BÀI VIẾT MẪU ĐỀ THI THỬ VÀO 10 THPT CHUYÊN SƯ PHẠM MÔN NGỮ VĂN 2024 - LẦN 2

Ngày 18/04/2024 16:58:02, lượt xem: 739

Dưới đây là bài viết mẫu phần Nghị luận văn học của đề thi thử vào 10 THPT chuyên Sư phạm môn Ngữ Văn 2024 -  lần 2 do Học Văn Chị Hiên biên soạn để các bạn tham khảo về cấu trúc, cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề ấy.

Đề bài: “Nói gì thì nói, rồi thì niềm hạnh phúc lớn nhất và cũng đồng thời là cái điều khổ ải nhất trần đời của một anh cầm bút xưa nay vẫn là công việc khám phá ra tất cả những cái gì khó nắm bắt nhất, xảy ra nơi cái thế giới bên trong con người”.
(Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn, NXB Khoa học xã hội, 2002, tr.108)
Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy bàn luận về ý kiến trên.


Bài viết
Văn chương là nơi lưu giữ những cảm xúc phong phú của con người. Nhờ văn chương mà ta hiểu được để có được niềm vui đôi khi là sự khổ ải, người viết đã phải dày công suy nghĩ, khai thác sâu vào vấn đề nội tâm nhân vật. Đúng như nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng nhận định: “Nói gì thì nói, rồi thì niềm hạnh phúc lớn nhất và cũng đồng thời là cái điều khổ ải nhất trần đời của một anh cầm bút xưa nay vẫn là công việc khám phá ra tất cả những cái gì khó nắm bắt nhất, xảy ra nơi cái thế giới bên trong con người”.
Niềm hạnh phúc lớn nhất là trạng thái thỏa mãn khi hoàn toàn đạt được ý nguyện nào đó. Ngược lại điều khổ ải nhất trần đời là sự vất vả, những khó khăn, thách thức mà người cầm bút phải trải qua. “Niềm hạnh phúc lớn nhất” hay “điều khổ ải nhất trần đời” đều để nói đến quá trình sáng tạo văn chương của người nghệ sĩ. Cụ thể hơn, đó là quá trình “khám phá ra tất cả những cái gì khó nắm bắt nhất, xảy ra nơi cái thế giới bên trong con người”. “Thế giới bên trong con người” - thế giới nội tâm vô hình nhưng muôn vàn sắc thái - để khám phá và viết về nó thì người nghệ sĩ không chỉ đứng ngoài nhìn trông mà còn phải nhập tâm để thấu hiểu. Mặc dù khám phá tâm hồn con người mang lại niềm hạnh phúc cho nhà văn nhưng cũng là nỗi khổ ải bởi nội tâm con người rất phong phú và phức tạp. Như một sự trải lòng sau biết bao trải nghiệm, câu nói của Nguyễn Minh Châu đã khẳng định điều đó.

 

ĐỌC THÊM: BÀI PHÂN TÍCH TÁC PHẨM "VIẾNG LĂNG BÁC" HAY NHẤT


Trước hết cái khó nắm bắt nhất, xảy ra bên trong con người đó là thế giới nội tâm. Với những suy nghĩ, cảm xúc riêng, nội tâm con người được phản ánh có thể là niềm vui, sự hạnh phúc hay sự trăn trở, day dứt về bản thể. Trong truyện ngắn “Bức tranh” (Nguyễn Minh Châu), ta thấy hai bức tranh được tác giả vẽ lên như để soi chiếu, giằng xé trong nội tâm nhân vật. Ở bức tranh vẽ chân dung người lính (bức ảnh truyền thần) ta thấy được sự đấu tranh nội tâm của người họa sĩ giữa một bên bao biện cho hành động của chính mình với một bên là sự can đảm tự thú. Sau tám năm, người nghệ sĩ vô tình bước vào tiệm cắt tóc và nhận ra người thợ cắt tóc chính là người lính năm xưa mà mình đã ích kỉ không gửi bức họa về cho người mẹ chiến sĩ, vô tình khiến bà bị mù cả hai mắt vì khóc thương con. Đối diện với bức tranh của chính mình, người họa sĩ đã bao biện là nghệ sĩ thì phải phục vụ số đông. Song chính dòng suy nghĩ ấy là cuộc đấu tranh tư tưởng, giằng xé trong nội tâm, khiến người họa sĩ phải soi chiếu, tự vấn chính bản thân để nghiêm túc nhận ra sai lầm của mình. Có lẽ đây là điều khó nắm bắt nhất mà nhà văn đã nỗ lực đi sâu, khám phá vào nội tâm nhân vật. Bên cạnh sự day dứt, niềm trăn trở, nội tâm con người còn thể hiện được niềm vui và sự hạnh phúc. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết trong bài thơ “Cảm xúc”: 
“Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió
 Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
 Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây
 Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến
(...)
Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ
Mà vạn vật là muôn đá nam châm
Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm
Sao lại trách người thơ tình lơi lả?”
Qua bài thơ, ta thấy rằng nhà thơ Xuân Diệu luôn đề cao cảm xúc cá nhân trong văn chương. Dường như nhà thơ đang tự hào về cái tôi, tự hào về khả năng rung động với đời. Đó có lẽ là những cảm xúc chân thật, niềm vui và sự kiêu hãnh của một nhà thơ lãng mạn đầy khát khao, rạo rực. Hay trong câu chuyện “Có một người nằm trên mái nhà”, ta thấy được một sở thích kì lạ cũng như niềm hạnh phúc của nhân vật “tôi” là được nằm trên mái nhà nghiêng hai mươi ba độ rưỡi để ngắm nhìn sao chổi Hale-Bopp bay ngang qua trái đất. Cuộc sống của anh trở nên hạnh phúc hơn, khác hẳn với công việc giao hàng mỗi ngày là được nằm trên mái nhà và chờ được thấy sao chổi bay qua vào mỗi tối. Điều này dần trở thành niềm hi vọng, khát khao trong con người của chàng thanh niên có đôi chút kì lạ bởi anh luôn hi vọng một ngày nào đó sao chổi sẽ bay qua dù phải hai ngàn bốn trăm năm nó mới tỏa sáng một lần. Ta đều biết, đối tượng phản ánh đặc thù của văn học luôn là con người đặc biệt là thế giới nội tâm của họ. Nó đa dạng, phong phú và phức tạp khiến người viết phải luôn nắm bắt, thấu hiểu và khai thác hợp lí từng suy nghĩ, xúc cảm cá nhân. Bởi vậy dù chỉ thoáng qua hay lưu lại trong tâm trí, con người trong tác phẩm văn học luôn là một chủ thể riêng biệt, có cảm xúc và hành động riêng biệt.
Từ quá trình khám phá nội tâm con người, văn chương giúp ta hiểu được các vấn đề xã hội, giáo dục đạo đức con người và cảm hóa được cái đẹp. Đến với “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu), người đọc đã không khỏi ngỡ ngàng đằng sau bức ảnh Phùng chụp lại là một hiện thực trần trụi đến đau lòng. Phải thừa nhận rằng, niềm hạnh phúc lớn nhất mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã khắc họa cho nhân vật Phùng là một người yêu cái đẹp. Anh cho bức ảnh mình chụp là “cảnh đắt trời cho” bởi đó là hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa ẩn hiện trong sương sớm. Và quả thật những bức ảnh trong bộ lịch của Phùng đều được mọi người ưa thích, nhiều năm sau nó vẫn còn được treo trong các gia đình sành nghệ thuật. Vậy tại sao bộ lịch của Phùng lại bán chạy đến vậy? Bởi cái đẹp dễ cảm hóa được lòng người. Tuy nhiên không chỉ riêng nhà văn Nguyễn Minh Châu mà ngay chính cả nhân vật Phùng cũng phải đau lòng mà thấy được đằng sau hình ảnh người đàn bà lòe nhòe trên bức tranh ấy là một hiện thực trần trụi. Họ quằn quại trong cuộc sống với những đòn roi thường thấy: bố đánh mẹ, con đánh cha, bạo lực gia đình luôn xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Qua đó ta nhận thức được sâu sắc các vấn đề xã hội, lên án gay gắt bạo lực gia đình đồng thời thấy được nguyên nhân khiến gia đình của người đàn bà hàng chài sống vất vả: do đói nghèo, lạc hậu, chưa có sự quan tâm, giáo dục,... Tuy nhiên vượt lên tất cả đó là tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả và vô tận. Vì thế mà khi khám phá nội tâm nhân vật ta còn thấy được nỗi niềm, tâm tư, tình cảm của một nhà văn chân chính. Dường như niềm hạnh phúc lớn nhất mà mỗi nhà văn khi sáng tạo nghệ thuật là được nhìn thế giới, con người và vạn vật, khám phá, du hành trong thế giới nghệ thuật đó, kiến tạo các tác phẩm nghệ thuật bằng tất cả sức lực, tài hoa của một người nghệ sĩ. Tuy nhiên điều khổ ải nhất trần đời lại là nơi vấn đề xã hội được đặt ra, nơi mà giáo dục không được coi trọng. Sự khổ ải trong quá trình cầm bút khi phải khám phá sâu vào thế giới nhân vật, nơi con người bị tha hóa. Trong tác phẩm “Sang sông” (Nguyễn Huy Thiệp), khi đứa trẻ con vô tình đút tay vào cái bình cổ, sự lãnh đạm, thờ ơ của những con người trí thức đã cho thấy sự tha hóa về mặt nhân cách. Trong khi đó tên cướp dường như là kẻ lưu manh lại là người có tình thương nhất: “Trẻ con là tương lai đấy làm cái gì cũng phải nhân đạo”. Qua đó ta thấy được những vấn đề mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đặt ra luôn là những vấn đề mà tới nay ta phải lí giải và nhìn nhận.

 

ĐỌC THÊM: BÀI VĂN PHÂN TÍCH GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG MÀ ANH THANH VIÊN MANG LẠI CHO CÁC VỊ KHÁCH ĐẾN SA PA HAY NHẤT


Việc khám phá thế giới nội tâm là hành trình phức tạp và đầy thú vị, đó là niềm hạnh phúc cũng là sự khổ ải mà mỗi nghệ sĩ đều trải qua trong hành trình cầm bút của chính mình. Để khám phá ra những điều khó nắm bắt nhất, người viết đã thám hiểm và hiểu rõ những khía cạnh phức tạp, không dễ nhìn thấy của nội tâm con người. Đó có thể là những cảm xúc sâu sắc, mâu thuẫn nội tâm thậm chí là những suy nghĩ phức tạp. Trong câu chuyện “Khi hơi thở hóa thinh không” (Paul Kalanithi), tác giả cũng là nhân vật chính của câu chuyện đã phải đối mặt với căn bệnh quái ác khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Paul - bác sĩ phẫu thuật thần kinh đã cố gắng cầm bút viết lên những cảm xúc của chính mình trong những ngày tháng cuối đời. Anh viết để thành thật với chính mình, viết để vơi đi nỗi đau hay chỉ đơn giản viết làm anh cảm thấy hạnh phúc. Qua câu chuyện ta thấy được dù Paul có phải đối mặt với cái chết nhưng anh vẫn phải hoàn thành sứ mệnh của mình là cứu người và hi vọng mình có thể sống lâu hơn để có nhiều thời gian bên vợ và con. Dường như cuốn hồi kí không cho thấy sự than vãn hay oán trách về số phận, nuối tiếc có nhưng than thở thì không. Qua đó để đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật, người viết có thể phải tốn nhiều trang giấy nhưng suy cho cùng họ đều trải qua những cung bậc cảm xúc cùng nhân vật. Văn học khác với những bài học đạo đức, nó không hô hào, tuyên truyền một cách giáo điều mà văn học đi sâu, bóc tách từng chi tiết đặc biệt khi khai thác nội tâm con người. Đó có thể là con người nhỏ bé, vỡ vụn, yếu đuối trước thực tại đầy rẫy những bất công, là những người mạnh mẽ, đầy nghị lực, lạc quan vượt thoát khỏi hiện thực hay là những kẻ mộng mơ, khát khao một cuộc sống không thể có ở thực tại…. Tất cả đều tạo ra một thế giới nội tâm phong phú, khó nắm bắt mà mỗi tác giả đều phải trải qua sự khổ ải, niềm hạnh phúc để xây dựng một nhân vật cho riêng mình. Vì thế mà nội tâm nhân vật luôn có sức khái quát, thể hiện tư tưởng của người viết muốn chuyển tải đến bạn đọc. 
Có thể nói công việc cầm bút của một người nghệ sĩ luôn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, nỗ lực trong từng tác phẩm cũng như nỗ lực để phù hợp với thị hiếu bạn đọc. Văn chương không chỉ phản ánh hiện thực mà còn thể hiện sâu sắc nội tâm con người. Đó là những xúc cảm thành thật nhất, thiêng liêng nhất mà người nghệ sĩ trao tặng cho độc giả. Trong quá trình khám phá ra “tất cả những cái gì khó nắm bắt nhất, xảy ra nơi cái thế giới bên trong con người”, người nghệ sĩ đã phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Hạnh phúc khi được trải lòng và thấu hiểu cùng nhân vật. Ngược lại khổ ải mà người nghệ sĩ trải qua đó chính là sự đấu tranh, giằng xé trong nội tâm nhân vật hay là những sự thật nghiệt ngã mà ta cần phải lên án. Tất cả đều cho thấy những tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của tác giả muốn nhắn nhủ đến bạn đọc. Bởi thế mà văn chương có sức mạnh rất lớn, nó cảm hóa được con người không chỉ nhờ cái đẹp mà còn là những điều nhân văn sâu sắc. Vì vậy những người nghệ sĩ phải không ngừng trau dồi, nỗ lực trong ngòi bút của mình để đem lại những giá trị thiết thực. Đừng vì cái lợi trước mắt mà quên đi đạo đức nghề nghiệp. Nhà văn Nam Cao đã từng nhận định: “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Đối với người đọc, ta nên tiếp nhận tác phẩm văn học với một tấm lòng bao dung và rộng mở. Hãy là người đọc văn minh, có chọn lọc. Đừng để một vài thành kiến mà ta lại lãng quên nhiều tác phẩm có giá trị. Nhờ những tiếp nhận của độc giả mà người nghệ sĩ có thêm động lực để cống hiến cũng giống như nhờ những tác phẩm văn chương mà con người có thêm động lực sống, biết chia sẻ và cảm thông,...
Như vậy suy cho cùng điều hạnh phúc của nghề cầm bút là được khám phá thế giới bằng một cái nhìn khác hẳn thực tại. Ở đó người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo những hình tượng nhân vật mà thế giới nội tâm của họ cũng phong phú, phức tạp như con người. Song cũng không nhiều lần trải qua khổ ải khi “khám phá ra tất cả những cái gì khó nắm bắt nhất, xảy ra nơi cái thế giới bên trong con người”. Với tôi cho dù nội tâm nhân vật có phức tạp đến chừng nào thì đằng sau những tác phẩm văn học, văn chương dạy tôi biết cảm thông, suy ngẫm, khám phá ra những điều mới mẻ và hơn hết là tự soi chiếu chính bản thân mình.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học chạy văn - lớp 9

Tin liên quan