“Sống là một nỗ lực liên tục để vượt thoát khỏi mọi định kiến trong mình”

Ngày 08/02/2021 15:40:56, lượt xem: 10458

“Sống là một nỗ lực liên tục để vượt thoát khỏi mọi định kiến trong mình”

Định kiến trong mỗi người chính là một rào cản rất lớn trong việc nhận thức cuộc sống và con người. Khi vượt thoát được những định kiến, ta sẽ có cái nhìn sâu sắc và toàn diện, thấu hiểu và nhân văn hơn. Vì vậy, có ý kiến cho rằng:  “Sống là một nỗ lực liên tục để vượt thoát khỏi mọi định kiến trong mình”. Để hiểu rõ hơn về ý kiến này, cùng Học văn chị Hiên tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Đề:  “Sống là một nỗ lực liên tục để vượt thoát khỏi mọi định kiến trong mình” Hãy trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên?

Bài làm

Đã bao giờ bạn rụt rè trước đám đông chỉ vì những ánh nhìn không thân thuộc?

Đã bao giờ bạn thu mình vào góc tối chỉ vì mong muốn thám hiểm những miền hoang sơ của bạn bị người ta xem là ‘phù phiếm’ và ‘không thực tế’?

Cuộc sống cứ thế xoay vần, bạn cam chịu bó mình trong những giới hạn, rồi lại rập cùng một chiếc khuôn ấy lên người khác. Những bản sao hàng loạt ấy cứ dần dần xuất hiện, nhân lên, tràn lan. Những thành kiến cứng nhắc, những giới hạn giăng mắc khắp nơi sẽ trở thành rào cản cho bao nhiêu ước vọng của con người. Xã hội này sẽ ra sao nếu tất cả chỉ bám theo một con đường mòn? Tương lai sẽ ra sao nếu đôi chân ta không dám bước theo tiếng gọi của trái tim? Băn khoăn trước thực tế đáng buồn ấy, một triết nhân đã chiêm nghiệm: “Sống là một nỗ lực liên tục để vượt thoát mọi định kiến trong mình.”

Từ thuở sơ khai, loài người đã luôn khao khát hướng về ánh sáng, luôn mơ về một cuộc đích thực. “Sống hay không sống, đó chính là vấn đề” – danh ngôn của nhà soạn kịch vĩ đại Shakespeare đến tận ngày nay vẫn vẹn nguyên ý nghĩa, vẫn là niềm trăn trở của biết bao người. Sống trên đời thật không đơn giản một chút nào. Nó là cả một hành trình trải nghiệm, bứt phá, đối đầu. Con người đâu phải là giống rùa rụt cổ mãi mãi vác chiếc mai trên mình; con người chính thực là loài đại bàng kiêu hãnh luôn đối mặt với sóng gió để nâng mình lên chín tầng cao. Để được sống chân chính, con người phải sẵn sàng đương đầu với bao kẻ thù bủa vây.

Một trong những kẻ thù lớn nhất của con người chính là “định kiến”. Nó là thứ cản trở hành trình đến thành công và hạnh phúc của bao người. “Định kiến” chính là những suy nghĩ, những đánh giá một cách cảm tính về cuộc sống và con người đã hằn thành ‘nếp’, đã trở nên mặc định bên trong não bộ trước khi ta kịp nhận thêm thông tin gì liên quan đến sự vật, sự việc ấy. Một con người có định kiến sẽ luôn nhìn đời dưới góc độ hạ thấp, tiêu cực, chủ quan, khô cứng, như đóng đinh chắc nịch chẳng thể đổi thay. Dưới cặp mắt định kiến tất cả những quan điểm mới mẻ khác với mình hay đối lập với mình đều không thể chấp nhận được.

Cần phân biệt giữa ‘chính kiến’ với ‘định kiến’. Chính kiến là suy nghĩ cá nhân, không bị ràng buộc bởi bất cứ ai; cũng là một quan điểm riêng, nhưng quan điểm ấy sẵn sàng tiếp nhận những quan điểm khác để hoàn thiện bản thân mình. Nhưng định kiến thì khác. Người mang định kiến sẽ răm rắp tuân theo những suy nghĩ đã trở thành khuôn mẫu. Họ áp cái khuôn ấy vào bất kì ai họ tiếp xúc. Chỉ cần ai đó khác cái khuôn ấy, dẫu một chút thôi là họ đã không thể chấp nhận nổi. Họ bàn tán, xa lánh, gạt bỏ đi ‘kẻ khác biệt” kia. Họ đóng khung lên tất cả, đồng thời cũng tự đóng khung chính mình trong một thế giới chật hẹp. Việc thay đổi định kiến là vô cùng khó, bởi nó đã hằn sâu trong tiềm thức.

NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 CHỮ HAY NHẤT: ĐÁNH THỨC ĐAM MÊ

Định kiến là thứ tiêu cực nhưng lại có sức tồn tại lâu dài bởi nó thường bám rễ vào đám đông, lại có sức lây lan bởi nó ‘được truyền thụ mà thành’ (DaShanne Stokes). Thứ ‘truyền thụ’ ấy lại đi vào tiềm thức, chi phối cách nhìn nhận, cách suy nghĩ, thậm chí nó định hình cả con người bạn. Không thể phủ nhận, luôn có một định kiến nằm trong chính mỗi chúng ta, điều khiển ta; có những lúc, định kiến ăn sâu vào cả xã hội, làm thành cả một hệ tư tưởng chi phối loài người hằng thế kỉ. Đó cũng chính là thử thách mà cuộc đời đặt ra cho loài người, chịu thua nó, ta mãi mãi quẩn quanh trong những con hẻm chật hẹp; vượt được nó, trước mắt sẽ là trời cao biển rộng thênh thang. Chính vì vậy, “Sống” là tháo bỏ những “Định kiến bên trong mình”, vượt qua định kiến bản thân, ta sẽ nỗ lực kiện toàn cuộc sống. Cuộc sống tốt đẹp, sức sống mạnh mẽ, đời sống hạnh phúc, tất cả tùy vào nỗ lực vượt rào của bạn.

Như đã nói, định kiến là rào cản lớn nhất của con người, có khi nó chi phối cả một xã hội qua hằng thế kỉ, khiến bao nhiêu giá trị đáng lẽ được nâng niu lại bị vùi dập, bao nhiêu chân lí bị bỏ sót, bao nhiêu cảnh khổ đau khốn cùng. Còn mang định kiến, ta sẽ không thể nào mở rộng lòng ra để chấp nhận những điều mới mẻ, những quan điểm khác hay là đối lập với mình. Thậm chí ta sẽ ra sứ chì chiết, tiêu diệt những quan điểm mới khi nó còn mới manh nha. Còn mang định kiến ta sẽ nhìn đời, nhìn người một cách sai lệch, từ đó trở nên ích kỷ, nhỏ nhen.

 Đã có một thời, người ta khinh rẻ những người làm nghề hát xướng, coi đó là thứ rẻ rúng, là “Xướng ca vô loài”. Đã có một thời, số phận người phụ nữ bị buộc bởi ‘tam tòng tứ đức’, bị coi khinh, làm kiếp cò lặn lội với thân phận bèo bọt trong đêm trường tăm tối. Rồi cũng một thời, giáo hội gạt phắt đi, thậm chí là xử tử, lưu đày những nhà khoa học chỉ vì họ khám phá ra một điều ngược với định kiến xưa nay, chỉ vì họ dám tuyên bố: ‘trái đất quay quanh mặt trời’.

NGHỊ LUẬN: LỐI SỐNG “KHÔNG CHỊU THAY ĐỔI” Ở MỘT BỘ PHẬN GIỚI TRẺ

Một vị vua Phổ đã từng nói: “Lạc thú cao quý và vĩ đại nhất của con người là khám phá ra những chân lí mới, tiếp sau đó là gạt bỏ những định kiến cũ.” Định kiến là hòn đá lớn luôn luôn chắn đường, phải đẩy nó ra thì ta mới tiến bước được. Hòn đá lớn ấy, tôi không thể nâng một mình, bạn không thể nâng một mình, mà cả tôi và bạn đều phải cùng nâng, phải luôn luôn nỗ lực để dẹp bỏ mọi chướng ngại. Quả vậy, theo từng bước tiến văn minh, xướng ca rồi đã trở thành một loại hình nghệ thuật tuyệt vời; người phụ nữ đã và đang không ngừng chứng tỏ tài năng, vị thế của mình; và trái đất muôn đời vẫn cứ xoay quanh mặt trời mà thôi… Tất cả những bước tiến tuyệt vời ấy, sự phát triển của nhân loại ấy, chẳng phải là nhờ sự tiếp thu điều mới và loại trừ định kiến hay sao?

Sự bảo thủ của con người không chỉ vì suy nghĩ cá nhân, mà còn bởi sự kiêu ngạo và lòng tự tôn phụ trợ. Thứ chất độc mang tên định kiến ấy cứ làm hoen đi đôi mắt mà đáng ra phải nhìn đời một cách sáng trong. Kẻ ấp ủ định kiến, một xã hội đầy định kiến, thì thay vì nhìn tia sáng bảy màu rực rỡ, họ chỉ nhận đúng một màu đơn điệu mà thôi. Rồi những kẻ ấy, mãi mãi chỉ là con ếch ngồi trong đáy giếng, an yên với cái bầu trời nhỏ bé của mình. Định kiến là sợ sự đổi thay, họ sợ mất đi cái cuộc sống bình bình đang có, họ không dám đón nhận điều gì khác hơn cái họ biết – dù điều đó là chân lí. Chính điều đó đã kéo cả xã hội trì trệ và tụt dốc. Một hiền triết đã chiêm nghiệm: “Cuộc sống thường không chật hẹp ở ngôi nhà, góc phố hay những con đường, mà chính trong những định kiến của con người.” - cuộc sống ấy thu hẹp trái tim, đóng kín cánh cửa tri thức, và làm mòn cả đời người, cả đời nhân loại.

NGHỊ LUẬN 200 CHỮ HAY NHẤT: NỖ LỰC ĐỂ ƯU TÚ HƠN

Tiếng thét đau khổ của Chí Phèo làm xót thấu tâm can bao người kia là do nguyên cớ gì? Vì đâu mà Nam Cao lại trở thành một nhà văn lớn? Chẳng phải vì trong cái bóng tối cuộc đời ấy, ông đã tìm ra một thứ sát nhân còn khủng khiếp hơn cường quyền và bạo lực – thứ giết người không dao –  là định kiến xã hội hay sao. Chí Phèo chính là nạn nhân của định kiến. Cách tư duy một chiều, những tâm hồn định kiến xơ cứng kia đâu có đón nhận nổi màu sắc hồi sinh của Chí. Họ dè bỉu, xa lánh, tàn nhẫn đẩy Chí ra khỏi cõi người. Định kiến làng Vũ Đại vẫn xem hắn là loài quỷ dữ, họ ích kỉ muốn khư khư giữ cái xã hội của mình cho êm đềm mà mặc kệ ngoài kia một tâm hồn rỉ máu. Tôi khẳng định rằng, Chí Phèo không chỉ là truyện, không chỉ là một sản phẩm của hư cấu, mà xã hội từ thời của Nam Cao, hay còn trước đó nữa, cho đến tận bây giờ, vẫn còn tồn đọng thứ định kiến ích kỉ làm con người sẵn sàng đẩy con người ra xa như thế.

“Cuộc sống đã đủ khắc nghiệt rồi, đừng đi loanh quanh khiến cuộc sống trở nên khốn khổ chỉ vì bạn có thể làm thế, bạn không biết họ đã phải trải qua những gì” Ngày nay, vẫn nhức nhối vết thương của những cảnh đời khốn khổ khi vẫn còn đó những con người kì thị bệnh nhân bị HIV/AIDS, vẫn còn đó những bộ mặt khinh khỉnh của những người giàu nhìn những người lao động nghèo, vẫn còn kia cuộc đấu tranh bình đẳng giới và vươn xa hơn, tiếng súng của cuộc chiến tranh tôn giáo, sắc tộc vẫn còn chưa nguôi.

NGHỊ LUẬN XÃ HỘI ĐẶC SẮC: THÔNG THÁI NHƯ BÔNG LÚA

Định kiến cố hữu đâu chỉ làm tổn thương người khác, nó còn làm nhức nhối cả chính bản thân mình. Nelson Mandela, vị tổng thống Nam Phi cả một đời đấu tranh cho quyền của người da đen – chống lại phân biệt sắc tộc, lại lo lắng khi bước lên một chuyến bay có phi cơ trưởng là người da đen, ông đau đớn nhận ra tự bao giờ, định kiến của xã hội cũng đã thâm nhập vào ông, làm ông đã có khoảnh khắc đi ngược lại với lý tưởng cả đời mình.

Quyền được yêu thương, quyền sống thật với chính mình là quyền bất khả xâm phạm của mỗi con người. Vậy mà bao nhiêu trái tim khát yêu của con người lại bị xã hội vùi dập, chỉ bởi họ cảm thấy tình yêu đồng giới là ‘trái với tự nhiên’. Họ ngăn cấm, xúc phạm, kì thị những người đồng tính, đòi loại trừ tình yêu theo họ là ‘không bình thường’ ấy ra khỏi cuộc đời này – chỉ vì định kiến.  Định kiến ấy cũng lại làm chính những con người vốn chỉ muốn yêu thương ấy cảm thấy tự ti, xấu hổ với chính mình. Họ hoặc giấu mình đi, hoặc chìm vào sa đọa, hoặc tự sát. Không ít những người con đã để lại mảnh giấy ‘Xin lỗi mẹ vì con là người đồng tính’ rồi ra đi. Đau đớn lắm, khi phải xin lỗi vì đã là chính mình!

TOP 3 ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 CHỮ HAY NHẤT

 “Đàn bà con gái thì biết gì!” – Không chỉ một lần tôi nghe câu nói ấy vuột ra từ miệng người đối diện. Tôi từng chứng kiến một người chị bị chồng bạo hành, nhưng sau đó chị vẫn ráng nuốt nước mắt mà sống tiếp với kẻ vũ phu ấy. Khi tôi hỏi, chị chỉ cười cay đắng: “Phận con gái sinh ra đã khổ rồi, biết sao được hả em?”. Chị ơi! Sao chị lại phải tự ti như thế? Tại sao chị lại phải thu mình như thế, chị ơi? Ai bảo phận chị phải khổ? Ai bảo kiếp đàn bà chỉ được quẩn quanh góc bếp? Chính chị đã vô tình tự đặt định kiến lên mình. Thứ định kiến ấy vẫn là một cây kim nhức nhối trong quả tim nhân loại dẫu trải qua hàng thập kỉ, dẫu con người đã khoác lên mình bộ mặt hiện đại, văn minh. Thế mới biết, định kiến đáng sợ đến thế nào.

Cuộc chiến chống lại định kiến bên trong mình là một cuộc chiến khốc liệt đòi hòi sự ‘liên tục’ và nỗ lực không ngừng. Và con đường chống lại định kiến ấy duy chỉ có một, ấy là giữ vững bản tâm, sẵn sàng mở rộng lòng ra mà ‘đón nhận lấy mọi vang động của đời’. Phải “tìm mà hiểu” nhau, cũng như Elizabeth và Darcy trong tiểu thuyết ‘Kiêu hãnh và định kiến’, chỉ có thể giành thời gian để tâm thấu hiểu người khác, học cách tư duy phản biện, thì mới có thể dẹp bỏ định kiến trong mình.

Thay vì sẵn sàng phủ nhận, bạn hay thay đổi góc độ nhìn đi một chút, rằng ý kiến mới ấy không phải chống lại ta, đảo lộn cuộc sống của ta, mà nó giúp ta hoàn thiện mình hơn mà thôi. Hãy mang đôi mắt sáng trong của trẻ thơ mà tò mò quan sát thế giới này. Bạn biết đấy, đời quá rộng lớn để bạn có thể ôm chứa, vì vậy, hãy chuyển từ thái độ khẳng định sang một thái độ học hỏi và tìm những điểm hay của người khác. Tầm mắt ta lúc ấy sẽ mở rộng ra nhiều lắm, ta đều từng nghe: “Đời thay đổi khi ta thay đổi”, và những hòn đá chắn đường kia không nặng đến vậy đâu.

Cuộc đời sinh ra con người là một vòng tròn với định kiến hiện hữu như thứ axit ăn mòn dần sự hoàn mỹ.Vượt thoát khỏi những định kiến, ta khỏa lấp mảnh khuyết, hoàn thiện đời mình. Muốn thay đổi người, trước hết hãy tự thay đổi chính mình. Bạn nhấc bỏ hòn đá định kiến mà bạn đặt lên vai người khác, thì sức nặng trên đôi vai bạn cũng sẽ dẫn tiêu tan.

Trong cả tôi và bạn đều đang tồn tại định kiến bên trong.

Ngày hôm nay, tôi đã bắt đầu hành động, còn bạn thì sao?

Bài làm của em Nguyễn Thảo Vi, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên

Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về ý kiến “Sống là một nỗ lực liên tục để vượt thoát khỏi mọi định kiến trong mình” và có thêm tư liệu để có bài viết xuất sắc của riêng mình.

Để nắm rõ hơn về cách làm bài văn nghị luận xã hội cùng những dẫn chứng thời sự, tiêu biểu hãy nhanh sở hữu ngay “Sổ tay chinh phục nghị luận xã hội” nhé! Xem bản đọc thử  Tại đây

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH

Fanpage: Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn

 

 

Tin liên quan