Bức tranh thiên nhiên ở lầu Ngưng Bích qua sáu câu thơ đầu tác phẩm "Kiều ở lầu Ngưng Bích"

Ngày 27/07/2022 17:40:28, lượt xem: 2421

Đề bài: Cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên ở lầu Ngưng Bích qua sáu câu thơ đầu tác phẩm "Kiều ở lầu Ngưng Bích".

 

ĐỌC THÊM THÚY VÂN LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?

 

Bức tranh thiên nhiên được nhìn từ con mắt đầy tâm trạng, thể hiện sự bất an của Kiều về cuộc sống xung quanh mình. Đúng như Nguyễn Du từng nói: “Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ”, sau biến cố kinh hoàng của gia đình, trước mặt là cạm bẫy chốn lầu xanh, cái nhìn của Kiều không còn mơ mộng, trong sáng như ngày nào (có thể so sánh với bức tranh thiên nhiên trong mắt Kiều trong đoạn trích Cảnh ngày xuân) mà đầy u uẩn, lo lắng, sợ hãi. Kiều đối diện với cảnh, cũng là đang đối diện với lòng mình, với tương lai bất trắc phía trước.

Cảnh được nhìn bằng con mắt dõi ra xa (xa trông), trông chờ và tìm kiếm một chút thân thuộc, một chút ấm áp, một chút chở che cho lòng người hoang vắng nơi đất lạ. Thế giới thiên nhiên trong mắt Kiều được quy về hai phạm trù: cái rộng lớn thì bao la đến mênh mông, rợn ngợp; cái nhỏ bé thì đơn lẻ, cô quạnh đến tội nghiệp. Giữa không gian “bốn bề bát ngát”, một tấm trăng, một cồn cát, một bụi hồng trở nên lạc lõng, đơn côi. Ấn tượng bao trùm là sự mênh mang, vắng lặng, lạnh lẽo, không hơi ấm của sự sống, không âm thanh và sự vận động. Con người trong không gian ấy cũng trở nên nhỏ nhoi, đơn độc.

Cảnh được nhìn từ xa rồi mở ra theo chiều rộng, từ cao rồi hướng xuống thấp, tất cả trong trạng thái rời rạc, không có mối liên hệ. Có dãy nói xa mờ và ánh trăng lạnh “ở chung” nhưng đó không phải sự gần gũi kết đôi mà bởi không gian vũ trụ trong mắt Kiều quá rộng lớn khiến những ý niệm về vị trí của vật thể bị xóa mờ: non thì ở xa, trăng lại ở gần. Cồn cát xa xôi, bụi hồng tít tắp, câu thơ ngắt làm đôi với các tính từ chỉ định “nọ”, “kia” nhấn mạnh sự riêng rẽ, đơn lẻ, trơ trọi của các hình ảnh. Nó càng kéo rộng, dài, cao và sâu hơn cho không gian “bốn bề” gợi cảm giác hoang lạnh. Con người cũng không tìm thấy mối liên hệ giữa mình với cảnh, không thấy mình thuộc về thế giới trước mắt.

Cảnh được nhìn bằng con mắt kí thác tâm sự, người ngắm định danh nỗi niềm của mình bằng hai tiếng “bẽ bàng” vừa xót xa, tủi phận vừa oán thán, cay đắng. “Mây sớm đèn khuya” cũng chính là nhịp thời gian sớm tối, ngày đêm trong đó con người đối diện với sự cô độc của chính mình. Nỗi sầu theo đó cũng dâng trào, nó thấm đẫm vào thiên nhiên hay có thể nói, chính cái hoang lạnh của thiên nhiên nhấn sâu hơn nỗi buồn tủi, ý thức về tình cảnh trớ trêu của con người (Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng).

Nguồn: Sưu tầm

 

ĐĂNG KÝ NGAY KHÓA HỌC VĂN VIP 2K8 TẠI ĐÂY ĐỂ BỨT PHÁ ĐIỂM VĂN!

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

 

Tin liên quan