TIẾNG SÁO TRONG ĐÊM TÌNH MÙA XUÂN “VỢ CHỒNG A PHỦ”

Ngày 04/12/2020 17:42:26, lượt xem: 10013

TIẾNG SÁO TRONG ĐÊM TÌNH MÙA XUÂN “VỢ CHỒNG A PHỦ”

Có thể nói rằng, giá trị của một tác một tác phẩm văn học được xem xét trên cả 2 phương diện cả về nội dung và nghệ thuật. Một trong những yếu tố tạo nên điều đó chính là việc xây dựng nên những chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, tiếng sáo gọi bạn trong đêm tình mùa xuân của nhân vật Mị là chi tiết như vậy. Hãy cùng Học văn chị Hiên tìm hiểu chi tiết này để hiểu rõ và cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm nhé.

 

Đề bài: Chi tiết “Tiếng sáo gọi bạn” trong đêm tình mùa xuân của  nhân vật Mị - truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. 

Cây cối đâm hoa kết trái là quy luật của tự nhiên, con gái lớn lên lấy  chồng là quy luật của xã hội và cũng là niềm mơ ước của biết bao cô gái  trẻ. Thế nhưng, ông trời nhiều khi “chơi ác”, ngay cả hạnh phúc tưởng  chừng như đơn giản ấy cũng không mỉm cười với nhân vật Mị trong  truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nó quay lưng với cô và mở ra những  trang đời đen tối đầy nước mất. Mị là một cô gái trẻ đẹp, yêu lao động,  hiếu thảo và thương bố. Đó còn là một cô gái yêu tự do, yêu cuộc sống  như cánh chim hải âu không sợ biển lớn, dẫu biết rằng “món nợ truyền  kiếp” kia, đến chết cũng không trả hết, nhưng cô sẵn sàng trả nợ bằng  mọi giá để được tự do bên bố - người đàn ông suốt đời gánh nợ trên vai nay đã đến tuổi cận tàn. Thế nhưng, ngang trái đã chụp lên Mị một màu  đen tang tóc: “Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ, làm vợ A Sử”.  

Sống trong nhà thống lí, Mị không khác gì kiếp con trâu, con ngựa. Làm việc cả ngày lẫn đêm, từ ngày này qua ngày khác như một cái máy. Cuộc sống thống khổ ấy đã khiến Mị mất đi ý thức về cuộc sống, Mị ngày càng không nói "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Căn buồng Mị nằm như chốn địa ngục trần gian, chỉ có một ô lỗ vuông bằng bàn tay. Mị bị bóc lột sức lao động, bị chôn vùi tuổi thanh xuân trong nhà thống lí dưới sự tồn tại của cường quyền và thần quyền. Cuộc sống  thống khổ đã khiến Mị mất đi ý thức về sự sống.  

Mùa xuân năm ấy trên khắp núi đồi Tây Bắc ngập tràn sắc xuân hòa  quyện cùng tiếng sáo rủ bạn đi chơi, nghe tiếng sáo “Mị thấy phơi phới  trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước”.  Lần đầu tiên, tiếng sáo xuất hiện trong tác phẩm, cũng là lần đầu tiên sau  bao ngày dài câm nín trong nhà thống lí “Mị thấy thiết tha bổi hổi” cùng  với đó là những cơn “gió rét thổi vào cỏ gianh vàng ửng”. Và chính chi  tiết “tiếng sáo” đã đánh thức tâm hồn, đánh thức khát vọng sống và sức sống tiềm tàng trong Mị. “Tiếng sáo” là sự hiện thân của một phần tuổi  trẻ và những kí ức tươi đẹp của Mị. Mị uống rượu: “Mị lén lấy hũ rượu,  cứ uống ừng ực từng bát” , tiếng sáo hòa cùng chất men làm Mị say.  Trong cơn mê say, lòng Mị sống về quá khứ, cái thời Mị “uốn chiếc lá  trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo, có biết bao người ngày đêm đi  theo Mị”. Quá khứ khiến Mị thật chua xót khi nghĩ đến cuộc sống hiện  tại: Mị sống trong nhà thống lí không bằng kiếp con trâu, con ngựa; “A Sử chẳng bao giờ cho Mị đi chơi tết” ; quan trọng là “A Sử với Mị, không có lòng mà vẫn phải ở với nhau”. Có cay đắng nào bằng cuộc  sống hôn nhân mà không xuất phát từ tình yêu, tình nghĩa vợ chồng mà  không có sự gắn kết, điều đó làm cho Mị ước: “nếu có nắm lá ngón  trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa”.  Muốn chết, nghĩa là đã ý thức được sự sống, mong muốn một cuộc sống  bớt đau thương hơn, bớt tủi nhục hơn. Như vậy, tiếng sáo gọi bạn kia  chính là tấm gương để Mị nhìn rõ hơn về cuộc sống hiện tại của mình. Mị đã muốn “chết ngay”, nghĩa là Mị đã chấp nhận thực tại, muốn phản  kháng lại hoàn cảnh.  

Sau khi nghe tiếng sáo “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên  vui sướng như những đêm tết ngày trước”. Tuổi xuân, tuổi trẻ của Mị cứ thế lớn dần lên, cho tới khi chiếm trọn tâm hồn, Mị nhận ra “Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi”, “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ,  xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng". Trong đầu Mị đang rập  rờn tiếng sáo, tiếng sáo vẫy gọi Mị, thôi thúc Mị “Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách” - hành động của Mị được  miêu tả bằng những câu văn ngắn,mang nhịp điệu gấp gáp như thể Mị đang nhanh chóng, dứt khoát thực hiện hành động giải phóng cho mình,  rũ bỏ con ma nhà thống lí, thoát khỏi căn buồng kín mít kia. Những hành  động ấy đã chứng tỏ rằng Mị đã thật sự hồi sinh, sức sống tiềm tàng  trong con người Mị đã sống dậy nhờ âm thanh của tiếng sáo. Tiếng sáo  đánh thức tâm hồn, sức sống mãnh liệt của Mị. Tiếng sáo đưa Mị đi theo 

những cuộc chơi, ngay cả khi đã bị A Sử trói chặt vào cột nhà. Mị không  cảm thấy đau đớn vì lúc này sự hồi sinh nhân tính của Mị rất mạnh mẽ.  Nhờ có tiếng sáo và chất men của rượu trong đêm tình mùa xuân mà Mị đã được hồi sinh, khao khát sống của Mị được đánh thức. 

Chi tiết “tiếng sáo” là tác nhân làm thay đổi trạng thái tâm lí của nhân  vật Mị, từ một người lầm lũi “như con rùa nuôi trong xó cửa” Mị cảm  thấy “tha thiết bổi hổi”. Đó là sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong Mị,  góp phần bộc lộ tư tưởng của tác phẩm, ngòi bút nhân đạo sâu sắc của  Tô Hoài. Mị đã được hồi sinh sau bao ngày dài câm nín, “lùi lũi như con  rùa nuôi trong xó cửa”, sống vật vờ như cái xác không hồn trong nhà  thống lí Pá Tra. Nhà văn xót thương cho số phận của Mị và trân trọng  sức sống, khát vọng sống, khát vọng tự do và hạnh phúc của cô. Song,  nhà văn cũng tố cáo gay gắt chế độ thực dân phong kiến miền núi, bọn  thống trị gian ác đã chà đạp, đàn áp con người bằng những hủ tục. 

Cùng là tác nhân làm thay đổi trạng thái tâm lí nhân vật, khơi dậy khát  vọng sống trong họ. Cùng là chi tiết góp phần tô đậm giá trị nhân đạo  của hai nhà văn và thể hiện tài năng phân tích diễn biến tâm lý bậc thầy,  chi tiết “tiếng chim hót” đánh thức phần người của Chí Phèo trong tác  phẩm cùng tên của Nam Cao và chi tiết “tiếng sáo gọi bạn” đánh thức tâm hồn Mị trong đêm tình mùa xuân đã đánh thức tâm hồn, con người  tưởng chừng như đã chết của nhân vật. Nó khơi dậy trong họ niềm ham  sống và khát vọng sống, khát vọng tự do và hạnh phúc. Tuy nhiên,  “tiếng sáo” là âm thanh khơi gợi Mị nhớ về quá khứ tươi đẹp, trái ngược  với hiện tại. “Tiếng sáo” làm cho sức sống tiềm tàng, khát vọng tự do của Mị trỗi dậy một cách mãnh liệt. Còn “tiếng chim hót” là âm thanh  quen thuộc, nhưng mãi đến hôm nay khi tỉnh Chí mới nghe thấy và đây  là âm thanh giúp thổi bùng khao khát được làm người lương thiện của  Chí.

Qua việc khắc họa những “chi tiết tiêu biểu” nhà văn Nam Cao và Tô  Hoài đã khẳng định tài năng của mình trong việc xây dựng các “chi tiết điển hình” để xây dựng thành công tâm lí nhân vật, từ đó góp phần quan  trọng vào việc khắc họa chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Với ý nghĩa đó,  tác phẩm “Chí Phèo” - Nam Cao, “Vợ chồng A Phủ” - Tô Hoài trở thành  những tác phẩm tiêu biểu trong dòng văn học Việt Nam.

Hy vọng qua tài liệu này Học văn chị Hiên sẽ  giúp cho các bạn có tài liệu học tập và cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, và có thêm nhiều ý tưởng mới khi làm bài. Theo dõi thêm nhiều tài liệu và bài học bổ ích, thú vị qua Fanpage: Học vn chị Hiên hoặc Youtube: Học văn chị Hiên

Chúc các bạn nhỏ luôn học thêm

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn

XEM THÊM:

TÓM TẮT TÁC PHẨM "VỢ CHỒNG A PHỦ"

DÀN Ý CHI TIẾT "VỢ CHỒNG A PHỦ"

TUYỂN TẬP KẾT BÀI HAY "VỢ CHỒNG A PHỦ"

LÝ LUẬN VĂN HỌC "VỢ CHỒNG A PHỦ"

VĂN MẪU "VỢ CHỒNG A PHỦ"

 

Tin liên quan