3 DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VÀ CÁCH LÀM

Ngày 13/07/2021 08:53:49, lượt xem: 4286

Để giúp teen 2K4 “ẵm trọn” 2 điểm trong đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ, Học Văn chị Hiên sẽ hướng dẫn các em cách nhận biết và cách thức triển khai từng dạng bài. Hãy cùng tìm hiểu thông tin chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!

 

1. NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ TƯ TƯỞNG ĐẠO LÝ

 

 

Nghị luận về tư tưởng đạo lí là sử dụng các thao tác lập luận để làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến đạo đức; tư tưởng; lối sống; cách sống… của con người trong xã hội.

Một số đề ví dụ mẫu:
+ Suy nghĩ của anh chị về câu nói: “Lao động bao giờ cũng là cơ sở cho cuộc sống con người và cho văn hóa” (A. Makarenko)
+ Suy nghĩ của anh chị về lòng nhân ái trong cuộc sống hiện đại.
+ Suy nghĩ của anh chị về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc…

Cách thức triển khai đoạn văn nghị luận xã hội về tư tưởng đạo đức
Khi gặp dạng bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo đức, các em cần triển khai theo 4 bước dưới đây:

- Bước 1:

+ Giải thích từ ngữ trọng tâm: Khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có)…

+ Giải thích ý nghĩa tổng quát: Câu nói, nhận định, câu chuyện…

- Bước 2:

+ Lần lượt bàn luận, phân tích các mặt đúng: Biểu hiện, tác dụng/hiệu quả, tầm quan trọng của tư tưởng đạo lí, dẫn chứng minh họa…

+ Lần lượt bàn luận, phân tích, bác bỏ, phê phán các mặt sai: thực trạng, tác hại…

- Bước 3:

+ Mở rộng bằng cách giải thích, chứng minh.

+ Mở rộng bằng cách đào sâu vấn đề.

+ Mở rộng bằng cách lật ngược vấn đề.

- Bước 4:

+ Rút ra bài học cho bản thân.

+ Thể hiện quan điểm cá nhân: (Ngợi ca, suy tôn những biểu hiện tốt; Phê phán, bác bỏ những biểu hiện xấu)

Cần lưu ý gì khi triển khai đoạn văn nghị luận xã hội về tư tưởng đạo đức?

- Đọc kỹ đề, gạch chân các từ then chốt, xác định yêu cầu của đề (Nội dung đề cập là gì? Hình thức trình bày ra sao? Phạm vi tư liệu cần sử dụng?)

- Cần xác định xem đây là dạng bài nào để lên ý tưởng và dàn ý triển khai sao cho phù hợp:

+ Đối với dạng bài trực tiếp: Học sinh dễ dàng nhận ra và gạch dưới luận đề trong đề bài.

+ Đối với dạng bài gián tiếp: Học sinh cần đọc kĩ đề bài, dựa vào ý nghĩa câu chuyện, câu nói, văn bản được trích dẫn mà xác định luận đề.

 

2. NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG

 

 

Nghị luận về một hiện tượng đời sống là bàn bạc về một hiện tượng đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội mang tính chất thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người như ô nhiễm môi trường, nếp sống văn minh đô thị, tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, lối sống thờ ơ vô cảm, đồng cảm và sự sẻ chia… Đó có thể là một hiện tượng tốt hoặc xấu, đáng khen hoặc đáng chê. Nghị luận về một hiện tượng đời sống không chỉ có ý nghĩa xã hội, tác động đến đời sống xã hội mà còn có tác dụng giáo dục tư tưởng; đạo lí; cách sống đúng đắn; tích cực đối với học sinh; thanh niên.

Một số ví dụ đề nghị luận về một hiện tượng đời sống:

+ Hiện tượng xấu, có tác động tiêu cực: Hút thuốc lá; Ô nhiễm môi trường; Vô cảm; Bạo lực học đường…
+ Hiện tượng tốt, có tác động tích cực: Hiệp sĩ đường phố; Ủng hộ, quyên góp đồng bào vùng lũ lụt…

+ Những quan điểm trái chiều về một hiện tượng xã hội: Bạn trẻ khởi nghiệp; Học sinh nên mặc đồng phục gì khi đến trường; Cha mẹ cho con dùng internet sớm; Đại học là con đường lập nghiệp duy nhất.

Cách triển khai đoạn văn nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống

5 yếu tố mà các em cần đặc biệt chú ý khi triển khai đoạn văn nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống:

+ Biểu hiện: Tức là được nghe, được chứng kiến; Phạm vi hiện tượng (từ rộng đến hẹp; mức độ từ xã hội đến trong gia đình)

+ Nguyên nhân: Các em cần xác định lý do gây nên do sự chủ quan hay khách quan.

+ Sự ảnh hưởng: Sức ảnh hưởng của nó đến với xã hội nói chung; đối với từng người nói riêng.

+ Bàn luận: Cần khẳng định đây là vấn đề tốt hay xấu; cần suy tôn hay nên bác bỏ; lí giải ngắn gọn về quan điểm của bản thân. Cần mở rộng vấn đề bằng cách giải thích; chứng minh; đào sâu vấn đề; lật ngược vấn đề.

+ Bài học rút ra: Kinh nghiệm rút ra sau vấn đề. Em có gửi gắm thông điệp gì?

Một số lưu ý khi làm đoạn văn nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống

+ Đọc kĩ đề để hiểu đúng, hiểu sâu, nắm được bản chất vấn đề.

+ Học sinh phải thể hiện rõ quan điểm, thái độ của mình trước hiện tượng nghị luận, phải giữ lập trường vững vàng trước mọi hiện tượng và có những lí lẽ rõ ràng, thuyết phục để bảo vệ quan điểm của mình.

+ Đưa ra số lượng dẫn chứng phù hợp để bài làm có sức thuyết phục (cả bài không thể chỉ có một dẫn chứng nhưng cũng không nên đưa ra quá nhiều dẫn chứng, các em sẽ dễ bị xa đề, lạc đề). Thông thường, khi đưa ra một lí lẽ, các em cần có một dẫn chứng để chứng minh.

+ Học sinh cần trang bị cho mình vốn hiểu biết về kiến thức đời sống xã hội để có thể chứng minh, lí giải vấn đề một cách rõ ràng.

 

XEM THÊM TUYỂN TẬP DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘI THEO CHỦ ĐỀ

 

3. NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ TÁC PHẨM VĂN HỌC
 

 

Nghị luận về một vấn đề xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học là dạng đề tổng hợp giữa làm văn và đọc văn. Chính vì thế, để giải quyết được vấn đề này, các em vừa phải có kiến thức chắc chắn về tác phẩm văn học, vừa phải am hiểu sâu rộng trí thức đời sống xã hội.

Bản chất của đề vẫn là nghị luận về một hiện tượng đời sống. Bởi vậy, cách thức triển khai đề văn này tương tự như cách triển khai đề về một hiện tượng đời sống; chỉ cần bổ sung ngắn gọn kiến thức tác phẩm được đặt ra. Đó như là một cái “cớ” để người ra đề khơi gợi các hiện tượng và yêu cầu người viết trình bày rõ quan điểm.

Cách triển khai bài nghị luận xã hội về một vấn đề xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học

- Phân tích sơ lược vấn đề:

+ Sơ lược về tác phẩm văn học; về nhân vật mà đề bài đề cập tới.

+ Giới thiệu; phân tích vấn đề được đặt ra trong tác phẩm đó.

- Biểu hiện:

+ Thể hiện trong tác phẩm.

+ Được nghe, được biết.

+ Được chứng kiến.

+ Phạm vi (từ rộng đến hẹp)

- Nguyên nhân:

+ Có 2 nguyên nhân chính: Khách quan hoặc chủ quan. Các em cần nhận biết và phân tích.

- Mức độ ảnh hưởng:

+ Đối với xã hội.

+ Đối với mỗi người.

- Bàn luận:

+ Khẳng định vấn đề là tốt hay xấu; cần suy tôn hay nên bác bỏ; thể hiện rõ ràng quan điểm cá nhân.

+ Mở rộng: Giải thích, chứng minh; đào sâu vấn đề; lật ngược vấn đề với cái nhìn đa chiều.

Một số lưu ý khi làm bài nghị luận xã hội về một vấn đề xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học

Với đề bài nghị luận xã hội về một vấn đề xã hội, các em thường gặp một số lỗi cơ bản sau:

- Thường nhầm lẫn đề nghị luận vấn đề xã hội đặt ra từ một tác phẩm văn học với đề nghị luận văn học.

- Quá chú trọng vào cắt nghĩa hay; vẽ đẹp của yếu tố ngôn ngữ; hình tượng nghệ thuật trong văn bản… Phần nghị luận vấn đề xã hội làm rất sơ sài mặc dù đó là trọng tâm; dẫn đến việc các em dễ bị lạc đề; sai yêu cầu đề bài.

- Suy diễn, áp đặt theo ý kiến chủ quan của bản thân. Hiểu không chính xác nội dung tư tưởng cũng như vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm.

Những điều cần lưu ý:

+ Đây là kiểu bài nghị luận xã hội, không phải nghị luận văn học. Cần xác định rõ ràng để tránh lạc đề.

+ Các em cần đọc kỹ, hiểu rõ nội dung yêu cầu của đề bài. Xác định đúng hướng đề bài.

+ Các em cần nêu và phân tích được ý nghĩa của vấn đề xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học và phải trình bày suy nghĩ; ý kiến của mình về vấn đề đó.

+ Cần xác định đúng dạng đề, tránh lạc đề. Vấn đề xã hội đặt ra cho dạng đề này thường được lấy từ 2 nguồn, đó là: Tác phẩm văn học đã học trong chương trình; Hoặc một câu chuyện nhỏ, một đoạn văn bản ngắn chưa được học.

Trước khi tiến hành làm đoạn văn nghị luận xã hội, các em cần tìm hiểu thật kỹ đề bài; xác định dạng đề. Từ đó, lên ý tưởng và vạch các ý chính cần triển khai ra nháp. Để nhận được tư vấn chi tiết về sách tham khảo môn Văn, các em hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin cuối bài viết.

 

Nguồn: ST

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng ký Khóa nền: http://bit.ly/KHOAHOC2K4

Link đăng kí khoá VIP: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan