HƯỚNG DẪN VIẾT ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG TRƯỜNG THCS TÂY SƠN MÔN NGỮ VĂN 2024

Ngày 04/10/2024 09:14:51, lượt xem: 591

Lớp 9 là năm học cuối cấp với những kì thi quan trọng, vì vậy các trường, quận, huyện thường xuyên tổ chức các đợt khảo sát, đánh giá chất lượng học tập để học sinh làm quen với những dạng đề, áp lực thời gian và phòng thi. Dưới đây là phần hướng dẫn viết đề khảo sát chất lượng lớp 9 môn ngữ văn | Trường THCS Tây Sơn do Học Văn Hiên biện soạn.

Câu 2: Trong chương trình “Điểm tựa Việt Nam” do đài Truyền hình Việt Nam thực hiện được truyền hình trực tiếp trên VTV1 tối ngày 15/9/2024, thủ tướng Phạm Minh Chính đã xúc động phát biểu và đúc rút 6 điểm tựa để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thử thách của siêu bão số 3. Điểm tựa thứ 6 Thủ tướng đề cập đến là “Tinh thần tự lực tự cường của người Việt Nam đã biến những cái không thể thành có thể”. Em hãy viết một bài văn nghị luận nêu suy nghĩ của mình về tinh thần tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam trong cuộc sống hôm nay.

 

Bài làm

Nhắc đến đất nước Việt Nam, ta luôn tự hào về một dân tộc từ trong máu lửa, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Có được ngày “sáng lòa” ấy chính là nhờ ý thức tự lực tự cường luôn in sâu trong máu thịt mỗi người dân. Và trong chương trình “Điểm tựa Việt Nam” do đài Truyền hình Việt Nam thực hiện được truyền hình trực tiếp trên VTV1 tối ngày 15/9/2024, khi phát biểu về sáu điểm tựa để Việt Nam vượt qua khó khăn thử thách của siêu bão Yagi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định: “Tinh thần tự lực tự cường của người Việt Nam đã biến những cái không thể thành có thể”.

Tinh thần tự lực tự cường, với mỗi cá nhân là sự tự giác cố gắng, không trông chờ, phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác. Còn với một dân tộc, tinh thần tự lực tự cường là khả năng tự vươn lên, luôn phấn đấu để trở nên mạnh mẽ hơn và không phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ bên ngoài. Đây là một phẩm chất tốt đẹp, thể hiện lòng tự trọng, ý chí vươn lên và khát vọng tự khẳng định bản thân của mỗi cá nhân và dân tộc.

Ngày trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, một dân tộc muốn giải phóng chính mình phải dựa vào sức mình và khẳng định qua đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính”. Còn ngày nay, sau khi đi qua khói lửa chiến tranh, trong quá trình phát triển đất nước, tinh thần tự lực tự cường là động lực để đất nước phát triển, vượt qua khó khăn. Tự lực tự cường lúc này là tự chuẩn bị những điều kiện cần và đủ về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, quân sự để luôn sẵn sàng ứng phó với các vấn đề hệ trọng và khẳng định vị thế của bản thân trên trường quốc tế. Tinh thần ấy của dân tộc ta thời đại mới được chứng minh qua giai đoạn đất nước gồng mình chống chọi với Covid. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn Đảng, toàn dân cùng chung tay phòng dịch, chuẩn bị cả về nhân lực, vật lực, tiềm lực tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn. Hay đến bây giờ, sau khi hứng chịu sự tấn công của siêu bão số ba, tinh thần tự lực tự cường là tiền đề để khắc phục hậu quả của bão lũ, tái thiết quê hương và tiếp tục dựng xây đất nước đẹp giàu. Không thể không thừa nhận, nếu không có tinh thần tự lực tự cường mà chỉ mong đợi vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, thì sẽ không có một Việt Nam hôm nay. Cũng phải khẳng định rằng, để có được tinh thần tự lực tự cường, là kết quả của sự đoàn kết và lòng yêu nước của nhân dân ta. Mỗi một thế hệ người Việt đều được giáo dục về tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước. Trong dịch bệnh hay là trong bão lũ, nhân dân ta luôn đồng hành, sát cánh, sẻ chia với nhau. Kể cả ngày thường, tinh thần ấy cũng hiện hữu qua màu cờ treo trước cổng, qua những hành động tương trợ lẫn nhau. Điều đó làm nên sức mạnh cho đất nước mình ngày một đi lên.

 

ĐỌC THÊM: HƯỚNG DẪN VIẾT ĐỀ KHẢO SÁT MÔN NGỮ VĂN LỚP 9 || PHÒNG GD&ĐT HUYỆN GIA LÂM - HÀ NỘI 2024

 

Tự lực tự cường là tạo sức mạnh nội lực cho dân tộc, nhưng lại không có nghĩa là để cho đất nước mình rơi vào thế cô lập. Chúng ta luôn cần có, và thực tế là cũng được các nước láng giềng, các nước lớn hỗ trợ và giúp đỡ rất nhiều. Ngày nay, chúng ta cũng cần tạo mối quan hệ hữu nghị với các nước khác, để có cơ hội, điều kiện phát triển kinh tế. Vậy nên, tự lực tự cường phải là tạo các tiền đề để nâng cao vị thế của bản thân, thu hút sự đầu tư của nước ngoài và mở rộng các quan hệ ngoại giao.

Nói tóm lại, đúng như Thủ tướng đã phát biểu, “tinh thần tự lực tự cường của người Việt Nam đã biến những cái không thể thành có thể”. Vì vậy, mỗi chúng ta phải biết phát huy tinh thần tự lực tự cường cho dân tộc. Nó thể hiện từ những hành động nhỏ nhất, tự chủ, độc lập với cuộc sống của bản thân; lao động và cống hiến cho đất nước, làm tiền đề cho đất nước phát triển mỗi ngày. Bản thân em cũng ý thức được việc mình là một phần của dân tộc này, và mình cần phải nỗ lực nhiều hơn, để “đất nước này nhất định phải phát triển đi lên, không được tụt hậu so với các nước khác” (Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

Tin liên quan