Đăng Ký Học
Ngày 04/02/2020 16:50:30, lượt xem: 1942
Đối với phần này, thường rơi vào nghị luận các vấn đề trong xã hội. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý 3 dạng bài nghị luận:
Nghị luận về một tư tưởng đạo lí.
Nghị luận về một hiện tượng đời sống.
Nghị luận về một vấn đề xã hội được đặt ra trong tác phẩm. (Đối với dạng này thường có sự liên hệ từ tác phẩm đối với xã hội. Đó có thể là một hình ảnh, một sự kiện, hoặc một chi tiết nào đó trong tác phẩm).
1.Lưu ý làm các dạng bài nghị luận
Đây là phần dễ kiếm điểm nhất trong cấu trúc đề thi. Với thiết kế đề thi như vậy, các em sẽ rất dễ dàng triển khai vấn đề.
Dung lượng yêu cầu khoảng 200 chữ, vì vậy cần viết ngắn gọn súc tích. Đi thẳng trực tiếp vào vấn đề, chia luận điểm, luận cứ rõ ràng.
Thời gian viết bài nghị luận dao động từ 20-25 phút. Tránh tập trung quá nhiều vào dạng bài này mà mất thời gian câu sau.
Lưu ý đối với cách trình bày: trình bày như 1 đoạn văn, không có ngắt xuống dòng. Tuy vậy, vẫn đảm bảo đủ 3 phần mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn. Bài 200 chữ ứng với khoảng 20 dòng, 2/3 tờ giấy thi.
2. Cách triển khai bài: Linh hoạt trong cách lựa chọn hình thức. Với dung lượng bài ngắn chỉ chọn những dẫn chứng tiêu biểu. Nắm vững mô típ như sau:
Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
Thân đoạn: Triển khai vấn đề nghị luận.
Kết đoạn: Liên hệ đối với bản thân.
3. Cách làm bài nghị luận 200 từ
Bước 1: Đọc kỹ đề bài
Dựa vào cấu trúc đề thi mẫu của Bộ GD- ĐT, dạng bài nghị luận – xã hội sẽ lấy một ý nhỏ trong bài đọc hiểu để làm đề thi viết đoạn văn 200 từ. Vì vậy cần lưu ý như sau:
Trước hết các em phải đọc kỹ bài đọc hiểu, nắm được cốt lõi nội dung. Từ đó xem đề yêu cầu mình bàn về vấn đề gì? Nhất là phải xác định được vấn đề đó thuộc về dạng bài Tư tưởng đạo lý hay Hiện tượng đời sống.
Xác định xong dạng bài nghị luận xã hội, các em viết dàn ý mẫu của dạng bài đó.
Tham khảo ví dụ:
Ví dụ được trích từ Bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp trường trung học Wellesley của thầy Hiệu trưởng David McCullough.
“Leo lên đỉnh núi không phải để cắm cờ mà là để vượt qua thách thức, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn xung quanh. Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em. Hãy đến Paris để tận hưởng cảm giác đắm chìm trong Paris chứ không phải lướt qua đó để ghi Paris vào danh sách các địa điểm các em đã đi qua và tự hào mình là con người từng trải.
Tập luyện những suy nghĩ độc lập, sáng tạo và táo bạo không phải để mang lại sự thỏa mãn cho bản thân mà là để đem lại lợi ích cho 6,8 tỷ người trên trái đất của chúng ta. Rồi các em sẽ phát hiện ra sự thật vĩ đại và thú vị mà những kinh nghiệm trong cuộc sống mang lại, đó là lòng vị tha mới chính là điều tốt đẹp nhất mà các em có thể làm cho bản thân mình. Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến vào lúc các em nhận ra các em chẳng có gì đặc biệt cả. Bởi tất cả mọi người đều như thế “.
Câu nghị luận xã hội cho là: Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em.”
Như vậy, để có thể làm tốt dạng bài nghị luận – xã hội các em cần đọc kỹ phần đọc hiểu. Có như vậy, các em mới nắm bắt được những ý tác giả muốn nói tới. Cùng cảm nhận thế giới và cảm nhận thái độ ứng xử văn hóa trước thế giới, trước cuộc đời.
Bước 2: Xây dựng câu mở đoạn
Giống như phần mở bài vậy, câu mở đoạn phải có cái nhìn tổng quát, khái quát được nội dung mà đề thi yêu cầu. Phải hiểu được đề thi bàn về vấn đề gì? Câu mở đoạn có thể dùng 1-3 câu.
Cách xây dựng câu mở đoạn: nêu nội dung khái quát rồi dẫn câu nói vào (hoặc không dẫn nguyên câu thì trích vào cụm từ khóa).
Ví dụ theo đề trên ta có thể viết như sau:
Thành công luôn là khao khát của mỗi con người trên hành trình chinh phục những ước mơ và khát vọng – nhưng khi lên đến đỉnh của thành công, điều quan trọng nhất vẫn là để “ngắm nhìn thế giới” chứ không phải là để cho ai đó nhận ra mình.
Bước 3. Cách triển khai ý ở thân bài
Đi thẳng vào vấn đề: Giải thích các cụm từ khóa, giải thích cả câu (cần ngắn gọn, đơn giản).
Bàn luận, phân tích:
– Đặt ra các câu hỏi vì sao , tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.
– Đưa ra dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.
– Quan điểm của mình về vấn đề đó, đồng tình hay không đồng tình, phân tích theo quan điểm đó.
– Rút ra bài học nhận thức và hành động.
Dung lượng từng phần( tham khảo)
– Giải thích 4 dòng
– Bàn luận 12 dòng
– Mở rộng vấn đề – 4 dòng
– Bài học – 5 dòng
Bước 4: Cách viết kết đoạn bài nghị luận 200 từ( 2-3 dòng)
Liên hệ với bản thân.
Liên hệ với những vấn đề tương tự. Hoặc mở rộng vấn đề, có thể kết lại bằng một danh ngôn hay câu nói nổi tiếng.
Nhìn chung, cách làm bài nghị luận 200 từ THPT Quốc gia giống với cách làm bài nghị luận xã hội. Tuy nhiên các em cần viết cô đọng và ngắn gọn hơn. Chúc các em đạt được điểm cao trong các kì thi sắp tới.
Nguồn : TKbooks
Tài liệu ôn thi ngữ văn THPT Quốc Gia - Học văn chị Hiên
Tin liên quan