Đăng Ký Học
Ngày 27/11/2024 10:56:30, lượt xem: 54
Khi phân tích thơ hai-cư, người viết nên triển khai lần lượt các nội dung sau:
VD: Bài thơ:
“Trên cành khô
cánh quạ đậu
chiều thu” (Ba-sô)
1. Khái quát chung
- Giới thiệu tác giả: cuộc đời và sự nghiệp sáng tác.
- Giới thiệu bài thơ và đặc trưng thể loại thơ hai cư được thể hiện qua bài thơ.
VD:
- Mát-chư-ô Ba-sô là nhà thơ nổi tiếng của Nhật Bản thời Edo, ông có công lớn trong việc hoàn thiện và đưa thơ hai-cư lên đỉnh cao. Cuộc đời ông đầy rẫy những biến động gắn với sự biến chuyển mạnh mẽ của thời đại khiến ông có những bước đường phiêu lãng, du hành khắp nơi trên vùng đất hoa anh đào. Đó cũng chính là cảm hứng sáng tác gắn liền với khối tác phẩm đồ sộ của Basho.
- Bài hai-cư là một trong những bài thơ tiêu biểu thuộc kho tàng thi phẩm của ông. Bài thơ chỉ gồm 3 dòng với cấu trúc dòng 1 và 2 có 3 âm tiết, dòng 3 có 2 âm tiết, hình thức cô đọng nhất của thơ ca thế giới nhưng mang sức gợi, tính tư duy và mĩ cảm cao.
2. Xác định chủ đề chính của tác phẩm: Bài thơ viết về thiên nhiên hay cuộc sống đời thường hay tình cảm con người…?
VD: Bài thơ trên viết về bức tranh thiên nhiên mùa thu với vẻ tĩnh lặng, cô đơn.
3. Phân tích từng dòng thơ rồi liên kết với nhau: chú ý đặt câu hỏi và trả lời theo trình tự:
- Hình ảnh/quý ngữ nào được nhắc đến ? Hình ảnh/quý ngữ ấy gợi hình dung về điều gì ? Đâu là hình ảnh trung tâm ?
- Cảnh vật/sự việc được miêu tả ở thời điểm nào ? Thời điểm ấy gợi cảm nhận gì ?
- Không gian trong bài thơ là gì ? Gợi cho em cảm nhận gì ?
- Chỉ ra và nhận xét mối quan hệ giữa những hình tượng được nhắc đến trong bài.
- Nhận xét về thái độ, tình cảm tác giả ? Giải thích lí do tác giả có cảm nhận ấy ?
VD:
- Ở dòng thơ đầu tiên, nhà thơ nhắc đến hình ảnh “cành khô” khiến ta hình dung về sự héo úa của cành cây, hay cũng chính là lụi tàn của thiên nhiên.
- “cánh quạ đậu” phải chăng là hình ảnh trung tâm của bài thơ ? Ba-sô lại tiếp tục mang lại cho ta cảm giác xám xịt, lạnh lẽo, bởi “quạ” là con vật thường xuất hiện những lúc chiều tà khi vạn vật chìm vào tĩnh lặng, xung quanh quạnh hiu, vắng bóng sức sống, nó được xem như biểu tượng của sự u ám, bí ẩn. Cánh quạ đậu hiu hắt trên cành cây khô khốc, khẳng khiu thể hiện một trạng thái tâm hồn trĩu nặng, u sầu.
- Khép lại bài thơ, Ba-sô dùng quý ngữ “chiều thu” như hoàn thiện bức tranh thiên nhiên của mình. Màn sương xám của buổi chiều bao trùm lấy tiết trời se lạnh, tang tóc của mùa thu, trên nền trời ấy, có những cành cây bị gió thổi đến khô trụi và hình ảnh con quạ đặt giữa nền thiên nhiên ấy là dụng ý của tác giả để nói về tâm trạng buồn bã, cô đơn, đầy suy ngẫm trước cảnh sắc thiên nhiên của mình. Đó còn là sự tương phản giữa màu đen của con quạ nhỏ xíu và màn đêm đang bao trùm rộng lớn, bao la, khiến con người cảm thấy nhỏ bé, yếu ớt trước không gian vũ trụ.
- Có lẽ trước cuộc đời đầy biến động, Ba-sô không khỏi u hoài về sự tiêu điều, xơ xác đến héo tàn của quê hương, không khỏi trăn trở, lo âu về phận mình, về sự trôi chảy của thời gian.
4. Tổng kết lại về nghệ thuật và nội dung để khẳng định → tài và tâm tác giả.
VD:
- Trong bài thơ trên, Ba-sô đơn thuần liệt kê tên ba phương diện: địa điểm, thời gian, sự việc nhưng lại gợi mở đến vô cùng. Độc giả khi tiếp cận bài thơ có nhiều góc nhìn, quan điểm, suy tư khác nhau, khiến bài thơ tuy ngắn nhưng lại có khả năng gợi mở tới vô cùng. Có được điều này phải ca ngợi tài năng của Ba-sô, ông xứng đáng được coi là “con người kì diệu”, nâng hai-cư lên đỉnh cao nghệ thuật.
- Không chỉ vậy, xét về nội dung, nhà thơ đã thành công gói ghém tư tưởng và tình cảm chủ đạo của mình vào bài thơ, giúp độc giả khám phá đúng hướng: Ba-sô là người thi sĩ nặng lòng với cuộc đời, nhạy cảm với thiên nhiên và tha thiết tình yêu dành cho thiên nhiên, quê hương, đất nước, tình cảm này là nguyên nhân khiến ông có những tâm trạng u sầu, bi lụy khi viết những dòng thơ trên.
5. Liên hệ bản thân: cảm xúc của bản thân, hoạt động thực tiễn…
VD: Từng câu, từng chữ Ba-sô viết nên tuy ngắn nhưng đều để lại trong lòng tôi cảm xúc, một nỗi “ám ảnh” về không gian tịch mịch, quạnh hiu, và tâm hồn hòa cùng dòng chảy của thời gian. Bài thơ như đưa ra lời khuyên con người hãy sống chậm lại, hãy trân trọng khoảnh khắc hiện tại, hãy biết dừng lại để suy ngẫm những điều đã và đang xảy ra, hãy lắng nghe tiếng lòng của chính mình để hiểu về bản thân.
* Chú ý: Trong lúc viết bài hoàn chỉnh nên mở rộng, liên hệ bằng trích dẫn liên quan đến nội dung/kiến thức lí luận văn học…
→ Một vài trích dẫn liên quan đến thơ hai-cư:
- Thơ hai-cư được coi như “kì hoa dị thảo trong vườn thơ nhân loại”.
- R. Barthes: “Sự ngắn gọn của haiku không phải là vấn đề hình thức. Haiku không phải là một tư tưởng phong phú rút vào một hình thức ngắn mà là một sự tình vắn tắt đã tìm ra được hình thức vừa vặn của mình”.
- R.Tagore: “Nhà thơ chỉ giới thiệu đề tài rồi tránh bước sang bên… Lí do khiến nhà thơ rút lui nhanh chóng thế vì người đọc Nhật có quyền năng tinh thần về tưởng tượng rất lớn”.
- Thơ haiku “là trữ tình nén sâu, tối giản, thoáng nhẹ, đạm trên nguyên tắc gợi, bút pháp của tượng trưng, siêu thực” (Khuyết danh).
- “Mỗi bài haiku là sự ghi nhanh trong vài từ khoảnh khắc bừng ngộ (satori), khoảnh khắc vụt sáng của Minh Triết cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc siêu việt thấu thị mọi vật”.(Khuyết danh).
ĐỌC THÊM: PHÂN TÍCH CHÙM THƠ HAI-CƯ CỦA BA-SÔ DƯỚI GÓC ĐỘ THI PHÁP
Phân tích bài thơ:
“Chậm rì, chậm rì
kìa con ốc nhỏ
trèo núi Fu-ji”
(Cô-ba-y-a-si Ít-sa)
Bài làm
“Mọi tác phẩm dù được sáng tạo theo một thi pháp nào cũng mở ra theo các cách đọc. Mỗi cách đọc mang đến cho tác phẩm một đời sống mới.”(Khuyết danh), vậy nên bằng thi pháp độc đáo “kết cấu hư không”, luật thơ tự do, những bài thơ hai-cư của xứ sở hoa anh đào đã mang đến cho độc giả mọi thời nhiều cách tiếp cận khác nhau. Ngôn ngữ cực tiểu đã tạo ra khoảng trống tối đa, giúp bài thơ tái tạo “một đời sống mới”. Và tác phẩm của Cô-ba-y-a-si Ít-sa tiêu biểu trong số đó:
“Chậm rì, chậm rì
kìa con ốc nhỏ
trèo núi Fu-ji”
Cô-ba-y-a-si Ít-sa là nhà thơ nổi tiếng trong số bốn tác giả vĩ đại nhất của thơ hai-cư Nhật Bản. Đặc biệt, do kiêm tu sĩ Phật giáo nên ông thấm nhuần tư tưởng Thiền tông giúp mỗi âm tiết trong tác phẩm của ông đều mang ý nghĩa sâu sắc. Cuộc đời của ông nhiều bi thương từ khi mới sinh ra cho đến khi về già bởi vậy mà những bài thơ của ông mang niềm đau, những nỗi buồn về sự mất mát giấu kín trong lòng, nhưng không mang vẻ bi lụy mà vượt lên trên đó chính là sự kiên trì, nỗ lực đứng dậy bước tiếp, vượt qua đau thương mà ông muốn gửi gắm đến bạn đọc. Bài thơ là tiêu biểu nhất cho tư tưởng thơ hai-cư của Ít-sa, được viết theo kết cấu đều bốn âm tiết trong ba dòng và mang tính tư duy, gợi cảm cao.
Bài thơ viết về hình ảnh thiên nhiên nhưng dụng ý về cuộc sống đời thường. Hành động “chậm rì, chậm rì” là sự chậm rãi, từ từ được Ít-sa đảo lên mở đầu bài thơ gợi cho độc giả cảm nhận ban đầu về hoàn cảnh của sự vật. Hai dòng thơ sau, tác giả xây dựng hai hình ảnh đối lập “con ốc nhỏ” và “núi Fu-ji”. Trước hết, “con ốc” so với “núi Fu-ji” đã rất nhỏ bé nhưng nhà thơ vẫn thêm chữ “nhỏ” càng nhấn mạnh sự bé nhỏ của con vật trước ngọn núi cao, đồ sộ. Tuy có vẻ “bị nhấn chìm” trong không gian bao la, rộng lớn nhưng “con ốc nhỏ” lại chính là hình ảnh trung tâm của bài thơ. Quay về dòng mở đầu, hai chữ “chậm rì” được lặp lại không chỉ mô tả tốc độ bò mà đặt trong sự đối sánh, ta còn cảm nhận vẻ kiên trì, nhẫn nại, nỗ lực, quyết tâm, cẩn thận “trèo núi Fu-ji” của con ốc. Hình ảnh ngọn núi là thử thách, khó khăn, hay còn là những mơ ước lớn lao của thế gian này mà một con ốc nhỏ bé muốn chinh phục. Từ đây, qua hình ảnh “con ốc nhỏ” và “núi Fu-ji”, Ít-sa nhắc nhở em về mối quan hệ giữa con người với những hành trình phải trải qua trong cuộc sống. Mỗi cá thể luôn luôn bé nhỏ trước vũ trụ bao la, trước muôn vàn lí tưởng cao đẹp, ước mơ cao cả. Vậy nên muốn đạt được những điều tưởng như phi thường ấy, chúng ta phải nỗ lực hết mình, phải kiên trì và bền bỉ dù đường đời có trắc trở, chông gai, mà như Lưu Quang Vũ viết:
“Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta
Ai trong đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy.”
Quan trọng hơn, hai chữ “chậm rì” còn là thông điệp về việc chấp nhận những thử thách trong cuộc sống một cách bình thản, không vội vàng. Sự chậm rãi của con ốc nhắc nhở chúng ta rằng mỗi bước đi đều có giá trị, “ai trong đời cũng có thể tiến xa” dù chậm nhưng chắc chắn.
Ít-sa đã viết đúng cái thần của thơ hai-cư: “là trữ tình nén sâu, tối giản, thoáng nhẹ, đạm trên nguyên tắc gợi, bút pháp của tượng trưng, siêu thực”. Hình ảnh thiên nhiên trong thơ được ông liệt kê và chỉ dùng duy nhất một hành động nhưng gợi độc giả liên tưởng đến bài học cuộc sống đầy nhân văn, sâu sắc. Nhà thơ đã gói ghém một cách vừa vặn suy tư, tình cảm, lời khuyên của mình vào ba dòng thơ, giúp bài thơ có giá trị với bạn đọc mọi thời. Em không chỉ ngưỡng mộ ý chí của nhà thơ Ít-sa mà còn học tập được từ ông đức tính kiên nhẫn, phấn đấu, cố gắng suy xét kĩ từng bước đi và vững bước tới khát vọng của mình.
“Thời gian hủy hoại các lâu đài, nhưng lại làm giàu những vẫn thơ.” (Jorge Luis Borges), bài thơ sẽ tiếp tục “giàu” lên với thời gian, mở ra càng nhiều ý nghĩa cuộc sống hơn cho bạn đọc sau này.
ĐỌC THÊM: Ngữ Văn lớp 10 - Phân tích thơ Hai-cư, thơ Ba-sô hay nhất
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học TOÀN DIỆN LỚP 10 - 2K9
- Khóa học KỸ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU
Tin liên quan