Đăng Ký Học
Ngày 27/12/2024 16:33:39, lượt xem: 24
Đề bài: Phân tích tác phẩm “Độc tiểu thanh kí” - Nguyễn Du
Bài làm
Hoài Thanh từng tâm niệm: “Nếu như cảm hứng nhân bản nghiêng về đồng cảm với những khát vọng rất người của con người, cảm hứng nhân văn thiên về ngợi ca vẻ đẹp của con người thì cảm hứng nhân đạo là cảm hứng bao trùm”. Đối với người nghệ sĩ, sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng là một công việc gian lao, làm sao để cất lên trong tác phẩm của mình “tiếng thét đau khổ hay lời ca tụng hân hoan”, cất lên được tiếng nói sâu sắc của hiện thực và tinh thần nhân văn cao cả. Ngày nay, người ta vẫn còn trân trọng mãi những áng thơ văn thuở xưa phải chăng cũng bởi tiếng lòng nhân đạo của người nghệ sĩ gửi gắm trong đó. Như trong tác phẩm “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du, chủ nghĩa nhân đạo đã trở thành sợi chỉ đỏ nối kết những trang thơ trung đại với tấm lòng hậu thế. Bài thơ thể hiện cảm xúc, suy tư sâu sắc của Nguyễn Du về số phận bất hạnh của người phụ nữ và cả những kiếp người tài hoa bạc mệnh.
Nguyễn Du là tác giả tiêu biểu của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX với “con mắt nhìn thấu sáu cõi” và “tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời”. Những người phụ nữ có tài có sắc nhưng đường đời truân chuyên bất hạnh là cảm hứng lớn trong sáng tác của Nguyễn Du. Và nàng Tiểu Thanh cũng là một kiếp người tài hoa bạc mệnh như thế. Là người con gái tài sắc, vốn thông minh nên từ nhỏ nàng Tiểu Thanh đã thông hiểu các môn nghệ thuật cầm kỳ thi họa. Năm 16 tuổi, nàng được gả làm vợ lẽ cho Phùng Sinh, một công tử nhà gia thế. Vợ cả tính hay ghen lại cay độc, bắt nàng ra sống riêng trên Côn Sơn, gần Tây Hồ. Vì đau buồn, nàng sinh bệnh rồi qua đời khi mới tròn mười tám xuân xanh. Những đau khổ, muộn phiền được gửi gắm vào thơ nhưng phần lớn bị vợ cả đem đốt hết, may mắn còn một số bài sót lại. Thương xót, đồng cảm với số phận của người con gái tài sắc vẹn tròn mà số mệnh ngắn ngủi, Nguyễn Du viết ra bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí”. Bài thơ không chỉ thể hiện cảm xúc, suy tư sâu sắc của Nguyễn Du về số phận bất hạnh của người phụ nữ mà còn thể hiện niềm xót xa cho những giá trị tinh thần bị chà đạp.
ĐỌC THÊM: CÔNG THỨC MỞ BÀI CHO DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM TRUYỆN - LỚP 11
Khi đọc những dòng thơ cuối cùng còn sót lại của nàng, Nguyễn Du đã thật sự thấu hiểu và bày tỏ lòng thương cảm của mình qua bài thơ “Độc tiểu thanh kí” như là lời xót thương của nàng trước nỗi đau cuộc đời, hai câu đầu là hai câu tả cảnh nhưng để kể việc:
“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”
Bằng giác quan nghệ thuật, ta bắt gặp một vườn hoa với sắc hương và hình dáng trong quá khứ. Cái đẹp ấy đã chi phối choáng ngợp đến tâm hồn ta. Cái đẹp ấy tưởng chừng sẽ trường tồn vĩnh cửu với thời gian nhưng dần theo năm tháng cũng lụi tàn dần, một sự lụi tàn đến ngỡ ngàng và chua xót. Vườn hoa bình yên, êm ả ngày nào giờ đã trở thành một bãi hoang phế trơ trụi và tiêu điều. Từ “tẫn” được Nguyễn Du sử dụng để miêu tả nhưng lại mang một hàm ý thể hiện sự thương tiếc, có thể thấy thời gian đã tàn phá mọi thứ. Đứng trước sự nuối tiếc, thương xót pha lẫn chút ngậm ngùi. Nguyễn Du mượn sự biến đổi của thiên nhiên mà ngụ ý sự biến đổi khôn lường của cuộc sống, con người. Đó là sự ý thức về cái vô hạn của trời đất và cái hữu hạn của con người. Nó gợi lên sự tàn lụi không thể nào tránh khỏi cho một kiếp người, cho hồng nhan. Ước chăng cũng một lần được nói ra tâm tư, cũng một lần được nhung nhớ như người phụ nữ trong “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm:
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấu
Thấy xanh xanh mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”
Nguyễn Du đã rất đau xót! Câu thơ không chỉ ý nghĩa cho sự mở đầu, giới thiệu sự việc mà chính là cảm xúc của nhân vật trữ tình:
“Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”.
Một khung cửa sổ tương thông lòng người với vũ trụ, tương thông lòng người với tình người. Bên những mảnh thơ tàn của một tài hoa bị vùi dập, Nguyễn Du cảm nhận và thổn thức đau thương. Ông muốn níu giữ tất cả, níu kéo tất cả nhưng cuối cùng chỉ còn lại sự tàn tạ. Sâu sắc của câu thơ nằm ở chỗ từ “độc” và từ “nhất” đều mang ý nghĩa lại “một” lại cùng hiện hữu. “Độc” là một mà “nhất” cũng là một, nhưng nếu “nhất chỉ thư” là số từ chỉ lượng một tập thơ thì “độc điếu” là trạng từ chỉ tâm thế của nhà thơ một trạng thái cô độc một mình. Việc dùng cùng một nghĩa qua hai từ khác nhau, Nguyễn Du như muốn nhấn mạnh sự cô đơn nhưng cũng nhấn mạnh cả sự tương xứng trong cuộc gặp gỡ này. Một trạng thái cô đơn gặp một kiếp cô đơn bất hạnh. Cái để gợi cho lòng người thi sĩ đau có nhiều mà tình thì mênh mông, vô hạn, Nguyễn Du đã khóc Tiểu Thanh – khóc nàng qua một tập sách nhỏ. Lòng Nguyễn Du mênh mông mà sâu lắng quá!
ĐỌC THÊM: BÀI VĂN NGHỊ LUẬN HAY NHẤT VỀ CẢM NHẬN CỦA BẢN THÂN VỀ TÁC PHẨM "BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG" - NGUYỄN CÔNG HOAN
Nguyễn Du có cảm giác mảnh giấy tàn ấy vẫn còn vương vấn linh hồn của nàng, còn phảng phất đến tận bây giờ. Ông xót xa cho thân phận bạc mệnh đó:
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư”
Hai câu thơ gói trọn tiếng lòng xót xa của Nguyễn Du, chua xót đến tột độ khi nghĩ đến người con gái bạc mệnh ấy. Trước phần di cảo của một tài năng, Nguyễn Du cảm nhận được cả cái tài, cái tình Tiểu Thanh, “chi phấn” được hiểu là son phấn ẩn dụ cho nhan sắc, thì “văn chương” chính là ẩn dụ cho tài năng của nàng. Đó đều là những giá trị đáng quý, nhưng đau xót thay những giá trị tốt đẹp ấy đều bị dập vùi dập, chà đạp bởi một xã hội tàn ác, xấu xa . Nghệ thuật đối được dùng rất chỉnh giữa những hình ảnh “chi phấn hữu thần” với “văn chương vô mệnh”, “liên tử hậu” với “lụy phần dư” dẫn đến sự song hành của hai cặp đối tượng: son phấn và văn chương, sắc đẹp và tài năng. Ở Tiểu Thanh hội tụ tất cả những tinh túy ấy. Người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng lại phải chịu số phận bất hạnh, trái ngang. Những nghiệt ngã đời nàng là nỗi sầu vạn kỉ. Dưới suối vàng, Tiểu Thanh chắc còn đau đớn, u uất... Nỗi đau ai oán của nàng sâu sắc, mạnh mẽ hơn nhiều khi cả linh hồn nàng cũng bị hủy diệt: “Văn chương không mệnh đốt còn vương”. Văn chương vốn “vô mệnh” nay lại thành hữu mệnh, có lẽ đó là ẩn dụ cho tài năng của nấy cũng phải “lụy” cái bạc mệnh của con người. Nó cũng biết đau khổ, biết buồn vui, biết vương vấn,…và rồi bỗng chợt nhận ra cái oan trái, ngang ngược mà ông trời sắp đặt cho nó. Có sắc, có tài rồi cũng để làm gì:
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần”
Hai câu thực khép lại là lòng thương cảm sâu sắc về số phận bất hạnh tài hoa nhưng bạc mệnh của nàng Tiểu Thanh đồng thời mang niềm tin vào thuyết luân hồi đạo phật cũng như là nguồn cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du. Ông nhận ra được những giá trị tốt đẹp của con người qua đó ta thấy một tâm hồn đa cảm đến sâu sắc!
Hai câu luận vẫn là niềm thương cảm ấy nhưng giờ đây còn vang lên tiếng nói của tri âm nghe mà nhói lòng người, nhưng biết làm sao đây?
“Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư”
Hai câu thơ cất lên đầy sự tuyệt vọng, ai oán và u sầu nặng nề. Tài hoa nhưng bạc mệnh có lẽ đã trở thành “Cổ kim hận sự”, xưa thì có số phận của nàng Tiểu Thanh và những người cùng cảnh ngộ, nay thì là những người như ông. Nhưng rồi khi ngẩng đầu lên hỏi trời thì trời cũng chỉ biết lặng thinh không nói một lời khiến cái hận càng thêm hận, thấm thía lại càng thêm thấm thía,... khi trời không đáp con người cũng chỉ biết bất lực, bế tắc, nó thể hiện một hiện thực bất công của xã hội phong kiến nhiều hủ tục. Cái tài và sắc đẹp phải được trở lại đúng với giá trị của nó, không ai có quyền phủ nhận. Nhưng hiện tại, sự thực hoàn toàn khác. Người tài tử buộc phải chấp nhận cái án phong lưu mang nặng tình nhân thế. Từ xúc cảm xót thương cho Tiểu Thanh đến tình thương dành cho những kiếp người tài hoa bạc mệnh nói chung rồi nhìn lại thì tự thương mình, tự coi mình cũng cùng mang nỗi oan lạ lùng, sự vận động của cảm xúc nhà thơ như từng lớp sóng lòng âm ỉ nhưng thấm thía, từng lớp từng lớp dần dần cho
thấy sự đồng cảm đã đạt đến mức tri ân, chủ nghĩa nhân đạo đã biểu hiện ở mức cao nhất, để rồi Thuý Kiều trong “Truyện Kiều” cũng phải thốt lên rằng:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Đứng trước số phận của nàng Tiểu Thanh Nguyễn Du trở lại lòng mình mà “Giật mình mình lại thương mình xót xa” và đó vô tình trở thành một nét mới trong văn học trung đại - cảm hứng tự thương. Hai câu thơ cuối như xoáy chặt vào lòng ta một nỗi đau đớn, tuyệt vọng của một trang tài tử:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
Hai câu thơ mở ra như cả thế giới nội tâm của Nguyễn Du, lời thơ như vừa tuyệt vọng, vừa hy vọng, vừa cô đơn, vừa tìm kiếm. “tam bách dư niên hậu”- con số 300 năm chỉ mang tính chất ước lệ tượng trưng nhưng đó lại là nỗi niềm cô đơn của ông trong thời đại Nguyễn Du tự đặt ra để kiếm tìm cho mình một người tri âm tri kỉ như ông đã khóc cho Tiểu Thanh, như Thúy Kiều đã từng khóc cho Đạm Tiên. Câu hỏi tu từ ở cuối bài bày tỏ niềm khao khát, mong muốn tìm được sự thấu hiểu, thương cảm. Tiếng khóc của người đời là thứ mà Nguyễn Du luôn tìm kiếm bởi đó là tiếng vang của sự tri âm, đồng cảm. Từ xót thương cho những kiếp người tài hoa bạc mệnh và rồi ông cũng tự khóc cho chính mình, ông cũng là một trong những số ít nhà thơ đưa tên chữ của mình vào trong thi phẩm, dường như đó là cái tôi, cái cá nhân mà ông muốn khẳng định qua đó lại một lần nữa Nguyễn Du thể hiện tấm lòng nhân đạo lớn lao của mình đó là sự tự thương. Khép lại bài thơ là tiếng nói bất bình lần nữa của ông, bằng hai câu thơ thất niêm phá tính quy phạm vốn có của văn học trung đại để lên án mạnh mẽ những kẻ không chân trọng giá trị của con người đặc biệt là những con người tài hoa.
Khép lại bài thơ là tiếng nói bất bình lần nữa của ông, bằng hai câu thơ thất niêm đã phá tính quy phạm vốn có của văn học trung đại để lên án mạnh mẽ những kẻ không chân trọng giá trị của con người đặc biệt là những con người tài hoa. Tấm lòng Nguyễn Du còn thấu đến ngàn đời. Nhưng có lẽ giờ đây, trang tài tử đã yên lòng nhắm mắt bởi đời sau đã có bao tấm lòng gửi lời tri ân đến ông, như vần thơ của Tố Hữu đầy thương cảm và trân trọng:
“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
Hỡi Người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người!”
“Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Vì vậy đòi hỏi người sáng tạo phải có phong cách nổi bật, tức là có cái gì rất riêng mới lạ trong phong cách của mình.” Để làm nên thành công của tác phẩm “Đọc tiểu thanh ký” thì yếu tố nghệ thuật nắm giữ một vai trò vô cùng quan trọng qua việc vận dụng thể thơ đường luật, những hình ảnh đối lập đem lại hiệu quả nghệ thuật cao qua đó thể hiện sự thương cảm sâu sắc mà tác giả dành cho Tiểu Thanh - một hồng nhan bạc mệnh, một tài năng thi ca đoản mệnh, cho những kiếp hồng nhan đa truân, tài tử đa cùng, mà với cảm hứng tự thương và sự tri âm sâu sắc, ông đã đặt vấn đề: quyền sống của người nghệ sĩ, sự cần thiết phải tôn vinh, trân trọng những người làm nên các giá trị văn hóa tinh thần.
Nhà văn Bùi Hiển cho rằng : “Ở nước nào cũng thế thôi, sự cảm thông sẻ chia giữa người đọc và người viết là trên hết”. Nhưng với một Nguyễn Du trong “Độc Tiểu Thanh kí” ta còn thấy ở ông một nỗi niềm, một sự trăn trở, một niềm khát khao được mọi người cảm thông với chính mình. Qua tác phẩm Nguyễn Du đã thể hiện sự cảm thông sâu sắc với số phận số phận bất hạnh của người phụ nữ và cả những kiếp người tài hoa bạc mệnh nhưng đó cũng là sự cảm thông mà ông dành cho chính mình. Trải qua biết bao năm tháng cái tình của Nguyễn Du vẫn còn nguyên trong lòng bạn đọc.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học TOÀN DIỆN LỚP 11 - 2K8
- Khóa học KĨ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU
Tin liên quan