BÀI VĂN NGHỊ LUẬN HAY NHẤT VỀ CẢM NHẬN CỦA BẢN THÂN VỀ TÁC PHẨM "BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG" - NGUYỄN CÔNG HOAN

Ngày 10/05/2024 11:18:32, lượt xem: 1070

Dưới đây là văn bản nghị luận về cảm nhận của bản thân về tác phẩm “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan thuộc đề bài nghị luận về một tác phẩm truyện hoặc các tác phẩm văn học do Học Văn Chị Hiên biên soạn. Các bạn có thể lưu lại để tham khảo và áp dụng vào bài viết của mình.

 

Đề bài: Viết một văn bản nghị luận về cảm nhận của bản thân về tác phẩm “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan.


Bài làm
Bạn đã bao giờ gặp phải khó khăn mà muốn từ bỏ hay chưa? Riêng tôi vẫn luôn phải tự nhắc nhở bản thân rằng sống ở đời khi gặp chông gai phải biết vực dậy và đứng lên, bước qua thách thức để tiến đến thành công. Nhưng bạn ơi, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, nếu ta rơi vào một bước đường cùng không lối thoát thì sẽ như thế nào, khi một con người bị đẩy đến cảnh tuyệt lộ thì sẽ ra sao? Điều đó gợi cho tôi nhớ đến trường hợp của anh Pha trong tác phẩm “Bước đường cùng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan - một bức tranh hiện thực chân thực sống động về bi kịch của người nông dân khi bị bọn cường hào ác bá, cướp đoạt ruộng đất, đẩy về phía cùng đường. Liệu rằng anh có thể thoát khỏi bức tường chắn ấy, liệu rằng anh có tìm ra được tia sáng mới cho mình? Tất cả sẽ được bật mí trong “cung đường bế tắc ấy”.


“Bước đường cùng” có cốt truyện quen thuộc nhưng lại khá kịch tính bởi nó đã lột tả chân thực tội ác của bọn địa chủ phong kiến, chúng giống như những con đỉa khổng lồ, hút cạn máu và nước mắt của nông dân, đẩy người nông dân vào tình cảnh túng quẫn bởi sưu cao và thuế nặng. Tác phẩm có câu chuyện rõ ràng, theo một trình tự nhất định, các sự kiện xảy ra nối tiếp nhau tạo ra sự cao trào. Chuyện kể về anh Pha là một người nông dân lương thiện, gia cảnh nhà anh ban đầu không phải thuộc loại quá nghèo túng, cũng có ruộng có vườn còn vợ anh thì đi buôn. Mọi việc bắt đầu trở nên tồi tệ khi vợ anh Pha sinh em bé, đặt tên con là Bạch để trả thù nhà hàng xóm. Hai nhà xích mích lẫn nhau, kết quả là người hàng xóm Trương Phi đã lén bỏ rượu lậu vào ruộng nhà anh. Đọc đến đây, người đọc chắc hẳn sẽ không khỏi cảm thấy hồi hộp và có chút lo sợ cho số phận của Pha. May mắn thay, Trương Phi đã bỏ nhầm vào ruộng nhà Nghị lại, gia đình Pha tạm qua được một gánh nạn. Thế nhưng, sau này vợ chồng Pha vì ít học, nghe Nghị lại xúi giục đi kiện Trương Phi trong khi nhà Trương Phi cũng được Nghị lại xúi giục y chang như vậy, hai nhà kiện qua kiện lại. Ngỡ tưởng được hắn lo lót cho quan trên, ngờ đâu đó chỉ là thủ đoạn để đẩy anh đến bước đường mất nhà mất cửa.

 

ĐỌC THÊM: VĂN BẢN NGHỊ LUẬN MỚI NHẤT VỀ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT TRONG CÁCH KỂ CỦA NHÀ VĂN NAM CAO TRONG "ĐÔI MẮT"


Cách xây dựng tình tiết của “Bước đường cùng” hay ở chỗ nó có cốt truyện đàng hoàng, các tình tiết được thiết lập một cách chặt chẽ, mỗi một sự kiện là một nguyên nhân để dẫn đến sự kiện tiếp theo. Câu chuyện đi từ lúc anh Pha gây hấn với nhà Trương Thi, Trương Thi đổ thuốc vào ruộng nhà Pha những đổ nhầm vào nhà Nghị lại, Nghị lại bày kế xúi giục hai nhà kiện nhau, Nghị Lại cho Pha vay tiền để đi cửa sau nhưng lại lấy lãi cắt cổ, hơn nữa còn không chịu nhận tiền trả nợ sớm mà đợi đến khi lãi mẹ đẻ lãi con, hòng chiếm đoạt ruộng vườn nhà anh Pha. Và cuối cùng, con giun xéo lắm cũng quằn, sau bao tủi nhục, đau khổ vì bị đẩy vào tuyệt lộ, ở cuối câu chuyện hình ảnh Pha vùng dậy, phang vào đầu Nghị lại với tất cả uất nghẹn căm thù. Trình tự rất rõ ràng, bối cảnh chân thực, tất cả đã tạo ra một vòng xoáy nợ nần không hồi kết để rồi đẩy câu chuyện lên đến cao trào, đó cũng là dấu chấm để kết thúc vòng lặp nghiệt ngã.
 

Với ngôi kể thứ ba, người kể giấu mình đi để kể lại câu chuyện diễn ra của các nhân vật. Cách kể này giúp người kể có thể kể chuyện một cách linh hoạt, tự do những gì diễn ra với nhân vật, ngoài ra cách kể ấy còn giúp người đọc nhìn nhận câu chuyện một cách khách quan hơn. Ngoài ra câu chuyện cũng có điểm nhìn linh hoạt, từ điểm nhìn trần thuật bên ngoài để miêu tả khung cảnh và những gì diễn ra xung quanh lại nhanh chóng di chuyển sang miêu tả diễn biến dòng tâm trạng của các nhân vật, đó là nỗi uất ước chuyển sang căm phẫn trước sự bóc lột của Nghị lại, nỗi căm phẫn từ trong tâm trí đã biến thành hành động, điểm nhìn của người kể chuyện lại thay đổi thành điểm nhìn bên ngoài thông qua miêu tả hành động phang vào đầu Nghị lại của anh Pha.
 

Nếu như Nam Cao xây dựng được một hình tượng nhân vật điển hình của việc người nông dân bị tha hóa là Chí Phèo thì Nguyễn Công Hoan cũng xây dựng được một hình tượng điển hình của người nông dân bị bòn rút đến cạn kiệt, bị chiếm đoạt ruộng đất một cách trắng trợn để người đọc thấy rằng khi con người bị đẩy vào bước đường cùng thì họ sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì. Cuộc đời của anh là cuộc đời của hàng ngàn con người khác trong xã hội thời bấy giờ, hoặc không nhà không cửa, hoặc bị tước đoạt đi cuộc sống của chính mình. Pha đại diện cho người nông dân, về cả hoàn cảnh, ý chí sức mạnh của họ song cũng cả phần u mê của những người dân bị chính sách của Pháp tác động. người nông dân sống riêng lẻ lại hay vì những quyền lợi nhỏ nhặt mà thù hằn nhau, như vợ chồng Pha và nhà Trương Thi ghét nhau, chỉ vì chỗ hàng xóm với nhau mà nó đi lấy tên bố mình đặt cho con nó thì tội gì mình không báo thù giúp bọn địa chủ thành “ngư ông đắc lợi. Cái hận thù nhỏ bé vô tình giết chết cuộc cách mạng lớn, ngáng đường giành độc lập tự do của dân tộc - con đường hiếm hoi được khai sáng cho những người nông dân.Vụ thuế đến, lính cơ về làng, tróc nã, bắt trói, cùm kẹp; Sau vụ thuế, nhiều gia đình nông dân khánh kiệt, trong khi Nghị Lại và bọn kỳ hào kiếm hàng trăm. Vợ chồng Pha phải đến làm thuê cho Nghị Lại, vất vả quần quật mà cơm độn cà thiu không đủ no. Chị Pha về ốm nặng, Pha lại phải đến vay thóc Nghị Lại để ăn. Vợ anh vẫn ốm, không có tiền mua thuốc, chỉ uống mấy thứ lá linh tinh, rồi lễ bái, chạy mồ Anh phải đến phục dịch nhà Nghị Lại, rồi bị đòn, bị đuổi oan ức. Nước sông lên to, Pha và hàng trăm nông dân phải đi hộ đê, trong khi vợ con nhịn đói. Rồi nạn dịch tả. Chị Pha chỉ vì không chịu tiêm chủng đã chết về dịch. Đã thế, Pha còn bị “làng” bắt vạ vì cho rằng anh “hỗn xược với thần” để làng bị dịch! Đứa con của anh cũng chết nốt, chỉ còn mình anh trơ trọi, túng đói. 
 

Sự thông minh của nhà văn Nguyễn Công Hoan được thể hiện ở biệt tài gây dựng xây dựng cốt truyện. Nhà văn đã để nhân vật nếm trải từng thảm cảnh này đến thảm cảnh đến để rồi dẫn đến các tấn bi kịch đằng sau. Nhà văn rất biết cách đẩy câu chuyện lên cao trào, không phải nhà văn không dành tình cảm cho nhân vật, không đặt vào hoàn cảnh của họ mà ông muốn lên tiếng tố cáo tội ác của bọn quan lại trong thời kì thực dân nửa phong kiến, nhà văn muốn dùng ngòi bút thật nhất để vẽ lên thảm cảnh ấy đồng thời cũng bày tỏ sự cảm thông của mình dành cho những người nông dân thấp cổ bé họng thời đó. Tác giả dùng ngòi bút châm chích, giễu cợt đám quan lại, song với những người dân quê, không phải không có lúc ông buông lời bỡn cợt, bỡn cợt đến độ vô tình hóa ra xúc phạm họ, như khi ông tả người nông dân bị một viên Tây đoan giơ ba toong dọa, “hàng trăm người chạy ồ như vịt, ngã cả lên nhau”, hoặc trước cái khóc đầy oan ức của chị Pha, ông viết “Thấy chị Pha khóc một cách lố bịch…” Tất cả đã vẽ ra một bức họa về nạn cường hào địa chủ bóc lột lột người dân, trắng trợn cướp đoạt ruộng đất đẩy một người nông dân rơi vào cảnh tan cửa nát nhà. Đó là hiện thực, không phải bịa đặt, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã thành công tái hiện lên thảm cảnh của người nông dân trước cách mạng năm 1945.
 

ĐỌC THÊM: BÀI VĂN SUY NGHĨ VỀ VẺ ĐẸP CỦA BỨC TRANH "ĐÊM ĐẦY SAO" HAY NHẤT

 

Với “Bước đường cùng”, Nguyễn Công Hoan đã châm biếm đả kích mạnh mẽ chế độ phong kiến thực dân. Tố cáo tội ác của bọn quan lại địa chủ, cường hào ác bá đã đẩy con người ta vào tuyệt lộ đồng thời cũng bày tỏ lòng thương xót đến những mảnh đời thấp cổ bé họng, không có tiếng nói trong xã hội cũ đồng thời cũng réo lên hồi chuông cảnh tỉnh người nông dân phải xóa bỏ vấn nạn kém hiểu biết, tin người của nông dân. Đó chính là sự khác biệt của Nguyễn Công Hoan với các nhà văn hiện thực cùng thời, ông xây dựng bi kịch bắt nguồn từ chính bản thân những người nông dân, để cho Pha và bác Tân trai nhận ra một sự thực xót xa rằng: “Rốt cục chỉ dân chết, chết vì nạn nhà giàu, chết vì nhạn quan… rút cục nạn gì cũng do cái dốt nát nó đẻ ra cả”. Chỉ khi nhận ra điều ấy và gặp anh Hòa, Pha mới khao khát được học, khao khát đứng lên và cứu rỗi cuộc đời mình, dù cho có phải đi tù anh cũng phải đứng lên, cách giải quyết vấn đề của nhà văn Nguyễn Công Hoan là cho chính nhân vật nhận ra vấn đề và tự mình giải quyết, như vậy mới triệt để được vấn đề.
 

Tôi cảm thấy đây là sự gan dạ, một sự gan dạ đến táo bạo bởi khi nhà văn Nguyễn Công Hoan mạo hiểm cho ra đời một tác phẩm bị cấm lúc bấy giờ là một điều không dễ dàng. Thời đó, văn học có nội dung như vậy được xếp vào hàng tác phẩm “Không công khai’ nhưng vì trái tim nhân đạo và lòng thương người sâu sắc, ông sẵn sàng vạch trần tội ác tàn khốc của chế độ đương thời, cái sâu cay đau đớn được lột tả chân thực nhất, xuất sắc nhất với giọng văn lạnh lùng nhưng lại thấm đẫm lòng trắc ẩn trong đó. Để dù cho cái kết nhà văn không nói rõ cuộc sống của anh Pha sẽ đi đâu, về đâu nhưng  cái “nghiến răng nhắm nghiền mắt, mặc cho dòng lệ nóng tuôn trào” của Pha với hành động “ phang vào đầu Nghị Lại với tất cả lòng hận thù” đã cho người đọc phải tấm tắc mãi mà thốt lên rằng “phường ác bá ấy bị như vậy là xứng đáng”.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

Tin liên quan