Đăng Ký Học
Ngày 16/06/2023 08:13:49, lượt xem: 1493
ĐỀ BÀI: Em hãy viết bài văn nghị luận về một khổ thơ hoặc đoạn thơ khiến em suy nghĩ về tình yêu nước của con người Việt Nam và muốn cất lên những lời ngợi ca tình yêu ấy. Từ đó cho biết tác động của khổ thơ hoặc đoạn thơ đó đối với em.
-----------------------------------
BÀI LÀM:
“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.”
(Nguyễn Khoa Điềm)
Những câu thơ giản dị, xúc động gợi cho ta nhớ về một thời đại lịch sử của dân tộc, khi triệu trái tim cùng nhịp đập, khi ai cũng sẵn sàng dâng hiến sức trẻ và thanh xuân cho đất nước cho quê hương mà chẳng cần đền đáp hay ghi danh. Một thời để thương, để nhớ, để hướng về với niềm cảm phục và biết ơn vô hạn. Thời đại ấy, những con người ấy đã được Phạm Tiến Duật khắc họa chân thực trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Đọc tác phẩm, đặc biệt là hai khổ thơ cuối bài, ta cảm nhận được sâu sắc tình yêu nước của con người Việt Nam và ta muốn được cất lên những lời ngợi ca tình yêu thiêng liêng ấy. Những vần thơ gợi lên trong ta cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng tới những vùng trời cao đẹp hơn, hướng lòng ta đến với chân trời của tình yêu quê hương đất nước, của sự biết ơn đối với lớp lớp thế hệ cha anh đi trước.
Phạm Tiến Duật là một trong những nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đề tài mà ông hướng tới là người lính, đặc biệt là những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Thơ của ông rất cuốn hút người đọc bởi tính chân thật, sáng tạo, ngang tàng, sôi nổi mà không kém phần sâu sắc. Tiêu biểu trong dó là bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính"- được viết năm 1969, in trong tập “Vầng trăng quầng lửa”. Bài thơ đã khắc họa thành công hình ảnh những chiếc xe không kính và hình ảnh những chiến sĩ lái xe Trường Sơn với tư thế ung dung hiên ngang, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, luôn lạc quan yêu đời, có lý tưởng chiến đấu cao đẹp. Đặc biệt tình yêu nước, tình yêu quê hương cháy bỏng của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn nói riêng và những người dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nói chung được cất lên trong hai khổ thơ cuối của bài.
TUYỂN SINH LỚP HỌC OFFLINE MÔN NGỮ VĂN TẠI HÀ NỘI - HỌC VĂN CHỊ HIÊN
Nếu như những khổ thơ đầu là hiện thực khốc liệt của chiến tranh, hoàn cảnh khắc nghiệt của khí hậu, thì khi đưa ngòi bút của mình đến với hai khổ cuối, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật nên tình quê hương, Tổ quốc của những người lính lái xe. Tình yêu nước bắt nguồn từ tình cảm giản dị, từ tình đồng chí đồng đội của những người lính gắn bó với nhau như anh em một nhà:
"Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”
Sau mỗi trận mưa bom bão đạn cùng với những chiếc xe bị tàn phá nặng nề hơn, những người lính lại gặp nhau trong phút dừng chân ngắn ngủi. Họ không chỉ chia sẻ những khó khăn trong nhiệm vụ mà còn cùng nhau chia sẻ những vất vả, gian lao trong đời sống sinh hoạt. Nhìn những hình ảnh đó ta thấy rõ vẻ đẹp tâm hồn và tình cảm ẩn sâu trong trái tim của mỗi người lính lái xe. Bếp Hoàng Cầm, loại bếp dã chiến dùng trong lúc hành quân, được đưa vào thơ rất tự nhiên, gợi lên cái kỷ niệm ấm áp của tình đồng đội. Trong giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi ấy, hai chữ “gia đình” được định nghĩa thật giản đơn: “Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Không cầu kì hay quá lớn lao, chính sự giản dị, hồn nhiên trong tâm niệm về gia đình đã làm toát lên ý nghĩa thiêng liêng nhất của tình đồng chí. Bởi chung bát chung đũa là đồng cam cộng khổ, là chia ngọt sẻ bùi, là vào sinh ra tử cùng nhau trong suốt quãng đời người lính. Tiểu đội xe không kính từ đó mà đã trở thành một gia đình chan chứa tính thương yêu. Ta tự hỏi, điều gì đã giúp những tình cảm chân thành, mộc mạc như tình đồng chí vẫn luôn ấm nóng trong trái tim người lính dù họ luôn biết rằng gọi nhau hai tiếng đồng đội nghĩa là đã dấn thân vào chiến trường gian khổ và hiểm nguy? Có lẽ, vượt lên trên nỗi sợ hãi, ngại ngần, vượt lên trên mọi thách thức của hoàn cảnh chính là tinh thần yêu nước mãnh liệt. Tình yêu nước đã thôi thúc các anh lên đường chiến đấu, cùng tụ họp về đây, gọi nhau là đồng chí đồng đội, cùng hiên ngang tay lái, cùng tếu táo trong những bữa cơm giữa rừng. Càng thấm thía điều đó, ta càng trân trọng hơn những vần thơ của Phạm Tiến Duật, tinh nghịch đấy mà giúp ta hiểu thêm bao điều về tình yêu quê hương đất nước. Không chỉ vậy, vần thơ của Phạm Tiến Duật còn khắc họa tinh thần lạc quan, quyết tâm của người lính lái xe – một biểu hiện tuyệt vời của tình yêu nước giữa những tháng năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt:
“Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm"
“Võng mắc” là để nghỉ ngơi. Thế nhưng giờ phút nghỉ ngơi đó lại được kết hợp với từ láy “chông chênh” gợi lên một tư thế không thăng bằng, không vững chãi, lúc nào cũng trong tình thế sẵn sàng chiến đấu. Quả thực, người lính không nề hà hay ngần ngại tước bất cứ điều gì, họ chấp nhận hoàn cảnh, vui vẻ và sẵn sàng với nhiệm vụ được giao. Câu thơ vang lên nhẹ nhàng, vui tươi mà sao khiến ta cảm phục đến thế! Bên cạnh đó, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã sử dụng điệp từ “lại đi” và biện pháp ẩn dụ “trời xanh thêm” để mở ra cung đường vận tải mà người lính vẫn luôn gắn bó. Dù như thế nào thì đoàn xe vẫn cứ lao nhanh, lại đi bon bon chuyên chở khí giới, đạn dược và cả ý chí con người luôn khát khao độc lập, tự do, thật kiêu hãnh, hiên ngang và bất khuất. Hình ảnh "trời xanh" là một nét vẽ tài tình mang ý nghĩa biểu trưng. Đó không chỉ là màu xanh của sắc trời thiên nhiên mà còn là màu xanh của tuổi trẻ, màu xanh của hi vọng, niềm tin vào tương lai hòa bình của đất nước. Ta lại nhớ đến truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê, nơi cũng có những khoảng trời, khi thì gầm gào tiếng phản lực của Mĩ, khi thì tối tăm giữa Trường Sơn đại ngàn. Nhưng nơi ấy vẫn luôn có một khoảng trời vẫn lấp lánh ánh sao, chính là bầu trời mà những cô gái thanh niên xung phong vẫn luôn ngắm nhìn hàng đêm, là bầu trời trong những trái tim đương trẻ được soi sáng bởi ánh sao sáng ngời của ý chí, niềm tin, khát vọng và tình yêu nước. Có thể nói, đối với những người lính trẻ như các anh lính xế hay các nữ thanh niên xung phong, tình yêu nước là ngọn lửa mạnh mẽ nhất nhưng cũng bền bỉ nhất. Tình yêu ấy thắp lên trong họ ý chí chiến đấu, khát khao lên đường, niềm tin và niềm hi vọng mãnh liệt hướng về phía trước.
TUYỂN SINH LỚP HỌC OFFLINE MÔN NGỮ VĂN TẠI HÀ NỘI - HỌC VĂN CHỊ HIÊN
Càng dọc theo từng con chữ trên trang nghệ thuật của nhà thơ, ta càng thấu hiểu được những khó khăn, thiếu thốn mà người lính lái xe đã phải trải qua. Mất mát ngày một hiện hình rõ rệt thế nhưng họ vẫn không từ bỏ mà vẫn kiên cường một ý chí, ấm nóng một trái tim:
“Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
Hình ảnh những chiếc xe trần trụi cứ thế hằn sâu trong tâm trí bạn đọc qua giọng thơ lạc quan, vô tư. Nhịp thơ ngắn, mạnh giúp người đọc hình dung được đoàn xe đang lăn bánh trên đoạn đường trắc trở. Đường vận tải thì vô số những địa hình, nào đèo cao, dốc thẳm, nào khe suối, ngầm sông nhưng những chiếc xe mang trên mình đầy thương tích vẫn băng băng như dũng sĩ kiên cường tiến về tiền phương. Cơ sở vật chất trên xe dường như không có gì, liên tiếp là những thứ “không có”, từ kính cho đến đèn, đến mui xe, thùng xe cũng bị tổn hại. Điệp ngữ “không có” liên tiếp xuất hiện càng làm nhân thêm sự ác liệt của chiến tranh. Một chữ “xước” đi liền với bộ phận “thùng xe” ở đây phải chăng đang “lệch nhịp”, mức độ tàn phá nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với những mui xe, đèn xe, kính xe đã bị phá hủy đến mức tồi tàn, không còn nữa? Tuy nhiên, đặt trong âm hưởng của toàn bài thơ cùng lối sáng tác tếu táo, ngang tàng của ngòi bút Phạm Tiến Duật, một chữ “xước” nơi thùng xe ấy lại góp phần thể hiện tinh thần lạc quan, dũng cảm của người lính. Với các anh, chiến tranh dù có dữ dội, sức tàn phá dù khốc liệt đến mức nào thì cũng hãy nghĩ đó là bình thường thôi, là điều tất yếu thôi, quan trọng là phải vượt qua, vươn lên và giành chiến thắng cuối cùng. Qua đó, có thể thấy hình ảnh chiếc xe không kính vốn không hiếm trong chiến tranh, nhưng phải có hồn thơ nhạy cảm với nét ngang tàng và tinh nghịch, thích cái lạ như Phạm Tiến Duật mới nhận ra được và đưa nó trở thành hình tượng thơ độc đáo của văn học thời kì chống Mĩ. Hai dòng thơ ngắt làm bốn khúc như bốn chặng gập ghềnh, khúc khuỷu đầy chông gai, bom đạn.... Ấy vậy mà những chiếc xe như những chiến sĩ kiên cường vượt lên trên bom đạn, hăm hở lao ra tiền tuyến với một tình cảm thiêng liêng: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước / Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Thì ra cội nguồn sức mạnh của cả đoàn xe, gốc rễ, phẩm chất anh hùng của người cầm lái đã kết tinh lại ở “trái tim” gan góc, kiên cường, giàu bản lĩnh và chan chứa tình yêu thương này. Mọi thứ của xe có thể không còn nguyên vẹn nhưng chỉ cần vẹn nguyên nơi ấy một “trái tim”. Hình ảnh trái tim đặt để ở cuối bài thơ, sau tất cả mọi thiếu thốn, gian lao, đã như có sức mạnh thay thế và khỏa lấp cho tất cả những gì không lành lặn ấy. “Trái tim” là một hình ảnh hoán dụ cho người lính lái xe can trường, dũng cảm. Song “trái tim” ấy cũng mang ý nghĩa ẩn dụ, hội tụ vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất của người chiến sĩ. Trái tim người lính nồng cháy một lẽ sống cao đẹp, tình yêu nước thiết tha, trái tim chứa đựng bản lĩnh kiên cường, hiên ngang, bất khuất. Trái tim mang một tinh thần lạc quan, niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tất thắng. Và trái tim cũng là nhãn tự của bài thơ, cô đúc ý tưởng toàn bài, hội tụ vẻ đẹp tinh thần người lính để rồi tỏa sáng đến muôn thế hệ mai sau. Có lẽ bởi trái tim luôn là cội nguồn sức mạnh, là hiện thân của tình cảm thiêng liêng nên ta vẫn hay bắt gặp hình ảnh trái tim đầy ý nghĩa trong trang thơ của Phạm Tiến Duật:
“Mấy trăm xe và mấy trăm người
Nhằm mặt trận tiến vào như cơn lốc
Những trái tim xếp theo hàng dọc
Suốt đường dài hồi hộp biết bao nhiêu.”
Có bao giờ hiện thực chiến tranh lại được khắc họa qua câu thơ mang nhịp điệu rộn ràng, tếu táo và hồn nhiên đến thế? Có bao giờ ý chí chiến đấu, xông pha ra chiến trường lại được hiện thực hóa ra cụ thể và chân thực đến thế? Phạm Tiến Duật đã tái hiện thành công tất cả những điều ấy. Để rồi, sáng lên nơi trang thơ của ông là hình ảnh những con người dũng cảm, hiên ngang với tình yêu nước nồng nàn. Ta muốn cất lên bài ca ca ngợi trang thơ ấy, những con người ấy và đặc biệt là tôn vinh vẻ đẹp của tình yêu quê hương đất nước thiết tha, sâu nặng.
TUYỂN SINH LỚP HỌC OFFLINE MÔN NGỮ VĂN TẠI HÀ NỘI - HỌC VĂN CHỊ HIÊN
Tình yêu quê hương đất nước của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn đã tác động sâu sắc tới nhận thức của tôi. Từ những trang thơ đậm màu hiện thực, đủ đầy những khó khăn gian khổ mà vẫn ngời sáng ý chí của người lính, tôi nhận ra sức mạnh của tình yêu nước lớn lao đến nhường nào. Tình cảm ấy được hình thành tự nhiên, giản dị nhưng lại là ngọn nguồn của bao phẩm chất tốt đẹp nơi mỗi người. Vì yêu nước nên người lính không màng đến mất mát hi sinh. Vì yêu nước mà người lính luôn cháy bỏng niềm tin vào hòa bình, độc lập. Vì yêu nước mà những tâm hồn thêm xanh, những trái tim thêm trẻ, những dòng máu thêm dạt dào và quyết tâm. Hơn nữa chính những phẩm chất cao đẹp của những người lính lái xe đã khiến tôi thêm trân trọng cuộc sống này hơn, yêu đất nước, quê hương hòa bình thống nhất như ngày hôm nay, biết ơn những người lính cụ Hồ đã sẵn sàng hy sinh để đổi lại nền độc lập thống nhất cho đất nước. Trái tim mỗi người luôn chan chứa nhiều tình cảm nhưng hãy dành một ngăn ngay ngắn để vun đắp tình yêu quê hương, Tổ quốc. Cứ như vậy, tình cảm lớn sẽ trở thành dòng trường giang bao la, nơi mà mọi dòng suối nhỏ của những tình yêu giản dị sẽ đổ về, được bồi đắp và dạt dào hơn. Cuối cùng, hình ảnh những người lính lái xe, những thế hệ “dàn hàng gánh đất nước trên vai” một thuở oanh liệt hào hùng đã thôi thúc tôi giờ đây phải sống có ích, sống xứng đáng với những lẽ sống cao cả mình đang theo đuổi. Mỗi lần đọc hay nhớ về thi phẩm “Bài thơ tiểu đội xe không kính”, tôi lại muốn gắn bó sâu sắc hơn nữa với quê hương mình, muốn nỗ lực nhiều hơn nữa để góp phần dựng xây quê hương đất nước bởi từ trong sâu thẳm trái tim, cũng giống như các anh, tôi cảm nhận được quê hương đã trở thành một phần máu thịt, tâm hồn tôi:
“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
(Đỗ Trung Quân)
Giai điệu của thi ca giống như âm điệu hợp xướng của dàn đồng ca nhiệm màu về hiện thực cuộc sống, về chân – thiện - mỹ, chạm khẽ đến những rung động của trái tim, là nơi dừng chân của tâm hồn, là tiếng hát ngân vang của cuộc sống. Vậy nên quả không sai khi Nguyễn Văn Thạc cho rằng: “Hãy bắt đầu từ cuộc sống, từ đó sẽ nảy ra thơ”. Phạm Tiến Duật đã mang đến một áng thơ bất hủ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, một thi phẩm đậm màu hiện thực nhưng đã làm nổi bật lên hình tượng người lính lái xe Trường Sơn, họ tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam ở Trường Sơn trong những năm tháng mưa bom bão đạn khắc nghiệt. Hình ảnh của các anh, đặc biệt trong hai khổ thơ cuối bài, thật trẻ trung, mạnh mẽ, hiên ngang và giàu lòng yêu nước. Những hình ảnh thơ, trang thơ đã tác động mạnh mẽ tới nhận thức, tư tưởng, hành động của bạn đọc chúng ta, giúp ta thấm thía hơn vẻ đẹp và giá trị của một thứ tình cảm tự nhiên, bình dị mà thiêng liêng vô cùng mang tên tình yêu nước:
“Tình yêu Tổ quốc là đỉnh núi bờ sông
Đến lúc tột cùng là dòng huyết chảy”
(Xuân Diệu)
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên
Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên
Tin liên quan