ĐỀ THI HSG TP.HCM: NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ ĐAM MÊ VÀ NHỮNG SAI LẦM

Ngày 13/03/2024 14:45:41, lượt xem: 1602

Dưới đây là bài nghị luận xã hội về đam mê và những sai lầm hay có sử dụng hiệu ứng "sai lầm" trong tâm lí học xã hội để giải quyết vấn đề cần nghị luận. Các bạn cùng Học Văn Chị Hiên tham khảo. 

 

ĐỀ BÀI: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: Liệu những đam mê chính đáng có thể được xem là lí do để biện minh cho sai lầm?

BÀI VIẾT
“Hãy cứ đam mê, hãy cứ dại khờ” là một lời kêu gọi không còn quá xa lạ với giới trẻ ngày nay. Sự cổ vũ lớn lao của xã hội đối với việc theo đuổi đam mê đã giúp người trẻ có được động lực không nhỏ trên hành trình phá bỏ những rào cản để khẳng định mình, hiện thực hóa ước mơ. Nhưng liệu có giới hạn nào cho sự “dại khờ” khi theo đuổi đam mê hay không? Nói cách khác: liệu những đam mê chính đáng có thể được xem là lí do để biện minh cho sai lầm?
Trước hết đam mê chính đáng là niềm yêu thích mãnh liệt đối với một lĩnh vực hay một công việc đúng đắn nào đó. Khác với sở thích, đam mê có sức mạnh trở thành lẽ sống, thôi thúc con người ta dùng toàn tâm toàn sức để theo đuổi. Và bởi đam mê thường đi liền với sự quyết tâm, kiên định, say mê, đôi khi là sự đánh đổi trước hoàn cảnh nên nó dễ trở thành lí do để biện minh cho những sai lầm - từ nhỏ nhặt cho đến nghiêm trọng. Trong tâm lí học xã hội, có một xu hướng nhận thức được gọi là hiệu ứng sai lầm. Đó là khi một người có năng lực cao mà mắc sai lầm thì được xem là dễ gần hơn, lỗi lầm của họ rất dễ được tha thứ. Do nhiều người có suy nghĩ theo thiên hướng “bù trừ”, không ai trên đời là hoàn hảo nên một khi ai đó giỏi giang ở một lĩnh vực nhất định thì khi họ thiếu sót, sai lầm ở một vài việc nào đó cũng là điều dễ hiểu, có thể chấp nhận được. Trong khi, sự ưu tú và giỏi giang của một người thường là thành quả khi họ theo đuổi thành công đam mê của mình. Phải chăng vì vậy mà việc theo đuổi đam mê dễ trở thành công cụ để khỏa lấp cho những thiếu sót hay sự chưa hoàn thiện ở mỗi người.
Tuy nhiên, đam mê chính đáng không thể được xem là lí do biện minh cho sai lầm. Bởi dù cho đam mê là chính đáng thì cũng luôn có những quy tắc, khuôn khổ nhất định cần tuân theo. Trong lĩnh vực nghệ thuật, một người nghệ sĩ có thể đam mê sáng tạo nên những thể loại mới mẻ, những tác phẩm độc đáo nhưng người nghệ sĩ ấy không thể lợi dụng lí do đó mà được phép xuyên tạc lịch sử hay sử dụng ngôn ngữ độc hại trong tác phẩm của mình. Trong môi trường giáo dục, một học sinh xuất sắc một môn học nào đó không có nghĩa học sinh ấy được phép vô lễ với thầy cô hay thiếu tôn trọng bạn bè. “Thiên vị” đam mê, vì đam mê mà sẵn sàng phá vỡ quy tắc thậm chí là những quy tắc cơ bản, thiết yếu, sẵn sàng phạm sai lầm thì xã hội không thể phát triển bền vững, cán cân công bằng của pháp luật sẽ dần bị lung lay. Điều quan trọng ở đây là ta cần có quan niệm rõ ràng về sai lầm khi theo đuổi đam mê. Thước đo để đánh giá một việc làm là đúng hay sai chính là khả năng chịu trách nhiệm của người thực hiện. Nếu ta gây ra những lỗi lầm nằm ngoài khả năng chịu trách nhiệm của bản thân và dùng đam mê như một lời biện minh tối thượng thì chẳng mấy chốc mọi nguyên tắc vận hành cuộc sống sẽ đều bị coi thường. Đam mê không phải “thiên thần tha thứ” để ta “triệu hồi” mỗi khi làm sai. Thật bất công cho những gì gọi là đam mê nếu nó luôn trở thành cái động không đáy chứa chấp những lỗi lầm.
Nếu ta dễ dàng dùng đam mê để biện minh cho sai lầm thì dần dần đam mê sẽ trở thành “méo mó”, “biến dạng”, mất đi ý nghĩa cao đẹp ban đầu. Đam mê là để mỗi chúng ta có mục tiêu mà nỗ lực, phấn đấu, trở thành phiên bản ưu tú hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng nếu dùng đam mê để châm ngòi cho sự thiếu kỉ luật, tính ỷ lại thì dẫu cho bạn có theo đuổi thành công đam mê của mình, con người bạn, nhân cách của bạn cũng đã ít nhiều hoen ố, niềm tự hào khi thành công chắc chắn cũng không còn. Hơn nữa, con người là tổng hòa của các mối quan hệ, của không ít những trách nhiệm đối với gia đình, xã hội trong khi theo đuổi đam mê phần nhiều là việc ta chịu trách nhiệm với niềm yêu thích của chính bản thân. Trách nhiệm với cộng đồng, sự cống hiến cho tập thể sẽ bị đặt để ở đâu khi bạn sẵn sàng vi phạm quy tắc vì đã có đam mê làm lí do biện minh. Nếu cứ như vậy thì đam mê của bạn chỉ là một cách gọi khác của gánh nặng mà gia đình và xã hội phải gánh chịu. Thật nguy hiểm khi đánh đồng đam mê với sự táo bạo vô trách nhiệm. Mà tư tưởng đó chính là một trong những hệ quả của lối suy nghĩ dùng đam mê để bào chữa cho sai lầm.
Không chỉ vậy, nếu mỗi sai lầm đều có lí do biện minh đến từ đam mê thì ranh giới giữa đúng và sai, giữa chính đáng và mù quáng sẽ dần mờ nhòa, nghiêm trọng hơn là thước đo về nhân cách, phẩm chất của con người cũng dần bị thay đổi theo hướng tiêu cực. Thật đáng sợ khi thế giới trở nên vô pháp, cán cân công lí nghiêng hoàn toàn về cảm tính trong khi lí tính bị xem nhẹ, coi thường. Đam mê là đứa con tinh thần. Nếu ta “chiều chuộng” nó quá mức, coi đứa con ấy là liều thuốc bào chữa tất cả những thiếu sót trong lí trí thì sẽ đến lúc ta trở nên tồi tệ, thiếu trung thực, tự kiêu tự đắc, tự dễ dãi với chính mình. Nếu tuyệt đối hóa tầm quan trọng của đam mê thì tiêu chuẩn cho mọi khía cạnh khác đều hạ bị hạ xuống. Quy luật không ai hoàn hảo trên đời chỉ nên là động lực để mỗi chúng ta cố gắng nhiều hơn, “khó tính” hơn trước những kết quả mình đạt được chứ không nên trở thành chỗ ỷ lại cho tâm lí dễ dãi trước những điều chưa tốt của bản thân và của người khác.
Phản đối việc lấy đam mê làm lí do biện minh cho sai lầm không có nghĩa tôi ủng hộ thái độ sống dụt dè, sợ sai. Cần phân biệt rõ giữa sai lầm và trải nghiệm. Làm sai mà rũ bỏ trách nhiệm khác với làm sai mà không ngừng rút kinh nghiệm, học hỏi từ chính sai lầm của mình. Mỗi chúng ta đều có quyền theo đuổi đam mê chính đáng, lấy đam mê làm kim chỉ nam vững vàng để đưa ra những quyết định đôi khi mạo hiểm và liều lĩnh. Cảm giác khi đạt được thành tựu trên hành trình theo đuổi đam mê quả thực rất mãn nguyện, sung sướng mà nếu không có những trải nghiệm, vấp ngã thì ta sẽ khó lòng được tận hưởng. Bên cạnh đó, không dùng đam mê làm cái cớ cho sai lầm không đồng nghĩa với tư tưởng sống khuôn cứng, tự giới hạn bản thân trong những quy định, thành kiến ngột ngạt. Ta không nên đổ lỗi cho đam mê mỗi khi mình làm sai nhưng cũng không nên biến bản thân thành một “người trong bao” sống sợ sệt, chết vô nghĩa.

 

ĐỌC THÊM: BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI HAY NHẤT VỀ GIÁ TRỊ CỦA LỊCH SỬ TRONG CUỘC SỐNG NGÀY NAY


Không thể phủ nhận, có vấp ngã mới có trưởng thành, có lầm lỡ rồi mới rạn dày vốn sống, đam mê chỉ thành hình khi con người ta đã phải đánh đổi ít nhiều. Nhưng luôn cần có một giới hạn nhất định để trong khuôn khổ đó, con người có thể tự do theo đuổi đam mê và đủ khả năng chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình. Thiết nghĩ, giới hạn ấy bên cạnh dựa trên quy định của pháp luật thì phần lớn thuộc về nhân cách, đạo đức con người. Một người có đạo đức và nhân cách tốt sẽ có ước mơ chân chính, có đam mê chính đáng và hành trình của họ là hành trình truyền cảm hứng về sự tử tế, theo đuổi khát vọng cá nhân đi liền với việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Nhìn vào hành trình theo đuổi âm nhạc của rapper Đen Vâu, ta sẽ thấu hiểu hơn điều này. Anh từng xin nghỉ việc không lương để mở quán cà phê với mục đích gặp gỡ, giao lưu với những người cùng sở thích rap. Hành động mạo hiểm để theo đuổi đam mê như thế ban đầu là một sai lầm khi anh kinh doanh bị thua lỗ. Tuy nhiên cuộc sống của Đen lúc bấy giờ không trở thành gánh nặng của gia đình hay xã hội bởi anh đã chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình, anh chọn xin đi làm lại để có tiền trang trải chi phí hàng quán và vẫn quyết tâm đi theo con đường âm nhạc. Để rồi những sáng tác của Đen dần trở nên nổi tiếng với chất nhạc riêng, chân thực, gần gũi, giàu chiêm nghiệm và sự tử tế. Bên cạnh đó, trên hành trình theo đuổi đam mê âm nhạc, nam rapper đã dùng tài năng và sức ảnh hưởng của mình để lan tỏa quan niệm sống chân thành, tử tế. “Nấu ăn cho em” là một sản phẩm âm nhạc rất nổi tiếng của Đen Vâu. Ý nghĩa của ca khúc, nội dung của MV đã truyền đi thông điệp về tình yêu thương, sự san sẻ với những em nhỏ vùng cao, nhân rộng hơn mô hình “Nuôi em” giúp nhiều em nhỏ có được nguồn trợ giúp chân thành, ý nghĩa. Có thể thấy, câu chuyện của Đen Vâu là một minh chứng xác đáng cho việc hết mình theo đuổi đam mê nhưng không lấy đó làm lí do để vô trách nhiệm với những quyết định mạo hiểm hay thờ ơ trước bao trách nhiệm xã hội.
Nếu bạn thường xuyên có tâm lí đổ lỗi hay “dựa dẫm” vào đam mê mỗi khi mình mắc sai lầm thì hãy xây dựng một nguyên tắc sống dựa trên những giá trị cốt lõi mà bản thân tin tưởng, xã hội chấp nhận, và không có bất cứ ngoại lệ nào cho nguyên tắc ấy. Giữ đúng nguyên tắc để ngày một ưu tú hơn cũng là một dạng thức theo đuổi đam mê chân chính. Yêu thích vô cùng việc làm những món đồ thủ công, muốn theo đuổi nghiêm túc việc kinh doanh những món đồ mình làm ra nhưng tôi ý thức được mình đang là một học sinh và vì vậy tôi luôn có một nguyên tắc: không dành thời gian cho đam mê cá nhân khi chưa hoàn thành hết bài tập được giao. Đến với đam mê bằng sự chân thành, nhìn nhận đam mê bằng sự trách nhiệm, theo đuổi đam mê bằng sự tử tế, và khi đó dẫu có đôi lần lầm lỡ, bạn vẫn có thể và có quyền bước tiếp, mạnh mẽ tiến về phía trước, tự tin khẳng định chính mình.
Cuộc sống giống như một đường đua mà ở đó, đam mê là vạch xuất phát đầy hứa hẹn, cũng có thể là đích đến cuối cùng, có thể là những tiếng reo hò cổ vũ nhưng tuyệt nhiên không thể là liều doping độc hại khiến ta mù quáng, bất chấp mọi quy định của cuộc chơi và đánh đổi nhân cách của chính mình!

 

Bài nghị luận xã hội về đam mê và những sai lầm trên bám sát cấu trúc bài nghị luận xã hội thế hệ mới cần có, vì thế các bạn cũng có thể tham khảo và linh hoạt áp dụng vào xử lí các đề bài khác.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học nghị luận xã hội chuyên sâu

Tin liên quan