TUYỂN TẬP ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 CHỮ CỰC CHẤT TỪ HỌC VĂN CHỊ HIÊN (P4)

Ngày 02/07/2021 10:17:15, lượt xem: 4745

Giai đoạn này có lẽ chỉ có những "siêu phẩm" mới có thể thoả mãn được tinh thần chiến đấu của 2k3 thôi. Hãy lưu những bài viết mẫu nghị luận xã hội này về để học ngay nhé!

XEM THÊM TUYỂN TẬP ĐOẠN VĂN 200 CHỮ (PHẦN 1)

TUYỂN TẬP ĐOẠN VĂN 200 CHỮ (PHẦN 2)

TUYỂN TẬP ĐOẠN VĂN 200 CHỮ (PHẦN 3)

 

Đề 13: Trong tập thơ “Có người chợt tỉnh cơn mơ…” nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân trải lòng:
“Mình cậy trẻ, dễ phá đi làm lại
chút sai lầm, chưa sửa đã toan buông
Rồi đến lúc chẳng còn nhiều lựa chọn
Đành yên lòng chấp nhận chuyện sai hơn.”
Hãy viết về một bài học cuộc sống mà anh/chị rút ra được từ bài thơ trên bằng 1 đoạn văn khoảng 200 chữ.

 

 

Bài viết
Bước vào tuổi trẻ, đa số chúng ta đều nghĩ rằng mình còn quá nhiều thời gian để làm lại, ngay cả khi mình bỏ lỡ những cơ hội đáng giá. Nhưng không, trân trọng những cơ hội ngay cả khi còn trẻ - Đó là nhắc nhở tôi nhận được từ những câu thơ của nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân và đối với tôi bài học đó quả vô cùng đáng giá. Trân trọng cơ hội là biết nắm bắt, tận dụng cơ hội và kiên trì theo đuổi đến cùng cơ hội đó. Dòng thời gian của tự nhiên chưa bao giờ dừng lại để chờ đợi một ai, bạn cũng không phải ngoại lệ. Điều đáng giá nhất chúng ta có là những cơ hội để thay đổi bản thân tốt hơn mỗi ngày. Nhưng đôi khi vì những suy nghĩ còn bồng bột, ta cho rằng việc cố gắng tại thời điểm đó là chưa cần thiết, ta còn nhiều thời gian. Thế nhưng còn nhiều, cụ thể là bao nhiêu. Bỏ lỡ những cơ hội chính là tiền đề cho sự hối hận của chúng ta sau này. Đối mặt với những cơ hội đôi khi những cơ hội ấy lại ẩn mình trong nghịch cảnh điều ta cần làm là cố gắng vượt qua khó khăn để nhìn ra và nắm bắt cơ hội đó. Bài học từ những câu thơ của Nguyễn Thiên Ngân làm tôi chợt nhớ tới Picaso. Khi còn thiếu thời, Picaso chỉ là một hoạ sĩ vô danh. Đến lúc chỉ còn 15 đồng bạc, ông quyết định đánh canh bạc cuối cùng. Ông thuê các sinh viên dạo các cửa hàng bán tranh và hỏi về tranh của ông. Chưa đầy một tháng, tên tuổi của ông đã nổi tiếng khắp Paris, tranh của ông được bán và nổi tiếng từ đó. Rõ ràng, trong khoảnh khắc ấy, danh họa nổi tiếng đã không vứt đi cơ hội. Ông trân trọng từng quyết định của mình, trân trọng mỗi khó khăn mình phải đối mặt và trước những thất bại của bản thân, ông không bỏ cuộc, nhất định phải làm lại việc đó cho thật đúng. Đối với riêng bản thân tôi, bài học từ câu thơ trên như một hồi chuông nhắc nhở tôi cần phải trân trọng những cơ hội mình có được. Nếu bản thân có vấp ngã, không chọn cách từ bỏ, phải cố gắng để sửa việc đó thành đúng. Bạn biết đấy, mỗi chúng ta đều chỉ có một lần để sống, đừng mải miết cố tìm kiếm thứ gì đó xa xôi, hãy trân trọng những cơ hội bởi đó chính là món quà tuyệt vời nhất bạn không bao giờ nhận được lần thứ hai.

 

Đề 14: Anh (chị) hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày về vai trò của tình cảm gia đình trong cuộc sống.

 

 

Bài làm
“Khi con thành công, phía sau là bố mẹ. Khi con thất bại, bên cạnh là bố mẹ. Mọi khoảnhh khắc quý giá đều có gia đình ở bên.” Khoảnh khắc ấy mỗi người trong chúng ta hiểu hơn về vai trò của tình cảm gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, bởi nên tình cảm gia đình mang vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống, đó là điểm tựa tinh thần vô cùng vững chắc để mỗi người có thể vượt qua được mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Là nơi mà con người có thể tìm thấy niềm tin, tìm thấy sự bình yên, hy vọng để vượt qua mọi rào cản trên bước đường đời. Dù có đi đâu và về đâu, dù công việc có bộn bề đến đâu thì chúng ta đều hướng về gia đình, hướng về những tình cảm giản dị mà thiêng liêng nhất! Gia đình với mỗi người có ý nghĩa thiêng liêng và vai trò đặc biệt quan trọng, là nơi sinh ra, trưởng thành, là cái nôi của tình yêu thương, là động lực cho chúng ta mỗi lần vấp ngã, là nơi ta tìm về để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Nói về vai trò của gia đình, tôi chợt nhớ về những cuộc hội ngộ trong chương trình: “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Vì một lý do nào đó, họ đã phải sống xa cách nhau trong rất nhiều năm thế nhưng, gia đình luôn trở thành động lực mạnh mẽ để họ tiếp tục sống, tiếp tục cống hiến và kiên trì với mong muốn có thể một ngày gặp lại những người thân quan trọng với mình. Hay gần đây, chúng ta biết tới câu chuyện về một phòng trọ đặc biệt tại trường đại học Bách Khoa, nơi đó có cậu học trò Tất Minh – cậu bé khuyết tật bẩm sinh với đôi chân bị liệt ngay từ khi sinh ra và bố cùng sống. Vì Tất Minh không thể tự đi lại, bố đã bỏ việc ở quê để lên chăm sóc em và đưa em đi học mỗi ngày. Minh hiểu được nỗi vất vả của bố, em luôn coi đó là động lực để phấn đấu trong học tập và nuôi hoài bão sau này có thể mở công ty riêng, có tiền chăm sóc cho bố mẹ. Câu chuyện của em không chỉ thắp lên trong chúng ta động lực mạnh mẽ vào cuộc sống mà quan trọng hơn, chúng ta hiểu rằng gia đình quan trọng với chúng ta thế nào. Trước mọi chông gai của cuộc sống, tôi vẫn đang nỗ lực một phần vì chính bản thân, một phần vì gia đình. Hiểu về vai trò của gia đình khiến cho tôi có những phút giây sống chậm lại, yêu những điều tưởng như không hoàn hảo mà lại rất hoàn hảo xung quanh. Chúng ta tự hào và hạnh phúc vì có gia đình là động lực lớn lao cho mọi bước ngoặt trong cuộc đời. Hãy trân quý những người thân xung quanh mình, hãy luôn yêu thương và làm những điều tốt đẹp nhất cho gia đình của mình, bạn nhé! Vì chúng mình, mãi mãi chỉ có một gia đình mà thôi.

 

XEM THÊM CÔNG THỨC MỞ ĐOẠN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

 

Đề 15: Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?

 

 

Bài làm:
Nhà văn Francis Bacon nói: “Tri thức là sức mạnh”, vậy phải chăng “Tri thức đã làm nên giá trị con người”? Câu nói ngắn gọn nhưng đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của tri thức đối với bản thân mỗi người. Tri thức, theo nghĩa hẹp, là kiến thức tích lũy được về các lĩnh vực khác nhau của mỗi người nhờ học tập, rèn luyện và suy nghĩ. Theo nghĩa rộng, tri thức có thể hiểu là vốn hiểu biết về tự nhiên, xã hội và con người,… của nhân loại nói chung. Để có thể vững bước trên con đường đời, hành trang thiết yếu nhất mà mỗi người chúng ta đều phải có đó là tri thức. Bởi cuộc sống là những điều kỳ diệu mà con người không bao giờ có thể biết hết được. Chỉ có những tri thức mới giúp chúng ta vượt qua được tất cả những điều trong cuộc sống mà bước tới thành công của chính mình. Tri thức là chất xám đưa đất nước đi lên, sánh vai với cường quốc năm châu. Một đất nước có người dân đạt trình độ cao về trí thức mức sống của người dân được cải thiện hơn, con người được hạnh phúc hơn. Xã hội từ đó yên bình hơn, trở nên văn minh và giàu đẹp hơn. Đối với mỗi người, tri thức lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Con người có thành công hay không là do tri thức. Người có tri thức cao thì sẽ có khả năng làm việc, ứng xử tốt hơn. Tri thức giúp bản thân ngày càng hoàn thiện hơn và làm nên những giá trị tốt đẹp. Cho đến bây giờ, loài người vẫn tự hào bởi cuộc đua đến nam cực giữa Scott và Amundsen, cuộc chinh phục đỉnh Everest của Hillary, cuộc hành trình trên biển bằng con tàu Beagle của Darwin, thậm chí cả những vùng đất xa xôi nhất như Đại Tây Dương, Bắc Cực đều đã ghi dấu bước chân con người. Những kiệt tác nghệ thuật: thi ca, nhạc họa, điện ảnh,… cũng là sản phẩm của sự sáng tạo, “sức mạnh tri thức”. Vốn tri thức đa diện ấy đã nâng tâm hồn ta lên, nhân đạo hóa con người để ta sống có trái tim, biết yêu chuộng cái đẹp, căm ghét cái xấu và hơn thế từ những gì được biết được đọc, ta có thêm năng lực tư duy và khát khao được tìm tòi, khám phá làm tăng thêm chất người và làm phong phú thêm cái tôi cá thể của mỗi người. Bên cạnh đó, chúng ta không thể không nói đến vấn đề thiếu hụt tri thức vẫn còn luôn tồn tại trong xã hội. Nếu một người thiếu tri thức, thiếu trang bị kĩ năng sống cho mình thì khi bước ra đời, họ sẽ bị thua thiệt về mọi mặt, mọi lĩnh vực trong cuộc sống, giá trị của bản thân họ cũng vì thế mà bị hạ thấp hơn so với mọi người. Chúng ta là những người trẻ, những hy vọng tương lai của nước nhà, cần hiểu được tầm quan trọng của trí thức, cố gắng học tập thật giỏi, trau dồi, rèn luyện cả đạo đức, tri thức và sức khỏe của bản thân mình để phát triển một cách toàn diện. Biết nuôi dưỡng lý tưởng cao đẹp, những ước mơ lớn lao, vượt khỏi những đam mê thông thường hay những nhỏ nhen ích kỷ, những khó khăn của thực tại đời sống để vươn lên học tập. Bởi tri thức là sức mạnh nên hãy để sức mạnh đó đưa mỗi chúng ta ra xa hơn ranh giới của bản thân, làm nên giá trị tốt đẹp cho bản thân mình.

 

Đề 16: Trình bày suy nghĩ của anh/ chị bằng một đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về câu nói: “Những tư tưởng lớn thường xuất phát từ trái tim lớn, những ân tình nặng thường đến từ lẽ phải”.

 

 

Bài làm
Tôi nhớ nhà chính trị và lãnh đạo tinh thần ́n Độ Gandhi đã có một câu nói rất nổi tiếng: “Người có thể xiềng xích ta, tra khảo ta, thậm chí có thể phá huỷ cơ thể này, nhưng người không bao giờ giam cầm được tư tưởng của ta”. Các bạn biết vì sao không? Bởi: “Những tư tưởng lớn thường xuất phát từ trái tim, những ân tình nặng thường đến từ lẽ phải”.Câu ngạn ngữ phản ánh một quy luật: trái tim lớn là nguồn gốc tạo nên tư tưởng lớn và lẽ phải là cái gốc để đem đến những ân tình sâu nặng. Thật vậy, chỉ những ai có trái tim lớn mới đủ nguồn năng lượng gieo mầm những tư tưởng lớn. Cũng chính vì nhờ có những trái tim đầy đam mê khát khao đó mà nhân loại có được thêm những phát minh, cống hiến vĩ đại trên các lĩnh vực để cuộc sống con người trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Cuộc sống này chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người mang trong mình những trái tim cao cả, sẵn sàng hy sinh để tư tưởng lớn ra đời. Nếu một quốc gia không có chí hướng, tư tưởng rõ ràng thì đất nước đó khó mà phát triển. Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911 vì Bác có một trái tim lớn, trái tim yêu thương dành cho tất cả đồng bào. Và rồi, Bác đã thành công khi tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc, trở thành nhà tư tưởng vĩ đại không chỉ trong Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới cũng phải ngả mũ thán phục. Vì vậy, để có được tư tưởng lớn, con người cần phải có đam mê, hoài bão, khám phá sáng tạo riêng của bản thân. Bên cạnh đó, lẽ phải cũng là cái gốc của những ân tình sâu nặng. Đó chính là phẩm chất, đạo đức tốt đẹp giữa con người với con người, giữa cá nhân với cộng đồng, xã hội. Có thể nói rằng tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống đều bắt nguồn từ lẽ phải. Cùng nhau đoàn kết chiến thắng đại dịch Covid 19, cùng nhau đồng lòng giúp đỡ những người khó khăn,..hay đơn giản là dắt cụ bà qua đường,..tất cả đều là những ân tình, những lẽ phải. Câu nói đưa ra quy luật phổ biến, đúng đắn trong đời sống xã hội nhưng không phải lúc nào cũng cứng nhắc áp dụng dập khuôn mà cần phải linh hoạt bởi không phải khi nào trái tim lớn cũng đem đến tư tưởng lớn, đúng đắn, không phải khi nào lẽ phải cũng đem đến những ân tình sâu nặng. Nếu như tư tưởng lớn tác động trở lại giúp trái tim có thêm đam mê, nghị lực để phấn đấu, vươn lên thì ân tình sâu nặng sẽ làm cho lẽ phải được củng cố, vững chắc hơn. Vì vậy, con người cần nhận thức được tầm quan trọng của câu nói, tu dưỡng phẩm chất, nhân cách, thay đổi bản thân, làm nhiều việc có ích cho đời để có được những tư tưởng lớn xuất phát từ trái tim lớn của bản thân, những ân tình nặng thường đến từ lẽ phải. Hãy sống một cuộc đời có ý nghĩa để” “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày mới để yêu thương”.

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng ký Khóa nền: http://bit.ly/KHOAHOC2K4

Link đăng kí khoá VIP: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan