GỢI Ý VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI - HỌC VĂN CHỊ HIÊN

Ngày 09/01/2020 16:38:56, lượt xem: 1654

GỢI Ý VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI


(Phần 1)
Dạng đề nghị luận xã hội là dạng đề kiểm tra về kỹ năng, vốn sống, mức độ hiểu biết của học sinh về xã hội để các em nêu lên những suy nghĩ về cuộc sống, về tâm tư tình cảm nói chung nhằm giáo dục, rèn luyện nhân cách cho học sinh. Nhìn chung, dạng đề văn nghị luận xã hội thường tập trung vào một số vấn đề cơ bản mang giá trị đạo lý làm người, những hiện tượng thường xảy ra trong xã hội mà qua đó trở thành kinh nghiệm sống cho mọi người.
I. CÁC DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI THƯỜNG GẶP

1. Nghị luận về một hiện tượng đời sống
Hiện tượng có tác động tích cực đến suy nghĩ (tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo…).

- Hiện tượng có tác động tiêu cực (bạo lực học đường, tai nạn giao thông…).

- Nghị luận về một mẩu tin tức báo chí (hình thức cho một đoạn trích, mẩu tin trên báo… Rút ra vấn đề nghị luận).

2. Nghị luận về một tư tưởng đạo lý

- Tư tưởng mang tính nhân văn, đạo đức (lòng dũng cảm, khoan dung, ý chí nghị lực…).

- Tư tưởng phản nhân văn (ích kỷ, vô cảm, thù hận, dối trá…).

- Nghị luận về hai mặt tốt xấu trong một vấn đề.

- Vấn đề có tính chất đối thoại, bàn luận, trao đổi.

- Vấn đề đặt ra trong mẩu truyện nhỏ hoặc đoạn thơ.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ LƯU Ý KHI LÀM BÀI VĂN NGHỊ LUẬN

1. Đọc kỹ đề

- Mục đích: Hiểu rõ yêu cầu của đề, phân biệt được tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống.

- Phương pháp xác định: Đọc kỹ đề, gạch chân dưới từ, cụm từ quan trọng để giải thích và xác lập luận điểm cho toàn bài. Từ đó có định hướng đúng mà viết bài cho tốt.

2. Lập dàn ý

- Giúp ta trình bày văn bản khoa học, có cấu trúc chặt chẽ, hợp logic.

- Kiểm soát được hệ thống ý, lập luận chặt chẽ, mạch lạc.

- Chủ động dung lượng các luận điểm phù hợp, tránh lan man, dài dòng.

3. Dẫn chứng phù hợp

- Không lấy những dẫn chứng chung chung (không có người, nội dung, sự việc cụ thể) sẽ không tốt cho bài làm.

- Dẫn chứng phải có tính thực tế và thuyết phục (người thật, việc thật).

- Đưa dẫn chứng phải thật khéo léo và phù hợp (tuyệt đối không kể lể dài dòng).

3. Lập luận chặt chẽ, lời văn cô động, giàu sức thuyết phục

- Lời văn, câu văn, đoạn văn viết phải cô đúc, ngắn gọn.

- Lập luận phải chặt chẽ.

- Cảm xúc trong sáng, lành mạnh.

- Để bài văn thấu tình đạt lý thì phải thường xuyên tạo lối viết song song (đồng tình, không đồng tình; ngợi ca, phản bác…).

4. Bài học nhận thức và hành động

- Sau khi phân tích, chứng minh, bàn luận… thì phải rút ra cho mình bài học.

- Thường bài học cho bản thân bao giờ cũng gắn liền với rèn luyện nhân cách cao đẹp, đấu tranh loại bỏ những thói xấu ra khỏi bản thân, học tập lối sống…

5. Độ dài cần phù hợp với yêu cầu đề bài

- Khi đọc đề cần chú ý yêu cầu đề (hình thức bài làm là đoạn văn hay bài văn, bao nhiêu câu, bao nhiêu chữ…) từ đó sắp xếp ý tạo thành bài văn hoàn chỉnh.

 

Tài liệu ôn thi ngữ văn THPT Quốc Gia - Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan