PHÂN TÍCH CHÙM THƠ HAI-CƯ CỦA BA-SÔ DƯỚI GÓC ĐỘ THI PHÁP

Ngày 22/11/2023 11:12:39, lượt xem: 2796

Thơ Hai-cư hay còn được biết đến là thể loại thơ ngắn nhất thế giới - thể loại quan trọng của thơ ca truyền thống Nhật Bản. Tuy có dung lượng ngắn, nhưng lại ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa sâu sắc. Hãy cùng Học Văn Chị Hiên tham khảo nhé thơ Hai-cư của Ba-sô nhé.

 

 

Thi pháp thơ Hai-cư của Ba-sô nổi bật ở quan niệm nghệ thuật về con người. Thơ Hai-cư toát lên những cái nhìn mới, tinh tế, nhạy cảm và sâu sắc về con người bằng các góc tham chiếu từ nhiều phương diện văn hóa, trong đó, nổi bật là từ thiền học, mỹ học, nhân học và tâm lý học. Nhưng để chuyển tải được những quan niệm nghệ thuật mới về con người, thơ Hai-cư cần đến những kiểu kết cấu thẩm mỹ đặc thù. Trong đó, các tình tiết nêu lên nhiều khi dường như chỉ là những mảnh lẻ về hình ảnh cuộc sống con người, xã hội hay của thiên nhiên, nhưng giữa chúng có mối liên hệ bên trong. Và quan trọng nhất là câu kết của mỗi bài thơ, thường phải làm sáng lên được những ý nghĩa mới một cách bất ngờ, thú vị. Từ đó, ánh sáng chung của cả bài thơ với tư cách là một hệ thống nghệ sẽ rọi các tia sáng thẩm mỹ lên từng chi tiết trong bài thơ. Nghĩa là, sức chi phối chung của toàn hệ sẽ tạo nên sự kết nối giữa các chi tiết nghệ thuật và tạo cho từng yếu tố những sắc thái thẩm mỹ cụ thể.

Chính vì thế, vai trò của kết cấu nghệ thuật là vô cùng quan trọng. Với thể thơ chủ yếu là 17 âm tiết, thấm đẫm chất Thiền tông, thơ Hai-cư của Ba-sô là những bức tranh thủy mặc, cốt gợi để tạo suy ngẫm về những triết lý sâu sắc, những giá trị tinh thần tốt đẹp trong cái nhìn nghệ thuật hài phối nhuần nhị và tự nhiên thế giới con người với thiên nhiên và vạn vật theo tinh thần nhất thể hóa.

Thơ Hai-cư đề cao cái u huyền, tĩnh vắng, mềm mại, nhẹ nhàng. Để tạo nên những giá trị tư tưởng và thẩm mĩ đó, cấu trúc bài thơ phải đạt tới độ tinh xảo, gợi và mở. Tiếp cận thơ Hai-cư từ hình thức bề ngoài thì người đọc sẽ thấy đó là tập hợp của hệ thống từ ngữ giản dị, dân dã. Thế nhưng, cái giá trị chúng gợi ra là thẳm sâu vô cùng, trên cơ sở có sự liên kết giữa các yếu tố trong hệ thống để tạo nên những ẩn dụ có giá trị khơi tỏa, khai sáng nhận thức, tư tưởng và tình cảm của người đọc.

Bài thứ nhất:

Đất khách mười mùa sương

Về thăm quê ngoảnh lại

Ê-đô là cố hương.

Như những bài thơ Hai – cư khác, bài thơ này không dùng tính từ miêu tả, chỉ dùng danh từ để gợi. Quê nhà thơ Ba-sô không phải Ê-đô (Tô-ki-ô ngày nay) mà là Mi-ê, còn Ê-đô là nơi tác giả đã sống ở đó mười năm. Thế nhưng, khi về lại quê nhà, xa Ê-đô thì Ê-đô bỗng thành cố hương. Trong kết cấu bài thơ, cái kết bất ngờ mở ra, vụt sáng một chân lý có sức phổ quát lớn trong nhận thức và tình cảm con người: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn (Chế Lan Viên). Cả một chân trời về Ê-đô với những kỉ niệm của tác giả ở nơi đó, nằm trong phần hàm ẩn tạo nên tính vô biên của xúc cảm. Người đọc tự liên tưởng đến những “Êđô” khác của mình trong nỗi nhớ niềm thương riêng. Trong cấu trúc bài thơ, có sự chuyển hóa nhuần nhị, tự nhiên giữa đất khách thành cố hương – vốn là hai khái niệm trái nghĩa.

 

ĐỌC THÊM: PHÂN TÍCH THƠ HAI-CƯ, THƠ BA-SÔ HAY NHẤT

 

Bài thứ hai:

Chim đỗ quyên hót

Ở Kinh đô

Mà nhớ Kinh đô.

Trước khi chuyển đến Ê-đô, thời trai trẻ (1666-1672), Ba-sô sống ở Kinh đô (Ki-ô-tô). Hai mươi năm sau, ông trở lại Ki-ô-tô, nghe tiếng chim đỗ quyên hót mà viết nên bài thơ này. Trong cấu trúc bài thơ, từ Kinh đô được lặp lại, nhưng với ý nghĩa đã chuyển khác. Từ Kinh đô thứ nhất là Kinh đô của hiện tại, còn từ Kinh đô thứ hai là Kinh đô của ngày xưa. Nhịp cầu nối giữa hai Kinh đô ấy là tiếng chim đỗ quyên hót. Đó là phần nổi của cấu trúc bề mặt; còn phần chìm của cấu trúc là nằm trong trường liên tưởng bằng nỗi nhớ Kinh đô xưa về những gì đằm sâu trong tâm trí, tình cảm nhà thơ mà theo mạch liên tưởng được tiếng chim đỗ quyên gọi về. Phần đó thuộc cái được gợi ra và như một nét đẹp trong quy luật tâm lý và mỹ cảm, tạo nên sự cộng hưởng của người đọc trong nỗi nhớ về những cái ngày xưa riêng của mỗi người. Nét độc đáo là giữa bề nổi và bề chìm, bề mặt và chiều sâu của cái nhìn được thể hiện trong kết cấu của sự nối kết hai không gian: Không gian hiện hữu (Kinh đô hiện tại) và không gian tâm tưởng (Kinh đô xưa). Hai không gian đó được nối bởi nhịp cầu là tiếng hót của chim đỗ quyên.

Như vậy, kết cấu của bài thơ tạo một hiệu ứng mở và bắt nhịp được với tâm trạng của vô số người đọc ở những cảnh ngộ cụ thể khác của họ, nhưng có tính chất đồng dạng với cảnh ngộ của tác giả trong liên tưởng thẩm mỹ. Theo đó, không riêng gì tiếng đỗ quyên mà có thể là tiếng chim cu, tiếng dế, tiếng bìm bịp…, hay mở rộng hơn nữa, là một hình ảnh nào đó của hoa lá, cây cối…, cũng gợi nhớ về những miền xưa cũ ngay tại không gian hiện tại trong tâm tưởng con người.

Bài thứ ba:

Lệ trào nóng hổi

Tan trên tay tóc mẹ

Làn sương thu.

Khi Ba-sô về quê thì mẹ ông đã mất, người anh đưa cho ông di vật của mẹ còn lại là một mớ tóc bạc. Đau xót và buồn thương, Ba-sô viết bài thơ này. Cấu trúc bài thơ được xây dựng từ các hình ảnh: lệ (trào nóng hổi) của chính tác giả khóc thương mẹ, tóc mẹ (tan trên tay tác giả), và làn sương thu. Sự nối kết của các tình tiết trong kết cấu là vừa tả cái thực tại nỗi đau mất mẹ của tác giả, vừa gợi cái chân lý vĩnh hằng về sự vô thường của sự sống, sự ngắn ngủi của đời người đúng như chân lý của Phật giáo, chỉ là làn sương thu, như cách nói Đời người tựa bóng chim qua cửa của người Việt vậy. Cấu trúc đó gợi mở những suy ngẫm về đời người, triết lý sống và ứng xử hợp với qui luật của vũ trụ và nhân sinh, và để con người tỉnh thức, không mê lầm trong cõi vô thường.

Trong kết cấu thơ Hai-cư của Ba-sô, một đặc trưng khác khá tiêu biểu và nổi bật là sự đột biến về dòng chảy của ý thức trong hình tượng thơ, từ đó, mở ra những khám phá mới mẻ, thú vị, bất ngờ. Đặc biệt là những khám phá đó được thể hiện rất rõ qua những hình ảnh cụ thể, nhưng giá trị ý niệm và phổ quát của chân lý lại không chỉ dừng lại ở mức cụ thể của hình ảnh đó, mà vượt ra ngoài ranh giới của trực cảm để chuyển đến độc giả tự nhận thức về những cảnh ngộ sống tương ứng của mình. Trong cả ba bài thơ trên, sự đột biến trong dòng chảy ý thức tạo nhận thức mới diễn ra trong mối quan hệ của câu thơ thứ hai với câu thơ thứ ba.

Nói cách khác, sự đột giáng diễn ra ở câu thứ ba. Trong bài thứ nhất, sự chuyển đổi bất ngờ khi tác giả chuyển hóa đất khách thành cố hương. Ở bài thứ hai là sự đột biến khi thay đổi nội hàm của nghĩa biểu vật trong từ Kinh đô: Ở Kinh đô mà nhớ Kinh đô. Với bài thứ ba là sự chuyển nghĩa từ một cuộc đời cụ thể, sự vật cụ thể là tóc mẹ thành làn sương thu. Theo đó, nhìn chung thì trong quan niệm và cái nhìn nghệ thuật của Ba-sô, cái nhất thời, cụ thể, trực cảm luôn hàm chứa cái hằng thường, cái ý niệm. Do vậy, từ những hình tượng thơ ở mỗi bài thơ, người đọc soi chiếu vào mình và khám phá những tầng ý nghĩa và xúc cảm mới mẻ, sâu rộng.

Các bình diện thi pháp thơ Hai-cư của Ba-sô nói riêng và thơ Hai-cư nói chung không phức tạp, không cầu kỳ. Người đọc thấy dường như nhà thơ không cố công gắng sức trong việc tạo câu chữ hay chú trọng về kỹ thuật thơ. Các từ ngữ, chi tiết thơ thường giản dị, gợi nhiều hơn là tả. Tuy nhiên, để bài thơ thực sự có giá trị và nhiều tầng bậc ý nghĩa thì quan niệm nghệ thuật và cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ phải mới mẻ, giàu tính khám phá, sáng tạo và phát hiện chân lý mới. Trong đó, việc xây dựng kết cấu luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cho bài thơ.

Cre: ST

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên

- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

- Khóa học toàn diện lớp 10 - 2k8

Tin liên quan