Đăng Ký Học
Ngày 06/11/2024 08:27:50, lượt xem: 288
ĐỀ BÀI: Phân tích, so sánh chi tiết độc đáo trong hai đoạn trích sau:
(1) “An và Liên đã buồn ngủ ríu cả mắt. Tuy vậy hai chị em vẫn cố gượng để thức khuya chút nữa, trước khi vào hàng đóng cửa đi ngủ. Mẹ vẫn dặn phải thức đến khi tàu xuống - Ðường sắt đi ngang qua ngay trước mặt phố - để bán hàng, may ra còn có một vài người mua. Nhưng cũng như mọi đêm, Liên không trông mong còn ai đến mua nữa. Với lại đêm họ chỉ mua bao diêm, hai gói thuốc là cùng. Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu. Chín giờ có chuyến tàu ở Hà Nội đi qua huyện. Đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya.
[...]
Liên cũng trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất, như ma trơi. Rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo gió xa xôi. Liên đánh thức em:
- Dậy đi, An. Tàu đến rồi.
An nhỏm dậy, lấy tay dụi mắt cho tỉnh hẳn. Hai chị em nghe thấy tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi. Một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa, tiếp đến tiếng hành khách ồn ào khe khẽ. Mấy năm nay buôn bán kém nên người lên xuống ít, có khi hai chị em đợi chờ chẳng thấy ai. Trước kia, ở sân ga, có mấy hàng cơm mở đón khách, đèn sáng cho đến nửa đêm. Nhưng bây giờ họ đóng cửa cả rồi, cũng im lặng tối đen như ngoài phố.
Hai chị em chờ không lâu. Tiếng còi đã rít lên, và tàu rầm rộ đi tới. Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng. Rồi chiếc tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Hai chị em còn nhìn theo cái chấm đỏ của chiếc đèn xanh trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre.”
(trích “Hai đứa trẻ” (1938), Thạch Lam)
(2) “Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ... Mị phảng phất nghĩ như vậy.
Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ…
Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại... Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi ngay...”, rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.
Mị đứng lặng trong bóng tối.
Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi.”
(trích “Vợ chồng A Phủ” (1953), Tô Hoài)
BÀI LÀM:
Katrina Mayer - một nhà thuyết trình nổi tiếng người Mỹ đã từng nói: “Người tạo ra sự khác biệt to lớn thường là người làm những điều nhỏ bé một cách kiên định”. Trong sáng tạo nghệ thuật, điều đó thật đúng đắn. Có hay không rằng chỉ những điều to tát, vĩ đại mới tạo nên giá trị? Đôi khi, những gì tầm thường, nhỏ bé ở xung quanh ta, nếu biết tìm kiếm và nhìn nhận lại có thể mang đến giá trị gấp nhiều lần. Văn chương luôn bắt nguồn từ một men say, một tia chớp lóe sáng, một mạch nước ngầm âm ỉ, khiến cho “chỉ vì một đôi mắt mà người ta phải cưới nguyên một người đàn bà”. Ấy chính là muốn bàn đến vai trò của chi tiết nghệ thuật, là các tiểu tiết mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Và chi tiết đợi tàu trong “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam) và chi tiết Mị cởi trói cho A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ” chính là những tiểu tiết như thế.
“Nếu tiểu thuyết là một đoạn của dòng đời thì truyện ngắn chỉ là mặt cắt của dòng đời như mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ. Chỉ liếc qua những đường vân trên khoanh gỗ tròn kia dù trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời thảo mộc” (Nguyễn Minh Châu). Do hạn chế về dung lượng câu chữ, nên truyện ngắn không phản ánh được một phạm vi hiện thực rộng lớn như tiểu thuyết, mà chỉ là những câu chuyện trong khoảnh khắc, là giây phút lóe sáng trong cuộc đời nhân vật. Vì vậy, khi viết truyện ngắn, nhà văn phải có khả năng quan sát sắc sảo, năng lực khái quát cao độ, để có thể phản ánh được bản chất của con người và đời sống qua một hiện tượng, một biến cố, một lát cắt. Nhà văn phải dồn nén hiện thực và tư tưởng vào trong những chi tiết nghệ thuật có dung lượng ý nghĩa lớn lao như “bàn tay siết lại thành nắm đấm” (Hemingway). Vì vậy yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là các chi tiết nghệ thuật. Tuy nhiên, trong một truyện ngắn, không phải chi tiết nào cũng “mang nhiều ẩn ý”, vì vậy đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn được những chi tiết đắt giá, phân tích làm sáng tỏ ý nghĩa của nó trong việc thể hiện hình tượng, chủ đề tác phẩm và tư tưởng của tác giả. Hơn nữa, theo kinh nghiệm viết truyện ngắn của Vương Trí Nhàn: “toàn truyện phải là một cái vòng khép kín, không dài quá, không ngắn quá, không xô đẩy xộc xệch, thậm chí không thừa một chi tiết nào. Khi đã vào truyện cái xà tích của một cô gái hay một chút ánh trăng thượng tuần cũng phải có ý nghĩa, cái nọ nương tựa cái kia, chi tiết này soi rọi cho chi tiết khác”. Các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm có quan hệ máu thịt với nhau, cho nên khi phân tích chúng ta phải đặt chi tiết đang tìm hiểu trong mối liên hệ khăng khít với các chi tiết khác, trong chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn của tác phẩm. Trong những đứa con tinh thần của mình, Thạch Lam và Tô Hoài đã làm rất tốt điều đó khi xây dựng nên được những chi tiết có sức chứa lớn về nội dung, tư tưởng, thể hiện tầm vóc của người nghệ sĩ.
Thạch Lam và Tô Hoài là những cây bút văn xuôi xuất sắc hàng đầu trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Nếu như ở Thạch Lam được biết đến là nhà văn của chủ nghĩa lãng mạn, ngòi bút nhẹ nhàng và tinh tế đã không biết bao lần đã thổn thức trước những thân phận nhỏ bé, khổ đau ở cõi đời này thì Tô Hoài lại lôi cuốn bạn đọc bởi lối viết sâu sắc, mang hơi thở của cuộc sống trên tường trang viết. “Hai đứa trẻ” và “Vợ chồng A Phủ” chính là hai tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Thạch Lam và Tô Hoài. Tuy được ra đời trong hai hoàn cảnh lịch sử xã hội khác nhau, song tư tưởng nhân đạo chi phối đã tạo nên sự tương đồng trong sáng tác của những tác phẩm chân chính. Mặt khác, cá tính sáng tạo, cái chất riêng của mỗi người nghệ sĩ đã làm nên nét chuyên biệt độc đáo, mang phong cách của mỗi người nghệ sĩ. Đặc biệt, chi tiết đợi tàu (“Hai đứa trẻ”) và chi tiết Mị cởi trói cho A Phủ (“Vợ chồng A Phủ”) là những “hạt bụi vàng” góp phần thể hiện tư tưởng và dấu ấn cá nhân của mỗi tác giả.
Cả nhà văn Tô Hoài và nhà văn Thạch Lam đều viết rất hay, rất độc đáo và phản ánh một cách chân thực về cuộc sống của những người lao động khốn khổ trong xã hội. Đối với tác phẩm “Hai đứa trẻ” chi tiết đợi tàu của Liên và An được đặt trong bối cảnh cuộc sống chung của toàn bộ câu chuyện là một huyện lị nghèo, bao quanh là ruộng đồng, có một cái chợ và một ga nhỏ với tuyến đường sắt xe lửa chạy ngang mỗi ngày một bận. Nó mang dáng dấp của vùng đất nửa phố xá nửa làng quê. Và rồi, trên cái nền của bức tranh ngày tàn ấy là những kiếp người lầm lũi, lay lắt trong bóng tối. Trên cái nền không gian ấy hiện lên hai đứa trẻ thật đặc biệt. Không phải là nô đùa hay những hoạt động vui chơi như vốn có của tuổi thơ. Ngược lại, chúng chờ đợi, mong ngóng đoàn tàu chạy qua dù đã “ríu cả mắt” như một sự tìm kiếm vô nghĩa, thậm chí là vô bổ. Ngòi bút của Thạch Lam không thể nông cạn như thế. Xây dựng chi tiết ấy, Thạch Lam đã tô đậm một cách chân thực cuộc sống nhàm chán, vô vị, tẻ nhạt của những mảnh đời lay lắt nơi phố huyện ấy. Họ chờ đợi “sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya” như một cách để cứu cánh, để giải thoát khỏi sự im lặng và bóng tối u ám dù chỉ trong thoáng chốc. Cũng vậy, với “Vợ chồng A Phủ”, tái hiện nhân vật Mị trong thế cùng A Phủ vượt thoát khỏi bọn lang đạo, địa chủ miền núi Tây Bắc, Tô Hoài đã lên án giai cấp thống trị bất nhân được thực dân Pháp bảo trợ đã chà đạp lên quyền sống, quyền hạnh phúc của những người dân lương thiện miền núi Tây Bắc. Xã hội đốn mạt đã cho chúng sức mạnh để tác oai tác oái với số phận đau khổ, éo le đến tột cùng. Chính xã hội thực dân nửa phong kiến đã trao cho bọn chúa đất những quyền uy đó để giờ đây chúng hành động một cách không có tình người, không có sự bao dung, độ lượng hay giúp đỡ những người dân với số phận nghèo khổ. Những người lao động bình thường như Mị, như A phủ, họ chỉ có thể nương tựa vào nhau để tự giải thoát cho chính mình với hy vọng được tự do, được sống theo đúng nghĩa.
Đồng thời, viết về họ, thông qua hai chi tiết đặc sắc, cả hai nhà văn đều thể hiện cái nhìn đồng cảm sâu sắc và sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp tâm hồn và những khát khao, những ước mơ tươi sáng của họ. Thạch Lam tinh tế phát hiện, nâng niu và trân trọng ước mơ của hai đứa trẻ ẩn trong tâm trạng, nỗ lực đợi tàu của chúng. Đợi tàu với người lớn ở phố huyện có thể để trao đổi hàng hóa, để bán buôn, để mưu sinh nhưng với hai đứa trẻ thì khác. Hai đứa trẻ đợi chờ chuyến tàu đêm vì cái cớ dễ thương đến tội nghiệp. Vì “chuyến tàu là hoạt động cuối cùng của đêm”. Chờ đợi đoàn tàu là hai đứa trẻ đang sống cho quá khứ - hiện tại – hay tương lai? Ta có thể cảm nhận rằng, đợi tàu còn là hy vọng đổi đời. Chị em Liên chờ đợi và khát khao cuộc sống khác, có thể ở tương lai, có thể chỉ trong mơ nhưng nó sáng hơn, vui nhộn hơn, nó cũng sung túc sang trọng hơn. Ta cũng bắt gặp tư tưởng nhân văn ấy trong trang viết của Tô Hoài. Có thể nói Tô Hoài đã đồng cảm sâu sắc với khát vọng của Mị, Tô Hoài khám phá ra quy luật của cuộc sống ở thân phận bé nhỏ của Mị. Ông hiểu điều gì ắt phải đến. Cuộc đời khốc liệt tới đâu cũng không thể chôn vùi khao khát cuộc sống tự do, hạnh phúc của Mị. Và Mị phản kháng là điều tất yếu. Sức sống, sức trẻ, tình thương vốn tiềm tàng trong cô đã giúp cô đủ sức mạnh để cởi trói cho A Phủ. Mị đã chứng tỏ được sức sống của con người để giúp thoát khỏi chính số phận cay nghiệt của cuộc đời mình. Tô Hoài còn đặc biệt ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp, sức sống diệu kì của những kiếp nông nô lầm than, tủi nhục - trong mọi cảnh ngộ, họ luôn luôn tìm cách vươn lên bằng khát vọng tự do, hạnh phúc, bằng sức mạnh yêu thương và sự dẫn đường chỉ lối của cách mạng. Nhà văn người Liên Xô Mikhail Sholokhov từng nói: “Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái đẹp và cái nhân đạo của lòng người”. Dường như thấm nhuần tư tưởng ấy mà Thạch Lam và Tô Hoài đã tạo ra được những thanh nam châm hút mọi thế hệ, mọi giai đoạn, mọi thời đại bằng cái cao cả nhân văn được gửi gắm thông qua những chi tiết đặc biệt.
Một tác phẩm văn chương thành công là tác phẩm ghi lại dấu ấn riêng trong lòng bạn đọc. Vì vậy mà bên cạnh những điểm tương đồng, ta vẫn thấy những nét độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân của hai nhà văn. Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, nhà văn Thạch Lam dành cái nhìn thương cảm, xót xa cho những người dân phố huyện nghèo, sống mòn mỏi, khổ cực và luôn chờ đợi cuộc sống khác từ những chuyến tàu đêm. Có thể thấy, phố huyện nơi Liên sống là nơi không có ánh sáng, không có niềm vui và ngay cả cái quyền được làm trẻ con Liên cũng không có nốt. Nơi đó có đáng sống không, đáng để gắn bó không? Phố huyện là thế, cho nên, đâu phải ngẫu nhiên mà lúc nào Liên cũng mơ màng nhớ về Hà Nội, quá khứ của cô. Nơi đó, cô có cuộc sống sung túc, có thể sống với cái tuổi trẻ con của mình: được đi chơi bờ Hồ, được ăn quà ngon, lạ, được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Và Hà Nội nhiều đèn, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo. Đó là một thế giới đầy ánh sáng, ngập tràn niềm vui, những thứ mà bất cứ đứa trẻ nào cũng khao khát có. Nơi đó đáng sống. Nhưng với tâm thế của một đứa trẻ, hay với sự hạn hẹp trong thế giới quan của một nhà văn lãng mạn, Liên không thể đào thoát khỏi cái phố huyện nghèo nàn, tăm tối ấy. Thạch Lam cũng không thể như Ngô Tất Tố xui chị Dậu ném xấp bạc vào mặt tên quan phủ Tư Ân mà chạy ra đường. Mà đường hôm ấy thì tối đen như mực, bỏ chạy thì tương lai thế nào? Liên không thể bỏ chạy, người dân phố huyện cũng không thể bỏ chạy. Cái mà họ có thể làm là trông đợi một chuyến tàu đêm. Bởi, với họ, đoàn tàu là một thế giới khác đi qua, “khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa bác Siêu” như trong cách hiểu non nớt của Liên. Đoàn tàu đêm qua phố huyện, từ xa đã nghe rõ tiếng còi kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi, rồi nó rầm rộ đi tới, tiếng bánh xe dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi như muốn phá vỡ cái tù đọng của không gian. Rồi ánh sáng tràn ngập, là “làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa”, là “các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường”, là cái sang trọng khác xa cái nghèo nàn, rách rưới của phố huyện ở những toa hạng trên với “đồng và kền lấp lánh”. Trên chuyến tàu ấy, những con người hoạt động đầy sức sống, họ ồn ào, họ huyên náo, họ lố nhố khác xa với cái lầm lũi, thì thầm của cư dân vùng quê ngập ngụa trong bóng tối. Niềm vui thoáng chốc, nhưng ít ra nó mang lại cho người dân nghèo phố huyện một chút hi vọng về một sự thay đổi trong tương lai. Và với Liên, đoàn tàu còn mang một ý niệm khác. Nó có thể không đông, không sang, không sáng hơn mọi khi, nhưng với cô nó vẫn đặc biệt vì nó đến từ Hà Nội, đến từ vùng sáng rực, vui vẻ và huyên náo trong kí ức mong manh, không rõ rệt của một đứa trẻ. Đoàn tàu như tia hồi quang giúp Liên sống lại trong chốc lát những kỉ niệm ngọt ngào của quá khứ. Nói cho cùng, câu chuyện mà Thạch Lam là câu chuyện về niềm tin và hi vọng. Người dân phố huyện có còn gì khác đâu ngoài hi vọng về một tương lai khác, một thế giới khác, vui vẻ hơn, đáng sống hơn. Cái lãng mạn của Thạch Lam chính là ở đó.
Nguyễn Minh Châu từng khẳng định sứ mệnh của người cầm bút chính là “nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hay số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết niềm tin vào con người và cuộc đời. Không ai khác những người cầm bút tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.” Và nhà văn Tô Hoài đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh ấy khi ông đã khám phá và khẳng định sức sống tiềm tàng, khả năng phản kháng và sự đấu tranh để tự giải phóng mình, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn của những người lao động nghèo khổ thông qua chi tiết Mị cát dây cởi trói cho A Phủ. Mị “rón rén bước lại”, “rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây” cởi trói cho A Phủ. Đây là hành động tự phát, mang ý nghĩa tiếp tục nổi loạn, khởi đầu cho sự vùng lên. Từ một người đàn bà yếu đuối, Mị đã trở thành một người can đảm. Bao nhiêu nhẫn nhục có trong người nay đã trỗi dậy, trộn lẫn với lòng thương người, tạo thành sức mạnh phản kháng, cứa vào sợi dây mây để thực hiện nguyên lí tình thương. Hành động cắt dây mây cởi trói cứu A Phủ là một hành động táo bạo, ngoài dự tưởng, mang tính chất tự phát. Hành động này có nguồn gốc sâu xa. Nó được thực thi bằng một sức sống mãnh liệt của khát vọng tự do, của việc van xin không bị bán cho nhà giàu, của cái lặng câm, của cái mặt luôn cúi xuống - buồn rười rượi, của cái ý định ăn lá ngón để chết, của cái việc lén uống rượu ừng ực từng bát một, thầm hát theo tiếng sáo, uốn lá trên môi thổi lá hay như thổi sáo, của sự mộng du - sống thực trong cảnh ảo: đi chơi trong đêm tình mùa xuân. Mị đã cắt một sợi dây bằng con dao nhỏ để được một việc lớn. Một hành động mà lại phá toang được hai nhà tù: nhà tù phong kiến miền núi của bọn thổ ti Hmông dưới sự hậu thuẫn của thực dân Pháp, và nhà tù ma lực thần quyền. Cắt một sợi dây mà xóa đi hai kiếp người nô lệ, mở ra một cuộc đời mới của một đôi vợ chồng, một cặp đồng chí thì quả là một điều đáng quý. Do vậy mà đoạn văn cuối của phần này là đoạn bản lề của tác phẩm. Mị đã vùng lên cứu người và cứu mình. Tô Hoài chỉ ra con đường giải phóng cho người nông dân đó là đến với Cách Mạng, qua đó thể hiện niềm tin của nhà văn vào con người, vào sức sống tiềm tàng của họ. Mị đã hoàn toàn thoát khỏi vỏ bọc trước đây, chạy về phía ánh sáng. Phía trước còn đó những khó khăn nhưng chí ít những con người bé nhỏ ấy đã đứng dậy đấu tranh, giải thoát cho chính mình, cho mình một con đường sống nơi Phiềng Sa. Như vậy, có thể nói, với việc xây dựng nên chi tiết “vượt thoát” đắt giá, nhà văn Tô Hoài đã “đưa vào một không khí vời vợi làm cho đất nước và con người bay bổng lên hơn, rời bỏ được cái ám ảnh tủn mủn, lặt vặt thường làm co quắp nhân vật và làm nhỏ bé vấn đề khung cảnh đi” như đúng quan niệm của ông về nghệ thuật ngôn từ.
Với Tô Hoài “Mỗi chữ phải là hạt ngọc buông xuống những trang bản thảo”. Có lẽ, đây không phải là quan niệm của mình Tô Hoài, chỉ riêng Tô Hoài mà còn chính là tâm niệm của mỗi người nghệ sĩ trên chặng hành trình gọt chữ thành văn. Không chỉ bằng những từ ngữ giàu có, đặc sắc mà còn bởi việc xây dựng chi tiết một cách đắc địa, tài ba, nó đã hóa thành những “hạt ngọc” gieo rắc lên những trang giấy và ghim vào trái tim bạn đọc. Sở dĩ, cả hai nhà văn đều có những điểm gặp gỡ nhau trong giá trị tư tưởng gửi gắm trong mỗi chi tiết bởi cả hai đều là những nhà văn có tấm lòng nhân đạo và tình cảm yêu thương con người sâu sắc, hạt nhân căn bản là tình yêu thương con người. Song, ở hai ông vẫn có những điểm khác biệt. Sự khác biệt ấy xuất phát từ đặc trưng của văn học - văn học là lĩnh vực của sự sáng tạo, nó không cho phép sự lặp lại. Thêm vào đó, mỗi nhà văn có một phong cách sáng tạo nghệ thuật khác nhau, tạo nên dấu ấn riêng của mỗi người. Thạch Lam với cảm quan lãng mạn chưa cho phép nhà văn đi xa hơn trong việc tìm thấy con đường giải thoát thực sự cho người lao động. Còn Tô Hoài vốn am hiểu phong phú sâu sắc về đời sống của những người nông dân vùng cao và viết chân thực về cuộc đời của họ. Không khí của cuộc cách mạng trên mảnh đất Tây Bắc đã khiến nhà văn phản ánh được sức sống mãnh liệt của họ và quá trình tự đấu tranh đến với cách mạng để thay đổi cuộc sống của mình. Chủ nghĩa nhân đạo của Tô Hoài trong “Vợ chồng A Phủ” là chủ nghĩa nhân đạo cách mạng. Chính Cách mạng, chính trường lớp cuộc đời đã dạy cho Tô Hoài những điều cuộc sống cần ở người nghệ sĩ. Dù vậy, tuy cách viết khác nhau và ở hai giai đoạn văn học khác nhau nhưng chi tiết Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ của Tô Hoài và chi tiết miêu tả tâm trạng chị em Liên trong cảnh đợi tàu của Thạch Lam, người đọc hiểu hơn về tấm lòng trân trọng của nhà văn với ước mong giản dị, cao đẹp của con người trong xã hội đương thời. Vì lẽ đó, chi tiết không bao giờ tồn tại một cách độc lập, rời rạc, tỏa sáng ngoài bản lề của tác phẩm mà nó luôn được đặt trong một chỉnh thể toàn vẹn, góp phần thể hiện giá trị chân thiện mĩ. Đúng như quan niệm cho rằng: “Chi tiết nghệ thuật đơn thuần là ánh nắng, chói lọi trong giây lát trước mọi người, mà chi tiết nghệ thuật còn là sắc xanh của buổi chiều tà, đọng lại trong lòng người để rồi cứ vấn vương trăn trở”.
Chi tiết nghệ thuật được xem như linh hồn của một văn bản ngôn từ. Theo quy luật điển hình hóa của văn học, qua một giọt sương để thấy cả bầu trời, nghệ sĩ lớn là người có khả năng chưng cất cả đại dương vào trong một giọt nước, cả vũ trụ vào trong một giọt sương. Tầm cỡ nhà văn là viết về những cái rất nhỏ, vặt vãnh nhưng khơi gợi được những vấn đề lớn, liên quan đến số phận con người, nhân loại. Và hai chi tiết đắt giá trên được đặt trong mối quan hệ của chỉnh thể tác phẩm đã thức tỉnh nơi bạn đọc những rung động, tình cảm sâu xa tưởng như đã chìm vào quên lãng bởi lớp bụi của thời gian.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học VĂN VIP LỚP 12 - 2K7
- Khóa học KỸ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU
Tin liên quan