VĂN BẢN NGHỊ LUẬN MỚI NHẤT VỀ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT TRONG CÁCH KỂ CỦA NHÀ VĂN NAM CAO TRONG "ĐÔI MẮT"

Ngày 10/05/2024 10:03:53, lượt xem: 3071

Trong tác phẩm "Đôi mắt", thông qua việc xây dựng hình tượng hai nhà văn: Hoàng và Độ với hai lối sống, hai sự nhìn nhận về người nông dân, về kháng chiến trái ngược nhau, Nam Cao đã khái quát lên một vấn đề có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ có ý nghĩa với tình hình thực tế lúc đó mà còn có ý nghĩa trong thời điểm hiện tại – vấn đề “cách nhìn cuộc sống.

Dưới đây là văn bản nghị luận về những đặc điểm nổi bật trong cách kể của nhà văn Nam Cao trong tác phẩm “Đôi mắt” thuộc đề bài nghị luận về một tác phẩm truyện hoặc các tác phẩm văn học do Học Văn Chị Hiên biên soạn theo đúng cấu trúc. Các bạn có thể tham khảo và áp dụng vào bài viết của mình.

 

Đề bài: Viết một văn bản nghị luận về những đặc điểm nổi bật trong cách kể của nhà văn Nam Cao trong tác phẩm “Đôi mắt”

Bài làm

Nhắc đến Nam Cao ta thường nhớ đến những tác phẩm viết về người nông dân trước cách mạng, đó là anh Chí Phèo được mệnh danh là con quỷ dữ của làng Vũ Đại, đó là thầy Lang Rận, mụ Lợi xấu xí, luôn bị người đời khinh miệt, coi thường… Những tác phẩm ấy đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng người đọc. Bên cạnh đó, tác phẩm sau cách mạng của nhà văn cũng đã thu hút được sự chú ý của độc giả không chỉ bởi lối viết phóng khoáng, tái hiện đời sống, phản ánh thực tại mà còn ở lối kể chuyện chân thực nhưng lại vô cùng gần gũi trong đó truyện ngắn “Đôi mắt” chính là tác phẩm tiêu biểu nhất. Truyện đã phản ánh một hiện thực tồn đọng sau cách mạng của xã hội nước ta lúc bấy giờ đó là cách nhìn đời, nhìn người lệch lạc, phiến diện một chiều và lối sống ích kỉ, bàng quan của một số trí thức đối với kháng chiến.

Chắp bút viết ra “Đôi mắt”, Nam Cao cũng đã cấu tạo tác phẩm bằng những đặc điểm cơ bản của một truyện ngắn. Toàn bộ câu chuyện được diễn ra từ lúc anh Độ tìm đường đến chơi nhà anh Hoàng cho đến lúc tối muộn anh Hoàng đọc cuốn “Tam quốc” trước khi đi ngủ. Câu chuyện mở đầu bằng hình ảnh nhân vật Độ được một anh thanh niên dẫn đường đến nhà của Hoàng, có thể qua chi tiết này chúng ta thấy nhân vật đang khá là mong tìm được đến nhà của người bạn cũ này, tuy nhiên người bạn ấy lại chính là người “đá” anh, và cũng "đá" nhiều người khác không hiểu vì nguyên cớ ghen ghét gì, đã vài lần anh đến nhà Hoàng nhưng vợ chồng hắn lại chẳng chịu ra tiếp, hơn nữa còn bảo đứa con nhỏ năm lần bảy lượt ra nói dối là bố mẹ vắng nhà. Chuyến tới thăm lần này được dựng ở đầu câu chuyện sẽ khiến tác giả đặt ra một câu hỏi? Có chuyện gì quan trọng mà Độ lại tiếp tục đến thăm nhà người bạn không chịu tiếp mình như vậy? Liệu hai vợ chồng Hoàng lại tiếp tục ngó lơ và vờ như không có nhà nữa hay không? 

“Đôi mắt” không phải là câu chuyện có tình tiết giật gân, không có những pha hành động cao trào. Nhưng truyện lại gây ấn tượng bởi dòng suy nghĩ hiện ra của Độ thông qua cuộc trò chuyện giữa anh và Hoàng, từ đó anh phát hiện ra con người thật của bạn mình, phát hiện ra sự thay đổi của anh khi nhìn đời, nhìn người. Lấy ngôi kể là ngôi thứ nhất, nhà văn Nam Cao đã để cho nhân vật Độ kiêm người dẫn chuyện tái hiện lại toàn bộ câu chuyện chính là để  nhân vật có thể bộc bạch trực tiếp, chân thật cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật, từ đó làm cho người đọc nắm bắt tâm trạng nhân vật sâu sắc, sinh động, chân thật và gần gũi hơn. Điểm nhìn trần thuật từ bên ngoài thay đổi linh hoạt, từ điểm nhìn bên ngoài miêu tả hình dáng, cử chỉ, hành động của nhân vật rất đỗi chân thực cho đến điểm nhìn bên trong, thấu được nội tâm của nhân vật qua từng câu nói được bộc lộ. Đây là một cách xây dựng điểm nhìn phù hợp, giúp người đọc theo dõi cốt truyện không bị nhàm chán và phù hợp với những trăn trở và suy nghĩ nội tâm của nhân vật Độ khi biết được con mắt nhìn đời của Hoàng.

 

ĐỌC THÊM: BÀI VĂN SUY NGHĨ VỀ VẺ ĐẸP CỦA PHO TƯỢNG NỮ THẦN TỰ DO (STATUE OF LIBERTY) HAY NHẤT

 

Nếu ở trong tác phẩm ‘Sống Mòn”, Nam Cao xây dựng nhân vật chính là một thầy giáo tên Thứ, anh từ bỏ cuộc sống chốn làng quê và gia đình của mình để lên Hà Thành làm thầy giáo cho một trường tư với hi vọng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên những mơ ước của Thứ đã dần lụi tàn theo cuộc sống cơ cực thì nhân vật Độ trong “Đôi mắt” có phần khác một chút. Anh là một nhà văn ở Hà Nội đang làm công tác tuyên truyền. Nhân vật Độ nhìn người nông dân với cái nhìn đầy cảm thông, thiện cảm, bao dung. Anh cảm nhận thấy họ có rất nhiều ưu điểm, thấy rằng sức mạnh quần chúng từ người nông dân là vô cùng to lớn. Chính sức mạnh đó làm cho lịch sử của dân tộc đã sang trang. Chính những người nông dân răng đen, mắt toét ngọng líu ngọng lo gọi “lựu đạn thành” “nựu đạn”, hát tiến quân ca thì như người buồn ngủ cầu kinh nhưng khi ra trận thì họ xung phong anh dũng, can đảm lắm. Chính Độ đã đi khắp làng này tới làng kia để tìm hiểu ngõ ngách tâm hồn sâu kín của người nông dân, để hiểu được tiếng lòng của họ. Độ cảm nhận được rằng người nông dân của ta yêu nước lắm, cùng một sự việc anh thanh niên đọc thuộc lòng bài ba giai đoạn như Hoàng cảm nhận rằng anh ta chỉ như con vẹt biết nói, thì Độ thấy được bó tre anh ta vác đi để làm hàng rào ngăn cản kẻ thù. Chính tấm lòng bao dung nhân hậu đồng cảm với người nông dân của Độ đã nhìn thấu trái tim yêu nước của người nông dân thông qua vẻ bề ngoài tưởng như ngu dốt, khờ khạo kia. Phải sống cùng người nông dân, hòa vào những khó khăn gian khổ của họ mới biết tấm lòng của người nông dân, Độ cảm cảm nhận và hiểu sâu sắc suy nghĩ tâm hồn của họ như thế. Chính sự chân thật và cái nhìn đầy cảm thông của Độ nên anh đã cảm nhận được sức mạnh tâm hồn lương thiện cao đẹp của người nông dân, không dừng ở đó Độ đã nhìn thấy vào tận sâu thẳm tâm hồn cao quý, dũng cảm yêu nước của người nông dân.

Trái ngược hoàn toàn với nhân vật Độ, Hoàng lại là một người sống trong gia đình giàu có và sống một cuộc đời rất phong lưu, sung túc nên anh thường có cho mình những sở thích xa xỉ như đọc tiểu thuyết Trung Quốc và nuôi chó Đức - giống chó oai phong bệ vệ. Không chỉ vậy, hắn còn là một tay "chợ đen" có mánh lới. Ngoài ra đó là tên rất hay "đá" bạn,  anh ta làm vậy chỉ bởi con quỷ ích kỉ trong người không cho phép bất kì một kẻ nào có tài văn chương vượt mặt anh ta, hoặc là có mối quan hệ tốt đẹp với những người ghét anh ta nên bị cả giới văn nghệ sĩ Hà Nội khinh ghét. Trước đây thì năm lần bảy lượt không chịu mở cửa tiếp Độ, giờ đây lại niềm nở đón tiếp chu toàn chỉ vì muốn tìm một người hiền lành đến để nghe anh ta kể khổ, than vãn về những gì anh ta đang chịu đựng và toàn bộ tính nết ấy của Hoàng đã được bộc lộ qua những lời kể của anh ta về dân làng, mọi nguồn cơn bắt đầu từ lúc Độ ngồi xuống và nghe câu chuyện của Hoàng.

Ta lại quay ngược lại một chút lúc Độ tìm đến trước cửa nhà Hoàng, lúc này điểm nhìn của tác giả đã thay đổi từ việc quan sát xung quanh thành dòng suy nghĩ vụt hiện ra bên trong Độ. “sau Tổng khởi nghĩa anh bỗng nhạt hẳn đi”, “cửa nhà luôn luôn đóng”, “thằng con luôn bảo bố mẹ không có nhà” nên anh hiểu cơ sự rằng Hoàng không muốn tiếp anh, nay lại niềm nở mà đón tiếp, một sự khó hiểu dâng lên trong lòng Độ, không biết hai vợ chồng họ đang suy nghĩ gì. Đó chính là lối kể theo trình tự thời gian, từ thực tại nhân vật Độ đang ở nhà Hoàng, theo dòng suy nghĩ lại nhớ về ngày xưa, nhớ về cái hồi còn viết văn ở Hà Nội và lối sống ngày xưa của Hoàng từ đó nhà văn đã gián tiếp nêu lên hoàn cảnh mà không cần giới thiệu trực tiếp. Đó là một cách dẫn dắt độc đáo qua hình ảnh con chó nhà Hoàng chết vì ngửi thấy mùi xác người chết đói trong khi nó ngày nào cũng được ăn thịt bò. Sự đối lập ấy đã cho người đọc hình dung rõ được nhân vật Hoàng sống trong môi trường giàu có như thế nào. Quay trở lại thực tại Hoàng vẫn như vậy dù đã về quê tản cư nhưng cái nét phong lưu và xa xỉ ấy vẫn thế. 

 

ĐỌC THÊM: BẢN HƯỚNG DẪN DU KHÁCH KHI THAM GIA THAM QUAN NHÀ TÙ HỎA LÒ

 

Sau khi vào nhà, tác giả đã để cả hai nhân vật trò chuyện trực tiếp với nhau để tô đậm sự đối lập của hai nhân vật kể cả về lời nói lẫn suy nghĩ. Tự nhận là mình "theo kháng chiến", nhưng thực tế rằng đó là một cuộc chạy loạn, sơ tán của Hoàng về miền quê để trốn khỏi bom đạn. Hoàng làm ra một hành động thật đáng khinh ghét, thậm chí là đê tiện, chửi những đồng nghiệp của mình, những người vốn hiền lành, trước nay chưa từng giao du động chạm gì với anh, chỉ vì họ có tên và được tuyên dương trên tờ báo giải phóng quốc gia. Trong cách nói của Hoàng về người dân quê, anh đã tỏ ra một ý rất gay gắt, rất miệt thị, anh dùng cái nhìn của một kẻ tự phụ, cho mình là học nhiều, lắm chữ, để phán xét và khinh bạc họ như những người thuộc tầng lớp dưới. Với những người nông dân theo cách mạng anh cũng chẳng tỏ được thái độ tôn trọng, vui vẻ mà một người "theo kháng chiến" nên có, trong miệng anh họ toàn là "thằng chủ tịch", "ông ủy ban", "bố tự vệ", "các ông thanh niên", "các bà phụ nữ",... Hoàng không chịu hiểu và cũng không muốn hiểu căn nguyên cho những việc ấy, sự ích kỉ, thiếu nhân ái, thậm chí thiếu hiểu biết của Hoàng đã khiến anh có cái nhìn thật gay gắt và phiến diện về người nông dân làm cách mạng. Hoàng chỉ sống theo ý thích của mình, chẳng thèm quan tâm xem ông bạn của mình là Độ có ý muốn nghe tiếp câu chuyện, có ưng chơi tổ tôm hay có thích mớ tiểu thuyết Trung Quốc của ông hay không, mà chỉ một mực dẫn bạn đi. Ông cũng chẳng thèm tiếp thu ý kiến của Độ về những người nông dân làm kháng chiến.

Người kể chuyện ở đây chính là nhân vật Độ nên cách kể thật sự rất chân thực và vô cùng gần gũi, không có sự xa cách. Nhà văn Nam Cao đã hóa thân vào để hiểu rõ diễn biến nội tâm của nhân vật Độ. Từ cái nghi vực ban đầu lúc hai vợ chồng Hoàng chịu tiếp mình cho đến sự thất vọng và có gì đó chua chát khi nhìn thấu được con người của Hoàng, nhìn thấy đôi mắt phiến diện một chiều của anh thông qua từng lời nói để từ đó Độ quyết định giấu kín tâm tư của mình và anh đã từ bỏ ngay ý định muốn anh tham gia văn hóa cứu nước. Sáng hôm sau, họ tạm biệt nhau, mỗi người một lối sống, một “đôi mắt” riêng. Độ trở về với công việc tuyên truyền “nhãi nhép” nhưng đáng tự hào của mình còn Hoàng vẫn tiếp tục trong vỏ bọc của những trang Tam Quốc, Tào Tháo.

Thông qua hình ảnh “Đôi mắt” nhà văn Nam Cao đã gửi gắm đến người đọc nhiều bài học nhân sinh sâu sắc. Mỗi người có một nhân sinh quan khác nhau nhưng trong cuộc sống phải có một cái nhìn cảm thông, thấu hiểu. Không nên nhìn đời bằng đôi mắt phiến diện một chiều mà phải có nhìn bao quát, đa chiều. “Nếu vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản...”, đó chính là triết lí mà Nam Cao gửi gắm qua nhân vật Độ. “Đôi mắt” xứng đáng là “tuyên ngôn nghệ thuật” của một lớp văn nghệ sĩ hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Đây là tuyên ngôn về lập trường kháng chiến của nhà văn, về cách nhìn đúng đắn hiện thực để sáng tạo nghệ thuật, cũng là tuyên ngôn về khuynh hướng mĩ học mới: cái đẹp là thuộc về nhân dân lao động, những con người bình thường mà vĩ đại - nhân vật chính của nền văn học mới.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

Tin liên quan