VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ TRUYỆN KỂ “THẦN TRỤ TRỜI”

Ngày 20/12/2024 11:29:55, lượt xem: 23

 

Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày điện mới về làng, lúc đó tôi chừng bốn tuổi. Ngày ấy muốn xem truyền hình khó lắm bởi chỉ có những nhà giàu mới mua được tivi để xem. Mà số nhà có tivi còn chưa qua hết một bàn tay. Nhà tôi nghèo nên truyền hình là thứ quà xa xỉ và đắt đỏ. Nhưng ngày tháng ấy tôi lại được “xem” những bộ phim hay nhất qua lời kể của bà, giọng bà ấm nên tôi mê lắm! Tôi nhớ mình như chú chim non đợi mẹ bón mồi, bà cứ kể đến đâu là tôi “nuốt trọn” đến đó. Trong số những “bộ phim” được nghe, tôi nhớ nhất truyện “Thần Trụ Trời” - một câu chuyện chứa đựng toàn bộ đặc sắc về chủ đề và hình thức nghệ thuật của một thể loại đã một đi không trở lại.

Đọc Thần Trụ Trời, ai cũng có thể nhận thấy rằng, giá trị của truyện trước hết thể hiện qua chủ đề mà tác phẩm nêu lên. Câu chuyện xoay quanh quá trình tạo lập vũ trụ, phân tách trời và đất của một ông thần to lớn, khổng lồ. Thuở ấy trời đất còn mờ mịt, hỗn độn, thần đứng dậy, đội trời lên, rồi tự mình đào đất, đắp cột chống trời. Khi trời đất phân đôi thần liền phá cột chống trời đi, đất đá văng đi khắp nơi, biến thành hòn núi, hòn đảo, thành gò, thành đống, … Thông qua câu chuyện thần Trụ Trời, nhân dân cổ đại nhằm lí giải quá trình tạo lập vũ trụ đồng thời kí gửi ước mơ chinh phục thế giới tự nhiên.

Tôi tự hỏi, vì sao người xưa lại lí giải quá trình tạo lập vũ trụ, các hiện tượng tự nhiên cùng nguồn gốc của muôn loài qua thể giới thần linh? Cũng như vạn vật, con người cần đến các yếu tố có sẵn trong tự nhiên (không khí, đất đai, sinh vật…) để tồn tại và phát triển. Cùng với sự phát triển chung của vạn vật, con người dần tách mình ra khỏi thế giới động vật để trở thành một sinh vật đặc biệt (sử dụng tư duy, ngôn ngữ và lao động để sinh tồn). Trong buổi đầu hình thành và phát triển, con người phải đối diện với muôn vàn gian khó từ thiên nhiên, đó là các hiện tượng thiên nhiên: mưa, gió, sấm, chớp, mặt đất, bầu trời, sự hoang vu nguyên thủy… Cho dù tách mình ra khỏi thế giới động vật nhưng người nguyên thuỷ chưa tách mình ra khỏi môi trường tự nhiên và xã hội bao quanh, con người còn phụ thuộc chặt chẽ vào tự nhiên. Với họ tự nhiên là lực lượng vừa to lớn, vừa bí ẩn, luôn mang những tai họa bất ngờ đổ ập xuống cuộc sống của con người và xóa đi tất cả. Với tư duy thô sơ, non nớt, người nguyên thủy chưa thể nào lí giải một cách khoa học và lôgic các hiện tượng tự nhiên ấy. Họ cho rằng có một thế lực siêu nhiên, thần thánh đang chi phối các hiện tượng thiên nhiên ấy cũng như chi phối cuộc sống của họ. Cùng với thời gian, người nguyên thủy đã phát hiện ra một số quy luật của thiên nhiên (ngày đêm, sáng tối, vạn vật luân chuyển theo mùa…). Người nguyên thủy có khát vọng lí giải tất cả các vấn đề đó và họ bắt đầu hình dung, tri giác về thiên nhiên bằng tư duy chất phác của mình. Để rồi ta biết đến Thần Trụ Trời trong công việc tạo lập vũ trụ, phân tách đất trời cùng quá trình hình thành núi, đồi, sông, biển, …

 

ĐỌC THÊM: VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ TÁC PHẨM TRUYỆN "CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG" - O.HEN-RI

 

Giá trị chủ đề trong truyện Thần Trụ Trời không thể tách rời hình thức nghệ thuật đặc sắc của truyện kể với cốt truyện đơn giản, nhân vật thần thoại đã góp phần thể hiện sâu sắc chủ đề của truyện. 

Là truyện thần thoại, cốt truyện “Thần Trụ Trời” được xây dựng hết sức đơn giản và gần gũi, xoay quanh quá trình thần Trụ Trời phân tách đất nước ra làm đôi: “Từ đó, trời đất phân đôi. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp, chỗ trời đất giáp nhau gọi là chân trời” và tạo nên những dạng địa hình tự nhiên khác: “Khi trời đã cao và đã khô, không hiểu tại sao thần lại phá cột đi, lấy đất đá ném tung đi khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi, biến thành gò, thành đống, những dải cồn cao. Vì thế cho nên mặt đất ngày nay không bằng phẳng, mà có chỗ lồi, chỗ lõm. Chỗ thần đào đất, đào đá mà đắp cột ngày nay thành biển rộng”. Dựa vào trí tưởng tượng non nớt thuở ấy, nhân dân cổ đại đã sáng tạo ra một câu chuyện đơn giản nhưng lại đáp ứng được nhu cầu nhận thức và lí giải về thế giới.

Biêlinxki từng chia sẻ: “Nhà thơ tư duy bằng hình tượng”.  Văn học ở bất kì thời đại nào muốn phản ánh hiện thực đời sống đều phải thông qua các hình tượng nhân vật điển hình. Nhà thơ tư duy bằng hình tượng, nhà văn cũng tư duy bằng hình tượng. Thế giới thêm sắc màu, cuộc sống thêm âm điệu bởi những hình tượng nhân vật điển hình độc đáo. Trong quan niệm của người xưa, luôn có một thế lực siêu nhiên, thần thánh đang chi phối các hiện tượng thiên nhiên ấy cũng như chi phối cuộc sống của họ thế nên hình tượng nhân vật được xây dựng thuở ấy chính là những vị thần hoặc có nguồn gốc từ thần với mục đích lí giải thế giới tự nhiên cùng nguồn gốc vạn vật, muôn loài. Trong truyện “Thần Trụ Trời” nhân vật được khắc họa với một vóc dáng khổng lồ “chân thần dài không thể tả xiết, thần bước một bước là có thể qua từ vùng này đến vùng nọ, hay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác”. Thần đảm trách công việc tạo lập vũ trụ thế nên mỗi ngày thần đều hì hục vừa đào, vừa đắp để rồi chẳng bao lâu đã thành một cái cột vừa cao, vừa to để chống trời khiến cho vòm trời đẩy lên mãi phía mây xanh mù mịt. Thế nhưng khi trời đã cao và khô, thần lại phá cột đi, lấy đất đá ném tung đi khắp nơi. Giống hệt như hình ảnh ông Bàn Cổ trong thần thoại Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn có điểm khác biệt chính là sau khi đã xuất hiện trong cõi hỗn độn mà vũ trụ giống như quả trứng khổng lồ, ông đạp cho quả trứng tách đôi, nửa trên là trời, nửa dưới là đất. Rồi bằng sự biến hóa lớn lên không ngừng của bản thân, ông tiếp tục đẩy trời lên cao, đạp đất xuống thấp chứ không phải như Thần Trụ Trời đã xây cột chống trời. Truyện thần thoại có nhiều yếu tố hoang đường, phóng đại nhưng cũng có cái lõi của sự thật là con người thời cổ đã khai khẩn, xây dựng, tạo lập đất nước. Trong truyện “Đi san mặt đất” của người Lô Lô đã xuất hiện hình ảnh con người trong quá trình tạo lập vũ trụ: 

“Bầu trời nhìn chưa phẳng

Mặt đất còn nhấp nhô

Phải đi san bầu trời

Phải đi san mặt đất”

Để rồi:

“Giống nào cũng không đi

Người gọi nhau làm lấy

Nhiều sức, chung một lòng

San mặt đất cho phẳng

Nhiều tay chung một ý

San mặt đất, làm ăn”

Những phân tích trên đây cho thấy “Thần Trụ Trời” là một truyện thần thoại đặc sắc, thể hiện đầy đủ những đặc trưng của một thể loại đã một đi không trở lại. Về chủ đề, truyện đã lí giải quá trình tạo lập vũ trụ đồng thời kí gửi ước mơ chinh phục thế giới tự nhiên thuở ban đầu. Để làm rõ chủ đề ấy, tác giả dân gian đã xây dựng được cốt truyện đơn giản song vô cùng hấp dẫn để nhân vật thỏa sức thể hiện hành động, công việc của mình. Dẫu cho hàng vạn, hàng nghìn năm đã đi qua, con người đã có thể lí giải mọi vấn đề của đời sống xã hội bằng khoa học, logic thế nhưng mỗi lần nhớ đến truyện Thần Trụ Trời cùng lời kể trầm ấm của nội thì trong tâm trí tôi lại hiện lên một ông thần to lớn dang tay chống đỡ bầu trời và tôi tin đã từng có một thế lực siêu nhiên như thế! Tôi mong con người sẽ đối xử tốt hơn với thiên nhiên - những vị thần trong kí ức bởi sự sống đang ngày một yếu ớt và suy kiệt.

 

ĐỌC THÊM: VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ TÁC PHẨM TRUYỆN "CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG" - O.HEN-RI

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học TOÀN DIỆN LỚP 10 - 2K9
Khóa học KỸ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU

Tin liên quan