Chất thơ trong tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa"

Ngày 06/01/2023 14:55:14, lượt xem: 9171

Theo K.Pauxtôpxki, “Văn xuôi là sợi cốt, còn thơ là sợi ngang. Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ trở thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đi đâu cả…”. Có lẽ chính bởi ý thức được điều này mà truyện ngắn của Nguyễn Thành Long luôn được đánh là giàu chất thơ, đem lại một luồng gió mới chạm tới trái bạn đọc. Và “Lặng lẽ Sapa” là một tác phẩm như thế. Có ý kiến cho rằng: “Chất thơ là một trong những giá trị đặc sắc trong Lặng lẽ Sa Pa, được thể hiện một cách sinh động trên cả phương diện nội dung lẫn hình thức nghệ thuật.”

 


“Chất thơ” trước tiên hiểu theo nghĩa rộng phải gắn với cái đẹp. Cái đẹp có thể là do tự nhiên mang lại như cảnh mây trắng nhởn nhơ bay trên bầu trời xanh thẳm, tạo ra cảm giác dễ chịu cho người ngắm nhìn. Hoặc, “chất thơ” cũng có thể tạo ra từ những tình cảm, hành động của con người như: Sự nhớ nhung, sự uyển chuyển của các điệu múa… Chất thơ biểu hiện ở cái đẹp của ngôn ngữ và âm điệu, cái đẹp của cảm xúc và ý tưởng, của những khoảnh khắc tâm trạng… và nó chính là sự miêu tả, khắc họa và thể hiện nghệ thuật trong sự giàu đượm ý thơ. Nói một tác phẩm văn xuôi có chất thơ tức là những ý văn, câu văn, đoạn văn tạo nên sự rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người và nó có khả năng truyền những rung cảm ấy đến với người đọc.
Nguyễn Thành Long là một trong những tác giả nổi tiếng chuyên viết truyện ngắn và kí của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông đã để lại rất nhiều những tác phẩm có sức sống lâu bền và giá trị nghệ thuật cho văn hóa nước nhà. Tác phẩm “Lặng lẽ Sapa” ra đời năm 1970 giữa lúc miền Bắc đang hăng say lao động sản xuất để xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho miền Nam đánh Mĩ. Mỗi người dân miền Bắc ý thức sâu sắc vai trò của bản thân mình đối với sự nghiệp chung của đất nước: sống đẹp, sống có ích để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và nhân vật anh thanh niên trở thành biểu tượng đẹp cho những con người tích cực, trách nhiệm như thế. Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của con người lao động bình thường mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ và hi sinh đồng thời ca ngợi vẻ đẹp về thiên nhiên thơ mộng nơi đây.

 

ĐỌC THÊM: NHỮNG KHỔ THƠ LIÊN HỆ, MỞ RỘNG VỚI CHỦ ĐỀ NGƯỜI LÍNH


Trước hết chất thơ được thể hiện trên phương diện nội dung. Tác giả đã vẽ lên một bức tranh phong cảnh thiên nhiên Sapa đẹp lạ kì. Sapa, miền Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc hiện lên trong những trang văn của Nguyễn Thành Long không hề hoang vu mà đẹp một cách trữ tình, tráng lệ. Sa Pa bắt đầu bằng núi cao, trùng điệp, thác đổ trắng xóa, đường núi uốn lượn quanh co,…Sapa bắt đầu bằng những rặng đào bạt ngàn, những đàn bò lang cổ đeo chuông,… đủng đỉnh ăn cỏ trong thung lũng hai bên đường, bằng sự sống yên ả, thanh bình. Nó còn mê đắm lòng người bởi “Mây hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng… Nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kính thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”. Có thể thấy rằng tác giả không miêu tả nhiều nhưng chỉ với những nét chấm phá, qua lời văn trong sáng, giàu hình ảnh, ngôn ngữ như có đường nét, hình khối, sắc màu, cảnh sắc thiên nhiên Sa Pa hiện lên ấn tượng với vẻ đẹp trong trẻo, hữu tình.Bức tranh thiên nhiên Sapa khiến tâm hồn con người xao xuyến, khiến họ phải “nín bặt” chiêm ngưỡng, rung động. Chính những vẻ đẹp ấy tạo nên không khí thi vị, nên thơ cho cuộc gặp gỡ, khiến các nhân vật như đẹp hơn, lung linh hơn.
Chất thơ trong Lặng lẽ Sa Pa được thể hiện nổi bật qua vẻ đẹp của con người và những câu chuyện bình dị mà cảm động của họ. Trong truyện, không hề có một nhân vật phản diện. Tất cả đều hiện lên với những vẻ đẹp riêng. Đó là cô kĩ sư nông nghiệp trẻ vừa ra trường, sức xuân phơi phới, sẵn sàng từ bỏ chốn phồn hoa đô hội để đến với nơi núi rừng sâu thẳm nhận công tác. Khi gặp và chứng kiến cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của anh thanh niên làm khí tượng, cô tự tin hơn về quyết định của mình. Trong lòng cô dội lên sự hàm ơn không phải vì bó hoa to đẹp mà anh thanh niên tặng cho cô mà vì một bó hoa khác – bó hoa của lí tưởng sống cao đẹp, của những háo hức, mơ mộng ngẫu nhiên anh trao cho cô để cô tiếp tục hòa mình vào đất trời Tây Bắc, để sống đẹp như anh. Đó là ông họa sĩ cầm bút vẽ đã đi đến cuối hành trình của cuộc đời làm nghệ thuật nhưng mới nhận ra sự bất lực của hội họa trước cuộc đời rộng lớn, muôn màu. Ông sẵn sàng xin anh em hoãn bữa tiệc chia tay đến cuối tuần sau để đi thực tế lên Lào Cai trước khi nghỉ hưu. Tuổi đã cao nhưng ông vẫn đam mê hội họa, vẫn cháy bỏng một khao khát nghệ thuật khi bắt gặp cái đẹp trong bức chân dung anh thanh niên. Và nổi bật nhất chính là anh thanh niên- nhân vật chính của tác phẩm mang trong mình vẻ đẹp hết sức bình dị của cuộc sống. Anh là con người sống, làm việc một mình trên đỉnh núi cao mà không cô đơn. Theo cách định nghĩa của anh thì anh có công việc làm bạn, sao có thể cô đơn được. Tuy anh là con trai mà lại sống một mình nhưng anh tổ chức sắp xếp cuộc sống của mình trên trạm khí tượng rất ngăn nắp, chủ động, giản dị. “Một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách”. Cuộc sống của anh có lẽ sẽ khiến nhiều người mơ ước bởi đó là cuộc sống rất lí tưởng. Anh sống lạc quan, yêu đời bên căn nhà nhỏ của mình, ngày ngày trồng hoa, nuôi gà và đọc những cuốn sách bản thân thích. Anh là một người khiêm tốn, luôn lặng lẽ hoàn thành công việc. Anh ý thức được rằng những công việc mà mình làm là những đóng góp nhỏ bé cho đất nước. Khi ông họa sĩ vẽ anh, anh đã từ chối và giới thiệu ông vẽ ông kĩ sư ở vườn rau hay đồng chí nghiên cứu khoa học “Không, bác đừng vẽ cháu! Cháu giới thiệu với bác ông kĩ sư vườn rau dưới Sapa!..Hay là đồng chí nghiên cứu khoa học ở cơ quan cháu ở dưới ấy đấy”. Ai nhìn vào cũng đều thấy rằng anh đã và đang làm rất tốt công việc của mình nhưng anh vẫn khiêm tốn, ham mê học hỏi bởi xung quanh anh có những ông kĩ sư vườn rau, đồng chí nghiên cứu khoa học, cô kĩ sư- những tấm gương để anh học tập và noi theo. Dường như tất cả những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người đã hội tụ ở con người anh. Bên cạnh khiêm tốn, anh còn là người sống cởi mở, tốt bụng, luôn quan tâm đến mọi người một cách chân thành, chu đáo. Anh không chỉ quan tâm đến bác lái xe mà còn quan tâm đến sức khỏe của bác gái. “Củ tam thất cháu vừa đào thấy. Cháu gửi bác gái ngâm rượu uống. Hôm nọ bác chẳng bảo bác gái vừa ốm dậy là gì?”. Anh là một chàng trai còn trẻ nhưng còn cẩn thận quan sát hơn nhiều cô gái khác. Anh là người vui vẻ, lạc quan, hồn nhiên, yêu cuộc sống. Anh được bác lái xe đặt cho cái tên “thèm người”. Anh sống một mình nên luôn muốn có người để bản thân trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện dưới xuôi cho anh nghe. Chính vì thế mà khi nhận được lời đề nghị từ người lái xe, anh đã rất vui vẻ tiếp đón nồng hậu ông họa sĩ và cô kĩ sư. Ba người vừa gặp như đã thân lâu ngày nói chuyện vui vẻ và hang say. Anh kể cho họ nghe về công việc, về cuộc sống, về những câu chuyện của anh và những người trên đây cho ông họa sĩ và cô kĩ sư nghe. Anh rất muốn nghe chuyện dưới xuôi nhưng ông họa sĩ lại hẹn dịp khác. Anh thanh niên là người dễ gần, dễ trò chuyện và vui tính khiến cho cô họa sĩ và ông kĩ sư khi ra về còn nhớ mãi.
Không chỉ trên phương diện nội dung, chất thơ trong Lặng lẽ Sa Pa còn được thể hiện sinh động trên nhiều khía cạnh của phương diện hình thức. Ấn tượng chung của độc giả đối với tác phẩm là câu chuyện nhẹ nhàng với cốt truyện đơn giản, tình tiết không phức tạp, diễn biến truyện không quá gây cấn. Tuy có đôi lúc sôi nổi nhưng chủ yếu truyện vẫn mang giọng điệu chậm rãi, khoan thai. Đặc biệt, truyện có lớp ngôn ngữ trong sáng, giàu sức biểu cảm và hình ảnh với những biểu hiện như: Sử dụng nhiều từ ngữ chỉ màu sắc (thác trắng xóa, mây hắt từng chiếc quạt trắng, thấp thoáng trong màu xanh bao la, một vệt hình ba góc màu vàng, những ngón tay bằng bạc,…) cùng với đó là những từ láy (lặng lẽ, lả tả, thấp thoáng, dễ dàng, nhẹ nhàng, bối rối, nhỏ nhẻ, băn khoăn, rực rỡ,…). Có thể nói, lớp ngôn ngữ truyện giàu tính nhạc là một trong những phương diện quan trọng làm nên chất thơ xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm.
Có thể nói, truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” mang dáng dấp như một bài thơ, chất thơ bàng bạc trong toàn truyện, từ phong cảnh đẹp hết sức thơ mộng của thiên nhiên vùng núi cao đến hình ảnh con người sống và làm việc trong cái lặng lẽ mà không hề cô độc bởi sự gắn bó với đất nước, với mọi người. Với tình huống truyện nhẹ nhàng, đơn giản, ngôn ngữ giàu chất thơ, chất họa, truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long đã xây dựng thành công nhân vật anh thanh niên và các nhân vật trong truyện với những phẩm chất, cách sống đẹp điển hình cho thế hệ trẻ trong thời kỳ mới. Anh thanh niên cùng với các nhân vật khác như cô kĩ sư, ông hoạ sĩ , ông kĩ sư vườn rau … đã tạo nên một tập thể những con người lao động khoa học lặng lẽ mà khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của mọi người. Với những thành công như thế, truyện được xem là một trong những truyện ngắn hay nhất của nền văn học hiện đại Việt Nam.

 

ĐĂNG KÝ NGAY:

- KHÓA HỌC VĂN VIP 2K8 TẠI ĐÂY

- KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG HSG: TẠI ĐÂY

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan