5 PHÚT MỞ BÀI SIÊU ĐỈNH

Ngày 15/12/2020 09:49:28, lượt xem: 5387

5 PHÚT VIẾT MỞ BÀI SIÊU ĐỈNH

Mở bài đánh dấu bước khởi đầu trong một bài làm, để viết được một mở bài hay, lôi cuốn cũng là một kĩ năng rất quan trọng. Đó là điều không hề dễ dàng, mở bài hay không chỉ là thể hiện đúng, đủ ý mà mở bài hay còn thể hiện qua cách hành văn, ngôn từ của người viết. Vì vây, hãy cùng chị khám phá, làm thế nào để viết được mở bài hay, đúng và đủ ý các em nhé!

  1. Cấu trúc mở bài

Mở bài chính là dẫn dắt và nêu ra vấn đề

Trong đó:

• Phần dẫn dắt là phần chúng ta có thể sáng tạo từ nhiều hướng viết khác nhau, theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

• Phần nêu vấn đề là phần bắt buộc phải nêu được trong mở bài, dựa vào từng đề bài cụ thể để xác định vấn đề cần viết.

  1. Phương pháp mở bài

Mở bài trực tiếp

- Là cách đi thẳng vào vấn đề cần nghị luận. Nghĩa là sau khi đã tìm hiểu đề và tìm được vấn đề trọng tâm của bài nghị luận, ta nêu thẳng vấn đề đó ra bằng một luận điểm rõ ràng. Tuy nhiên khi mở bài trực tiếp phải đáp ứng đủ các yêu cầu của một phần mở bài đúng: đủ ý, không nói thiếu, nhanh gọn, không nói quá dài khiến hình thức cũng như nội dung phần này sẽ không được chắt lọc, cô đọng thiếu sức hấp dẫn với người đọc, người nghe.

 

Ví dụ: Nếu đề bài yêu cầu nghị luận về tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” thì mở bài phải giới thiệu được tên tác giả, phong cách thơ tác giả, tên tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, trích dẫn khổ thơ, hoặc giới thiệu vấn đề nghị luận.

 

Mở bài mẫu:

Phạm Tiến Duật được mệnh danh là nhà thơ của Trường Sơn, thi sĩ huyền thoại của đường mòn Hồ Chí Minh những năm chống Mỹ. Vừa chiến đấu vừa sáng tác thơ, thơ của Phạm Tiến Duật đã mang tất cả những gì là hiện thực của cuộc sống chiến đấu nơi chiến trường với giọng điệu trẻ trung và khí thế hào sảng nhất, tiêu biểu như “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Bài thơ đã ghi lại những nét ngang tàng, dũng cảm và lạc quan của người chiến sĩ lái xe trong binh đoàn vận tải quân sự, qua đó ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đánh Mỹ.... [nêu vấn đề nghị luận]

Mở bài gián tiếp

- Với cách này người viết phải dẫn dắt vào đề bằng cách nêu lên những ý có liên quan đến luận đề (vấn đề cần nghị luận) để gây sự chú ý cho người đọc sau đó mới bắt sang luận đề. Người viết xuất phát từ một ý kiến, một câu chuyện, một đoạn thơ, đoạn văn, một phát ngôn của nhân vật nổi tiếng nào đó,... dẫn dắt người đọc đến vấn đề sẽ bàn luận trong bài viết. Mở bài theo cách này tạo được sự uyển chuyển, linh hoạt cho bài viết, hấp dẫn người đọc.

 

Ví dụ: Đề bài yêu cầu ta cảm nhận về tình đồng chí, đồng đội trong bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu, ta có thể dẫn dắt từ những bài thơ viết về người lính của nhà thơ này.

 

Mở bài mẫu:

“Cuộc đời anh, cho tôi chia một nửa

Nửa giọt mồ hôi vạt áo còn đầm

Nửa dãy Trường Sơn thác ghềnh vất vả

Nửa bát cơm hạt muối nhọc nhằn”...

(“Một nửa” – Chính Hữu)

Tình đồng chí, đồng đội trong thơ Chính Hữu luôn là vậy, nó đẹp một cách giản đơn, đẹp một cách lạ thường. Với “Đồng chí”, Chính Hữu đã góp thêm một tiếng thơ hay về người lính và tình đồng đội cho nền thơ kháng chiến chống Pháp. Bằng những chi tiết, những hình ảnh hết sức chân thật, cụ thể mà đầy tính chắt lọc, khái quát, bài thơ đã thể hiện một cách cảm động tình đồng chí gắn bó giữa những người nông dân mặc áo lính, cùng chiến đấu giữ gìn độc lập tự do của Tổ quốc... [nêu vấn đề nghị luận]

  1. Bí kíp mở bài nhanh

  • Dạng bài phân tích nhân vật

Cách 1: Nhà văn Tô Hoài đã từng nói rằng: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”. Quả đúng như vậy, nhân vật không

chỉ là nơi bộc lộ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm mà còn là nơi tập trung các giá trị nghệ thuật của đứa con tinh thần mà nhà văn sáng tạo ra. Ở mỗi tác phẩm văn học, các nhà văn luôn dùng ngòi bút tài năng của mình để thổi hồn vào những nhân vật một cách độc đáo và tinh tế nhất. Và trong tác phẩm....nhà văn/ nhà thơ....đã thực sự thành công khi ghi lại dấu ấn đậm nét của mình trong trái tim đọc giả bằng hình tượng nhân vật.....

Cách 2: Bêtông Brecht cho rằng: “Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là những bản dập của những con người sống mà là những hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả”. Với nhà văn/ nhà thơ..... họ đã thực sự thành công khi thể hiện tiếng lòng, tư tưởng riêng của mình thông qua hình tượng nhân vật......Sự tinh tế, độc đáo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà thơ/ nhà văn đã góp phần chắp cánh cho tác phẩm vút bay trên bầu trời văn đàn dân tộc.

Cách 3: Một tác phẩm văn học chỉ thực sự có giá trị khi nó cất lên tiếng nói của con người, ca ngợi và bảo vệ con người. Bởi thế Nam Cao từng nói: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp sống lầm than” (Trăng Sáng). Văn chương là vậy, nó vẫn luôn đẹp một cách đặc biệt nhất. Phải chăng chính vì thế mà các nhà thơ/ nhà văn luôn tạo ra những nét riêng cho mình bằng việc xây dựng lên những hình tượng nhân vật độc đáo chở nặng tâm tư của tác giả. Điều đó được thể hiện rõ qua nhân vật.... trong tác phẩm....của nhà thơ/ nhà văn....

  • Dạng bài phân tích đoạn trích thơ, văn xuôi

Cách 1: “Hương nhụy trong mát và ngọt lành của cuộc sống chính là văn học”. từ bao đời nay, văn học và cuộc sống luôn có mối quan hệ hữu cơ gắn kết khó có thể tách rời. Ví như con ong cần mẫn tìm mật ngọt cho đời, văn học- bằng chức năng và tác dụng diệu kì của mình, đã tiếp xúc, thu nhặt những chất liệu từ cuộc sống để khám phá, tái hiện nâng cuộc sống lên một tầm cao mới, tìm đến những giá trị Chân - thiện - mĩ của đời. Và tác phẩm.... của nhà thơ/ nhà văn.... là một tác phẩm mang nhiều giá trị như vậy.

 

Cách 2: Đâu là cầu nối giữa quá khứ và tương lai? Đâu là thanh nam châm hút mọi thế hệ? Đó chẳng phải là văn học hay sao! Văn học vẫn luôn sống một cuộc đời cao đẹp gắn liền với con người và kết tinh những giọt ngọc của thời đại. Và những tác phẩm văn học lâu nay vẫn luôn hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình dẫn dắt con người đến với xứ sở của cái đẹp, của những điều tinh túy nhất trên chặng đường phát triển của nó. Với nhà văn/ nhà thơ...... họ đã thực sự thành công và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng đọc giả với tác phẩm chứa đựng vô vàn giá trị ý nghĩa: …

Mong rằng những cách mở bài trên đây cùng với những mở bài mẫu của Học văn chị Hiên sẽ giúp các bạn viết nên những mở bài hay cho riêng mình, chinh phục thầy cô và ban giám khảo ngay những câu đầu tiên. Để biết thêm nhiều bài học thú vị, bổ ích theo dõi thêm những kênh truyền thông của Học văn chị Hiên Fanpage: Học văn chị Hiên và Youtube: Học văn chị Hiên

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn

 

Tin liên quan