BÀI VIẾT NGHỊ LUẬN XÃ HỘI HAY NHẤT VỀ SỐNG NHƯ KHÔNG BAO GIỜ CHẾT, HAY NHƯ SẼ CHẾT BẤT CỨ LÚC NÀO?

Ngày 28/03/2024 16:50:22, lượt xem: 1268

Dưới đây là bài viết nghị luận xã hội về "Sống như không bao giờ chết, hay như sẽ chết bất cứ lúc nào?" (Đề thi học sinh giỏi lớp 12 tỉnh Quảng Nam 2024) do Học Văn Chị Hiên biên soạn.

 

Đề bài: Trong tác phẩm "Alexis Zorba, con người hoan lạc" của Nikos Kazantzakis có đoạn sau:
Này nhé, một hôm, tôi đi qua một làng nhỏ. Một ông cụ chín mươi tuổi đang bận bịu trồng cây anh đào. "Chà, ông nội!", tôi thốt lên. "Ông nội còn trồng anh đào kia à?". Và ông lão, còng gập đôi người, quay lại nói: "Con ạ, ta thường hành động như thể ta sẽ không bao giờ chết". Tôi đáp: "Còn tôi thì thường hành động như thể tôi có thể chết bất cứ lúc nào". Sếp thấy trong chúng tôi, ai đúng?
Nếu là vị "sếp" trong tác phẩm trên, câu trả lời của anh/chị là gì? Hãy viết bài văn trình bày quan điểm của mình.

Bài làm 
“Khi con người ta vẫn còn trên đời, tưởng rằng còn nhiều thời gian, nhiều cơ hội. Thực ra cuộc đời là một phép trừ, gặp nhau một lần, ít đi một lần” - Mari Tamagawa. Quả thực đúng là như vậy, cuộc đời hữu hạn dần theo năm tháng, hãy cố gắng tích lũy những điều đáng quý để cuộc đời của bạn trở nên ý nghĩa hơn. Tuy nhiên không phải ai cũng biết điều đó, có những người vẫn chưa hiểu được hết ý nghĩa của cuộc sống bởi họ chưa đủ trải nghiệm. Đó là lí do trong tác phẩm “Alexis Zorba, con người hoan lạc” của Nikos Kazantzakis, có một đoạn trích nhỏ đã cho chúng ta hiểu được một chân lí khi con người sống đủ lâu, tích lũy nhiều trải nghiệm thì sẽ hiểu được ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Câu chuyện được một nhân vật kể lại khi anh ta đi qua một ngôi làng nhỏ, thấy một ông cụ chín mươi tuổi đang bận bịu trồng cây anh đào. Sau đó anh ra thốt lên: “Chà, Ông nội!”, “Ông nội còn trồng anh đào kia à”. Và ông lão còng gập người, quay lại nói: “Con ạ, ta thường hành động như thể ta sẽ không bao giờ chết”. Và anh ta đáp: “Còn tôi thường hành động như thể tôi có thể chết bất cứ lúc nào”. Câu chuyện chỉ vỏn vẹn trong vài câu từ nhưng đã gửi gắm tới bạn đọc triết lí nhân sinh sâu sắc. Hai nhân vật được xây dựng là những người có khoảng cách thế hệ bởi vậy nên họ có nhân sinh quan và giá trị quan khác nhau. Xây dựng câu chuyện như vậy, bài học tác giả muốn gửi gắm tới bạn đọc chính là mỗi người có một cách nhìn khác nhau, trải nghiệm khác nhau nên hãy sống sao để mình cảm thấy hạnh phúc ở mỗi phút giây hiện tại.

Để hiểu rõ hơn thông điệp mà tác giả gửi gắm, trước hết ta cần cắt nghĩa những từ ngữ chứa đựng ý nghĩa trong câu nói của hai nhân vật. Cụ ông chín mươi tuổi đại diện cho những người thuộc thế hệ đi trước, đã trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống và có nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời nên triết lí mà ông rút ra là “ta thường hành động như thể ta sẽ không bao giờ chết”. Trong triết học, Phật giáo, ý nghĩa của câu này thường được hiểu là một cách để nhấn mạnh việc sống ở hiện tại, tận hưởng và trải nghiệm cuộc sống một cách đầy đủ, tỉnh thức và tâm hồn tự do. Điều này không có nghĩa là ta bỏ quên cái chết, mà là nhìn nhận nó một cách nhẹ nhàng, không sợ hãi và không để nó chi phối cuộc sống của mình. Còn với chàng trai trẻ, anh ta đại diện cho lớp thế hệ trẻ với kinh nghiệm sống chưa phong phú, còn non nớt nên anh ta rút ra bài học cho mình “Còn tôi thường hành động như thể tôi có thể chết bất cứ lúc nào”. Với câu nói của người trẻ ta có thể hình dung được rằng anh ta thấy cuộc sống ngắn ngủi, vậy nên người trẻ sẽ sống và làm những công việc nào đó mình cảm thấy yêu thích để không phải hối tiếc khi trở về cát bụi. Như vậy một người cho rằng cuộc sống này còn dài, sự sống sẽ mãi tiếp diễn vì thế hãy cứ làm những điều có ý nghĩa cho cuộc đời. Còn một người lại cho rằng cuộc sống này ngắn ngủi, hãy làm những điều ta muốn để sau không hối hận. Hai trường phái đang đối lập nhau về mặt ý nghĩa nhưng thực chất nó đều muốn nhắn nhủ chúng ta hãy cố gắng sống và làm những điều mình mong muốn.

 

ĐỌC THÊM: LÍ LUẬN VĂN HỌC || “NỖI CÔ ĐƠN CỦA VIẾT LÀ NỖI CÔ ĐƠN MÀ KHÔNG CÓ NÓ SẼ KHÔNG CÓ TÁC PHẨM”


Xét trên nhiều bình diện và khía cạnh khác nhau của cuộc sống, mỗi người một hoàn cảnh, một góc nhìn và một cách tiếp nhận vấn đề khác nhau nên ta sẽ khó trả lời được câu hỏi ở cuối đoạn trích đặt ra: “Sếp thấy trong chúng tôi, ai đúng?”. "Hành động như thể sẽ không bao giờ chết" là thái độ sống tích cực, lạc quan, không vì tương lai chưa biết trước mà toan tính quá nhiều trong hiện tại, hết sức hết lòng thực hiện điều mình muốn. Còn "hành động như thể có thể chết bất cứ lúc nào" lại là cách sống đề cao sự hết mình, luôn tận tụy trong mọi việc, cố gắng hết sức để đạt kết quả tốt nhất có thể. Hai thái độ sống tuy cách diễn đạt có vẻ trái ngược nhau nhưng đều gặp gỡ ở tâm niệm: luôn hết mình cho hiện tại. Tuy nhiên nếu là vị “sếp” trong tác phẩm này, ta cũng có thể thấy quan điểm của ông cụ sẽ có phần tích cực hơn và dễ tiếp nhận hơn. Vậy vì sao ta cần sống mỗi ngày một cách trọn vẹn, không để ý đến quá khứ hoặc lo lắng về tương lai để tận hưởng cuộc sống? Trước hết, cuộc sống là một món quà quý giá, và việc tận hưởng nó là cách thể hiện trọng trách đối với món quà ấy. Khi ta hiểu rằng cuộc sống có giới hạn và cái chết là điều không thể tránh khỏi, ta sẽ đánh giá cao hơn mỗi khoảnh khắc và tận hưởng chúng đúng cách. Bằng cách tận hưởng cuộc sống, ta có cơ hội khám phá ý nghĩa và mục đích của mình. Qua trải nghiệm, ta có thể hiểu sâu hơn về bản thân, về người khác và về thế giới xung quanh. Bên cạnh đó, coi nhẹ cái chết không phải là việc không quan tâm đến nó, mà là việc chấp nhận nó một cách bình tĩnh và tự nhiên. Khi ta không sợ hãi cái chết, ta có thể sống một cuộc sống tự do hơn, không bị cảm xúc tiêu cực áp đặt lên mình. Như vậy, coi nhẹ cái chết giúp ta đánh giá cao hơn mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống. Ta học cách sống ở hiện tại, thưởng thức những điều nhỏ bé và quan trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày, đó là cách nhận định của một người có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm trong cuộc sống. Ta chợt nhớ đến trường hợp của cô gái Lê Thanh Thúy, một cô gái lạc quan, yêu đời với nụ cười hoa hướng dương, đối mặt với căn bệnh ung thư và cái chết, vẫn mạnh mẽ, sống có ích. Cô đã lập nên quỹ “Ước mơ của Thúy” để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư khác. Tuy Thúy đã mất đi nhưng ước nguyện cao đẹp của chị vẫn còn mãi với cuộc đời, hàng “Ngày hội Hoa hướng dương”, viết tiếp ước mơ của Thúy, vẫn được tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo của mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Như vậy Thúy đã dành những ngày còn lại của mình để làm những việc ý nghĩa, chị không hề bi quan mà sự tích cực của chị đã lan tỏa tới cộng đồng, giúp đỡ hàng ngàn bệnh nhân.
Với lối suy nghĩ của anh chàng trẻ, mặc dù chưa được tích cực và được nhìn nhận đa chiều như ông cụ nhưng nó cũng không sai và cũng có ý nghĩa riêng của nó. Nếu ta coi mỗi ngày là một ngày cuối cùng của cuộc đời mình, ta có thể trân trọng hơn mỗi khoảnh khắc và không để bị cuốn vào những vấn đề nhỏ bé hay quá mức căng thẳng. Điều này có thể giúp ta sống độc lập, tự do hơn, không bị ràng buộc bởi lo lắng về tương lai. Khi ta nhận thức được cuộc sống này ngắn ngủi, ta có thể coi mỗi ngày là một ngày cuối cùng của cuộc đời mình để trân trọng hơn mỗi khoảnh khắc. Điều này có thể giúp ta sống độc lập, tự do hơn, không bị ràng buộc bởi lo lắng về tương lai từ đó thúc đẩy ta hành động với sự ý thức và trách nhiệm cao hơn. Tóm lại, hành động như thể ta có thể chết bất cứ lúc nào có thể giúp ta sống một cuộc sống trọn vẹn hơn, ý thức hơn về thời gian và giá trị của nó, ta sẽ trân trọng và biết ơn khoảnh khắc hằng ngày.
Sống như thể ta sẽ không bao giờ chết hay sống như thể ngày mai ta sẽ chết đều là lựa chọn của mỗi người, chỉ cần chúng ta biết mục đích sống của mình, làm được những điều ý nghĩa cho cuộc sống thì đó đều là điều đáng quý. Đáng phê phán ở đây là những người không xác định được lí tưởng, mục đích sống của mình và sống một cách tẻ nhạt, vô nghĩa. Vậy nên hãy xác định cho mình cách sống phù hợp, chỉ cần bản thân mình cảm thấy thoải mái với lối sống ấy mà thôi. Cá nhân chúng ta, những người trẻ đang trên hành trình đi tìm lí tưởng, mục tiêu cuộc đời, trước hết ta hãy cứ sống với tư cách là một người tốt, một người có ích cho xã hội để chúng ta học tập rèn luyện, sau này dùng những tri thức mà ta tích lũy góp ích cho đời. Điều quan trọng là bạn hãy sống như đóa hoa luôn tỏa hương sắc cho đời.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học thực chiến giải đề lớp 12

Tin liên quan