Đăng Ký Học
Ngày 09/11/2018 22:12:10, lượt xem: 3469
MB1:
Tôi còn nhớ Nguyễn Tuân – với sự kính trọng, cảm phục. Ông luôn tâm niệm, đã chọn nghề viết, là không ngừng viết bất cứ lúc nào, dẫu với bất cứ chuyển động nào của lịch sử. Cũng xuất phát từ cái tâm đó mà người nghệ sĩ này đã để lại cho văn đàn Việt Nam biết bao tác phẩm hay. Tháng Tám - mùa thu cũng đã vào văn Nguyễn Tuân trong vẻ lộng lẫy của một bức sơn mài. Ông không ngần ngại đi lên chiến khu Việt Bắc, viết những trang mới nồng ấm tình người trong “Đường vui”, “Tình chiến dịch”… Trong sự nghiệp sáng tác của mình, cả trước và sau Cách mạng Tháng Tám, ông đều để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị như “Vang bóng một thời”, “Tuỳ bút I”, “Thiếu quê hương”, “Chiếc lư đồng mắt cua”, “Tóc chị Hoài”, “Đường vui”, “Tình chiến dịch”, “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”… và không thể không kể tới tùy bút “Sông Đà” – những áng văn đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc bởi nó mang phong cách uyên bác, tài hoa, độc đáo và một giọng văn rất riêng của người nghệ sĩ này.
MB2:
Kể cả trước đây và mãi sau này, những người nghệ sĩ cứ hát mãi khúc ca về những dòng sông. Hoàng Cầm hát về sông Đuống “ nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”, Văn Cao hát về sông Lô với điệu hồn hùng tráng, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại đưa sông Hương vào những điệu hồn êm dịu. Một nhà văn độc đáo như Nguyễn Tuân cũng hát – hát về sông Đà – bằng tất cả sự hiểu biết, tình cảm, tâm tư. Tùy bút Sông Đà là kết quả chuyến đi thực tế năm 1958 của nhà văn Nguyễn Tuân, gồm 15 bài tùy bút và một bài thơ phác thảo. Nội dung chủ yếu là ca ngợi cảnh vật và con người Tây Bắc, đặc biệt nhà văn đã khám phá "chất vàng mười" đã qua thử lửa của vùng đất này. Tùy bút Sông Đà tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám: uyên bác, tài hoa, tìm cái đẹp từ cuộc sống hiện tại của nhân dân lao động.
MB3:
Nguyễn Tuân đã từng chọn câu của Paul Morand làm đề từ cho tác phẩm “Thiếu quê hương” của mình : “Ta muốn sau khi ta chết, có người thuộc da ta làm chiếc va ly”, Nguyễn Tuân dứt khoát khẳng định: “Đứng về phương diện một người lấy sự hoàn toàn phát triển giác quan của mình làm lẽ chính cuộc sống” thì “không gì thiệt thòi bằng trung thành với một chỗ ở”. Trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của Nguyễn Tuân, khi tìm hiểu về những tác phẩm của ông, có thể nhận ra một điều đó là 2 nội dung chi phối trong những tác phẩm của ông đó là “ hoài cổ và xê dịch”, ông ham đi, luôn luôn muốn được trải nghiệm những điều mới mẻ. Cũng chính vì nguyên cớ này, năm 1958, Nguyễn Tuân đã lên đường, ngược về vùng núi cao Tây Bắc, để “gặp, làm quen, hiểu và viết” về sông Đà. Chuyến đi thực tế này được ông ghi lại một cách “tuyệt đẹp” qua tùy bút “Sông Đà”. Để lại nhiều ấn tượng nhất có lẽ là hình ảnh ông lái đò sông Đà qua thiên tùy bút này.
Tin liên quan