HƯỚNG DẪN LÀM MỘT BÀI VĂN HOÀN CHỈNH SÓNG - XUÂN QUỲNH

Ngày 10/08/2019 14:44:26, lượt xem: 3542

Sóng Xuân Quỳnh

 

 

Sóng không chỉ là tên một thi phẩm đã gây xốn xang cho nhiều thế hệ. Sóng không chỉ là biểu trưng cho một hồn yêu chưa từng nguôi yên. Sóng còn là một nguồn sống, nguồn năng lượng mà nữ thi sĩ ấy đã truyền lại cho mai hậu qua mỗi tiếng thơ mình. Và, lâu nay, lòng thơ của mỗi chúng ta, người mờ người tỏ, người đang yêu, người đã yêu, đều từng thầm thu thầm phát thứ sóng đặc biệt ấy : sóng Xuân Quỳnh.  

Không còn phân biệt được sóng tạo nên Xuân Quỳnh, hay Xuân Quỳnh đã tạo nên sóng. Chỉ biết rằng chị sinh ra là để dành cho thơ. Dù đầu đời, vốn học vấn còn chưa cao, nhưng hồn thơ ở người con gái đất La Khê - Hà Đông ấy đã luôn dồi dào và dạt dào. Dù chặng đời đầu từng dấn thân vào nghiệp múa, nhưng chị đã sớm rời sân khấu để ra nhập thi đàn. Dù cuộc sống nhiều trắc trở với tuổi thơ lận đận, tuổi xuân gian lao, tổ ấm đầu đổ vỡ, tổ ấm sau sóng gió, nhưng lòng chị vẫn không khi nào nguôi thơ. Các tập thơ vẫn tuần tự ra đời theo mỗi chặng đường, từ đầu cuộc chiến chống Mỹ đến thống nhất hòa bình : Chồi biếc, Hoa dọc chiến hào, Gió lào cát trắng, Lời ru trên mặt đất, Tự hát, Sân ga chiều em đi, Hoa cỏ may. Cứ thế, sóng thơ náu sẵn trong hồn đã thầm dẫn lối cho chị ra với biển lớn thi ca để trở thành một tên tuổi nổi bật trong nền thơ Việt hiện đại. Nếu không làm thơ nữa, Xuân Quỳnh không còn là mình. Thơ thực là nghiệp dĩ của chị.

Thơ Xuân Quỳnh là niềm đau đáu bình an giữa thời tao loạn. Khi binh lửa, đạn bom cuốn mọi thân phận, mọi nguồn lực vào cuộc chiến, thơ ca cũng không thể không say máu anh hùng mà cất lời sắt máu. Dù không thể cưỡng lại thời, song, những tiếng thơ thầm kín và mãnh liệt nhất, Xuân Quỳnh vẫn chỉ dành cho niềm khao khát yên lành : cho góc vườn đôi lứa, tổ ấm sáng đèn, vành nôi sơ tán, chiếc tã ban mai, cho lời ru thèm mặt đất, tiếng gà nhớ nắng trưa, cho những bông hoa nghẹn hương, những cánh chuồn lạc bão… những thứ bé mọn thôi, vô nghĩa nữa, mà lại hằng nhen nhóm, cưu mang, chăm chút cả cõi đời. Đó mới thực là những con sóng dưới lòng sâu của hồn thơ Xuân Quỳnh. Theo cách ấy, Xuân Quỳnh là người đàn bà bước dưới đạn bom mà làm thơ về sự sống.

Không bị mắc kẹt bởi nguồn thơ lửa máu, nên chị không phải bận lòng tìm lối ra như bao người khác. Tạnh bom đạn, về lại đời thường, mạch thơ Xuân Quỳnh vẫn cứ đà xưa mà tuôn chảy. Chỉ khác là, giờ đây những tâm sự đàn bà nhất được dịp khơi sâu, những tiếng lòng từng cắt xén được hồn nhiên biểu tỏ. Thiết tha với một tình yêu nặng về gắn bó, chở che và chia sẻ, chị luôn trăn trở với sự mong manh của yêu đương, sự bấp bênh của hạnh phúc, luôn băn khoăn về nỗi lạnh nhạt của thời gian, phôi pha của tuổi trẻ, luôn nơm nớp với mưa bão bất thường, đổ vỡ xa xôi… Đây là lúc những suy ngẫm về trái tim đập sau làn áo mỏng, về bàn tay ngón chẳng thon dài luôn sóng sánh trong thơ chị. Những dự cảm về nhà ga của chia ly gặp gỡ, con tàu của khát khao đi hồi hộp mỗi khi về luôn cồn cào trong thơ chị. Những nỗi cỏ dại bị dày xéo, hoa dại bị bỏ quên, mây trắng mải phiêu dạt, lá vàng ngày một thưa, cỏ may thèm giữ mãi, hoa cúc muốn y nguyên luôn khắc khoải trong thơ chị… Càng lo liệu đắp bồi, càng lo âu phấp phỏng. Con sóng thơ trong hồn chị càng về sau càng nặng trĩu những u uẩn của một lòng nữ vốn cả nghĩ cả lo. Cất lên những nỗi niềm máu thịt ấy,  Xuân Quỳnh thực là người đàn bà của muôn thuở.

Với Xuân Quỳnh, thơ là sống, sống là thơ ; sáng tạo và cách tân, tất tật là nhất thể. Cho nên, tìm những miền thi cảm khác lạ cho thơ, chế tác những hình thức tân kỳ cho thơ không phải thao thức của chị. Cứ hết mình sống, hồn nhiên viết, trút trọn vẹn cái tôi của mình vào mỗi thi phẩm, thi tứ, mỗi thi ảnh, thi điệu đó là cách thơ Xuân Quỳnh. Không mặt nạ, không son phấn, không vay mượn, không lên gân, Xuân Quỳnh đã gửi mình vào thơ. Thơ Xuân Quỳnh là tính linh Xuân Quỳnh. Trường hợp Xuân Quỳnh thật điển hình cho qui luật : thơ là sự ký thác phận người vào chữ. Có lẽ vì thế mà, dù đời thơ Xuân Quỳnh đã dừng, sóng thơ Xuân Quỳnh vẫn vỗ khôn nguôi.

Với nhiều giải thưởng cao quý, mà mới đây là Giải thưởng Hồ Chí Minh, Xuân Quỳnh đã được vinh danh ở bậc cao nhất dành cho những nghệ sĩ có nhiều đóng góp với chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Và điều ấy là xứng đáng, dù khi bầu, hội đồng giải thưởng đã từng bỏ quên.

Giờ đây, đặt chân dung nữ thi sĩ Xuân Quỳnh vào dòng thời gian, thì không chỉ đặt chị vào vị trí đầu của top thi sĩ cùng thời Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Nhã Ca… Mà theo trục dọc, phải đặt chị trong cái mạch thưa thớt những nữ sĩ xuất chúng của thơ Việt như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan… Xuân Quỳnh thực là một trong những gương mặt nữ sáng giá nhất của thơ Việt. Có lẽ vị trí ấy mới là điều công chúng nghệ thuật Việt hôm qua và hôm nay muốn dành cho nữ thi sĩ này.

Và, vị trí ấy của Xuân Quỳnh, dường như mỗi chúng ta hôm nay ở đây cũng đã dành sẵn trong lòng mình. Cũng như mỗi lòng yêu đã dành sẵn một bến bờ để sóng Xuân Quỳnh tìm về vỗ mãi.

Nguồn: Internet - Tài liệu văn THPT Quốc Gia 2020 - Học Văn Chị Hiên

 

Tin liên quan