Đăng Ký Học
Ngày 07/09/2022 16:40:31, lượt xem: 7155
Đề bài: “Thật bất hạnh cho ai không thể tha thứ cho chính mình” (Publilius Syrus).
Bài làm tham khảo
Trong lúc tuyệt vọng vì bản thân mắc sai lầm, tôi đã đọc được câu nói của Publilius Syrus: “Thật bất hạnh cho ai không thể tha thứ cho chính mình”. Câu nói này như một sợi dây tinh thần kéo tôi khỏi bờ vực của tuyệt vọng để nhận ra rằng mỗi người cần biết tha thứ cho bản thân mình. Nhà lãnh đạo Tôn giáo Jack Kornfield đã từng đưa ra một định nghĩa về tha thứ: “Tha thứ cụ thể là khả năng buông bỏ, giải phóng những đau khổ, nỗi buồn, gánh nặng và sự phản bội xảy ra trong quá khứ”. Với cuộc sống xô bồ như hiện nay thì con người rất dễ phạm phải những sai lầm và khó lòng tha thứ cho người khác hay chính bản thân mình. Đó cũng chính là một cuộc chiến đường dài, mà trong cuộc chiến ấy, mỗi tâm hồn phải tự đấu tranh để quên đi một sai lầm nào đó. Có người chỉ cần một thời gian để quen dần và tha thứ cho chính mình, nhưng cũng có những người luôn sống trong sự dằn vặt, khổ đau. Cảm giác tội lỗi và xấu hổ cũng là một trong những yếu tố để làm nên sự chính trực và lòng tự trọng trong mỗi con người, nhưng việc dằn vặt bản thân quá nhiều, từ ngày này sang ngày khác chỉ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Tha thứ cho bản thân là sự giải thoát cho chính mình, giúp bản thân nhẹ lòng hơn. Khi bạn không còn dằn vặt hay đau khổ về những lỗi lầm mà mình đã gây ra, bạn sẽ thấy yêu đời và có tinh thần lạc quan để giải quyết công việc. Hơn nữa, khi bản thân mắc lỗi và nhận ra lỗi, đó đã là một sự tiến bộ để có thể tìm hiểu nguồn cơn dẫn đến những sai lầm để từ đó làm việc một cách có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta cũng cần nghiêm khắc với bản thân, không thỏa hiệp hay đổ lỗi cho những người khác, phải đấu tranh chống lại sự yếu mềm, nhân nhượng của bản thân trước những lỗi lầm đã mắc phải. Có lẽ chúng ta đã không còn quá xa lạ với Alfred Nobel - nhà khoa học lỗi lạc người Thụy Điển. Ông là người rất thành công trong việc chế tạo ra thuốc nổ nhưng đến cuối đời đã rất ân hận vì phát minh đó được sử dụng trong chiến tranh và để lại nhiều mất mát, đau thương cho nhân loại. Do đó, Nobel đã tự tha thứ và chuộc lại lỗi lầm của mình bằng cách dành toàn bộ tài sản của bản thân để thành lập giải Nobel nhằm tôn vinh những đóng góp khoa học cho nhân loại. Chắc hẳn rằng có nhiều bạn trẻ cũng giống như tôi, luôn dằn vặt với những sai lầm của bản thân để rồi rơi vào hố đen tiêu cực, luôn chán nản và mệt mỏi. Thế nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn khát khao sống một cuộc đời tươi đẹp với những ước mơ, hoài bão cần phải chinh phục nên tôi đã tìm lại lý tưởng sống và tha thứ cho bản thân. Tôi và các bạn hãy mạnh mẽ, kiên cường như đóa “hướng dương ngược nắng”, học cách tha thứ để thấu hiểu, yêu thương, nâng cao tâm hồn và trí tuệ của chính mình bạn nhé!
Đăng ký ngay KHÓA HỌC NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CHUYÊN SÂU để đạt điểm tối đa nhé!
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan