Đăng Ký Học
Ngày 17/12/2024 15:17:52, lượt xem: 2380
Bài làm
Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những tác phẩm sân khấu hay nhất của thế kỉ XX, được xây dựng bởi nhà viết kịch, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Lưu Quang Vũ. Tác giả đã rất thành công trong việc vay mượn, cải biến, sáng tạo từ nguồn cảm hứng truyền thống là truyện cổ tích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” kết hợp cùng những tư tưởng của thời hiện đại. Người cầm bút đã thổi hồn vào chuyện xưa, biến nó thành sản phẩm vượt thời gian với những giá trị dân gian và tinh thần đổi mới quyện hòa độc đáo.
Viết “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, Lưu Quang Vũ đã lấy cảm hứng từ tư tưởng về sự mâu thuẫn giữa hồn và xác, một chủ đề quen thuộc trong văn hóa dân gian, đặc biệt là trong các câu chuyện cổ tích về sự hồi sinh, sống lại của nhân vật. Bên cạnh đó, là chịu ảnh hưởng từ triết lý phương Đông về sự thống nhất giữa hồn và xác của con người và nguy cơ tha hóa, mất bản chất, mâu thuẫn giữa lý tưởng và thực tế trong bối cảnh rối ren, loạn lạc. Cuối cùng, có thể thấy Trương Ba là nhân vật điển hình của người nông dân Việt Nam xưa: chân chất, thật thà, mộc mạc nhưng lại không có kết cục tốt đẹp và phải chịu sự biến chất của đời sống đương thời. Trên cơ sở đó, nhà viết kịch đã tiếp nhận cho tác phẩm của mình để gửi gắm những thông điệp, góc nhìn mới mang tính thời sự vô cùng đặc sắc.
Trong truyện cổ tích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, ta thấy trước hết về cốt truyện: vở kịch có điểm tương đồng với mẫu gốc khi sử dụng cốt truyện về nhân vật Trương Ba được tái sinh nhưng hồn phải sống nhờ thân xác anh hàng thịt. Nhưng Lưu Quang Vũ đã phát triển, biến đổi để cốt truyện trở nên sâu sắc, đậm tính thời sự hơn bằng cách tạo ra những tình huống mâu thuẫn, không chỉ dừng lại ở hồn và xác mà còn có sự đấu tranh nội tâm giằng xé của Trương Ba khi phải đối diện với sự “méo mó” bản chất của chính mình trong thân xác anh hàng thịt. Về thời gian và không gian, tuy vay mượn bối cảnh nông thôn, làng quê Việt Nam ở phạm vi hẹp nhưng tác giả đã khái quát, nâng lên những vấn đề xã hội thực tế, nhức nhối của cả nhân loại bấy giờ, không dừng lại ở câu chuyện cổ tích mà là bản tố trạng bi kịch con người trong xã hội. Tiếp đó, trên phương diện nhân vật: nếu truyện chỉ gồm 3 nhân vật chính: Trương Ba, Đế Thích, vợ Trương Ba thì khi xây dựng vở kịch, Lưu Quang Vũ viết thêm rất nhiều nhân vật: Nam Tào, Bắc Đẩu, gia đình Trương Ba, người bạn Trương Ba…. Nhân vật chính vẫn mang những đặc trưng của truyện cổ tích, như Trương Ba giỏi đánh cờ, hiền lành, chất phác; Đế Thích là tiên trên trời, tự tin với tài đánh cờ nhưng lại khuất phục trước Trương Ba, và cả vợ Trương Ba, hai vợ chồng hàng thịt. Việc tiếp nhận này không chỉ phản ánh sự kết nối với truyền thống mà còn cho thấy cái nhìn riêng của tác giả về chủ đề được khai thác. Qua góc nhìn của Lưu Quang Vũ, Trương Ba thành biểu tượng cho cuộc sống mâu thuẫn, hình tượng bi kịch không chỉ lạc lõng trong thân xác người khác, không tìm được bến đỗ cho tâm hồn mà còn là sự tha hóa dần, “hòa tan dần” với cái xấu xa, đê hèn. Cách nhà viết kịch xây dựng những tuyến nhân vật và cuộc đối thoại càng làm nổi bật sự đối nghịch trong cách nhìn về đạo đức và bản chất con người hiện đại.
Qua đó, ta thấy sự cải biến vô cùng rõ ràng được thể hiện trong vở kịch. Tác giả không chỉ kể lại câu chuyện mà còn thêm thắt yếu tố nghịch lý về cái chết và sự sống, đặc biệt là việc linh hồn và thể xác không thể dung hòa. Mâu thuẫn giữa hai yếu tố này được thể hiện sinh động qua diễn biến nội tâm của Trương Ba, khi ông buộc phải sống trong thân xác của người khác. Tình huống Trương Ba cố gắng tìm lại chính mình nhưng lại càng lạc lối trong cuộc sống. Những câu hỏi như: "Liệu có thể sống thật với chính mình khi thân xác đã không còn là của mình?" tạo nên những suy ngẫm sâu sắc về bản chất con người, đạo đức và xã hội.
Tác giả Lưu Quang Vũ không chỉ phản ánh sự mâu thuẫn giữa hồn và xác, mà còn sáng tạo trong thông điệp khi đặt ra câu hỏi lớn về giá trị sống thực sự của con người. Ông khai thác chủ đề theo hướng hiện thực hóa, gắn liền với cuộc sống đương đại, nơi mà con người thường xuyên bị thách thức bởi những mâu thuẫn nội tâm và những giá trị xã hội bị tha hóa. Tình tiết Trương Ba bị lấn át bởi những suy đồi, biến chất của xã hội được tác giả đưa vào một cách sáng tạo, làm nổi bật bài học về sự đúng sai, thiện ác trong đời sống con người. Và để làm được những điều trên, không thể không kể đến vai trò của tác giả trong việc sáng tạo về ngôn ngữ và hình thức kịch. Lưu Quang Vũ không chỉ tiếp nhận thể loại kịch dân gian mà còn biến đổi hình thức kịch, từ việc dùng lối đối thoại thông thường sang sử dụng các ngôn ngữ biểu tượng, ẩn dụ, giúp phản ánh tâm lý và xã hội trong từng câu thoại. Các nhân vật không chỉ đơn thuần là những hình mẫu dân gian mà trở thành những biểu tượng xã hội trong cuộc sống hiện đại.
ĐỌC THÊM: BÀI VIẾT MẪU LỚP 12 - NGHỊ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA VĂN HỌC ĐỐI VỚI TUỔI TRẺ
Việc cải biến, cách tân đã mở ra nhiều sự khám phá, liên tưởng. Nếu như truyện cổ tích ”Hồn Trương Ba, da hàng tích” chú trọng vào việc gieo cho con người niềm tin vào người thiện sẽ được sống tiếp và bỏ ngỏ mâu thuẫn giữa hồn và xác. Thì Lưu Quang Vũ tập trung khai thác thêm những vấn đề thời sự, thông điệp, triết lý mang tính nhân sinh, từ đó mở rộng ý nghĩa và nâng cao giá trị của tác phẩm. Tài năng của nhà viết kịch thể hiện qua cách ông dung hòa giữa việc tiếp nhận tinh hoa văn học cũ và đổi mới để tạo nên tác phẩm độc đáo, mang ý nghĩa vượt thời gian. Qua đó, cũng giúp ta thấy được tình cảm, thái độ của nhà văn đối với giá trị thực của con người và lời cảnh tỉnh cho mọi thời.
Bằng việc phân tích sự vay mượn, cải biến và sáng tạo trong tác phẩm, chúng ta nhận thấy Lưu Quang Vũ đã khéo léo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, vừa giữ lại được những giá trị cốt lõi, vừa tạo ra những sáng tạo mới mẻ, khiến tác phẩm trở nên đa chiều, sâu sắc và có tính thời đại. Tác phẩm không chỉ mang giá trị về mặt nghệ thuật mà còn làm nổi bật tình cảm và tư tưởng của tác giả đối với các vấn đề xã hội. Qua đây ta thấy việc việc so sánh sự vay mượn và cải biến trong các tác phẩm khác nhau của cùng một tác giả, hoặc trong văn học quốc tế là cần thiết để thấy được sự giao thoa, ảnh hưởng và sự phát triển của những chủ đề quen thuộc qua các thời kỳ lịch sử.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học VĂN VIP LỚP 12 - 2K7
- Khóa học KỸ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU
- Khóa học PHƯƠNG PHÁP & LUYỆN ĐỀ LỚP 12 - 2K7
Tin liên quan