Ca dao là cây đàn muôn điệu của cuộc sống

Ngày 28/11/2021 13:11:57, lượt xem: 3607

Đề bài:
Ca dao là cây đàn muôn điệu của đời sống tâm hồn người Việt Nam. Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.



Bài làm:


Từ lâu lắm rồi, từ ngày tôi còn nằm nôi, những câu ca dao theo lời ru ngọt ngào của mẹ đi vào tâm thức và đọng lại, in mãi trong tâm hồn tôi. Sau này lớn lên, đôi chân cứng cáp hơn, tôi bắt đầu bước những bước đầu tiên của cuộc đời để rồi nhận ra những câu ca và lời ru của mẹ mênh mông, bao la biết nhường nào! Bởi lời ru của mẹ cất lên từ những câu ca dao - thế giới của tình cảm, cảm xúc yêu thương. Tất cả những cung bậc cảm xúc của người lao động đều bộc bạch trong từng câu hát. Đó là tiếng hát yêu thương đôi lứa, tình cảm gia đình, tiếng hát ca ngợi phong cảnh quê hương đất nước. Bên cạnh những thanh âm trong trẻo, tràn đầy tình yêu thương đó là những tiếng khóc thầm, ngậm ngùi hay cả những câu hát châm biếm sâu cay, … Vì thế “ca dao là cây đàn muôn điệu của đời sống tâm hồn người Việt Nam”.


Người dân Việt Nam ta từ ngàn xưa đã kí gửi lòng mình qua từng lời ca tiếng hát, để rồi tiếng hát lời ca ấy được ví như cây đàn muôn điệu của đời sống tâm hồn. Khúc nhạc đầu tiên mà ta kí gửi chính là tình cảm gia đình, bởi gia đình là chiếc nôi đầu tiên gắn với mỗi người và đó cũng là nơi cuối cùng mà con người muốn trở về sau biết bao mệt mỏi, ưu phiền trên đường đời. Gia đình - hai tiếng gọi thiêng liêng mà trìu mến. Nơi đó ta được cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng thành người như lời bài ca dao:
“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con!”
Câu ca dao sử dụng nghệ thuật so sánh, ngợi ca công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Công cha được ví với chiều cao khôn cùng - “núi ngất trời”, nghĩa mẹ được tả với chiều rộng vô biên của “nước ngoài biển khơi”, chiều nào cũng vô tận như công lao của cha mẹ không gì đo đếm được.


Hai câu đầu của bài ca dao nằm trong hệ thống những câu ca dao có cùng cấu trúc - chủ đề ca ngợi công ơn cha mẹ:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Chính vì công cha, nghĩa mẹ lớn lao biển trời, phận làm con kể sao cho hết, thế nên hai câu sau gợi nhắc chúng ta - những người con phải ý thức đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục ấy. Phận làm con phải đặt chữ hiếu làm đầu, kính cha, yêu mẹ và phải sống sao cho xứng đáng với công ơn trời bể của “chín chữ cù lao”.
Gia đình - nơi ta gắn bó, nơi ta yêu và được yêu, vậy nên khi xa ta nhớ vô ngần:
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”
Lời ca dao được bắt đầu bằng một mô típ quen thuộc về thời gian “chiều chiều”. Buổi chiều, đặc biệt là chiều tối, chiều muộn là khoảng thời gian sắp tàn của một ngày, là nơi giao hòa giữa bóng tối và ánh sáng. Bước đi của thời gian càng vội vã bao nhiêu thì bước đi của con người càng hối hả bấy nhiêu. Cùng với muôn vật, con người cũng đang vội vã trở về tổ ấm thế nên với những người con tha phương, xa xứ thì buổi chiều chính là khoảng thời gian gợi buồn, thời điểm gợi sự đoàn viên, sum họp. Nhịp “chiều chiều” gợi tả sự đều đặn đến khắc khoải của thời gian, là chiều muộn và cũng là sự lặp lại của thời gian. Dám chắc bài ca dao trên là lời tâm tình của người con gái lấy chồng xa, đang rơi vào những nỗi buồn, tủi thân, tủi phận bởi lẽ cuộc sống làm dâu xa nhà, khi cô đơn, bất hạnh người con gái thường nhớ về mẹ để tìm sự cảm thông, chia sẻ. Người con gái mỗi khi nhớ về quê mẹ nơi xa lại nao nao một nỗi buồn, hết ngày này qua ngày khác vẫn mang nặng một nỗi buồn khôn nguôi, người con gái ấy như đang cố nén nỗi nhớ nhà. Người con nơi phương xa chọn nơi “ngõ sau” - yên tĩnh, vắng vẻ để bộc bạch cả tấm lòng của mình về quê nhà - nơi có mẹ, có cha, có những người thân yêu ruột thịt. Nhưng khoảng cách xa vời mà càng xa càng tăng thêm nỗi nhớ, cô chỉ còn biết hi vọng rồi lại thất vọng nhưng cũng không ngừng hi vọng nên chiều nào cũng trông ngóng về phía quê nhà.

 

ĐỌC THÊM PHÂN TÍCH CA DAO THAN THÂN, YÊU THƯƠNG TÌNH NGHĨA


Ngoài những yêu thương nơi gia đình, cây đàn muôn điệu còn gẩy khúc nhạc tình si của đôi lứa yêu nhau, hò hẹn. Xuân Diệu gọi những lời ca ấy là “Lời tỏ tình của người con trai muôn đời với người con gái muôn thuở”. Một lời tỏ tình thật ý nhị, duyên dáng:
“Đầu làng có con chim xanh
Ăn no tắm mát đậu cành dâu da
Đường về bên ấy bao xa
Mượn mình làm mối cho ta một người
Một người mười tám đôi mươi
Một người vừa đẹp vừa tươi như mình
Ai xinh thì mặc ai xinh
Ông tơ chỉ quyết xe mình với ta”
Lời ca đặc trưng của vùng Bắc Bộ với lối tâm tình, kín đáo nhưng cũng vô cùng duyên dáng, đáng yêu. Người anh say sưa nói về cảnh vật thiên nhiên, nói về cô nàng nào đó - “người thương” của anh ta. Người yêu lí tưởng của chàng trai ấy là “mười tám đôi mươi”, “vừa đẹp vừa tươi”. Cô gái hẳn cũng đang ngồi lắng nghe anh tâm tình và kể lể nhưng rồi chợt nhận ra “tình ý” của chàng trai khi anh nói “vừa đẹp vừa tươi như mình”. Từ “mình” đặt ở cuối câu vừa bất ngờ về ý vừa nhẹ nhàng về giọng điệu do sử dụng thanh bằng ở cuối câu, nếu cất tiếng hát cũng sẽ là sự xuống giọng, kéo dài nhấn nhá của âm tiết này. Từ “mình” được chàng trai sử dụng một cách duyên dáng, tế nhị nhưng cũng đầy tinh tế và khôn khéo. Bởi chàng trai dẫn dắt cô gái lắng nghe câu chuyện của mình bằng những hình ảnh thiên nhiên, nhưng đến cuối cùng, chàng trai lại thẳng thắn, tập trung toàn bộ ngôn từ, cử chỉ dành cho cô: “Ai xinh thì mặc ai xinh/ Ông Tơ chỉ quyết xe mình với ta”. Đại từ “ai” đúng thật là phiếm chỉ, không để chỉ riêng người nào. Nhưng nếu có cô gái nào xinh đẹp thì cũng không phải sự lựa chọn của anh ta. Chàng trai đã mượn hình ảnh ông Tơ xe duyên để gắn bó, kết đôi với cô gái, đưa ra một sự ràng buộc không thể từ chối. Một anh nông dân hồn hậu, chất phác nhưng cũng chứa đựng sự nhạy cảm và tinh tế, đặc biệt là trong tình yêu và chỉ có đứng trước tình yêu thì anh chàng nông dân ấy mới có thể trở nên tình tứ, đáng yêu, khéo léo như thế!


Nếu đã ví ca dao là cây đàn muôn điệu của tâm hồn người Việt thì cây đàn ấy không chỉ mang những thanh âm trong trẻo, ngọt ngào và tràn đầy tình yêu thương mà còn chất chứa những lời than, tiếng khóc thầm, ngậm ngùi chua xót. Đó là lời than tiếng khóc của người nông dân sống trong xã hội xưa:
“Gánh cực mà đổ lên non
Còng lưng mà chạy cực còn theo sau”
Đọc câu ca dao ta thấy ngay những cực khổ của người lao động nghèo. Gánh vác là hành động cố sức để nâng vật nặng, nhưng cái nặng ở đây lại vô hình “cực” (khổ). Cái vô hình đã trở thành hữu hình, như cái ách đè nặng lên đôi vai của người nông dân. Sức nặng của “cực” làm oằn lưng người lao động, nhưng muốn vứt bỏ cũng không xong. Nỗi cơ cực cứ đeo đẳng, bám riết lấy họ. Câu ca dao trên còn sử dụng biện pháp nhân hóa, khiến ta hình dung nỗi khổ cực gắn bó như hình với bóng với người nông dân, người nông dân chạy trước, cơ cực lục tục chạy theo sau.


Trong xã hội phong kiến, người dân lao động là nạn nhân của những luật lệ, giáo điều và sự áp bức bóc lột nhưng bi kịch nhất vẫn là người phụ nữ. Nên những lời than, tiếng khóc cất lên từ tiếng lòng của người phụ nữ sẽ còn đau xót và ngậm ngùi hơn ai hết.
“Thân em như chổi đầu hè
Phòng khi mưa gió đi về chùi chân
Chùi rồi lại vứt ra sân
Gọi người hàng xóm có chân thì chùi”
Bài ca dao bắt đầu bằng mô típ “thân em” quen thuộc gợi sự nhún nhường, khiêm tốn. Ở đây “thân” không chỉ là tấm thân mà còn là thân phận. Người phụ nữ ví mình như “chổi đầu hè” - một sự vật nhỏ bé, tầm thường. “Chiếc chổi” ấy hẳn đã là một người vợ, nhưng trong mắt người chồng, anh ta chỉ coi vợ mình như là đồ vật, chỉ dùng đến khi cần “Phòng khi mưa gió đi về chùi chân”. Chẳng đành vậy, người chồng còn đối xử tệ bạc với vợ khi “chùi rồi lại vứt ra sân”, còn “gọi thêm người hàng xóm”. Một cuộc sống hôn nhân không tình yêu, không trân trọng, với người phụ nữ thì đó chính là cuộc sống đáng sợ nhất. Chính xã hội phong kiến với quan niệm trọng nam khinh nữ, với quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy khiến người phụ nữ mang thân phận tự thân nhỏ bé, bọt bèo không có quyền được lên tiếng, không có quyền quyết định số phận mình, âu cũng đành chấp nhận, cắn răng sống hết một đời, một kiếp.

 

ĐỌC THÊM Ngữ Văn 10 | Hóa thân nhân vật Tấm kể lại câu chuyện “Tấm Cám”


Lại nhắc ca dao là cây đàn “muôn điệu”, là thế giới tình cảm của con người. Trong thế giới tình cảm muôn màu muôn vẻ đó, ca dao đôi khi cũng thể hiện cái nhìn vui nhộn, tươi tắn về cuộc sống, tạo ra tiếng cười sảng khoái, vui vẻ đồng thời với cảm xúc đó là tinh thân phê phán. Có thể chúng ta sẽ cười khi mới đọc bài ca dao song nghĩ cũng thấm thía vô cùng:
“Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông
Số cô có vợ có chồng
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai”
Nếu như ngày nay việc tổng hợp thông tin để dự đoán tương lai và giải thích về quá khứ cũng là một ngành khoa học. Nhưng trong đời sống xã hội xưa, hình thức đó gọi là “bói toán”, trong thời kì khoa học, hiểu biết của con người còn hạn chế thì bói toán chính là phương tiện để lí giải những nỗi bất hạnh và khổ đau của con người. Càng nhiều người tìm đến việc bói toán càng tạo điều kiện cho những ông “thầy dởm” kiếm tiền. Bài ca dao trên đã thuật lại lời phán của “ông thầy địa lí” với từng người, lời của ông thầy không có một thông tin mới mẻ nào vì tất cả những điều ông thầy nói đều rất hiển nhiên, ngay cả một đứa trẻ lên ba cũng biết, không cần đến những ông thầy bói cao tay mới có thể phán truyền được. Thông qua tiếng cười, người dân lao động muốn phê phán thoi mê tín của con người, thường tin vào những điều nhảm nhí, vô nghĩa. Đồng thời bài ca dao cũng lột trần bản chất lừa lọc, giả dối của những ông thầy bói.


Thế giới ca dao rộng lớn biết bao nhiêu, đo hết cả chiều sâu tâm hồn con người. Vui có, buồn có, giận hờn than trách cũng có. Mọi tâm tư, tình cảm của người xưa dường như được kí gửi cả cho ca dao. Thế nên nhà thơ Nguyễn Duy đã có những vần thật sâu sắc rằng:
“Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”
Thật vậy, ca dao chính là cây đàn muôn điệu của tâm hồn con người và cũng là nguồn mạch nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ xưa nay. Cứ như thế ta cùng ca dao lớn lên, bên nhau trọn vẹn một đời.

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4

Link đăng ký khóa CODE VĂN: https://bit.ly/KHOACODEVAN2K4

Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan