"Nói với con" và những tác phẩm liên hệ

Ngày 12/04/2023 14:41:46, lượt xem: 47170

Nếu em đang mất nhiều thời gian để tìm những dẫn chứng, liên hệ mở rộng cho bài thơ "Nói với con" - Y Phương thì đây là bài viết dành cho em. Đừng quên lưu lại để tiện tham khảo nhaa

 

--------------------------

 

I. TÌNH CẢM GIA ĐÌNH, TÌNH CHA CON
- Tác phẩm “Chiếc lược ngà”- Nguyễn Quang Sáng
Trong tác phẩm “Chiếc lược ngà”, tình phụ tử được thể hiện qua tình cảm cha con thắm thiết, trọn vẹn của ông Sáu và bé Thu-hai nhân vật chính của truyện. Ông Sáu xa vợ con gia đình vào chiến khu kháng chiến, ngày rời đi ông chào tạm biệt đứa con gái vừa tròn một tuổi. Những lần được vợ lên thăm, ông luôn mong vợ cho bé đi cùng, nỗi nhớ con da diết nhưng không thể nào làm gì được nơi chiến trường xa xôi. Qua tấm hình cũ kĩ về bé Thu, ông trân trọng và xem nó như báu vật của mình. Tấm ảnh như báu vật vô giá giúp ông xua tan đi nỗi nhớ con da diết. Bé Thu chính là cả một bầu trời yêu thương mà ông có được, là món quà tuyệt diệu minh chứng cho tình yêu đẹp của vợ chồng ông. Và có lẽ bé Thu một đứa trẻ thơ từ nhỏ đã xa cha, chắc hẳn cũng khao khát thật nhiều ngày thấy bóng hình cha, khao khát lắm vòng tay yêu thương, sự chở che, cái ôm áp của ba mình, nhưng hoàn cảnh chiến tranh ác liệt khiến cho em cơ hội gặp ba cũng không có, em chỉ hình dung được ba mình qua tấm ảnh xưa kia. Thế rồi sóng gió lại ập đến khiến cha con bé Thu chẳng thể nhận nhau…. (các em đọc kĩ tác phẩm hơn để hiểu rõ nhé)
Nếu như “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng được viết trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì “Nói với con” của Y Phương lại được viết trong thời bình. Nếu như Nguyễn Quang Sáng dùng tình cảnh cha con lâu ngày xa cách để mở ra câu chuyện tình cảm gia đình giữa anh Sáu và bé Thu thì Y Phương lại dùng những lời nói của cha để truyền đạt lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc và nhắc nhở con biết tự hào và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tình yêu người cha dành cho con được thể hiện qua lời tâm sự, nhắc nhở về cội nguồn sinh dưỡng để con thấy được sự đầm ấm của gia đình và sức sống mạnh mẽ, bền bỉ về truyền thống tốt đẹp của quê hương mình.


- Truyện ngắn “Hiu hiu gió bấc”- Nguyễn Ngọc Tư
Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nữ đầy tài năng. Nguyễn Ngọc Tư có cách xây dựng nhân vật rất riêng và độc đáo. Một trong nhưng mô típ nhân vật quen thuộc thường xuất hiện trong truyện ngắn của nữ nhà văn Đất Mũi là hình tượng người cha. Nhân vật cha của anh Hết đã một mình nuôi Hết trưởng thành, dạy anh Hết biết sống nghĩa tình “Anh Hết lớn lên, yêu hết thảy từng con người, từng tấc đất ở cái xóm Giồng Mới. Cái xóm nhỏ ngoại ô biết bao thương nhớ. . . ”. Mặc dù, “mồ côi má từ lúc mới lọt lòng” nhưng anh Hết vẫn được sống trong tình yêu thương, dạy dỗ của người cha “Thấy anh ngồi đánh cờ ở đâu, giữa đường cũng vậy, ông vác cây đánh ngay đó. Vừa đánh vừa kêu nhịp nhàng “Xe nè! Chốt! Pháo nè! Bụp! Chiếu hả, thằng ma cà bông, tao chiếu cho mày mấy đường”. Ông chửi nhưng giọng “nghèn nghẹn”, trong lòng ông cũng đau nhói lắm. Trong sâu xa, ông biết thằng Hết mê cờ là vì đau khổ khi người con gái mình yêu đi lấy chồng. Nhìn con mình yêu đương khổ sở, ông cũng đau đớn, tủi buồn “Tối về, ông bắt nó nằm cho ông xoa dầu, hỏi bày đặt yêu đương chi cho khổ vậy con ơi”
Tác phẩm “Lão Hạc”- Nam Cao
Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên (một người cha trong xã hội cũ- xã hội thực dân nửa phong kiến) Nam Cao đã cho ta thấy Lão Hạc yêu con sâu sắc đến nhường nào. Lão luôn day dứt vì mình không phải với con. Lão thương con đến đứt ruột nhưng lại bất lực để con phải đi phu để rồi cả cuộc đời lão là sự khổ đau, lo lắng, dằn vặt. Khi đói khát ăn củ chuối, rau dại mà không dám bán vườn vì con. Sự lo lắng của người cha từng trải lo cho tương lai của con “Ai lại bán vườn đi, bán đi con về ở đâu?” Bao câu hỏi khi trò chuyện với ông giáo về sự dằn vặt ấy. Đôi mắt lão rưng rưng lệ, ngậm ngùi trong tiếng nấc để rồi bất lực, cam chịu. Yêu con vô bờ bến, lão Hạc quyết tâm giữ mảnh vườn, ngôi nhà của mình cho con để rồi trông ngóng đứa con nơi phương xa. Để lấp đầy khoảng trống của nỗi nhớ con, lão Hạc đã dành cả tình yêu thương cho con chó được gọi là “cậu Vàng” (con chó mà lúc ở nhà, con lão đem về). Lão trò chuyện với nó thay với con cho đến lúc không thể nuôi được nó, lão phải bán đi để rồi khóc tủi nhục mà dẫn đến cái chết.

 

ĐĂNG KÍ NGAY: KHÓA HỌC CHẠY VĂN

 

II. TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC
- Tác phẩm “Làng”- Kim Lân
Từ chỗ yêu tha thiết cái làng của mình, ông Hai đâm ra thù làng: “Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến. Bỏ Cụ Hồ…Và "Nước mắt ông giàn ra”. Ông lại nghĩ đến cảnh sống nô lệ tăm tối, lầm than trước kia. Bao nỗi niềm của ông không biết giãi bày cùng ai đành trút cả vào những lời trò chuyện cùng đứa con thơ dại:
Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con của ai?
Là con thầy mấy lị con u.
Thế nhà con ở đâu?
Nhà ta ở làng Chợ Dầu.
Thế con có thích về làng Chợ Dầu không?
Thằng bé nép đầu vào ngực bố trả lời khe khẽ:
Có.
Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu lại hỏi:
À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?
Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:
ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!
Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:
ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ.
Những lời đáp của con trẻ cũng là tâm huyết, gan ruột của ông Hai, một người lấy danh dự của làng quê làm danh dự của chính mình, một người son sắt một lòng với kháng chiến, với Cụ Hồ. Những lời thốt ra từ miệng con trẻ như minh oan cho ông, chân thành và thiêng liêng như lời thề đinh ninh vang lên từ đáy lòng ông
Nhà văn đã nhìn thấy những nét đáng trân trọng bên trong người nông dân chân lấm tay bùn. Nhân vật ông Hai hiện ra chân thực từ cái tính hay khoe làng, thích nói về làng bất kể người nghe có thích hay không; chân thực ở đặc điểm tâm lí vì cộng đồng, vui cái vui của làng, buồn cái buồn của làng và chân thực ở những diễn biến của trạng thái tâm lí hết sức đặc trưng của một người nông dân tủi nhục, đau đớn vì cái tin làng mình phản bội. Nếu như trong biến cố ấy tâm trạng của ông Hai đau đớn, tủi cực bao nhiêu thì khi vỡ lẽ ra rằng đó chỉ là tin đồn không đúng, làng Chợ Dầu của ông không hề theo giặc, sự vui sướng càng tưng bừng, hả hê bấy nhiêu. Ông Hai như người vừa được hồi sinh.

 

- Ca dao
Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay
Ai làm cho bể kia đầy
Cho ao kia cạn cho gầy cò con?
Tác phẩm “Đất nước”- Nguyễn Khoa Điềm
Nguyễn Khoa Điềm thể hiện những tình cảm tự hào, gắn bó với quê hương thông qua việc tác giả liên tục liệt kê những địa danh nổi tiếng để hình dung dáng vẻ đất nước.
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”
Đồng thời rất yêu thương, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp quý báu của con người Việt Nam với sự say đắm trong tình yêu, quý trọng tình nghĩa và vẻ đẹp của tinh thần đánh giặc bất khuất.

 

ĐỌC THÊM: NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI VÀ NHỮNG TÁC PHẨM LIÊN HỆ

 

III. THƠ Y PHƯƠNG
- Tình yêu quê hương
Từ ngàn xưa ông, bà đã răn dạy “Giấy rách phải giữ lấy lề”, nguyên tắc sống và nguyên tắc cầm bút của Y Phương cũng thế. Con người nhà thơ mộc mạc, giản dị trong cả đời thường. Tuổi thơ của Y Phương được bao bọc bởi những câu chuyện tưởng như huyền thoại, về một người cha đầy bí ẩn của chính mình - chính cái lí lịch ấy trở thành một tì vết tạo trắc trở cho nhà thơ khi muốn hòa nhập cùng cộng đồng.
Quê hương là nguồn cảm hứng của những người cầm bút sáng tác, đây là đề tài không mới. Mỗi nhà thơ góp vào thi đàn những cảm nhận vừa mới mẻ vừa riêng tư làm cho hình tượng đất nước hiện lên trong thơ ca sinh động, đa dạng và tươi đẹp. Điều quan trọng là làm thế nào để tạo được những tác phẩm gây ấn tượng với người đọc. Y Phương đã làm được điều đó. Tên tuổi của ông gắn với bài thơ “Tên làng” và vinh dự đối với nhà thơ là bài thơ này đã được tuyển chọn trong số 100 bài thơ hay thế kỉ XX – do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam và Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp tổ chức bình chọn. Trong “Tên làng” Y Phương đã giới thiệu với bạn đọc một cách tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, một miền quê:
Có ngôi nhà xây bằng đá hộc
Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt
Có niềm vui lúa chín tràn về
Có tình yêu tan thành tiếng thác
Vang lên trời
Vọng xuống đất
Cái tên làng Hiếu Lễ của con.
Tình cảm gia đình
Cha mẹ là chốn nương thân của con cái, bên cha mẹ người con bao giờ cũng thấy ấm áp, bình yên. Cha mẹ là nguồn động viên an ủi giúp con cái vươn lên trong cuộc sống, đồng thời con cái cũng là niềm vui và hi vọng của cha mẹ:
Con ơi
Cha muốn giữ nỗi buồn này lại
Rồi thả cái khao khát ra cùng với gió trời
Nay mai con lớn bằng người
Tự con sẽ hiểu nỗi lòng này của cha….
Cám ơn con - ngọn gió mùa xuân
Bạc mưa vàng nắng
Cuộc đời cha được sung sướng nhờ con.
(Tay trái)
Cảnh gia đình hạnh phúc quây quần quanh mân cơm là mơ ước của biết bao người. Hình ảnh người mẹ chờ con đã được nhiều nhà thơ khai thác, riêng với Y Phương lại là hình ảnh người cha trong công việc nội chợ mong ngóng con đi học về : Hôm nay con học muộn chưa về / Cha ủ nồi cơm, nấu nồi canh / Nước đã réo năm lần bảy lượt / Cha lắng tai nghe / Tiếng chân con / Chạy vù vù rơi bình bịch / Cha đợi chờ mong khắc nữa chắc là con đến (Chờ con).
Một chuyện có khi thật bình thường nhưng dưới ngòi bút của Y Phương lại trở nên vô cùng cảm động. Lời căn dặn của người cha khi con vào lớp ba thể hiện sự quan tâm, lo lắng, của tình phụ tử: Sớm mai con vào lớp ba / Lớp ba đằng sau nhà ta / Leo hết dốc là con đến lớp / Đêm nay cha chong đèn ngồi thức / Làm cách nào để dốc thấp hơn / Không rắn rết không gai góc bất chợt dọc đường / Nhưng có điều làm cha lo hơn tất cả / Người bây giờ / Đừng cãi nhau đừng đánh nhau nghe con / Cô lỡ quát về với cha hãy khóc / Con có đói, áo con có rách / Đừng xấu hổ con ơi cứ đi mà học / Chữ của người đời không phân biệt giàu nghèo (Sớm mai con vào lớp ba). Đứa con chính là sự ràng buộc cuộc đời cha và mẹ:
Con là sợi giây hạnh phúc
Mảnh hơn sợi tóc
Buộc cuộc đời cha vào với mẹ.
(Con là)

 

ĐĂNG KÝ NGAY:
- 2K8 - KHOÁ HỌC KỸ NĂNG + LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHÓA HỌC ĐỌC : TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHÓA HỌC CHẠY VĂN: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHOÁ HỌC CẤP TỐC: TẠI ĐÂY 

- 2K8 - BỘ VIDEO KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHOÁ HỌC LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY

- KHÓA HỌC NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CHUYÊN: TẠI ĐÂY

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan