Bài nghị luận văn học Sóng và Vội vàng cực hay của học sinh

Ngày 09/11/2018 22:12:18, lượt xem: 4282

M.Gorki từng nói: “Tình yêu là thơ ca của cuộc đời.Cuộc sống thiếu tình yêu không phải là sống mà chỉ là tồn tại.Không thể sống thiếu tình yêu vì con người sinh ra có một tâm hồn để yêu”. Dẫu biết tình yêu không phải là tất cả nhưng có tình yêu thì cuộc sống mới thật sự là cuộc sống. Vì thế nên không có gì ngạc nhiên khi tình yêu trở thành đề tài muôn thưở trong nền văn học của toàn nhân loại. Nói đến tình yêu, trong nền văn học Việt Nam ta không thể không nhắc đến hai nhà thơ lớn được mệnh danh là ông hoàng và nữ hoàng của thơ tình, Xuân Diệu - Xuân Quỳnh.

          Tình yêu trong thơ ca của Xuân Diệu và Xuân Quỳnh là một tình yêu chân thành nhất, mãnh liệt nhất. Đối với họ, thơ văn trước hết là sự thật. Với cái nhìn đó họ đã viết lên những vần thơ vô cùng gần gũi và mộc mạc. Họ yêu hết mình, cuồng nhiệt hết mình với khát vọng được sống và được yêu. Tuy đều viết về tình yêu và cũng có những cái nhìn đồng điệu nhưng ở mỗi thi nhân vẫn bộc lộ rõ cái tôi trữ tình đầy cá tính và rất riêng của họ. Trong Vội vàng , Xuân Diệu thể hiện tình yêu sống, yêu đời bằng cách chiếm lĩnh mọi cái ngon cái đẹp như thế này:

                               Tôi muốn tắt nắng đi

                               Cho màu đừng nhạt mất

                               Tôi  muốn buộc gió lại

                               Cho hương đừng bay đi

Còn nữ sĩ Xuân Quỳnh với bản năng của người phụ nữ , tình yêu đối với cô là tình yêu hi sinh, là tình yêu dâng hiến. Vì thế mà trong Sóng nhà thơ đã viết:

                               Làm sao được tan ra

                               Thành trăm con song nhỏ

                               Giữa biển lớn tình yêu

                               Để ngàn năm còn vỗ

        Khi Quỳnh hát lên lời của Sóng (29/12/1967), thì các nhà thơ khác vẫn đang hòa chung tiếng nói của cộng đồng bằng cảm hứng yêu nước, tinh thần ngợi ca. Trong bối cảnh những năm 60, 70 của thế kỷ 20, giữa chiến tranh chống Mỹ gian khổ, khốc liệt, Xuân Quỳnh như một cành hoa tươi mọc lên giữa rừng bom đạn.

        Sóng được viết lên âu cũng là “tự hát” về tâm hồn mong manh, đa sầu của chính tác giả. Trải qua thăng trầm, đổ vỡ trong tình yêu, tưởng rằng nữ thi sĩ sẽ thu mình để chở che cho con tim mong manh ấy. Nhưng không, với người phụ nữ này, cô vẫn luôn yêu và khát khao được dâng hiến đến cháy bỏng. Và Sóng đã giúp thi nhân nói lên điều đó.

        Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ và là một hình ảnh ẩn dụ. Sóng và em đan xen, nối tiếp nhau ẩn hiện qua từng câu chữ. Bản chất và tính khí của sóng chẳng khác nào bản chất và tính khí của người phụ nữ trong tình yêu. Khi thì dữ dội, lúc lại dịu êm, khi thì ồn ào, lúc lại lặng lẽ. Tình yêu quá chân thành làm cho bản tính người phụ nữ trở nên thất thường như những ngọn sóng. Sóng xa bờ nhớ bờ như em xa anh nhớ anh. Nỗi nhớ cứ trăn trở không yên, cứ cuộn trào trong lồng ngực như từng con sóng đang cuộc trào ngoài biển xa. Như mọi quy luật tự nhiên, sinh ra sóng là để xô vào bờ, chẳng khác nào cái ý nghĩa mà em tồn tại là để có anh trong cuộc đời “ con nào chẳng tới bờ/ dù muôn vời cách trở”.

       Tình yêu lớn lao là thế nhưng nó cũng chỉ là cái hữu hạn của con người trong cái vĩnh hằng của vũ trụ “cuộc đời tuy dài thế/ năm tháng vẫn đi xa”. Quy luật của cuộc đời là điều không thể thay đổi, như Xuân Diệu từng viết:

                   Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

                   Không cho dài thời trẻ của nhân giang. 

Đối mặt với cái quy luật vô tình của thời gian, Xuân Quỳnh khát khao được dâng hiến, được hi sinh cho tình yêu nhỏ bé của mình. Đó là quan niệm sống vô cùng cao cả, lớn lao. Vì trong cuộc sống có một nghịch lí là: “Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi bạn biết mạnh dạn cho đi – chứ ko phải nắm giữ thật chặt”. Thế nên nhà thơ đã bộc bạch:

                  Làm sao được tan ra

                  Thành trăm con sóng nhỏ

Chỉ với hai từ “làm sao” đã bộc lộ rõ niềm khao khát của Xuân Quỳnh là da diết là tha thiết như thế nào. Khát khao “ được tan ra” thành những con sóng. Lời thơ cất lên len lõi vào cõi lòng ta một cảm xúc bâng khuân khó tả, nó vừa nghẹn ngào, vừa xúc động. Tất cả cũng chỉ vì tấm lòng cao lớn như bầu trời, rộng lớn như đại dương của nhà thơ. Dường như cô muốn nói với mọi người rằng, hãy để cô được hi sinh, hãy cho cô được hiến dâng lòng mình, cô khát khao cháy bỏng điều đó. Bởi vòng xoay của thời gian quá đổi lạnh lùng và cũng bởi “ hôm nay yêu mai có thể xa rồi”. Thế  nên Xuân Quỳnh muốn sống hết lòng mình, chân thành và tha thiết, để từng giây phút trôi qua là từng giây phút ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Động từ “tan ra” ở đây, không mang ý hòa tan, đánh mất bản thân mình. Trước sự nhận thức về thời gian, hiểu rõ giới hạn của tình yêu, của đời người giữa cái vô tận, vĩnh hằng của vũ trụ “như biển kia dẫu rộng/ mây vẫn bay về xa”. Xuân Quỳnh muốn được hóa thân thành sóng nước, để cùng con sóng trường tồn với thời gian, để cùng con sóng được mãi vỗ vào bờ.

                         Giữa biển lớn tình yêu

                         Để ngàn năm còn vỗ

Nhờ sóng, nhờ biển, Xuân Quỳnh khéo léo vĩnh viễn hóa tình yêu của con người. Bởi đối với Xuân Quỳnh, đời người có thể là hữu hạn nhưng tình yêu phải là vĩnh hằng là bất diệt.

                          Em trở về đúng nghĩa trái tim em

                          Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

                          Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

                          Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi

                                              ( Tự hát)

         Quay ngược về thời gian, ở những năm 30, có một Xuân Diệu yêu đời, yêu người một cách cuồng si, táo bạo. Là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới (Hoài Thanh), Xuân Diệu đứng lên hiên ngang, mạnh bạo tự khẳng định chất riêng trong mỗi vần thơ của mình. Cách dùng từ rất Tây, lối văn phóng khoáng lại vô cùng cá tính, nhà thơ tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng đọc giả không những vào thời kì đó mà còn đến tận ngày hôm nay. Và Vội vàng là minh chứng rất rõ cho điều đó.

         Nếu như  Chế Lan Viên từng tìm đến tinh cầu giá lạnh để trốn chạy cuộc đời

                      Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh

                     Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!

                     Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh

                     Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!                  

Hay Thế Lữ từng thả hồn mình theo tiếng hạt ở chốn Bồng Lai

                     Trời cao xanh ngắt. Ô kìa

                     Hai con hạt trắng bay về Bồng Lai

Thì Xuân Diệu lại cho rằng “Sao ta cứ phải tìm chốn Bồng Lai Tiên Cảnh ở mãi nơi hảo huyền nào, nó ở ngay giữa cuộc sống quanh ta.” Phải chăng vì có đôi mắt cảm nhận được vẻ đẹp thiên đường nơi trần gian ấy mà Xuân Diệu trân trọng cuộc sống này, yêu đời yêu người say mê, điên cuồng như thế. Cũng chính vì tình yêu ấy nên khi phải đối mặt với vòng xoay thời gian, với cái quy luật hữa hạn của đời người “ Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”, Xuân Diệu cuống quýt vồ vập, tham vọng muốn ngừng cả thời gian, muốn chặn cả vòng quay của vũ trụ.

                   Tôi muốn tắt nắng đi

                   …..

                   Tôi muốn buộc gió lại

                   …..

Điệp cấu trúc “tôi muốn” tạo âm điệu nhịp nhàng cho đoạn thơ, bên cạnh đó còn làm cháy lên niềm khát khao “tắt nắng”, “buộc gió” của Xuân Diệu. Nhờ vào niềm khát khao có vẻ thật vô lí và có phần hảo huyền ấy mà ta hiểu rõ được tình yêu đời, yêu cuộc sống của thi nhân to lớn, mãnh liệt như thế nào. Không thể chấp nhận cái vẻ đẹp “ngon như cặp môi gần” kia tàn phai theo năm tháng. Nhà thơ muốn ngưng đọng thời gian, để nắng thôi rọi, để gió ngừng thổi. Mọi vật hãy bất động một chút thôi, để nhà thơ được “ôm”, được “riết”, được “say”, được “thâu” cùng với hương sắc của cuộc đời. Niềm khao khát “tắt nắng”, “buộc gió” mãnh liệt đến tội nghiệp.

           ….

           Cho màu đừng nhạt mất

           …

          Cho hương đừng bay đi

 

Sử dụng từ “đừng” để điệp làm cho câu thơ trở nên tha thiết như là van xin. Hỡi nắng, hỡi gió xin đừng đến rồi mang đi hương sắc của cuộc đời. Đừng làm màu nhạt, đừng để hương bay. Trần gian như thiên đường cũng bởi vì hương vì sắc, đó là “đồng nội xanh rì” là “cành tơ phơ phất” là “yến anh” là “ non nước và cây và cỏ rạng”, ấy thế mà thời gian sao nỡ lạnh lùng đến rồi làm phai cả đi.

        Cũng bởi “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” mà thời gian thì “đều rớm vị chia phôi”. Thế nên Xuân Diệu lại càng ham hố muốn có quyền năng để ngưng đọng cả vũ trụ, để thi nhân có thể sống trọn vẹn, tận hưởng trọn vẹn hương sắc của chốn Bồng Lai nơi trần thế. Cũng bởi tình yêu ông dành cho cuộc sống, cho vạn vật này quá lớn, ông yêu mọi thứ đến cuồng si nên nhà thơ khát khao được ở lại, khát khao tận hưởng từng mùi vị thơm ngon của cuộc đời. Quan niệm sống hết mình, sống trọn vẹn, yêu thương mãnh liệt là quan niệm hết sức tiến bộ, văn minh của nhà thơ.

      Qua hai đoạn thơ trong Sóng và Vội vàng, Xuân Quỳnh và Xuân Diệu cùng nhận thấy lợi thế mà thể thơ ngũ ngôn mang lại cho nhịp điệu trong lời thơ của mình. Với thể thơ ngũ ngôn, hai đoạn thơ của hai thi nhân trở nên ngắn gọn, súc tích qua đó để dàng gửi đi thông điệp về tình yêu, khát khao mãnh liệt được yêu được sống của bản thân tác giả.

      Cùng là tình yêu của tuổi trẻ với đời, với người. Cùng có nỗi lo về sự hữu hạn của con người với cái vĩnh hằng của vũ trụ. Tuy nhiên, dưới cách đưa ra giải pháp, quan niệm của nhà thơ, ta thấy được cái tôi rất riêng của từng tác giả. Nếu ở Xuân Quỳnh là khao khát hi sinh, dâng hiến. Thì ở Xuân Diệu ta lại thấy được cái mạnh mẽ, quyết liệt trong hành trình giành lấy để sở hữu, để tận hưởng. Điều đó cũng dễ hiểu thôi vì sau cho cùng họ cũng là hai thái cực đối lập. Đức tình cần cù, hy sinh đến quên mình là hình ảnh quá đổi quen thuộc ở người phụ nữ Việt Nam. Và Xuân Quỳnh chắc chắn sẽ là một đại diện hoàn hảo cho hình ảnh cao đẹp đó. Nếu Xuân Quỳnh là tượng đài cho phái đẹp thì Xuân Diệu sẽ là bức tượng vững trải cho cách sống cuồng si, mãnh liệt, biết tận hưởng cái đẹp rất riêng của người đàn ông. Ngoài ra, hoàn cảnh sinh ra hai đứa con tinh thần ấy cũng phần nào ảnh hưởng đến quan niệm sống của nhà thơ. Bởi lẽ, sống đâu phải chỉ có riêng mình, mà sống cũng cần phải hòa vào cái chung của toàn dân tộc. Vì sao lại nói thế? Sóng được ra đời vào cuối năm 1967, là khi đất nước đang phải gồng mình hứng chịu bom đạn từ giặc ngoại xâm, là khi những “cuộc chia tay màu đỏ” xuất hiện khắp bến tàu. Tình yêu riêng từ rất cần và phải cần hòa vào tình yêu chung của đất nước. Cũng bởi “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau.” 

          Đọc và cảm nhận Sóng cùng Vội vàng, ta như ngập tràn trong men say của hai thi sĩ. Lời thơ nồng nàn , tha thiết lại vô cùng mãnh liệt. Họ say mê yêu đời yêu người, họ tô vẽ cuộc sống theo cách riêng của họ. Dù là tình nguyện hi sinh dâng hiến hay là khao khát  tận hưởng, sở hữu. Suy cho cùng cũng là do tình yêu trong tâm hồn họ quá đỗi to lớn. Qua đó đã làm nổi bật lên cái tôi rất riêng của từng tác giả.

       Tài năng của Xuân Quỳnh – Xuân Diệu một lần nữa được sống lại trong Sóng và Vội vàng. Lời thơ mộc mạc, chân thật cùng lối viết văn đầy sáng tạo lại vô cũng cá tính. Hai bài thơ không những mang lại giá trị nghệ thuật cho nền văn học mà còn đưa những triết lí sâu sắc, ý nghĩa đến với mỗi độc giả. Thật sự không ngoa  khi nói Sóng và Vội vàng đã đưa hình tượng của hai thi nhân lên một tầm cao mới.

Học sinh lớp học chị Hiên

Tin liên quan