Hình ảnh ông lái đò trong "Người lái đò sông Đà"

Ngày 07/12/2021 08:43:46, lượt xem: 6614

Đề bài: Về nhân vật ông lái đò trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân có ý kiến cho rằng: “Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa”. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: “Ông lái đò là một người lao động bình thường”. Từ cảm nhận về ông lái đò, anh/ chị bình luận những ý kiến trên.
 


Bài làm:
“ Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp lánh. “
Đã có biết bao dòng sông uốn lượn trải dài khắp Việt Nam, những dòng sông để thương, để nhớ chảy về đã dệt nên bao vần thơ đẹp. Con sông uốn lượn, quanh co bồi đắp phù sa cho đồng ruộng màu mỡ, sông tưới mát cho những mệt vườn cây trái tươi xanh, tạo nên một bức tranh thiên nhiên mang đầy màu sắc. Từ cuộc đời, sông chảy vào những áng thơ văn. Nếu sông Hương là người mẹ phù sa của nền văn hóa cố đô trong bút kí “ Rất nhiều ánh lửa” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Đuống như dòng ánh sáng trôi nghiêng nghiêng trong hoài niệm của Hoàng Cầm,…. thì hình tượng sông Đà trong trang viết tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân trích trong tập tùy bút “Sông Đà” lại mang vẻ đẹp hùng vĩ, choáng ngợp với cảnh sông nước hung bạo đầy hiểm trở. Tùy bút sông Đà là những trang văn được viết bằng ngôn ngữ điêu luyện, những đoạn tả đèo cao, vực sâu, thác nước dữ dội, hoặc cảnh thiên nhiên đẹp đến tuyệt đỉnh, nhưng lấp lánh giữa những vẻ đẹp ấy là người lao động bình thường nhưng rất đỗi phi thường mà Nguyễn Tuân đã khắc họa.
Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại những tác phẩm đặc sắc mang dấu ấn đối với mỗi người đọc. Ông sinh ra và lớn lên ở một làng ven đô bên bờ sông Tô. Nguyễn Tuân đến với nhiều vùng đất khác nhau, sống với bộ đội, công nhân và đồng bào các dân tộc. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem đến cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo và đặc biệt không thể không kể đến chuyến đi thực tế lên miền núi rừng Tây Bắc năm 1958. Trong chuyến đi dài ngày ấy, Nguyễn Tuân đã gắn bó, chung sống với nhiều người dân thiểu ở đây. Trải nghiệm chân thực vốn sống sâu sắc, phong phú cùng với cái nhìn đa chiều, ông thấu hiểu sông núi Tây Bắc hùng vĩ, là vàng còn con người Tây Bắc, những người thầm lặng vô danh như ông lái đò là chất vàng mười đã được tô luyện qua lửa gian khổ. Khi rời xa Tây Bắc để trở về Hà Nội, Nguyễn Tuân đã tâm niệm sẽ viết để tri ân miền đất ấy đã bồi đắp phù sa cho tâm hồn mình. Tập Sông Đà là quả ngọt kết tinh từ mồ hôi công sức của Nguyễn Tuân trong chuyến đi thực tế lên Tây Bắc. Trong tập này đặc sắc và ấn tượng hơn cả là tùy bút Người lái đò sông Đà.
Trên phông nền thiên nhiên mênh mông của vùng núi Tây Bắc, nếu sông Đà hiện lên vừa hung bạo, hiểm trở, vừa thơ mộng vừa trữ tình, bạt ngàn những tảng đá hay những vật cản đầy nguy hiểm thì hình tượng người lái đò hiện lên như một nét thần tình đầy chất nghệ sĩ. Nguyễn Tuân cho rằng bất cứ người lao động nào khi đạt tới trình độ điêu luyện giỏi giang trong công việc của mình đều có thể coi là nghệ sĩ và xứng đáng được tôn vinh ở vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ. Và ở nơi thượng nguồn ấy là một tượng đài nghệ thuật.

 

ĐỌC THÊM Chất "vàng" từ hình tượng sông Đà - Người lái đò sông Đà


Ông lái đò quê ở Lai Châu làm nghề chèo đò trên dòng sông Đà đã hơn 10 năm. Với khoảng thời gian này, người lái đò ấy đã đủ kinh nghiệm để chèo lái trên một dòng sông đầy gian nan, hiểm trở. Nguyễn Tuân đã cho độc giả một cái nhìn độc đáo và ấn tượng bằng chi tiết và sự lão luyện của người cầm lái: “Trên sông Đà ông xuôi, ông ngược trên 100 lần rồi và chính tay ông giữ lái độ sáu mươi lần”. Nguyễn Tuân dùng tài năng nghệ thuật của mình với cách thể hiện ngôn từ sắc sảo, linh hoạt đã khắc họa hình tượng ông đò đầy kinh nghiệm với hơn chục năm làm nghề lái đò đầy nguy hiểm và gian khổ này. Với người lái đò, sông Đà như một phần không thể thiếu đối với ông, là nơi để ông ghi lại dấu ấn, những bản thiên nhiên hùng ca của cuộc đời mình trên thiên nhiên vùng sông nước đầy hiểm trở, vừa thân thuộc vừa gắn bó.
Ông lái đò xuất hiện với ngoại hình vô cùng độc đáo và ấn tượng. Mỗi đường nét ngoại hình đều in đậm dấu ấn của con sông Đà hung bạo. Xuất hiện với ấn tượng ban đầu là một ông lão bảy mươi tuổi, ông đã dành hết phần lớn cuộc đời để chèo lái trên dòng sông, sự nguy hiểm của dòng sông Đà không còn là nỗi băn khoăn và ngạc nhiên đối với ông. Hình ảnh cái đầu bạc quắc thước đặt trên một thân hình cao to gọn quánh, hai cánh tay rắn chắc nhãn giới cao vời vợi, với tiếng nói ồn ào như thác nước mặt ghềnh sông, độc giả không khỏi liên tưởng đến hình tượng của một con người lão luyện, khỏe khoắn, một con người cưỡi sóng đạp gió, hiện lên thật đẹp giữa thiên nhiên sông nước khắc nghiệt hiểm trở. Trên ngực ông lái đò có những vết sẹo bầm lên như một khoanh củ nâu bởi mỗi lần vượt thác ghềnh ông đều tì con sào lên ngực, dùng trái tim làm điểm tựa để vượt qua những con thác ghềnh đầy dữ dội, nguy hiểm của con sông Tây Bắc. Qua mỗi chuyến ngược xuôi vết sẹo càng hằn sâu thêm. Với cảm hứng tôn vinh nghệ thuật, Nguyễn Tuân gọi vết sẹo đấy là tấm huy chương lao động siêu hạng. Chỉ bằng với vài nét khắc họa mà tác giả đã chạm khắc vào tiềm thức của người đọc một hình ảnh người lái đò gần gũi, một người đã gắn bó lâu dài với môi trường sông nước, dũng cảm vượt qua bao lần hiểm nguy, chờ trực của thác nước mạnh, những hòn đá lớn. Ông lái đò thực sự rất xứng đáng với tấm huân chương mà nhà văn đã phong tạo.
Trong cảm nhận của Nguyễn Tuân, ông lái đò rất mực thông minh và tài trí bởi con sông Đà uốn lượn 500 cây số. Giữa núi rừng thiên nhiên mênh mông, hùng vĩ là một thiên anh hùng ca vậy mà ông đò nhớ từng dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm than và cả những đoạn xuống dòng. Ông đò quả thực rất tài năng, có một trí nhớ vô cùng siêu đẳng bởi ông thuộc mọi binh pháp của thần sông, thần đá sông Đà, thuộc hết quy luật phục kích của từng trùng điệp, thạch trận. Cách bày trí của từng hòn đá nằm ngổn ngang giữa lòng sông Đà ở thượng nguồn như thử thách ông đò mỗi lần chèo thuyền qua đó nhưng ông vẫn luôn nhớ mặt, nhớ từng tính cách và nhiệm vụ của từng hòn. Tất cả như một tấm bản đồ thu nhỏ khắc sâu trong tâm trí của ông đò. Qua đó Nguyễn Tuân thể hiện sự cảm phục của mình với những người lái đò, đó là một người yêu lao động, yêu công việc từng trải và giàu kinh nghiệm với một trí nhớ vô cùng siêu phàm.

 

ĐỌC THÊM Bài phân tích "Người lái đò sông Đà" (Nguyễn Tuân) hay nhất, đầy đủ nhất


Hình ảnh con người lao động hiện lên không chỉ với vẻ đẹp thông minh, một chiến tướng trí dũng song toàn và điêu luyện trong công việc của mình mà còn là một bậc anh hùng như một viên thuyền trưởng gan dạ, đầy khí phách trong cuộc thủy chiến với con sông Đà. Đối mặt với thác dữ, đồng nghĩa phải đối mặt với cái chết, cái nguy hiểm chờ trực, nhưng đối với ông đò ông không thấy sợ hãi mà thấy được sự thú vị ở nghề chèo lái. Một con người gan dạ, luôn đương đầu với tình huống khó khăn, hiểm nguy. Mỗi chuyến ông đò xuôi ngược không êm đềm, bình lặng mà nó như là một trận sinh tử ác liệt. Sông Đà hung bạo, nham hiểm là kẻ thù số một của ông đò, luôn chờ trực để hòng đoạt mạng ông bất cứ lúc nào đi qua đấy. “Những đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền”, bọn chúng không tùy tiện nằm ngồi bởi sông Đà đã giao nhiệm vụ cho từng hòn. Ở hàng đầu tiên là sự phối hợp của những hòn đá to khủng khiếp được sắp xếp để trông cửa. Những hòn đá bệ vệ, oai phong, lẫm liệt là một bọn làm tiền vệ giả vờ sơ hở để lừa dụ ông đò vào sâu trong ổ mai phục đã phục sẵn rồi “đánh khuýp quật vu hồi”. Nếu thuyền lọt vào ổ mai phục thì cũng tơi tả lại ngay lập tức đối mặt với những boong- ke chìm và những tảng đá nổi sừng sững trên mặt nước, tảng thì nấp dưới những làn sóng dữ dội của con sông Đà. Đó là cuộc chiến hung dữ nhất giữa con người và con sông đà. Không chỉ thế, ở trùng vi thứ hai này lại tăng thêm nhiều cửa sinh nằm lập lờ ở phía tả ngạn như đang chờ chực ông lái đò mắc vào cạm bẫy của dòng sông. Ngoài lũ binh tướng dữ tợn thì “bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử”, tiếng reo hò ầm ĩ của sóng thác luồng sinh, tháp nước đổ ầm ầm như tiếng gầm rống cuồng nộ của một ngàn con trâu mộng là thanh viện làm những ai lần đầu tiên nghe thấy phải kinh hồn bạt vía. Còn sóng dữ ở quãng sông này là lũ quân liều mạng đánh tới tấp vào bụng, hông thuyền khiến thuyền chao đảo, lắc lư và mặt của ông đò thì biến sắc, méo mặt đi.
Trận thủy chiến dữ dội cùng với sự tàn bạo hung ác của con sông Đà làm nổi bật khí phách của ông đò. Ông là một người lao động bình thường nhưng hiện lên trong tâm thức người đọc là một người nghệ sĩ tài năng, là một con người điêu luyện trong công việc chèo thuyền của mình. Dù bị bao vây giữa một vùng nước rộng lớn, bạt ngàn, sự reo hò của âm thanh sông suối, nhịp nước tăng mạnh mỗi lúc chèo thuyền nhưng ông đò vẫn cất tiếng chỉ huy rành rọt vang khắp ải nước. Ngay cả khi bị trúng độc chiêu nhưng ông đò vẫn kìm nén vết đau để con thuyền vượt qua thạch trận một cách an toàn. Bằng tài năng nghệ thuật của tác giả và cách thể hiện ngôn từ trong bài văn đã diễn tả được hình tượng ông đò hiện lên với một hình ảnh vừa thông minh, vừa anh hùng, dũng cảm, gan dạ để vượt qua những cánh cửa nguy hiểm của sông Đà. Nhà văn miêu tả ông đò nắm lấy bờm sóng ghì chặt cương lái lao vút vào cọc biển khiến ta hình dung ông đò không chỉ là viên thuyền trưởng gan dạ như chàng Uy lít xơ vượt biển trong sử thi hy lạp mà còn như vị tướng đang cưỡi chiến mã tung hoành khắp trận mạn. Sông Đà luôn là kẻ thù số 1 luôn rình chực ông đò và mỗi chuyến cập bến bình yên của ông như một trận chiến thắng oanh liệt và vang dội trước con sông hung bạo, không phải ngẫu nhiên mà NT kể ông đò đã có cả trăm chuyến xuôi ngược SĐ. Đó là người anh hùng bách chiến bách thắng với một bên là con sông Đà hung bạo và đầy những hiểm nguy, cạm bẫy, một bên là người lao động bình thường với một tinh thần dũng cảm, gan dạ cùng với sức mạnh trí tuệ. Với sự mưu trí, thấu hiểu kẻ thù như nhân gian từng nói: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”.

 

ĐỌC THÊM 3 MỞ BÀI "NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ" ẤN TƯỢNG NHẤT


Nguyễn Tuân đã rất uyên bác khi dùng ngòi bút nghệ thuật của mình để khắc họa ông lái đò anh hùng trong trận thủy chiến trên sông đà. Cảm hứng lãng mạn được sử dụng trong tùy bút, đặc biệt khi viết về người lái đò đã tạo nên những liên tưởng độc đáo, những khúc ca tươi đẹp để ca ngợi về con người lao động bình thường nhưng rất đỗi phi thường. Nguyễn Tuân còn sáng tạo ra nhiều ngôn từ giàu sức gợi như ải nước, bờm sóng, cương lái,...khiến câu văn trở nên sống động, có linh hồn, diễn tả một cách chân thực về hình ảnh người lao động bằng xương bằng thịt ngoài đời thực chứ không còn là một nhân vật trong sách. Tác giả đã sử dụng một ngôn từ phong phú, đa dạng bởi ông đã viết rất nhiều, cho ra đời nhiều tác phẩm từ đó làm đổi mới và phong phú tiếng việt. Người ta gọi người nghệ sĩ này là “thầy phù thủy ngôn từ, là người huyện đăng ngôn ngữ”.
Khép lại trang văn về “Người lái đò SĐ” của Nguyễn Tuân trước mắt độc giả vẫn là không gian Tây Bắc, là hình tượng người lái đò tài hoa. Tác phẩm là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước thiết tha, say đắm của một người nghệ sĩ muốn dùng văn chương để khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên, kì vĩ, trữ tình thơ mộng của thiên nhiên, nhất là tài năng của những người lao động bình dị. Đó là hình ảnh của tấm chương siêu hạng “độc đáo” và một con người đầy khí phách trong cuộc chiến đấu chinh phục thiên nhiên.

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4

Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan