Đăng Ký Học
Ngày 29/08/2022 09:05:23, lượt xem: 14253
Các bạn vẫn thường hỏi chị về cách mà chúng mình có thể giành trọn 0.25đ sáng tạo của bài làm. Vậy thì đây là câu trả lời cho em đó nhé. Vận dụng linh hoạt những câu chuyện này vào bài nghị luận văn học và phần lí luận văn học sẽ giúp bài viết của em hấp dẫn hơn nhiều đó nha.
1. Trong tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn O'Henry, ông đã miêu tả: “Chiếc lá trường xuân vĩnh cửu được ra đời từ lòng thương và sự hy sinh của cụ Bơ-men. Chiếc lá đã cứu Giôn-xi khỏi tay tử thần, với O'henry, nghệ thuật phải phụng sự cái đẹp, phụng sự cuộc đời thậm chí phục sinh con người.”
-> Chiếc lá trường xuân vẫn xanh ấy như một lời đồng tình với lời phát biểu của Xan Tư Khốp Sêđrin: “Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Những giá trị mà văn học mang lại luôn trường tồn, bất biến với thời gian.
2. “Bụi quý” là một câu chuyện trong tập “Bông hồng vàng”. Câu chuyện kể về bông hồng vàng mà anh thợ quét rác thành Pa-ri Sa-mét đã chắt chiu gom nhặt từ vô vàn những hạt bụi vàng li ti nằm lẫn trong đống rác thải của những tiệm kim hoàn. Bông hồng vàng anh muốn mang tặng cô gái mà anh yêu mến. Bông hồng vàng được chiết ra từ những giọt máu, giọt tâm hồn tội nghiệp mà cao thượng của anh.
-> Qua câu chuyện này, Paustovsky đã đưa ra nguyên lý “bông hồng vàng” trong lĩnh vực sáng tác văn học: nhà văn chính là những người phải biết gom góp và chắt lọc những “bụi vàng” trong cuộc sống, giữ những cái đẹp, cái tinh túy của cuộc đời, chất liệu mà họ có để đúc nên những “bông hồng vàng”, để biến thành thơ, văn, những mẩu chuyện hay.
3. Zobra là một nhân vật trong câu chuyện “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”. Sau những lời trăn trối của hải âu Kengah thể hiện cách mình sẽ đảm bảo để mẹ hải âu yên tâm. Zobra lại nhắc lại một cách kiên quyết từng lời mà hải âu Kengah muốn cậu hứa với mình:
“Tôi xin hứa rằng tôi sẽ không ăn quả trứng”
“Tôi xin hứa rằng tôi sẽ chăm lo cho quả trứng đến khi con chim non ra đời”
“Tôi hứa rằng tôi sẽ dạy nó bay”.
Nhờ sự kiên trì và tận tâm, Zorba đã cố gắng thực hiện lời hứa tỉ mỉ, cẩn thận. Khó có thể tưởng tượng được một con mèo khác giống loài phải ấp một quả trứng, khi quả trứng nở phải nuôi và điều cuối cùng là dạy hải âu con bay - một điều tưởng như rất đỗi vô lý.
-> Câu chuyện này đưa ra thông điệp sâu sắc: hãy giữ chữ tín trong cuộc sống. Khi ta quyết tâm muốn thực hiện một điều gì đó thì chắc chắn sẽ đạt được thành công, kể cả việc đó có khó đến đâu. Câu chuyện dạy con người hãy thật sự nhiệt huyết, kiên trì, tìm tòi rồi mọi thứ tốt đẹp sẽ chờ bạn phía trước.
4. Câu chuyện về cây cầu “vô dụng” Puente Sol Naciente: Cầu Puente Sol Naciente bắc qua sông Choluteca ở Honduras do công ty Nhật Bản xây dựng từng được xem là một kỳ quan bởi quy mô và tính thẩm mỹ của nó. Thế nhưng chỉ sau một cơn bão, cây cầu dài gần nửa km bỗng trở thành “cây cầu vô dụng nhất thế giới”. Vì cơn bão ấy đi qua, làm thay đổi cả dòng chảy của con sông bên dưới. Cây cầu vẫn sừng sững đứng đó, chỉ có điều, nó không còn chức năng giúp con người sang sông nữa.
-> Vạn vật trong thế giới này luôn luân chuyển theo thời gian. Để thích ứng được với điều đó, mỗi người cần phải luôn có những suy nghĩ, thái độ tích cực, luôn học hỏi không ngừng và thay đổi, làm mới bản thân.
5. Trong chuyến đi đến hành tinh thứ sáu của tập truyện “Hoàng Tử Bé”, Hoàng Tử Bé gặp một quý ông viết một cuốn sách đồ sộ. Lúc đầu cậu cứ đinh ninh tác giả là một nhà thám hiểm lớn, hóa ra ông ta chỉ là một nhà địa lý, chưa bao giờ bước chân ra khỏi phòng mình.
=> Câu chuyện trên khuyên con người bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, can đảm khám phá những vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới.
ĐỌC THÊM KỸ NĂNG PHÂN TÍCH CÁC TÁC PHẨM THƠ
6. Trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, tác giả đã kể về sự ra đời của con chim như thế này: “Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên Thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”.
-> Câu chuyện trên mang đến bài học: những gì tốt đẹp nhất (như tình yêu, hạnh phúc,...) chỉ có thể có được khi đã trải qua cả một hành trình dài với sự nỗ lực, cố gắng, thậm chí có khi phải trải qua khó khăn, gian khổ. Không chỉ vậy, mỗi người cần biết vượt lên trên những khó khăn, gian khổ bằng nghị lực và khát vọng sống mãnh liệt để cuộc đời có ý nghĩa hơn.
7. Câu chuyện về loài chim ó: con chim ó nếu được đặt vào trong một chiếc lồng với kích thước khoảng 2m x 2,5m. Mặc dù đây là chiếc lồng không có nóc nhưng con chim này vẫn không bay lên mà chấp nhận trở thành một tù nhân. Lý do chim ó không bay lên vì một con chim thuộc loại này luôn bắt đầu bay từ mặt đất lên, với đoạn “chạy đà” khoảng 3 - 4m. Không có quãng đường để chạy nên chim ó sẽ chấp nhận bị cầm tù suốt đời trong một nhà giam nhỏ chẳng hề có mái.
-> Từ câu chuyện về chú chim ó, ta nhận ra rằng: trong mỗi hoàn cảnh, con người cần phải cố gắng hết sức mình. Đời người chỉ sống một lần nên hãy sống hết mình trong mọi việc, hãy thử một lần vượt qua nghịch cảnh để có thêm trải nghiệm, để biết mình cần phải làm gì trong những chặng đường tiếp theo.
8. Câu chuyện về “Chữ đề trên tảng phiêu nham” trong “Bông hồng vàng và bình minh mưa” kể về một làng chài hoang vắng, xơ xác nằm sát ven biển, ngày đêm ầm ì sóng vỗ cùng với những người dân bình dị, hiền hậu. Nhưng bên cạnh đấy là một tảng phiêu nham đề những chữ thế này: “Để tưởng niệm những ai đã bỏ mình và sẽ bỏ mình trên biển cả”. Dòng chữ này thể hiện những con người anh dũng của nơi này sẵn sàng đối mặt với hi sinh, tưởng niệm cho cả cái chết có thể sẽ đến với chính mình trong một ngày sắp tới.
-> Qua câu chuyện trên, Paustovsky đã đề cao tinh thần dũng cảm của con người. Qua đó, tác giả cũng muốn khuyên nhủ con người cần sẵn sàng đối mặt với những sóng gió của cuộc sống và tìm cách vượt qua tất cả, dũng cảm chiến đấu dẫu biết đó là những thử thách không dễ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
9. Câu chuyện về chiếc vỏ ốc sên: Một ngày nọ, ốc sên con thắc mắc với mẹ rằng tại sao lại phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng trên lưng và nhận được câu trả lời là vì cơ thể không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò mà bò cũng không nhanh. Ốc sên con nhận được câu trả lời của mẹ nhưng thấy vẫn chưa thỏa đáng nên tiếp tục thắc mắc chị sâu róm và em giun đất không có xương, bò cũng không nhanh nhưng cũng không phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng. Ốc sên mẹ giải thích rằng họ đều được bảo vệ. Ốc sên con bật khóc vì thấy bản thân thật đáng thương khi không có ai bảo vệ nhưng ốc sên mẹ đã an ủi vì thế mà có chiếc bình, và không cần dựa vào trời, vào đất mà tự dựa vào bản thân mình.
-> Câu chuyện ngắn trên giúp ta nhận ra thông điệp sống vô cùng ý nghĩa: thay vì trông chờ, ỷ lại vào người khác thì hãy dựa vào bản thân mình để sinh tồn, để hòa nhập, để sáng tạo và phát triển, để thể hiện lòng tự trọng và cá nhân bởi chỉ có chính mình mới hiểu rõ bản thân mình.
Xuất phát sớm cùng chị trong khóa học Toàn diện VAN8 nhé 2k5!
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan