Thúy Vân là người như thế nào?

Ngày 12/07/2022 02:32:27, lượt xem: 2554

Tự bao đời nay, kiệt tác Đoạn trường tân thanh của đại thi hào Nguyễn Du đã hằn in trong tiềm thức của mỗi người dân đất Việt với cái tên Truyện Kiều. Chỉ điều này thôi ta đã cảm nhận được sức sống của nàng Kiều trong tiềm thức bao thế hệ độc giả. Cũng bởi vậy mà vô tình hay hữu ý ta đã bỏ quên Thúy Vân- một nhân vật nằm trong góc khuất của Truyện Kiều. Người ta đã quen nghĩ và xem Vân như cái bóng của đời Kiều. Người ta luôn nhìn Vân bằng con mắt thiếu thiện cảm. Thật sự Thúy Vân là người như thế nào? Chúng tôi xin điểm qua một số nhận định về nhân vật này. Rộng đường dư luận để có thể hiểu rõ hơn về nhân vật.

 



Trước hết là một số ý kiến xem Thúy Vân là người vô tâm, vô tính, có tầm hiểu biết thường thường. Vũ Trinh, ngày xưa, đã từng nói: "Thúy Vân xuất hiện ba lần mà lần nào cũng trơ như hòn đá". Sau này Vũ Hạnh cũng nói : "Thực giản dị hay vô tình nhiều quá". Có lẽ những nhận định trên xuất phát từ ba lần xuất hiện của Thúy Vân trong Truyện Kiều. Lần đầu tiên, ba chị em Kiều đi chơi xuân gặp mộ Đạm Tiên, nghe thân thế thảm sầu của người dưới mộ, Thúy Kiều đã thắp hương khấn vái và nhỏ lệ khóc thương, trong khi đó Vân lại cất tiếng một cách phũ phàng: "Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa". Người đọc cảm thấy không hài lòng trước sự vô tâm này. Lần thứ hai, khi cả nhà gặp tai biến, Kiều đau thương đứt ruột hi sinh bán mình chuộc cha, nước mắt đầm đìa... thì Vân lại ngủ một giấc ngon lành (giấc xuân). Và lần thứ ba, Vân đứng lên nói lời...nối duyên cho chị buổi đoàn viên...Trong con mắt nhiều độc giả, hình như Vân không có chút động lòng. Có lẽ vin vào những nhận định (còn nhiều tranh cãi) này mà nhiều người xưa cũng như nay không mặn mà lắm với Thúy Vân.

Như vậy, có hai luồng ý kiến đánh giá khác nhau về nhân vật Thúy Vân. Căn cứ vào văn bản Truyện Kiều của Nguyễn Du, một bên cho rằng Thúy Vân là người vô tư, vô tâm, vô tính; căn cứ vào góc độ hạnh phúc cá nhân, một bên cho rằng Vân là người cao cả, giàu đức hi sinh.

Xét đến cùng, khi nhìn nhận về nhân vật Thúy Vân chúng ta cần nhìn nhận trên phương diện nghệ thuật. Nguyễn Du xây dựng nhân vật Thúy Vân với dụng ý làm "đòn bẩy" cho nhân vật Thúy Kiều, do vậy nàng đâu có được khắc họa trong bề sâu tâm lí, nàng không được giải bày, tỏ lòng sao ta có thể hiểu được nàng. Muốn hiểu Vân, ta phải đến tận cùng nỗi khổ của nàng mà ngẫm, mà cảm thương cho nàng.

Làm sao có thể nói Vân là vô tâm khi nàng buột miệng "Khéo dư nước mặt khóc người đời xưa"? Quả là có ít nhiều thờ ơ, lãnh đạm trong khi Kiều "đầm đầm châu sa". Nhưng nếu nghĩ người nằm dưới đáy mồ hoang tàn không từng quen biết, thì khóc than, van vái đề thơ, cũng thật đáng nực cười nếu không muốn nói rằng bệnh hoạn. Tất nhiên, cũng khó nói Kiều như vậy. Bằng thủ pháp ước lệ, Nguyễn Du đã nâng cao cảm xúc của nhân vật, đã thể hiện thành công bản tính đa sầu, đa cảm của Kiều.

Làm sao có thể nói Vân hời hợt, vô cảm khi nàng dễ dàng chấp nhận lời trao duyên của Kiều khi Kiều là người quá thông minh, sắc sảo? Kiều trao duyên cho em bằng lời lẽ đầy khôn khéo: "Cậy em, em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa". Vân có thể từ chối sao? Vân hiểu tấm lòng của chị, vì chữ hiếu, chị bỏ chữ tình, sao mình không thể bỏ chữ tình mà làm tròn chữ nghĩa? Vân có thể nói gì đây trong hoàn cảnh này? Từ chối ư? Kể rõ nỗi lòng của mình cho chị thêm lo nghĩ ư? Hay dối lòng, quả quyết với chị rằng mình sẽ "lấy người yêu chị làm chồng" (Trương Nam Hương)? Có lẽ chỉ có sự im lặng là đầy ý nghĩa. Sự im lặng đó làm rõ vẻ đẹp nơi tấm lòng Vân.

Dẫu sao Kiều cũng chạm được tay đến tình yêu đích thực. Còn Vân, nàng đâu biết đến tình yêu. Vậy mà vì chị, nàng sẵn sàng "nhận duyên". Nhận mối duyên chị trao, Vân đã tự xóa đi hai chữ hạnh phúc trong cuộc đời mình. Trao duyên cho Vân nhưng Kiều vẫn không thể dứt tình với người yêu: "Duyên này thì giữ vật này của chung". Tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng quá sâu nặng, làm sao Vân có thể chạm tay tới. Trái tim của chàng Kim đâu có chỗ nào cho Vân. Làm sao Vân có thể "điềm nhiên hưởng hạnh phúc bên chàng Kim" trong hoàn cảnh như vậy? Vân không thể trách chị, càng không thể trách chồng. Vân chỉ có thể nén dòng nước mắt mà mơ về hạnh phúc.

 

ĐỌC THÊM PHÂN TÍCH NHÂN VẬT TRƯƠNG SINH (CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG)


Nhiều người cho rằng Vân vô tình vì suốt khoảng thời gian Kiều lưu lạc, không một lần thấy Vân nhỏ một giọt nước mắt. Phải chăng đây là thủ pháp mờ hóa nhân vật của Nguyễn Du. Làm mờ tất cả các nhân vật để làm tăng số phận cay đắng của Thúy Kiều. Nhưng có thật Vân không một lần nhớ đến chị? Nếu hình ảnh của Kiều không luôn hiện hữu trong Vân liệu rằng nàng có mộng thấy tin tức của chị, để mọi người có cơ hội tìm được Thúy Kiều: "Phòng xuân trướng rủ hoa đào/ Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng".

Vân không phải là người suy nghĩ nông cạn, trái lại nàng sống sâu sắc và tình cảm. Trải qua bao năm lưu lạc, Kiều được trở về với gia đình. Bao tầm mắt hướng về cô em gái. Không phụ lòng mong mỏi, đoán trước ý muốn của người thân, nàng giải bày:

"Rằng: trong tác hợp cơ trời
Hai bên gặp gỡ, một lời kết giao.
Gặp cơn bình địa ba đào,
Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em.
Cũng là phận cải duyên kim
Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao ...

Thật là chí tình! Thúy Vân chỉ nghĩ đến kẻ mười năm lưu lạc truân chuyên, nghĩ đến tình ai chung thủy. Nghẹn ngào cho người em ấy.

Tóm lại, chúng ta hãy hiểu và thông cảm cho nỗi khổ của Thúy Vân. Bởi nàng không được Nguyễn Du tả cho đôi mắt, không được Nguyễn Du cho "cơ hội" giãi bày. Vẫn biết cảm nhận văn chương có tính chủ quan, nhưng dù sao cũng đừng gán cho Vân bản tính vô tình, hời hợt.

Nguồn: Sưu tầm

 

ĐĂNG KÝ NGAY KHÓA HỌC VĂN VIP 2K8 TẠI ĐÂY ĐỂ BỨT PHÁ ĐIỂM VĂN!

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan