao con tim người Việt thổn thức. Câu thơ cứ nhẹ nhàng, thấm thía tự nhiên đi vào lòng người như một bài học sâu sắc về lẽ sống đẹp, cách ứng xử đầy nhân văn, tấm gương cao thượng trong sáng của hai tác giả.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học kĩ năng - Lớp 9
Tin liên quan