Dàn ý phân tích các tác phẩm thơ lớp 9 - Học kì 1

Ngày 31/03/2023 17:34:01, lượt xem: 7147

------------------------------------

  • ĐỒNG CHÍ - CHÍNH HỮU

I. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận

 

II. Thân bài

  1. Khái quát tác giả, tác phẩm

  2. Phân tích

2.1: Cơ sở hình thành tình đồng chí (7 câu đầu)

* 2 câu đầu – chung giai cấp, hoàn cảnh xuất thân (đồng cảnh)

  • Xuất thân từ ngư dân miền biển (nước mặn đồng chua) và nông dân (đất cày lên sỏi đá)

  • Hoàn cảnh khó khăn, vất vả, nghèo khó

=> Sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân nghèo khó là cơ sở cho sự đồng cảm giai cấp của những người lính cách mạng.

* 2 câu tiếp – chung lí tưởng và tình yêu nước (đồng ngũ)

  • “đôi”: sắc thái của sự gắn kết

  • “chẳng hẹn quen nhau”: quen nhau mà không hẹn trước

=> Từ những người xa lạ, từ mọi phương trời, những người lính đều mang trong mình lòng yêu nước, vì nghĩa lớn mà xung phong ra trận và đó là lí do họ quen nhau trong quân ngũ. 

* 2 câu tiếp - chung cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu (đồng cảm)

  • Hình ảnh sóng đôi, biện pháp điệp  nhấn mạnh sự khăng khít gắn bó 

  • “súng bên súng”: hình ảnh tả thực + biểu tượng cho nhiệm vụ

  • “đầu sát bên đầu”: hình ảnh thuộc về con người + gắn với lí tưởng, nhận thức và khát vọng

  • “đêm rét chung chăn”: vật dụng đời thường + gắn với sinh hoạt riêng tư, bình dị 

  • => Người lính gắn bó với nhau trong nhiệm vụ, trong lí tưởng và trong cả những sinh hoạt đời thường.

  • “bên”, “sát”, “chung”: diễn tả sự tăng tiến của sự gắn bó.

  • “đôi tri kỉ”: mối quan hệ bạn bè thân thiết, hiểu bạn như hiểu mình.

* Câu cuối – kết tinh thành quả của một quá trình (đồng chí)

  • Hai tiếng “Đồng chí!” vang lên làm bừng sáng cả bài thơ, là kết tinh của một tình cảm cách mạng cao đẹp: tình đồng chí.

 

2.2: Biểu hiện của tình đồng chí (10 câu tiếp)

* Sẻ chia tâm tư tình cảm hướng về hậu phương (3 câu đầu)

  • Tình đồng chí là cảm thông những tâm sự thầm kín về hậu phương, quê hương

  • Họ hiểu về hoàn cảnh ra đi của nhau: bỏ lại sau lưng những gì bình dị, thân thuộc nhất, những gì đã gắn bó với họ từ lúc chào đời: “ruộng nương, gian nhà, giếng nước, gốc đa”

  • Họ cùng nhau xác định lí tưởng: ra đi để bảo vệ những gì thân thương nhất, thái độ dứt khoát ra đi thể hiện quyết tâm chiến đấu

* Sẻ chia khó khăn, động viên nhau vượt qua thử thách (7 câu sau)

  • “từng cơn ớn lạnh”, “sốt run người vừng trán ướt mồ hôi”: sự hành hạ bởi bệnh sốt rét rừng.

  • “Áo rách vai”, “quần vài mảnh vá”, “chân không giày”: khó khăn, thiếu thốn về vật chất trong cuộc sống hàng ngày.

  • “buốt giá”: thời tiết khắc nghiệt của địa bàn hành quân chiến đấu.

  • “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”: Biểu hiện của tình đồng chí trực tiếp nhất. Họ nắm tay nhau - cái nắm tay để sẻ chia, truyền hơi ấm, để hy vọng, để quyết tâm.  Cử chỉ cảm động, chan chứa tình cảm chân thành.

 

2.3: Biểu tượng của tình đồng chí (3 câu cuối)

  • Hoàn cảnh chiến đấu:

+ Thời gian “đêm nay”: thời khắc hiện tại cam go.

+ Không gian “rừng hoang sương muối” lạnh lẽo, hoang vu, khắc nghiệt, tĩnh lặng.

+ Người lính sát cánh bên nhau trong tư thế và tâm thế chủ động, dũng cảm: “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”.

  • Biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí: “Đầu súng trăng treo”:

+ Hình ảnh tả thực trong những đêm người lính canh gác chờ giặc.

+ Hình ảnh biểu tượng cho lí tưởng cao đẹp, chiến đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc.

+ Hình ảnh ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn người lính trong chiến tranh khốc liệt vẫn lãng mạn, lạc quan để cảm nhận thiên nhiê3. Đánh giá nội dung và nghệ thuật

 

III. Kết bài

 

  • BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH - PHẠM TIẾN DUẬT

I. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận

 

II. Thân bài

1. Khái quát tác giả, tác phẩm

2. Phân tích

2.1: Biểu tượng chiếc xe không kính

  • Đoàn xe là sự tiếp tế của hậu phương cho tiền tuyến

  • Lí do xe không có kính: vì bom đạn của kẻ thù bắn phá làm vỡ hết kính.

  • Là biểu tượng cho chiến tranh khốc liệt, cho khó khăn gian khổ: đoàn xe chịu gió lùa, bom rơi, bụi đường, mưa giông; xe không có kính, không đèn, không có mui xe, chiếc xe xây xước như một người lính bị thương nhưng vẫn băng băng chạy.

=> Hình ảnh xe không có kính là hiện thực tàn khốc, qua đó làm tôn lên sự anh hùng của con người trong chiến tranh.

 

2.2: Hình ảnh người lính lái xe

   - Tư thế hiên ngang, bất khuất: ung dung, nhìn thẳng => coi thường khó khăn, nguy hiểm.

   + Điệp từ “nhìn”: khí phách kiên cường, như thách đố với khó khăn.

   - Thái độ, tinh thần lạc quan, bông đùa với những khó khăn:

   + Bụi phun vào tóc, vào mặt là một trò gây cười, mưa ướt áo cứ đi tiếp vì gió lùa áo khô nhanh thôi, xe không kính cũng có cái hay đó là tầm nhìn rộng hơn, thấy được con đường “chạy thẳng vào tim”, thấy sao trời gần hơn “ùa vào buồng lái”.

   + Điệp từ “ừ thì”: như 1 cái tặc lưỡi, chép miệng đồng thuật, coi mọi khó khăn là chuyện nhỏ.

=> thái độ lạc quan, yêu đời, tự tin có chút bướng bỉnh, ngang ngạnh; hình ảnh người lính lái xe hiện lên vừa đáng yêu vừa đáng nể.

   - Tình đồng đội:

   + Tiểu đội xe: là “Những chiếc xe từ trong bom rơi” gặp nhau.

   + Tình đồng đội: những cái bắt tay qua “cửa kính vỡ rồi”, là dựng bếp lửa giữa trời, cùng ăn cùng ca hát, cùng mắc võng ngủ trong rừng.

=> từ trong khó khăn, người lính từ mọi miền xa lạ trở thành “gia đình” của nhau.

   - Niềm tin vào chiến thắng:

   + Điệp từ “lại đi”, lí do “vì miền Nam phía trước” : Không gì ngăn cản được các anh đến chi viện cho chiến trường miền Nam.

   + Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh thêm” và hoán dụ “trong xe có một trái tim”: tình yêu thương dành cho miền Nam, cho Tổ quốc, là niềm tin và chiến thắng, vào tự do.

 

3. Đánh giá nội dung và nghệ thuật

 

III. Kết bài

 

  • BẾP LỬA - BẰNG VIỆT

I. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận

 

II. Thân bài

  1. Giới thiệu tác giả tác phẩm

  2. Phân tích

2.1: Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn nỗi nhớ (khổ 1)

  • Từ láy “chờn vờn”: ánh lửa chập chờn, bập bùng tạo ra những làn khói mỏng manh hòa với sương sớm → bầu không gian mờ ảo → không gian không chỉ gắn liền với bếp lửa mà còn là không gian của hoài niệm.

  • Từ láy “ấp iu”: gợi sự ấm áp lan tỏa của ngọn lửa → hơi ấm và sự nồng đượm không chỉ tỏa ra từ khói/lửa/ánh sáng của bếp mà còn tỏa ra từ người phụ nữ có thiên chức giữ lửa cho gia đình. → Câu thơ tạo ra bước chuyển để hình ảnh người bà xuất hiện

  • Điệp ngữ “một bếp lửa”: nhấn mạnh một hình ảnh vừa quen thuộc, vừa có ý nghĩa khắc sâu.

  • “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”: lời tâm sự, thổ lộ mà cháu tự nói với lòng mình: “cháu thương bà”: bộc lộ trực tiếp tình cảm thương yêu, biết ơn

+ “biết mấy nắng mưa”: chỉ thời gian chảy trôi, dằng dặc gắn liền với những nhọc nhằn của bà, diễn tả nỗi nhớ sâu sắc của cháu từ phương xa hướng về người bà.

 

2.2: Những kỉ niệm tuổi thơ, hình ảnh người bà và bếp lửa trong hồi ức của cháu (khổ 2, 3, 4, 5, 6)

* Kí ức tuổi thơ của cháu (Khổ 2)

  • “Lên bốn tuổi”: độ tuổi còn quá nhỏ, khi nhận thức của đứa trẻ còn ngây thơ, trong sáng → độ tuổi hồn nhiên nhất của cháu lại gắn với những thiếu thốn, khó khăn → xót xa → Nếu không phải điều gì thật đặc biệt, sâu đậm và dai dẳng sẽ khó đọng lại thành kỉ niệm

  • Hoàn cảnh nạn đói:

+ Đói mòn đói mỏi: cái đói bòn rút, làm kiệt quệ, khổ sở

+ Khô rạc ngựa gầy: hình ảnh cụ thể, diễn tả gián tiếp những vất vả, cơ cực của người nông dân trong nạn đói → Những tháng ngày cay cực, đen tối của người nông dân Việt Nam → Ký ức sâu đậm của đứa trẻ

* Kí ức về tám năm ở cùng bà (khổ 3)

  • Tiếng tu hú: Gắn liền với câu chuyện bà kể về xứ Huế → bồi đắp đời sống tâm hồn của cháu, dạy cho cháu về tình yêu quê hương, đất nước

  • Hình ảnh người bà thể hiện qua câu chuyện bà kể cháu nghe, qua điệp cấu trúc “bà bảo”, “bà dạy”, “bà chăm”:

+ Vẻ đẹp của sự tần tảo, khó nhọc, hi sinh, một mình lo cho gia đình, lo cho cháu khi “mẹ cùng cha công tác bận không về”.

+ Lo lắng, dạy dỗ, vun đắp cho quá trình hình thành đời sống tâm hồn, trí tuệ của cháu.

  • ⇒ Biểu tượng của tình yêu thương, quan tâm, chu đáo

  • Hình ảnh bếp lửa: “Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc”.

+ Bếp lửa là hiện thân của hơi ấm tình thương, nguồn sống và nguồn ánh sáng dẫn dắt cháu trên con đường đời.

+ Từ việc nhóm bếp lửa mà cháu hiểu được nỗi khó nhọc của bà và thương bà sâu sắc → bếp lửa dẫn dắt cháu trên con đường hình thành nhân cách.

  • Hình ảnh cháu:

+ “Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa”: hiếu thảo

+ “Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc”: Thấu hiểu cho vất vả, khó nhọc của bà, bắt đầu biết thương bà

+ “Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà...” Đứa cháu mong muốn có thêm người bạn tinh thần cho hai bà cháu.

⇒ Nghệ thuật: hình thức trò chuyện, tâm tình, thủ thỉ “Bà còn nhớ không bà”, “Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà”... làm lời thơ trở nên tha thiết hơn và sâu lắng hơn.

* Kí ức về năm giặc đốt làng (khổ 4)

  • Hoàn cảnh chiến tranh:

+ giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi → tận cùng của sự mất mát

  • + hàng xóm lầm lụi, đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

⇒ Kỷ niệm buồn nhất, thử thách gian nan nhất trong ký ức

  • tuổi thơ của cháu → Thách thức lớn nhất cho một gia đình chỉ có hai bà cháu.

  • Hình ảnh của bà:

+ bà vẫn bình tĩnh, vững lòng, đinh ninh là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cháu.

+ tình yêu thương, đức hy sinh và lòng vị tha của một người mẹ có con ra chiến trường.

+ tình yêu đất nước lớn lao: lời dặn trực tiếp của bà khi cháu viết thư cho bố, vì nghĩa chung mà không than vãn việc riêng, không chỉ giúp ta hình dung rõ ràng. Giọng nói, tình cảm và suy nghĩ của bà mà còn làm sáng lên phẩm chất của người mẹ Việt Nam.

⇒ Ba tư cách: người bà, người mẹ, công dân của một đất nước.

* Suy ngẫm về bà và bếp lửa (khổ 5,6)

  • Từ những kỉ niệm, hình ảnh bếp lửa luôn gắn với hình ảnh người bà

+ Hình ảnh bếp lửa kết tinh trong hình ảnh ngọn lửa: ngọn lửa của tình yêu thương, sự hhi sinh luôn ủ sẵn trong lòng bà để làm sáng lên hy vọng, ý chí

+ Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

+ Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng

+ Điệp ngữ “một ngọn lửa” nhấn mạnh tình yêu thương ấm áp bà dành cho cháu, người bà nhen nhóm những điều thiện lương tốt đẹp đối với cháu

→ Hình ảnh người bà trong lòng cháu là người thắp lửa, giữ lửa và truyền lửa, truyền niềm tin, sức sống tới thế hệ tương lai

  • Sự tần tảo, hi sinh của bà thể hiện: “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa”: sự chiêm nghiệm của cháu về cuộc đời bà

+ Cuộc đời bà đầy những gian truân, vất vả, lận đận trải qua nắng mưa tưởng như không bao giờ dứt

+ Điệp từ “nhóm” lặp lại bốn lần: người bà đã nhóm lên, khơi dậy những yêu thương, kí ức và giá trị sống tốt đẹp trong lòng người cháu

  • Hình ảnh bếp lửa kết tinh thành hình ảnh ngọn lửa chất chứa niềm tin, hy vọng của bà

+ Người cháu như phát hiện ra điều kì diệu giữa cuộc sống đời thường “Ôi kì lạ và thiêng liêng- bếp lửa”: người cháu thấm nhuần được tình yêu thương và đức hi sinh của bà

 

2.3: Hình ảnh bà và bếp lửa luôn hiện hữu trong lòng cháu (khổ 7)

  • Câu thơ đầu:

+ Mở đầu bằng câu thơ đi về hiện tại  thông báo ngắn gọn nhưng thực chất chứa đựng nỗi buồn, sự nhớ thương được đo đếm bằng khoảng cách không gian, thời gian.

+ Dấu chấm đột ngột giống như sự xác nhận hoàn cảnh chia ly, nỗi buồn trong xa xôi cách trở.

  • Điệp từ “trăm”: không gian tiện nghi, đông vui, ấm cúng hơn nhưng tất cả vẫn không làm cháu nguôi quên hình ảnh bà, hình ảnh bếp lửa trong ký ức tuổi thơ lam lũ.

  • “Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở”: Phủ định nhưng khẳng định → trong tâm trí cháu, bóng dáng bà và bếp lửa mãi luôn hiện diện.

  • Câu cuối:

+ Câu hỏi tu từ với dấu ngang nối như một lời đối thoại thực chất nó là lời độc thoại, lời thủ thỉ tâm tình hướng về bà, về hồi ức tuổi thơ.

+ Âm mở “ưa” cùng dấu chấm lửng tạo thành độ ngân vang thiết tha, như dư âm của dòng cảm xúc nhớ thương, sâu sắc mà lắng đọng.

  1. Đánh giá nội dung và nghệ thuật

 

III. Kết bài

 

  • ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ - HUY CẬN

I. Mở bài

 

II. Thân bài

  1. Giới thiệu tác giả tác phẩm

  2. Phân tích

2.1:  Khổ 1 + 2: Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi

  • Khổ 1:

  • Hai câu đầu: Đoàn thuyền ra khơi trong cảnh hoàng hôn.

  • Phép so sánh “mặt trời xuống biển” ví như “hòn lửa” cho thấy màu sắc đỏ rực và hình dạng tròn đầy của mặt trời., mở ra khung cảnh hoàng hôn rực rỡ, tráng lệ.

  • Nhà thơ liên tưởng vũ trụ như ngôi nhà lớn với màn đêm là cánh cửa còn sóng biển là then cài.

=> Vũ trụ đang bước vào trạng thái nghỉ ngơi gợi sự bình yên. Đó cũng là thời điểm đoàn thuyền đánh cá ra khơi.

  • Hai câu sau: Dân chài cất cao tiếng hát gợi sự khỏe khoắn”:

  • Người dân chài ra khơi là những tập thể: “Đoàn thuyền”.

  • Từ “lại” cho thấy một công việc thường xuyên, quen thuộc của họ được lặp đi lặp lại qua ngày tháng.

  • Ẩn dụ: “Câu hát căng buồm” cho thấy câu hát cũng như có sức mạnh góp gió căng buồm đẩy con thuyền ra khơi. Tiếng hát ấy làm nổi bật khí thế hồ hởi của người lao động trong buổi xuất quân chinh phục biển cả…

  • Khổ 2

  • “Cá bạc, cá thu” gợi sự giàu có, phong phú của biển.

  • So sánh “Cá thu biển Đông như đoàn thoi” => từng đoàn cá lao trên mặt biển như đoàn thoi mang ánh sáng lấp lánh dệt muôn luồng sáng trên tấm thảm biển.

  • Ẩn dụ “Đêm ngày dệt biển”, nhân hóa “dệt” => Tạo ra nhiều sắc màu chuyển động

  • “Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!” tiếng hát ấy thể hiện niềm mong ước của người đánh cá: mong ước một chuyến ra khơi đánh bắt được thật nhiều hải sản, nhiều cá tôm giữa sự giàu đẹp của biển khơi.

 

2.2: Khổ 3, 4, 5, 6: Cảnh đánh cá trên biển đêm

  • Khổ 3:

  • Nghệ thuật phóng đại: “lái gió với buồm trăng”, “Lướt giữa mây cao với biển bằng” => con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé giờ đây qua cái nhìn của tác giả đã sánh ngang tầm vũ trụ.

  • Chủ nhân con thuyền – những người lao động cũng trở nên lồng lộng giữa biển trời trong tư thế làm chủ. Hình ảnh con người đã hòa nhập với kích thước rộng lớn của thiên nhiên vũ trụ. Không chỉ vậy, họ còn nổi bật ở vị trí trung tâm – ra tận khơi xa dò bụng biển, tìm luồng cá, dàn đan thế trận, bủa lưới vây giăng.

  • Sự kết hợp giữa hiện thực (đoàn thuyền) với chất lãng mạn (thuyền lái gió, trăng treo trên cánh buồm) tạo nên những vần thơ đẹp và sâu sắc.

=> Đoàn thuyền đánh cá băng băng lướt sóng, bủa vây điệp trùng. Công việc lao động trên biển như là một cuộc chiến đấu chinh phục thiên nhiên. Người lao động làm việc với tất cả lòng dũng cảm, sự hăng say, trí tuệ nghề nghiệp, tâm hồn phơi phới.

 

  • Khổ 4: 

  • Nhà thơ liệt kê các loài cá quý của biển: cá nhụ, cá chim, cá đé,… để cho thấy sự phong phú quý giá của tài nguyên biển.

  • Nhân hóa: “Cái đuôi em quẫy” kết hợp với các tính từ chỉ màu sắc đã tạo nên một bức tranh sơn mài nhiều màu sắc, ánh sáng, lung linh huyền ảo như trong câu chuyện cổ tích nói về xứ sở thần tiên.

  • Phép so sánh: “Đuôi cá” với “ngọn đuốc” => hình ảnh so sánh thú vị giàu liên tưởng

  • Với họ – những người ngư dân này – cá là bạn, là “em”, là niềm cảm hứng cho con người trong lao động, và cũng chính là đối tượng thẩm mĩ cho thi ca.

 

  • Khổ 5:

  • Tiếng hát lao động xuất hiện như càng tăng thêm tinh thần hăng say của người lao động.

  • Người dân chài trong tư thế làm chủ đã kết hợp cùng thiên nhiên, thiên nhiên như người bạn, người đồng hành hòa cùng công cuộc lao động: “Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”. Đây vừa là hình ảnh thực (ánh trăng soi tỏ xuống mặt biển, từng con sóng như đem theo ánh trăng vỗ vào mạn thuyền), vừa là hình ảnh liên tưởng độc đáo, thi vị.

  • Hình ảnh so sánh “biển như lòng mẹ”:

  • Biển tựa như nguồn sữa khổng lồ đã nuôi lớn con người ta tự buổi nào

  • Thể hiện sâu sắc niềm tự hào và lòng biết ơn của người dân chài với biển cả quê hương.

=> Ẩn sau khổ thơ, ta thấy lòng biết ơn của con người trước ân tình của quê hương đất nước.

 

  • Khổ 6: 

  • Hệ thống từ ngữ tượng hình: “kéo xoăn tay”, “lưới xếp”, “buồm lên” đã đặc tả làm hiện lên một cách cụ thể, sinh động công việc kéo lưới của ngư dân.

  • Hình ảnh ẩn dụ: “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”: Những nét tạo hình gân guốc, chắc khỏe, cơ bắp cuồn cuộn gợi vẻ đẹp khỏe khoắn của người dân chài lưới trong lao động.

  • Màu bạc của vảy cá, màu vàng của đuôi cá dưới ánh mặt trời như lóe cả rạng đông. Điều đó cho thấy bút pháp sử dụng màu sắc độc đáo của Huy Cận.

=> Tác giả đã diễn tả bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với sự giàu có và hào phóng của thiên nhiên, đồng thời khắc họa thành công hình tượng người lao động lớn lao phi thường.

 

2.3. Khổ 7: Đoàn thuyền đánh cá trở về khi bình minh

  • Đoàn thuyền đánh cá đã ra đi vào lúc hoàng hôn trong tiếng hát và trở về vào lúc bình minh cũng trong tiếng hát. Những câu thơ được lặp lại như một điệp khúc của bài ca lao động.

  • Chữ “hát” xuất hiện bốn lần trong bài thơ, đem lại âm điệu tươi vui khoẻ khoắn của một khúc ca lao động đầy hào hứng, say mê. Tiếng hát lúc sau thể hiện sự phấn khởi vì kết quả lao động sau một đêm làm việc hăng say. 

  • Họ trở về trong tư thế mới “chạy đua cùng mặt trời”. Từ “chạy đua” thể hiện khí thế lao động mạnh mẽ, sức lực vẫn dồi dào của người lao động. - Đoàn thuyền được nhân hóa, cả mặt trời cũng tham gia vào cuộc chạy đua này và kết quả con người đã chiến thắng.

  • Mắt cá phản chiếu ánh mặt trời giống như muôn vàn mặt trời nhỏ li ti. Đó thật sự là một cảnh tượng đẹp, huy hoàng giữa bầu trời và mặt biển, giữa thiên nhiên và thành quả lao động.

 

  1. Đánh giá nội dung và nghệ thuật

 

III. Kết bài

 

ĐĂNG KÝ NGAY:
- 2K8 - KHOÁ HỌC KỸ NĂNG + LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHÓA HỌC CHẠY VĂN: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHOÁ HỌC CẤP TỐC: TẠI ĐÂY 

- 2K8 - BỘ VIDEO KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHOÁ HỌC LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY

- KHÓA HỌC NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CHUYÊN: TẠI ĐÂY

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

 

Tin liên quan